Đào Uyên Minh ‘nguyện không làm trái với chính mình’

Đào Uyên Minh ‘nguyện không làm trái với chính mình’
Tranh vẽ màu ở hành lang Di Hòa viên: Uyên Minh thích hoa cúc. (Ảnh: Tài sản công)

“Ông tổ thi nhân ẩn dật” Đào Uyên Minh là chắt nội của Đào Khản. Mặc dù ông nội và ông ngoại đều là danh sỹ thời Đông Tấn, nhưng đến đời Đào Uyên Minh, gia thế đã suy yếu. Tuy sống nghèo khó từ nhỏ nhưng Đào Uyên Minh không coi cái nghèo là nỗi khổ. Suốt cuộc đời Đào Uyên Minh không có sự nghiệp hiển hách, nhưng ông lại khiến hậu thế phải ngưỡng mộ, truyền tụng không ngừng bởi nhân cách cao thượng và thành tựu thơ văn.

Từ thời niên thiếu, Đào Uyên Minh đã ôm chí lớn vì quốc gia xã tắc. Ông từng tự hứa với mình rằng “Mãnh chí dật tứ hải” (Ý chí lớn mạnh vượt lên cả bốn biển – Trích “Tạp thi thập nhị thủ – Kỳ ngũ” – Đào Uyên Minh). Nhưng sống vào thời loạn thế, ông ôm chí lớn mà lại không được vẫy vùng, chỉ nhận một vài chức quan nhỏ. Trong thời gian làm quan, ông thường khích lệ bản thân thủ “chân” thủ “đạo”, với mong muốn lời nói và việc làm của mình phải phù hợp với tiêu chuẩn của một bậc thánh nhân. Khi đảm nhiệm chức huyện lệnh Bành Trạch, vì không muốn đội mũ đeo đai tiếp đón vị quan đốc bưu có quan phẩm không tốt mà Đào Uyên Minh đã lựa chọn từ quan giải ấn quay trở về với ruộng vườn. “Ta không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng trước kẻ tiểu nhân thô lỗ” (Trích “Phổ thư”).

Khi đó ông đã viết bài thơ “Quy khứ lai từ” để nói lên chí khí của bản thân. Trong lời tựa ông đã viết rằng: “Chất tính tự nhiên, phi kiểu lệ sở đắc, cơ đông tuy thiết, vi kỷ giao bệnh…” (Tạm dịch: Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, gượng ép được. Cái ăn, cái mặc tuy cần thiết nhưng làm trái với chính mình thì còn đau khổ hơn). Trong sự mâu thuẫn giữa “đói rét” và “làm trái với chính mình”, ông đã đưa ra sự lựa chọn không hề dễ dàng. Điều đó có nghĩa là thê tử cũng sẽ phải chịu đói cùng ông, cũng không có tiền để mua loại rượu yêu thích nhất… Ông thậm chí còn phải đi xin ăn vì đói khát! Văn hào một thời Tô Đông Pha khi đọc bài thơ “Khất thực” của ông cũng không khỏi cảm thấy đau lòng!

Thế nhưng trong ma nạn khiến người ta khó có thể tưởng tượng này, ông vẫn luôn không oán không hận, an bần thủ đạo, tự hứa với mình rằng “y triêm bất túc tích, đãn sử nguyện vô vi” (Tạm dịch: Áo ướt không đáng để hối tiếc, nguyện không làm trái với chính mình – Trích “Quy viên điền cư – kỳ tam” – Đào Uyên Minh). Đào Uyên Minh cũng không lo âu trước tình cảnh gian nan của bản thân. Có thể thấy rằng ông hiểu rất rõ chính mình, thay vì chìm nổi trong dòng nước đục khiến tâm không thể tĩnh lại, chẳng thà nhảy ra khỏi dòng nước ấy để tâm hồn được tự do. Đối với ông, “làm trái với chính mình” còn đáng sợ hơn là “đói rét”. Thế nên là một người tôn quý, ông xả bỏ hư danh nơi thế tục, lựa chọn ẩn cư, trở về với vòng tay của núi rừng, trở về với sinh mệnh chân thực.

Như thế, khổ nạn của cuộc sống hiện thực không ngăn cản được người có trí huệ và lòng quyết tâm. Dũng khí của Đào Uyên Minh khiến người ta bội phục. Nếu không thực sự hiểu chính mình, không thiết tha mong mỏi tìm kiếm giá trị và sự tự do của sinh mệnh, thì người bình thường rất khó có thể đưa ra quyết định khi đứng trước lợi ích. Sống vào thời loạn thế, khắp nơi đầy rẫy sâu bọ, Đào Uyên Minh đã không bị cuốn theo dòng, không bán linh hồn, mà tôn trọng chí hướng của bản thân, lựa chọn từ quan để không hổ thẹn với lòng mình. Thế còn chúng ta, chúng ta nên đối đãi với sinh mệnh của mình như thế nào đây?

Phụ lục:

1. Bài thơ “Quy khứ lai từ” – Đào Uyên Minh

[Lời tựa] Gia đình ta nghèo, việc cấy cày, trồng trọt không đủ ăn. Con cái đầy nhà mà trong bồ thiếu lúa gạo. Cuộc sống chưa biết phải giải quyết ra sao. Người thân và bạn bè nhiều lần khuyên ta ra làm quan, thể hiện hoài bão, ta cũng có ý muốn như vậy nhưng chưa tìm được đường tiến thân. Vừa hay gặp lúc có việc quan các nơi, được chư hầu yêu mến đức hạnh; thúc phụ lại thương ta nghèo khó, tiến cử ta đến ấp nhỏ. Bấy giờ giặc giã chưa yên, trong lòng ta e ngại phải đi xa.

Bành Trạch cách nhà độ trăm dặm, cái lợi về công điền (ruộng công) cũng đủ cho cuộc sống nên ta xin được đến đó. Chẳng bao lâu sau, ta nhớ nhà muốn quay về. Cớ sao vậy? Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, gượng ép được. Cái ăn, cái mặc tuy cần thiết nhưng làm trái với chính mình thì còn đau khổ hơn. Ta thử ra làm việc quan, mượn cớ là vì miếng ăn.

Thế rồi ta thất vọng tràn trề, cảm thấy rất hổ thẹn với chí bình sinh. Ta vốn định làm quan độ một năm rồi sẽ thu xếp y mão về quê. Nhưng chỉ được ít lâu, hay tin muội muội ta là Trình Thị mất ở Vũ Xương. Vì tình ruột thịt, ta phải nhanh chóng quay về lo chuyện tang sự nên xin tự miễn chức. Từ giữa mùa thu đến mùa đông, ta đã làm quan được hơn 80 ngày. Vì việc thuận lòng nên ta viết bài “Quy khứ lai hề”. Tháng Mười Một năm Ất Tỵ

Phiên âm:

Quy khứ lai hề, điền viên tương vu hồ bất quy?
Ký tự dĩ tâm vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi?
Ngộ dĩ vãng chi bất gián, tri lai giả chi khả truy.
Thực mê đồ kỳ vị viễn, giác kim thị nhi tạc phi.
Chu dao dao dĩ khinh dương, phong phiêu phiêu nhi xuy y.
Vấn chinh phu dĩ tiền lộ, hận thần quang chi hy vi.

Nãi chiêm hành vũ, tải hân tải bôn.
Đồng bộc hoan nghênh, trĩ tử hậu môn.
Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn.
Huề ấu nhập thất, hữu tửu doanh tôn.
Dẫn hồ trường dĩ tự chước, miện đình kha dĩ di nhan.

Ỷ nam song dĩ ký ngạo, thẩm dung tất chi dị an.
Viên nhật thiệp dĩ thành thú, môn tuy thiết nhi thường quan.
Sách phù lão dĩ lưu khế, thời kiểu thủ nhi hà quan.
Vân vô tâm dĩ xuất tụ, điểu quyện phi nhi tri hoàn.
Cảnh ế ế dĩ tương nhập, phủ cô tùng nhi bàn hoàn.
Quy khứ lai hề, thỉnh tức giao dĩ tuyệt du.
Thế dữ ngã nhi tương vi, phục giá ngôn hề yên cầu?
Duyệt thân thích chi tình thoại, lạc cầm thư dĩ tiêu ưu.
Nông nhân cáo dư dĩ xuân cập, tương hữu sự ư tây trù.
Hoặc mệnh cân xa, hoặc trạo cô chu.

Ký yểu điệu dĩ tầm hác, diệc khi khu nhi kinh khâu.
Mộc hân hân dĩ hướng vinh, tuyền quyên quyên nhi thuỷ lưu.
Thiện vạn vật chi đắc thời, cảm ngô sinh chi hành hưu.

Dĩ hĩ hồ! Ngụ hình vũ nội phục kỷ thời?
Hạt bất uỷ tâm nhiệm khứ lưu?
Hồ vi hô hoàng hoàng, dục hà chi?

Phú quý phi ngô nguyện, đế hương bất khả kỳ.
Hoài lương thần dĩ cô vãng, hoặc thực trượng nhi vân tỷ.
Đăng đông cao dĩ thư khiếu, lâm thanh lưu nhi phú thi.
Liêu thừa hoá dĩ quy tận, lạc hô thiên mệnh phục hề nghi?

(Tạm dịch:

Về đi thôi, ruộng vườn sắp hoang vu rồi mà sao không về?

Đã để lòng mình phục dịch cho thân thể, sao còn một mình buồn bã, bi thương?

Hiểu rằng dĩ vãng không thể sửa, nhưng tương lai có thể đổi thay.

Chưa thực đi xa trên con đường mê lạc, cảm thấy hôm nay đúng còn hôm qua đã sai.

Thuyền nhè nhẹ lướt đi xa xa, gió hiu hiu thổi tà áo bay.

Hỏi khách qua đường con đường phía trước, mà giận thay ánh ban mai còn chưa tỏ.

Trông thấy quê nhà, lòng hân hoan ta rảo bước nhanh.

Gia bộc nghênh đón, trẻ thơ đứng cổng chờ.

Con đường đi giờ đây hoang vu, nhưng tùng cúc vẫn còn đó.

Dắt con trẻ vào nhà, có rượu đầy vò.

Nâng chén rượu tự uống, ngắm nhìn cây cối trước sân mà vui sướng.

Tựa vào cửa sổ phía nam thấy tự hào, nơi chốn nhỏ bé chỉ đủ duỗi chân cũng đủ để sống an nhàn.

Ngày ngày đi bách bộ trong vườn, thích thú biết bao, nhà tuy có cửa mà thường đóng kín.

Chống gậy ngồi nghỉ ngơi, ngẩng đầu lên nhìn xa xăm.

Đám mây vô tình rời khỏi ngọn núi, chim bay mỏi cánh biết trở về.

Cảnh vật sắp chìm vào bóng tối, ta vẫn thơ thẩn đứng đó vỗ về cây tùng lẻ loi.

Về đi thôi! Từ đây sẽ ít giao du để không còn rong chơi nữa.

Ta với đời vốn không có chung chí hướng, còn qua lại để mong cầu điều chi?

Vui vẻ lắng nghe những lời tình cảm của người thân, lấy đàn cầm sách vở để giải mối ưu phiền.

Người nông dân tạm biệt những ngày tháng nhàn rỗi để đón xuân về, chuẩn bị cày cấy đám ruộng phía tây.

Có khi ta ngồi trên chiếc xe che mui, có khi ta chèo chiếc thuyền đơn nhỏ.

Có khi ngồi thuyền đi vào nơi sâu tĩnh mịch tìm khe suối, cũng có khi đánh xe lên những nơi gồ ghề.

Cây cối mọc um tùm xanh tốt, suối nguồn chảy róc rách.

Khi đã quen thuộc với cái đức của vạn vật, cảm thấy đây là chốn nghỉ ngơi của cuộc đời.

Nhưng thôi! Tấm thân gửi trên cõi đời này, hỏi còn được mấy lúc.

Sao không để mặc cho nó trôi đi? Còn phải lật đật mong cầu gì nữa?

Giàu sang vốn không phải ước nguyện của ta, mà thượng giới thì ta không dám mơ tới.

Ngày đẹp trời một mình dạo chơi, hay cầm gậy làm cỏ xới đất.

Trèo lên gò đất phía đông ngâm nga hát, đến bên dòng suối tặng vần thơ.

Mặc cho vạn vật biến hóa đến tận cùng, vui đạo trời, biết mệnh người, còn có điều gì nghi hoặc nữa.)

2. Bài thơ “Quy viên điền cư – kỳ tam” của Đào Uyên Minh

Phiên âm:

Chúng đậu Nam Sơn hạ, thảo thịnh đậu miêu hi.

Thần hưng lý hoang uế, đới nguyệt hà sự quy.

Đạo hiệp thảo mộc trưởng, tịch lộ triêm ngã y.

Y triêm bất túc tích, đãn sử nguyện vô vi.

(Tạm dịch:

Trồng đậu dưới chân núi Nam Sơn, cỏ dại rậm rạp đậu nảy mầm ít.

Sáng sớm tinh mơ đi vỡ hoang, đến khi trăng lên vác cuốc về.

Con đường nhỏ hẹp cây cối um tùm, sương đêm thấm ướt áo ta.

Áo ướt không đáng để hối tiếc, nguyện không làm trái với chính mình.)

Vũ Sinh thực hiện

Thảo Nguyên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x