Khen chê chớ bận lòng, thị phi lâu ngày tự rõ

Khen chê Minh Chân Tướng
Cổ nhân có câu: “Đường dài biết sức ngựa, sống lâu biết lòng người”. (Tranh Chí Cường – Epoch Times)

Cổ nhân có câu: “Đường dài biết sức ngựa, sống lâu biết lòng người”. Không thể vì danh tiếng tạm thời mà tôn vinh là bậc quân tử, cũng chẳng thể vì tai tiếng nhất thời mà hạ thấp cho là kẻ tiểu nhân. Câu chuyện về Chu Công và Vương Mãng chính là điều như thế.

Khi cả thiên hạ xôn xao rằng Chu Công là kẻ xấu, thì ông có thực sự xấu xa như những lời đồn thổi hay không? Khi bách tính lê dân ca ngợi công đức của Vương Mãng, thì Vương Mãng có thực sự tốt đẹp đến thế hay không? Nhất thời bị vùi dập chê bai nào có gì đáng sợ, một ngày tán dương cũng chẳng thể nói lên điều gì. Thời gian với con mắt huệ nhãn sẽ chứng minh thật giả, nhìn thấu cảnh giới và bản chất thực sự của một người.

Trong “Cảnh Thế Thông Ngôn” quyển 4, Phùng Mộng Long nhắc đến câu châm ngôn: “Hủy dự tòng lai bất khả thính, thị phi chung cửu tự phân minh” (Khen chê tốt xấu chớ bận lòng, thị phi rốt cuộc tự phân minh). Tác giả cũng trích dẫn bốn câu thơ trong “Phóng ngôn ngũ thủ” (kỳ 3) của Bạch Cư Dị, thơ rằng:

“Chu Công khủng cụ lưu ngôn nhật,
Vương Mãng khiêm cung vị soán thì.
Hướng sử đương sơ thân tiện tử,
Nhất sinh chân nguỵ phục thuỳ tri?”

Tạm dịch:

Chu Công còn sợ lời đồn thổi
Vương Mãng khiêm nhường lại cướp ngôi.
Thân kia nếu thác từ xưa nhỉ,
Còn ai biết được chính hay tà?

Đại Đường năm Nguyên Hòa thứ 5 (năm 810), vị danh quan Nguyên Chẩn vì biến cố trong Dịch quán mà đắc tội với những kẻ quyền quý như Cừu Sĩ Lương, Lưu Sĩ Nguyên, sau đó ông bị giáng chức làm Sĩ tào Tham quân ở Giang Lăng. Trong thời gian ấy, Nguyên Chẩn viết năm bài “Phóng ngôn” để bày tỏ nỗi lòng của mình. 5 năm sau, người bạn thân của ông là Bạch Cư Dị cũng bị giáng chức làm Giang Châu Tư mã. Bạch Cư Di ngồi thuyền qua sông, một mình nhàn nhã ngâm vịnh rồi viết năm bài “Phóng ngôn” xướng họa cùng Nguyên Chẩn. Trong đó, đáng chú ý là bài thơ thứ ba:

Phóng ngôn kỳ 3

Tặng quân nhất pháp quyết hồ nghi,
Bất dụng toàn quy dữ chúc thi.
Thí ngọc yêu thiêu tam nhật mãn,
Biện tài tu đãi thất niên kỳ.
Chu Công khủng cụ lưu ngôn nhật,
Vương Mãng khiêm cung vị soán thì.
Hướng sử đương sơ thân tiện tử,
Nhất sinh chân nguỵ phục thuỳ tri?

Dịch thơ của Trương Việt Linh:

Tặng anh một phép chẳng hồ nghi
Đâu nhọc bói rùa, lễ cỏ thi
Ba bữa thử vàng, thiêu ắt đủ
Bảy năm đua sức, đợi qua kỳ.
Chu Công sợ sệt truyền ngôn lại
Vương Mãng khiêm cung soán nghiệp ngay
Thật giả một đời ai hiểu được
Thân tàn chưa thấu chuyện xưa nay.

Bài thơ chính là lời tâm huyết mà Bạch Cư Dị muốn gửi gắm tới người bạn thân Nguyên Chẩn: Chẳng cần mai rùa hay cỏ thi để đoán định cát hung, tôi muốn tặng cho ông một biện pháp có thể xua tan những hoài nghi trong tâm. Ví như muốn kiểm tra ngọc bích là thật hay giả thì cần thiêu đủ ba ngày, muốn phân biệt gỗ tốt hay dở thì cần đợi bảy năm. Vậy nên tôi mong ông hãy kiên nhẫn đợi, thời gian sẽ cho thế nhân câu trả lời. Ông biết chăng, năm xưa Chu Công từng run sợ trong những ngày thiên hạ nói lời ác ý về mình, còn Vương Mãng trước khi soán vị lại từng tỏ ra khiêm nhường cung kính. Giả như lúc ấy hai người đều qua đời, vậy thì họ một đời là chân hay ngụy, tốt hay xấu, tận trung hay phản nghịch thì liệu ai có thể biết được đây?

Câu thơ “Chu Công khủng cụ lưu ngôn nhật” (Chu Công còn sợ lời đồn thổi) kể về con trai của Chu Văn Vương là Chu Công Đán. Chu Công vô cùng hiền đức lại tài năng, ông đã từng phò tá anh trai mình là Võ Vương Cơ Phát thảo phạt vua Trụ, sau đó ông còn chế định ra lễ nhạc, đặt định nền móng cho cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu. Khi Võ Vương lâm bệnh, Chu Công đã viết sách văn cầu xin Thượng Đế ban ân, ông nguyện lấy thân mình thay vua chịu bệnh. Sau này cuốn sách văn được cất kỹ trong rương vàng, ngoại trừ vị sử quan có mặt tại đó thì không một ai hay biết.

Chu Công Minh Chân Tướng
Chu Công vô cùng hiền đức lại tài năng. (Miền công cộng)

Chu Võ Vương băng hà khi thái tử Thành Vương vẫn còn nhỏ tuổi. Chu Công ôm tiểu thái tử và dẫn cậu bé ra tiếp kiến các chư hầu. Hai người em của Chu Võ Vương là Quản Thúc và Thái Thúc đem lòng căm hận Chu Công, họ bí mật âm mưu dấy binh làm phản. Nhưng vì thanh danh của Chu Công quá lớn, tấm lòng hiền đức của ông sáng tỏ như thái dương, Quản Thúc và Thái Thúc không tìm được cớ nào khác bèn thêu dệt lời đồn, nói rằng Chu Công quản chặt ấu chúa là vì có ý đồ chiếm đoạt vương vị. Những lời đồn thổi này làm dấy lên mối nghi ngờ trong lòng Chu Thành Vương. Vì để tránh rắc rối, Chu Công đã từ quan lui về ẩn cư tại Đông quốc.

Một ngày kia trời nổi phong ba, sấm sét từng trận từng trận giáng xuống làm bật mở chiếc rương vàng. Chu Thành Vương vì thế mới phát hiện ra cuốn sách văn của Chu Công năm xưa, đến lúc ấy vua mới nhận ra rằng ông là một bậc trung thần. Thành Vương bèn dẫn văn võ bá quan đến vùng ngoại ô, cung kính nghênh đón Chu Công trở về kinh và khôi phục lại tướng vị cho ông.

Phùng Mộng Long cho rằng: Nếu Chu Công không may mắc bệnh qua đời, và nếu như không có trận sấm sét làm bật mở rương vàng, thì tấm lòng trong sạch của ông biết khi nào mới có thể giãi bày được đây? Hậu thế há chẳng phải sẽ hiểu lầm người tốt là kẻ ác hay sao?

Còn nói về “Vương Mãng khiêm cung vị soán thì” (Vương Mãng khiêm nhường lại cướp ngôi), câu thơ này kể về Vương Mãng thời Tây Hán. Vương Mãng là người vô cùng gian trá giảo hoạt, ông ta ỷ rằng con gái mình là hoàng hậu đắc sủng của Hán Bình Đế, ông ta từng bước từng bước nắm quyền hành trong triều, từng bước từng bước thực hiện mưu đồ chiếm đoạt vương triều nhà Hán. Nhưng vì sợ nhân tâm bất phục, ông ta mới giả vờ nhún nhường khiêm cung, thi hành công đạo, lễ đãi hiền sĩ. Vương Mãng bề ngoài giả nhân giả nghĩa, hư trương thành tựu, rất nhanh chóng mê hoặc được quần thần. Đương thời kẻ sĩ trong thiên hạ và dân chúng các quận huyện ai nấy đều ca ngợi công đức của Vương Mãng.

Vương Mãng dùng mọi thủ đoạn lừa dối triều thần, sau khi đã thu phục được nhân tâm trong thiên hạ ông ta ngấm ngầm dùng rượu độc sát hại Hán Bình Đế, đồng thời ngăn cản mẫu thân của Bình Đế là Vệ Cơ và những người trong họ Vệ tiến vào Trường An. Sau đó, Vương Mãng ngang nhiên soán vị xưng đế, đổi quốc hiệu là “Tân”. Sau này Lưu Tú khởi binh phục Hán, Vương Mãng cũng bị giết chết trong lúc binh đao loạn lạc.

Nếu như Vương Mãng sớm qua đời, chẳng phải hậu thế sẽ lầm tưởng rằng ông ta là vị tể tướng hiền đức được lưu danh trong sử sách hay sao? Nếu quả thực như thế, há chẳng phải đã coi kẻ ác là người tốt sao?

Cổ nhân có câu: “Đường dài biết sức ngựa, sống lâu biết lòng người”, lại nói: Đậy nắp hòm mới khen chê hay dở. Không thể vì danh tiếng một khắc mà tôn vinh là bậc quân tử, cũng chẳng thể vì tai tiếng nhất thời mà hạ thấp cho là kẻ tiểu nhân. Có thơ làm chứng rằng:

‘Hủy dự tòng lai bất khả thính,
Thị phi chung cửu tự phân minh.
Nhất thời khinh tín nhân ngôn ngữ,
Tự hữu minh nhân thoại bất bình’

Tạm dịch:

Khen chê tốt xấu chớ bận lòng,
Thị phi rốt cuộc tự phân minh.
Nhất thời cả tin lời kẻ khác,
Tự có người minh nói bất bình.

Những lời thị phi, bình phẩm về người khác mong bạn ngàn vạn lần chớ vội tin, những lời gièm pha về một người, theo ngày tháng dài lâu tự sẽ phân biệt rõ ràng. Thời gian có nhãn quang kỳ diệu, có thể nhìn thấu nhân tâm, tìm ra chân ngụy, phơi bày sự thật giữa bạch nhật thanh thiên.

Minh Tâm

Theo Đỗ Nhược – Epoch Times

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

3 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x