Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tẩy sửa sách giáo khoa như thế nào?

ntdvn dang cong san trung quoc va man ao thuat lich su bang sach giao khoa
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tẩy sửa sách giáo khoa như thế nào? (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tẩy sửa sách giáo khoa như thế nào, đây không phải là lần đầu ĐCSTQ tiến hành tẩy sửa sách giáo khoa. Và không chỉ giới hạn ở tôn giáo, sự bịa đặt, ngụy tạo, dối trá về lịch sử và phổ biến những điều ấy trên diện rộng từ sau năm 1949.

Xuyên tạc “Kinh Thánh” trong sách giáo khoa

Sách giáo khoa, ĐCSTQ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Sách giáo khoa của Trung Quốc xuyên tạc “Kinh thánh” tuyên bố rằng Chúa Giê-su đã giết phụ nữ. (Ảnh chụp màn hình SOH)

Nguyên văn của “Kinh thánh” có đoạn: “Đức Chúa Jesus đứng thẳng và nói với họ: “Ai trong các ngươi vô tội, thì có thể ném đá người ấy trước”. Nghe vậy, họ lần lượt đi ra ngoài, từ già đến trẻ, chỉ còn lại Chúa Jesus, và người phụ nữ vẫn đứng đó.

Đức Chúa Jesus đứng thẳng dậy và nói với người phụ nữ: “Phu nhân, những người đó ở đâu rồi? Không có ai định tội cô?” Người phụ nữ trả lời: “Chúa ơi, không”. Chúa Jesus nói: “Ta cũng sẽ không định tội cô. Hãy đi đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Nhưng sách giáo khoa của Trung Quốc đã sửa phần này của “Kinh thánh” thành: “Có lần Chúa Jesus nói với đám đông đang tức giận muốn đánh chết một người phụ nữ đã phạm tội: “Nếu ai trong các người không có lỗi, hãy bước lên phía trước và đánh chết cô ta”.

Nghe xong lời này, tất cả mọi người không ai bước ra phía trước. Khi mọi người rút lui, Chúa Jesus nhặt một hòn đá và ném chết người phụ nữ rồi nói: “Ta cũng là một tội nhân. Nhưng nếu luật pháp chỉ do người không có tỳ vết nào thi hành, thì luật pháp sẽ chỉ có chết””.

Tài bếp núc “thêm mắm dặm muối” của ĐCSTQ thật “đáng khâm phục”!

Xuyên tạc lịch sử

Sách giáo khoa, ĐCSTQ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Lính Trung Quốc cạo đầu trọc, cầm trên tay trang phục của các nhà sư Tây Tạng (ảnh: chụp bìa sau của Báo cáo năm 2003 về Nhân quyền ở Tây Tạng).

ĐCSTQ từ khi lên nắm quyền cai trị tại Trung Hoa đại lục năm 1949 luôn luôn coi các Chính giáo là đối tượng cần phải tru diệt.

Nó đã tiến hành phá hoại tôn giáo từ bên ngoài bằng cách đập phá các đền chùa, nhà thờ, hủy hoại thánh tích, bức hại giới tăng lữ, các tín đồ… nhưng nguy hiểm hơn là nó sử dụng các biện pháp phá hoại tôn giáo từ bên trong như: ngụy tạo kinh điển, giải thích sai lệch giáo lý, làm tha hóa tăng đạo, hoặc cài đặc vụ vào nắm các cơ sở tôn giáo… trong đó, xuyên tạc giáo lý, kinh điển là một thủ đoạn thường thấy của ĐCSTQ để tiêu diệt các Chính giáo.

Còn nguy hiểm hơn nữa, nó tiến hành thay đổi cả sách giáo khoa trong khi giảng dạy cho học sinh về tôn giáo như câu chuyện chúng ta vừa đọc. Đây không phải là lần đầu ĐCSTQ tiến hành tẩy sửa sách giáo khoa. Và không chỉ giới hạn ở tôn giáo, sự bịa đặt, ngụy tạo, dối trá về lịch sử và phổ biến những điều ấy trên diện rộng thông qua công cụ sách giáo khoa dường như đã là một thứ thủ đoạn “lành nghề” của ĐCSTQ từ sau năm 1949.

Cứ như thế, ĐCSTQ đã biến hết thế hệ này đến thế hệ khác của người dân Hoa lục trở thành những “tù binh tư tưởng” của Đảng, và cứ thế cái ác mặc sức lộng hành.Lính Trung Quốc cạo đầu trọc, cầm trên tay trang phục của các nhà sư Tây Tạng (ảnh: chụp bìa sau của Báo cáo năm 2003 về Nhân quyền ở Tây Tạng).

Sách giáo khoa – công cụ uy lực để gieo thiện cũng như hành ác

Sách giáo khoa, ĐCSTQ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc
 ĐCSTQ tô vẽ bừa bãi vào tâm hồn thanh thiếu niên, giáo dục đã trở thành trận địa trọng yếu để nhồi nhét Văn hóa đảng.. (Ảnh: CHANDAN KHANNA/AFP qua Getty Images)

Nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Samuelson vô cùng coi trọng vai trò của sách giáo khoa. Ông nói: “Nếu sách giáo khoa kinh tế học của đất nước này là do tôi viết, tôi sẽ không quan tâm ai là người đặt ra các điều ước và quy định pháp luật.”

Sách giáo khoa được phát hành số lượng lớn, có quyền lực cao và có ảnh hưởng cực lớn đối với học sinh sinh viên. Bởi vậy lũng đoạn sách giáo khoa chính là nắm giữ quyền chủ đạo trong việc nhào nặn tư tưởng của học sinh sinh viên.

Nắm được tư tưởng của thế hệ trẻ là ĐCSTQ nắm được tương lai của chính nó, còn vận mệnh của đất nước hay tương lai của người dân đối với nó thì không đáng kể. Từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim, mục đích trước tiên của giáo dục là dạy đạo lý làm người, xây dựng nên những công dân có đạo đức và có khả năng nhận thức đúng – sai, thiện – ác, chính – tà.

Nhưng ĐCSTQ lại coi giáo dục thành công cụ đấu tranh giai cấp, mục đích của giáo dục không phải là để bồi dưỡng một cá nhân có nhân cách kiện toàn hay một công dân có lý trí và trách nhiệm, mà là để tạo ra lớp người kế tục “nghe lời đảng, đi theo đảng”. Nó nhấn mạnh “đảng tính”, coi rẻ thậm chí căm ghét “nhân tính”. Mục đích giáo dục là khác nhau đã quyết định nội dung và phương pháp giáo dục cũng khác nhau.

Mao Trạch Đông nói: “Một tờ giấy trắng không có áp lực gì, dễ viết ra những lời văn đẹp nhất, mới nhất, có thể vẽ những bức vẽ đẹp nhất, mới nhất.” ĐCSTQ tô vẽ bừa bãi vào tâm hồn thanh thiếu niên, giáo dục đã trở thành trận địa trọng yếu để nhồi nhét Văn hóa đảng.

Chẳng thể đếm hết những ngụy tạo trong các môn học xã hội mà ĐCSTQ nhồi nhét vào đầu học sinh sinh viên với thời lượng giảng dạy cực lớn, là những kiến thức bắt buộc phải học, cụ thể là ở các môn học chính trị, lịch sử triết học, ngữ văn…

Với mục đích lớn nhất là chứng minh rằng: “Không có ĐCSTQ thì không có đất nước Trung Quốc, không có đời sống an bình tốt đẹp hiện nay của nhân dân Trung Quốc”. Trong bài viết này, chúng ta thảo luận về vài ví dụ trong môn lịch sử, một thứ “mặt trận tư tưởng” chủ đạo, theo cách gọi của ĐCSTQ.

Đổi trắng thay đen, tẩy xóa, tô vẽ lịch sử trong sách giáo khoa theo nhu cầu cai trị của ĐCSTQ

Sách giáo khoa, ĐCSTQ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, kinh thánh
Nhân câu chuyện xuyên tạc Kinh Thánh nói trên, chúng ta hãy điểm qua một vài vết nhơ tiêu biểu trong sách giáo khoa lịch sử của chính quyền ĐCSTQ. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Lịch sử chính là một tấm gương có thể đoán định hưng vong. Các quốc gia văn minh lớn trên thế giới đều bảo tồn một lượng lớn các tư liệu lịch sử, nhờ đó mọi người có thể thu được từ lịch sử những bài học phong phú bổ ích, là một tham chiếu quý báu cho việc lập thân xử thế và sự phát triển của dân tộc.

Một dân tộc mà không hiểu rõ lịch sử của chính mình cũng giống như một người mất trí nhớ, loay hoay giữa dòng đời thiện-ác đúng-sai không biết phải về đâu. Thật đáng thương vô cùng!

Nhưng lịch sử của ĐCSTQ lại không tốt đẹp gì, lịch sử chân thực là điều đại kỵ của nó. Nhằm chứng minh cho sự thống trị hợp pháp của mình, ĐCSTQ ắt phải thao túng quyền giải thích lịch sử. Các học giả tay sai đã xuất ra đủ các chiêu bài, đưa lịch sử Trung Quốc vào “năm giai đoạn phát triển” giả tạo và rút ra kết luận là: “lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng sản”. 

Đọc toàn bộ tài liệu giảng dạy về lịch sử Trung Quốc, ấn tượng mạnh là: “chiến tranh nông dân là động lực phát triển của lịch sử, ngay từ khi xuất hiện Trần Thắng, Ngô Quảng, người dân Trung Quốc đã mỏi mắt trông ngóng sự xuất hiện của một chính đảng cách mạng nắm vững chân lý của lịch sử, có thể cứu họ thoát khỏi nước sôi lửa bỏng, sự trông mong này đã kéo dài 2.000 năm. Cuối cùng “Tiếng pháo của Cách mạng tháng 10 bùng nổ”, Đảng Cộng sản đã đến.”

Lịch sử đất nước Trung Hoa được ghi lại trong sách giáo khoa lịch sử của chính quyền ĐCSTQ như thể đất nước này mới bắt đầu tồn tại kể từ khi có Đảng Cộng Sản. Còn 5000 năm văn minh trước đó thì không đáng kể, đều là xấu hết, đều là “ăn thịt người” như cách nói của Lỗ Tấn – chủ tướng của Cách mạng Văn Hóa Trung Quốc, và cũng đều là ngu xuẩn ấu trĩ hết vì chưa có ánh sáng của Đảng soi đường.

May ra có nhân vật hay sự kiện lịch sử nào không chê vào đâu được thì cũng giải thích là “manh nha của phép biện chứng” hoặc “chủ nghĩa duy vật”, là “dự báo thiên tài” của tổ tiên. Và cứ thế, nó bịa đặt để tâng bốc công lao hay ém nhẹm những tội ác xấu xa của ĐCSTQ.

Vơ vào mình công lao kháng Nhật

sgk5
ĐCSTQ phải cảm ơn Nhật Bản, vì nếu không có chiến tranh Trung-Nhật, ĐCSTQ sẽ không thể giành được chính quyền ở Trung Quốc.” (Ảnh: Wikipedia)

Trong sách lịch sử, ĐCSTQ xưa nay vẫn vơ về mình toàn bộ công lao kháng Nhật, giành lại độc lập cho Trung Quốc. Khi nói về Quốc Dân đảng nó vu oan cho họ rằng “tiêu cực kháng Nhật, tích cực phản cộng”. Sự thực thì lực lượng kháng Nhật chính là chính phủ Quốc Dân Đảng, bản thân ĐCSTQ “một phần kháng Nhật, hai phần ứng phó Quốc Dân đảng, bảy phần phát triển làm bản thân lớn mạnh”.


“Phát xít Nhật không phải bị đánh bại bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc”, thiếu tá Tao Shin-Jun nói với Thời báo Los Angeles năm 2015. “Trong suốt 8 năm đó, chính chúng tôi [Quốc dân Đảng] đã tham gia chiến trận – trong khi những người lính cộng sản không hề chiến đấu với phát xít Nhật. Họ chỉ cố gắng lôi kéo lính Quốc Dân Đảng gia nhập phe họ.”

Năm 1972, Mao Trạch Đông đã có lời cảm tạ với Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka rằng: “ĐCSTQ phải cảm ơn Nhật Bản, vì nếu không có chiến tranh Trung-Nhật, ĐCSTQ sẽ không thể giành được chính quyền ở Trung Quốc.” (theo cuốn Cửu Bình – 9 bài bình luận về ĐCSTQ của tờ The Epoch Times). Bất chấp những bằng chứng lịch sử và tài liệu lưu trữ xác thực, năm 2017, chính quyền ĐCSTQ đã yêu cầu các nhà giáo dục Trung Quốc viết lại sách giáo khoa về cuộc chiến với phát xít Nhật.

Thời báo New York đưa tin, thay vì “Cuộc kháng chiến tám năm chống phát xít Nhật”, kéo dài từ năm 1937 đến năm 1945, các nhà giáo dục đã được yêu cầu đổi thành “Cuộc kháng chiến mười bốn năm”, để bao gồm giai đoạn 1931 đến 1936 khi Quân đội Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu. Có thế, nó mới có cơ hội vơ vào mình công trạng kháng Nhật

Bịa đặt về Nạn đói lớn do Đại nhảy vọt

Hoặc như “Nạn đói lớn” ở Trung Quốc, kéo dài 3 năm, từ năm 1959 đến 1961, đã được chính quyền Trung Quốc gọi là “ba năm thiên tai”, nhằm đổ lỗi cho yếu tố khách quan bên ngoài. Thực ra “Nạn đói lớn” có nguyên nhân là do chính sách “Đại nhảy vọt”, bắt buộc toàn dân làm gang thép, rời bỏ mùa màng, dẫn đến cái chết của 40 triệu người Trung Quốc theo báo cáo về “Nạn đói lớn” trong cuốn sách “Hồ sơ lịch sử về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được xuất bản vào tháng 2/1994 bởi Nhà xuất bản Cờ Đỏ.

Xóa bỏ sự kiện thảm sát Thiên An Môn

sgk6
Theo thông tin giải mật từ một nguồn tin cấp cao ẩn danh trong Quốc vụ Viện Trung Quốc, khoảng 10.454 người đã bị quân đội sát hại trong vụ thảm sát. (Ảnh qua Trithucvn)

Từ tháng 4/1989 hàng ngàn sinh viên ủng hộ dân chủ tập trung trên đường phố Bắc Kinh để kêu gọi cải cách chính trị và kinh tế, chấm dứt vấn nạn tham nhũng trong chính phủ. Đáp lại, quân đội có vũ trang đã xông vào Quảng trường Thiên An Môn đêm ngày 3/6 và sát hại nhiều người bằng súng và nghiền nát họ dưới xích xe tăng.

Theo thông tin giải mật từ một nguồn tin cấp cao ẩn danh trong Quốc vụ Viện Trung Quốc, khoảng 10.454 người đã bị quân đội sát hại trong vụ thảm sát. Thế nhưng, sự kiện kinh thiên động địa này chưa bao giờ xuất hiện trên sách giáo khoa lịch sử của học sinh sinh viên Trung Quốc, kết quả là các thế hệ sau không hề biết rằng ngay tại nơi trung tâm nhất của thủ đô Bắc kinh, đã có một tội ác ghê gớm như thế xảy ra.

Ông Eric Fish, tác giả cuốn “China’s Millennials: The Want Generation” (Ngàn năm Trung Quốc: Thế hệ bị truy nã), trên một bài viết đăng ở tạp chí Time ông kể lại câu chuyện gặp gỡ với một nữ sinh trẻ người Trung Quốc học báo chí tại Đại học Columbia.

Cô này không hề hay biết về vụ thảm sát cho đến khi một giáo viên phát đoạn phim phóng sự. Cô tỏ ra bất bình vì nghĩ rằng đây là tài liệu tuyên truyền bôi xấu Trung Quốc của Mỹ. Chỉ sau khi cô tự mình tìm hiểu trên internet, cô mới vỡ lẽ chuyện gì đã xảy ra, ông Fish nói.

Vu oan giá họa cho Pháp Luân Công về vụ tự thiêu ở Thiên An Môn

Ngày 23/1/2001, một ngày trước Tết Nguyên đán, truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đưa tin một số học viên Pháp Luân Công, bao gồm một bé gái 12 tuổi, đã tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn.

Có nhiều bằng chứng cho thấy vụ tự thiêu đã được dàn dựng. Các phóng viên nước ngoài đã quen thuộc với Quảng trường Thiên An Môn cho biết cảnh sát thường không mang theo bình chữa cháy khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đoạn phim sự kiện lại cho thấy cảnh sát đã có thể nhanh chóng dập lửa bằng bình chữa cháy.

Chưa hết, tờ The Washington Post đưa tin hôm 4/2/2001 rằng hàng xóm của hai người được cho là tự thiêu – Lưu Xuân Linh, 36 tuổi và cô con gái 12 tuổi, Lưu Tư Ảnh – cho biết họ chưa từng nhìn thấy hai người tập Pháp Luân Công bao giờ, đồng thời hành vi trong cuộc sống của Lưu Xuân Linh không giống cách hành xử của một người tu luyện Pháp Luân Công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn mà người dân Trung Quốc đã quá quen thuộc trước năm 1999.

Đồng thời, báo cáo của Washington Post cũng cho biết chỉ có truyền thông nhà nước Trung Quốc mới được phép phỏng vấn những người sống sót và tương tác với người thân của họ. Vụ việc sau đó đã được phân tích kỹ lưỡng và làm thành một bộ phim tài liệu có tên “Lửa Giả”. Bộ phim này đã giành được một giải thưởng danh dự tại Liên hoan phim quốc tế Columbia lần thứ 51 vì đã phơi bày được sự kiện bi thảm vào tháng 11/2003.

Vậy mà trong bài giảng thứ tư của tài liệu giáo dục “Tư tưởng chính trị” cho học sinh trung học phổ thông năm thứ 3 (tương đương với lớp 12), phiên bản năm 2003 của Nhà xuất bản Giáo dục nhân dân, ngang nhiên in “nội dung giảng dạy” phỉ báng Pháp Luân Công.

Trong tiết 12 (quyển thứ 10) của cuốn “Tư tưởng đạo đức” của học sinh tiểu học, do Nhà xuất bản Giáo dục nhân dân in lần thứ ba vào tháng 11 năm 2003, không chỉ mượn lời của Lưu Tư Ảnh – nhân vật trong vụ tự thiêu, để khiến học sinh tiểu học tại Trung Quốc Đại lục bị kích động thù hận bởi màn diễn “Tự thiêu tại Thiên An Môn”, mà còn khiến cho tất cả học sinh tiểu học coi việc thù hận và phỉ báng Pháp Luân Công là hành vi tư tưởng chính diện “đương nhiên đúng”.

Rất nhiều các bậc phụ huynh dẫu không cho rằng chính sách bức hại của ĐCSTQ là đúng, nhưng để bảo vệ sự thuần khiết của trẻ nhỏ đã không nói với đứa bé những chuyện liên quan đến Pháp Luân Công. Không ngờ ý tốt của cha mẹ vừa hay lại khiến những đứa trẻ không chút đề phòng đã rơi vào tuyên truyền phiến diện độc đoán của ĐCSTQ.

sgk7
Vương Tiến Đông người đóng giả học viên Pháp Luân Công bị cháy trụi quần nhưng tóc và chai nhựa đựng xăng không hề suy suyển gì. (Ảnh qua Trithucvn)
sgk8
Tư thế tay và chân là một trong những chi tiết để chỉ ra tính chất giả mạo trong vụ tự thiêu Thiên An Môn (trái). Tư thế của người tập Pháp Luân Công (phải) với phần cẳng chân xếp chéo, mu bàn chân đặt trên đùi. (Ảnh qua Trithucvn)

ĐCSTQ tiếp tục sửa sách giáo khoa tuyên truyền về lãnh thổ tranh chấp

sgk9
“Đường lưỡi bò” (Đường 9 đoạn) đã được cố ý đưa vào bản đồ cương vực của Trung Quốc từ thời nhà Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh… (Ảnh: Wikipedia – CC BY-SA 4.0)

Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 9/2019, Trung Quốc chính thức đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa lịch sử cấp trung học phổ thông mới với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi. Các trang báo này đưa tin, trong bộ sách giáo khoa lịch sử mới này có thêm những nội dung mới được đưa vào liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên những vùng lãnh thổ, lãnh hải đang tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Chẳng hạn như nội dung: “Các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông), Đài Loan và các đảo phụ cận bao gồm quần đảo Điếu Ngư /Senkaku là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”…


Khi giới thiệu lãnh thổ của nhà Nguyên, sách giáo khoa mới đã tăng thêm lãnh thổ mở rộng của nhà Nguyên và các tỉnh cụ thể thời nhà Nguyên, và mô tả: “Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, vùng đông bắc rộng lớn, Đài Loan và các quần đảo Biển Đông ngày nay đều nằm trong phạm vi thống trị của triều Nguyên”.

Người ta còn phát hiện rằng trong số các bản đồ mà mạng tìm kiếm Baidu nói là được đưa vào sách giáo khoa lịch sử Trung học, có nhiều tấm mới được vẽ. Và “Đường lưỡi bò” (Đường 9 đoạn) đã được cố ý đưa vào bản đồ cương vực của Trung Quốc từ thời nhà Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh…

Điều này có nghĩa là gì? Khi muốn chứng minh sự ưu việt của chế độ, ĐCSTQ mặc sức chửi rủa bôi nhọ tổ tiên người Trung Hoa của mình. Nhưng khi muốn chế tạo “man thư” để tẩy não, lừa dối và lợi dụng thế hệ trẻ, nó lại lợi dụng những tổ tiên đã khuất để đưa họ ra làm bình phong, làm bù nhìn đứng tên “sổ đỏ” vùng đất, vùng biển mà ĐCSTQ tự vẽ ra.


Trước những trò hề nực cười này, giới quan sát hoàn toàn có thể tự hỏi rằng giờ này có lẽ chính quyền ĐCSTQ đã sản xuất đủ, chuẩn bị sẵn những tư liệu, bản đồ nhằm chứng minh lãnh thổ Thái Dương hệ đã thuộc phần sở hữu của các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Hoa và sẽ đưa nó vào sách lịch sử phổ cập ra toàn quốc khi xảy ra tranh chấp quốc tế. Biết đâu đấy, với ĐCSTQ điều nghịch lý nào cũng có thể xảy ra.


Hành vi sửa sách giáo khoa không chỉ có ở Trung Quốc, nó cũng có lần xảy ra tại Nhật Bản, quốc gia láng giềng với Trung Quốc. Điều khác biệt là: “ai làm nấy chịu”, nhà nước sai thì nhà nước cũng thua.

Dũng khí của người chép sử và liêm sỉ của kẻ cầm quyền

Câu chuyện “Thôi Trữ giết vua”

sgk11
Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Thời Xuân Thu, đại thần Thôi Trữ nước Tề giết vua của mình là Tề Trang Công để tranh quyền. Sau đó, ông ta ra lệnh cho quan chép sử là Thái Sử Bá phải viết rằng: “tiên vương mất vì bệnh nặng”. Nhưng Thái Sử Bá nhất định viết rằng:
“Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân (nghĩa là vào tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua)”.

Thôi Trữ giận, giết Thái Sử Bá. Thái Sử Trọng là em Thái Sử Bá được gọi vào làm thay công việc của anh mình, Thái Sử Trọng cũng chép giống như Thái Sử Bá. Thôi Trữ giết Thái Sử Trọng. Đến Thái Sử Thúc, người em thứ ba nhất định không thay đổi nội dung chép sử và tiếp tục bị giết như hai anh mình. Người em thứ tư là Thái Sử Quý dù chứng kiến cái chết của ba anh trai nhưng quyết không đổi ý.

Ông vẫn viết rằng: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân”. Viết xong ông nói với Thôi Trữ:
“Ông càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo. Nếu tôi không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật.”

Thôi Trữ nghe xong lắc đầu, thở dài và bỏ đi.


Được Thôi Trữ tha mạng, Thái sử Quý cầm cái thẻ trên viết việc Thôi Trữ giết vua đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị. Thái Sử Quý hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
“Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa Hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép.”

Thái Sử Quý đưa cái thẻ của mình đã chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.

Câu chuyện “Triệu Thuẫn giết vua”

Lại có chuyện khác: “Triệu Thuẫn giết vua”. Vua nước Tấn là Tấn Linh Công lập mưu giết quan tướng quốc là Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn may có người cứu thoát chết, tính sang nước khác. Triệu Xuyên biết được bảo Triệu Thuẫn hãy tạm ở lại nghe ngóng.

Triệu Xuyên vào thành, tìm được cách giết Tấn Linh Công. Triệu Thuẫn sau đó trở về, cùng các quan lập vua mới và vẫn làm tướng quốc. Một hôm, vì áy náy trong dạ, ông ta đòi xem bản chép sử về sự kiện này của quan Thái sử là Đổng Hỗ. Nội dung sự kiện được Đổng Hỗ ghi chép như sau:
“Ngày 27 tháng 9 năm ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Linh Công ở Đào viên.”

Triệu Thuẫn mới kêu rằng không phải. Đổng Hỗ nói:
“Ngài làm tướng quốc, trốn đi chưa khỏi địa giới nước nhà mà đã có việc giết vua, khi về lại không trị tội quân giặc thế thì không phải tự ngài thì còn ai?”

Ấy là, không trực tiếp giết vua nhưng mắc vào tội dung túng cho kẻ “thí quân” thì cũng ngang với tội giết vua. Dẫu có thoát tội, cũng chẳng thoát sử.

Câu chuyện của người Việt: “vua không xem quốc sử”

sgk12
Chân dung vua Lê Thánh Tông. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua Lê Thánh Tông sai nội quan đến Hàn lâm viện gặp riêng viên sử quan Lê Nghĩa để mượn cuốn Thực lục là tài liệu ghi chép chuyện hàng ngày của vua về cho vua xem.

Nội quan hỏi Lê Nghĩa: “Trước kia, Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì ai hơn?”.
Lê Nghĩa đáp: “Sự kiện cửa Huyền Vũ, Huyền Linh lại không thẳng thắn ghi lại. Đường Thái Tông phải bảo ghi rồi sau mới ghi, như thế e rằng cũng chưa phải là hiền thần”.
Nội quan nói: “Vua muốn xem ghi chép hằng ngày từ năm Quang Thuận thứ 1 đến năm thứ 8 (là 8 năm Lê Thánh Tông làm vua)”.

Lê Nghĩa trả lời: “Vua mà xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay. Những việc làm của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!”.
Nội quan nói tiếp: “Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết trước đó có lỗi gì còn có thể sửa được”.

Lê Nghĩa vẫn không sờn lòng: “Chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử!”.

Cuối cùng, Lê Nghĩa mới nói: “Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc”. Nói rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử viện.“Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc”.

Lê Nghĩa không vì mệnh lệnh của bậc chúa tể quyền uy mà đi ngược lại nguyên tắc trung thực của người chép sử. Còn vua Lê Thánh Tông xem quốc sử chỉ để “biết trước đó có lỗi gì còn có thể sửa được” mà không phải để tô vẽ, định hướng hay kiểm duyệt kiểm thảo, hoặc buộc sử gia phải bẻ cong ngòi bút, hành động ấy xứng đáng là của một bậc minh chúa có lòng dạ rộng rãi.

Còn về trường hợp của vua Đường Thái Tông, ông muốn xem lại sự kiện cửa Huyền Vũ là sự kiện ông giết những người anh em ruột của mình (Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát) trong cuộc đấu đá quyền lực. Dẫu là một trường hợp huynh đệ tương tàn vạn bất đắc dĩ không thể tránh được, nhưng mục đích của Đường Thái Tông là yêu cầu Phòng Huyền Linh phải ghi trung thực sự thật lịch sử, không vì e dè mang tiếng cho vua mình mà xuyên tạc sự thật.

Không có những ghi chép lịch sử trung thực đó, các thế hệ sau như chúng ta và mãi về sau nữa làm sao có thể hiểu được quá khứ, và lấy căn cứ gì để so sánh các triều đại của các minh quân trong lịch sử với “triều đại đỏ” của ĐCSTQ, bên nào mới là người tôn trọng lịch sử? Ai chính ai tà?

Thay cho lời kết:

Dã tâm của ĐCSTQ từ khi nó cướp được chính quyền năm 1949 đó chính là một mặt thì khủng bố mọi tiếng nói phản biện, nuôi lớn nỗi sợ hãi trong nhân dân, đồng thời bưng bít thông tin bên ngoài, xuyên tạc lịch sử bên trong.

Một khi thế hệ những nhân chứng lịch sử đã chết hết; đồng thời các thế hệ sau hoặc đã chán ngán mất niềm tin với những thông tin lịch sử lừa dối, mặt khác sợ hãi “bàn tay sắt” đàn áp của chính quyền, trở nên ích kỷ thu mình vào cuộc sống cá nhân, thờ ơ với lịch sử và quá khứ, không còn phân biệt được đâu thật đâu giả; những ai còn nắm được sự thật lịch sử trở thành thiểu số với tiếng nói phản đối quá yếu ớt… thì chẳng phải lúc ấy ĐCSTQ đã thành công với chiêu bài tẩy não, ngu dân hay sao?

Lúc đó thì nó muốn nói gì làm gì mà chẳng được. Khi ấy, người dân chỉ là một thứ công cụ để ĐCSTQ lợi dụng cho đặc quyền đặc lợi, cho sự tồn tại “vạn tuế” của ĐCSTQ mà thôi. Nhưng “Thiên bất dung gian”, “những kẻ bắn súng lục vào quá khứ thì sẽ bị tương lai trả lời bằng đại bác”. Còn ĐCSTQ đã bắn đại bác vào quá khứ, tương lai sẽ trả lại họ điều gì?

Chúng ta hãy cùng chờ xem vì tương lai đang trỗi dậy và màn kịch hay chỉ mới bắt đầu.


Nguyên Vũ

Theo NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x