[Cổ đạo nhân sinh] Từng bị người thân xem thường, vì sao lại trở nên giàu có?

[Cổ đạo nhân sinh] Từng bị người thân xem thường, vì sao lại trở nên giàu có?
Có rất nhiều câu chuyện nhân sinh đằng sau những viên ngọc được chế tạo tinh xảo. (Ảnh: Lại Thụy/The Epoch Times)

Những người thường ngày không tham luyến, không vướng bụi trần, luôn đối xử với người khác bằng tấm lòng nhân hậu và hảo tâm, sau khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống có thể sẽ nhận được phúc báo to lớn. Chúng ta hãy cùng xem hai trường hợp như vậy đã từng xảy ra trong lịch sử.

Bị người thân coi thường, về sau trở nên giàu có

Vào thời nhà Thanh, ở Đồng Thành, tỉnh An Huy có tiên sinh tên Lưu Đan Giai đã bốn mươi tuổi nhưng vẫn còn rất nghèo. Ông có một người họ hàng phụ trách việc viết thư tín bằng chữ thảo ở sở Chế quân Quảng Đông (Chế quân: là cách gọi chức Tổng đốc thời nhà Minh, nhà Thanh), thế là ông đến nhờ cậy người này. Sau khi đến nơi, Lưu tiên sinh bị coi thường thê thảm, người họ hàng không chịu tìm giúp ông một việc làm tốt. Bất đắc dĩ, ông phải đến sống nhờ trong chùa Quang Hiếu.

Lão phương trượng trong chùa vừa nhìn thấy ông liền rất coi trọng. Khi đó, có một vị Chế quân rất sùng kính và tín ngưỡng Phật Pháp. Mỗi tháng, ông ấy đều đến chùa đảnh lễ thắp hương. Hành lễ xong, ông ấy sẽ cùng lão tăng trò chuyện trong sân trúc, coi đó làm niềm vui. Một hôm, Chế quân lại đến chùa, gặp đúng lúc trời mưa như trút nước. Mưa lớn kéo dài suốt ngày không ngớt, khiến Chế quân và thuộc hạ đi theo không thể quay về quan phủ.

Thế là lão tăng liền chuẩn bị cơm chay đãi khách. Chế quân đang ở trong phòng ăn nhỏ, cảm thấy có chút tịch mịch và buồn chán nên nói với lão tăng: “Ở đây có ai có thể nói chuyện được không?” Lão tăng nói có Lưu tiên sinh sống nhờ trong chùa.

Chế quân lập tức sai người hầu mời Lưu tiên sinh đến. Không lâu sau, người hầu quay lại nói: “Lưu tiên sinh nói rằng mình là một người đọc sách bần hàn sống nhờ nơi đất khách, làm sao có thể ngồi ngang hàng với quan nhân? Ông ấy từ chối không dám đến gặp mặt.” Chế quân nói: “Chiêu hiền đãi sỹ là bổn phận của ta. Bậc sỹ nhân không chịu câu thúc, làm sao có thể gọi đến là đến chứ, ta nên đích thân đến gặp Lưu tiên sinh.” Nói rồi, Chế quân nhờ lão tăng dẫn đường. [Hai người họ] lần đầu gặp mặt nhưng thân thiết như bạn cũ. Chế quân lập tức mời Lưu tiên sinh đến phòng thiền, uống rượu nói chuyện rồi vui vẻ chia tay.

Ngày hôm sau, Chế quân liền mời Lưu Đan Giai đến dinh thự và đặc biệt trọng đãi. Vào thời điểm đó, các quan lớn ở Quảng Đông như đốc phủ, tướng quân, quan sai thu thuế, hàng năm đều phải tiến cống các vật phẩm bằng ngọc bích theo thông lệ. Những người phụ trách trước đây lần nào làm cũng có chỗ sai sót, vì thế không làm Hoàng thượng hài lòng. Chế quân đem việc này đặc biệt giao cho Lưu Đan Giai. Lưu Đan Giai tư chất thông minh, từng trải sâu sắc, càng tỏ rõ sự lão luyện trong công việc. Tiền ông lĩnh nhận để lo liệu công việc không hề bị bớt xén, toàn bộ đều dùng để đặt mua ngọc tốt, thuê thợ lành nghề và hết sức coi trọng kiểu dáng. Vì vậy không chỉ được giá hợp lý mà sản phẩm cũng rất ưu mỹ.

Sau khi ngọc quý được dâng lên, Hoàng đế vui mừng khôn xiết, ban thưởng cho Chế quân một chiếc hà bao (vật mang theo triều phục) và một chiếc nhẫn (nhẫn ngọc đeo trên ngón tay cái bên phải). Tất cả đều là nhờ vào công sức của Lưu Đan Giai. Chế quân cũng thấy bản thân có khả năng phát hiện được nhân tài. Ông ấy đối xử với Lưu tiên sinh càng kính nể hơn. Khi các tướng quân, quan sai thu thuế v.v. nghe được chuyện này, họ đều giao việc tiến cống ngọc cho Lưu Đan Giai lo liệu. Lưu Đan Giai làm việc rất thành thục, lại càng cẩn trọng, giỏi giang hơn. Những năm đó phàm là ngọc phẩm tiến cống đã qua tay ông đều khiến Hoàng đế rất hài lòng.

Các vị quan lại đều cho rằng ông là một nhân tài, muốn tìm kiếm một chức quan cho ông. Nhưng Lưu Đan Giai kiên quyết từ chối, nói: “Đan Giai tự nhận thấy mình thuộc tầng lớp hàn Nho (Nho sinh nghèo nhưng thanh bần), không phải nhân tài làm quan, nhưng ở phương diện kinh doanh luôn có chút để tâm nghiên cứu. Nếu các vị đại nhân đồng ý đề bạt tôi, thì hiện nay nơi nào có hiệu buôn nước ngoài, phải ngừng hoạt động do thua lỗ, tôi sẵn sàng tiếp quản và lấy đó làm kế sinh nhai.”

[Cổ đạo nhân sinh] Từng bị người thân xem thường, vì sao lại trở nên giàu có?
Vào cuối thời nhà Thanh, việc buôn bán với nước ngoài đã bắt đầu phát triển. Trong ảnh là Tòa nhà Jardine Matheson ở Thượng Hải (Ảnh: Tài sản công)

Các đại quan đều đồng ý. Họ vào cung bẩm báo với Hoàng thượng giúp ông. Thế là, Lưu Đan Giai bắt đầu kinh doanh hiệu buôn Tây. Các hiệu buôn nước ngoài khác thầm cười nhạo ông vì vốn liếng của ông có hạn, họ nói rằng ông sẽ không thể duy trì được lâu.

Ai ngờ không lâu sau đó, công việc kinh doanh của ông có bước ngoặt lớn. Một thương nhân nước ngoài từng làm ăn với người chủ trước đây của cửa hiệu mà Lưu tiên sinh kinh doanh đã mất ở mẫu quốc vì bạo bệnh. Trước khi qua đời, ông ấy để lại di ngôn, nói với con trai rằng: “Cha còn nợ một cửa hiệu buôn nước ngoài ở Quảng Đông tổng cộng cả gốc và lãi là hơn 500 vạn lượng bạc. Con tuyệt đối không được để cha làm người thất tín, nhất thiết phải trả lại tiền cho họ. Hy vọng con sau này lại kinh doanh, có thể lấy được lòng tin ở Trung Quốc và không bị người ta coi thường.”

Con trai người thương nhân nước ngoài đã tuân theo di chúc của cha mình, vượt biển tìm đến, đem toàn bộ nợ gốc và lãi trả hết cho Lưu Đan Giai. Vị thương nhân nước ngoài đó đã về nước hơn mười năm trước. Ông đi và không trở lại. Hiệu buôn Tây đó mua đi bán lại nhiều lần, khoản mục không thể tra rõ. Tuy nhiên tên của cửa hiệu vẫn không thay đổi, cho nên người cuối cùng tiếp quản là Lưu Đan Giai mới có thể nhận được khoản tiền bất ngờ này. Kể từ đó trở đi, mọi công việc buôn bán của Lưu Đan Giai đều diễn ra suôn sẻ. Cứ như vậy, một người làm việc không tham lam và không nhuốm bụi trần như ông, tuy ban đầu bị người thân coi thường nhưng sau này đã trở thành một người giàu có.

Báo đáp thiện ân

cay bong truyen huong thomjpg
Cây bông truyền hương thơm. (Ảnh: Shutterstock)

Vào những năm đầu triều đại Càn Long, có một người tên là Tiền Hồn sống ở ngoài cổng bắc thành Vô Tích. Chàng dùng mấy trăm lượng bạc mở một cửa hàng bông, lấy bông đổi vải, lấy đó làm sinh kế. Hàng xóm có một thiếu nữ, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, vô cùng xinh đẹp. Nàng thường xuyên tới đổi vải lấy bông. Tiền Hồn cũng thường đưa cho nàng nhiều bông hơn. Cô gái có chút rung động, nhưng hai người không có suy nghĩ ​​gì khác.

Không đến hai, ba năm sau, công việc kinh doanh của Tiền Hồn không những không kiếm được tiền mà thậm chí còn thua lỗ. Bất đắc dĩ, chàng phải ngừng kinh doanh, đóng cửa tiệm và lưu lạc đến kinh thành hơn mười năm. Tiền Hồn sống trong cảnh nghèo đói và bệnh tật, giống như một kẻ ăn xin. Một hôm, chàng đang đi ở bên ngoài Tây Trực Môn thì bất ngờ nhìn thấy một đội xe ngựa đang tiến về phía mình, nghi trượng và tùy tùng rất đông. Trong chiếc xe to có bánh màu đỏ và rèm che màu xanh có một nữ tử, đầu đội đầy trân châu và phỉ thúy. Tiền Hồn đứng từ xa nhìn, không dám lại gần.

Nữ tử đó cũng nhìn thấy Tiền Hồn. Nàng chăm chú nhìn một lúc lâu, sau đó bảo người hầu gọi chàng đến trước xe, rồi hỏi: “Sao chàng lại đến đây?” Tiền Hồn giống như ở trong mơ, không biết nữ tử trước mặt là ai, chỉ trả lời qua loa có lệ: “Vâng, vâng, vâng!” rồi không dám nói thêm gì nữa. Nữ tử ra lệnh cho tùy tùng dắt một con ngựa đến, để Tiền Hồn cưỡi và bảo chàng đi theo vào trong thành. Đến một tòa dinh thự có cổng sơn thếp, nữ tử bước vào trong. Hóa ra nàng là Trắc phúc tấn của một vương phủ nào đó (Thời nhà Thanh, thê tử của các Hoàng thái tử, Thân vương, Thế tử và Quận vương đều gọi là Phúc tấn).

Một lúc sau, Trắc phúc tấn sai người gọi Tiền Hồn vào và nói với chàng: “Ta chính là nữ tử sống cạnh nhà chàng trước đây. Hồi đó ta đổi vải lấy bông ở cửa hiệu, cảm nhận được lòng tốt của chàng, cho nên hôm nay cho gọi chàng vào phủ.” Sau đó, nàng liền cùng Tiền Hồn kết nghĩa huynh muội và cho phép chàng ra vào vương phủ.

Trong vòng ba, bốn năm, Tiền Hồn kiếm được mấy ngàn lượng bạc, vào phủ làm chức đằng lục (người ghi chép sổ sách). Về sau, trải qua đánh giá và sát hạch, Tiền Hồn được phong chức Huyện úy. Chẳng bao lâu sau chàng được thăng làm Huyện lệnh huyện Nội Hoàng, rồi lại giữ chức Đồng Tri phủ Hà Gian Trực lệ (Đồng Tri phủ là chức phó của Tri phủ). Đây thực là quả báo của thiện đức.

Tư liệu tham khảo: “Diệu hương thất tùng thoại”, “Bắc đông viên bút lục”.

Sương Sương biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x