[Radio] – Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi tài sản vốn dĩ thuộc về bạn mà lại có người ngang nhiên khẳng định là tài sản của anh ta? Sẽ phẫn nộ? Hay là tranh cãi? Đi báo quan? Trong thời Nam Bắc triều, một người đàn ông có phẩm chất đạo đức cao tên là Dữu Sân, ông đã có câu trả lời mà nhiều người không bao giờ tưởng tượng được.
Một ngày nọ, Dữu Sân từ trang trại đi thuyền về nhà, trên thuyền chất đầy 150 thạch gạo (tương đương 9 tấn gạo). Lúc đó, có người nhờ ông chở 30 thạch gạo (tương đương 1.8 tấn gạo) về nhà, ông đồng ý không chút do dự. Về đến nhà, người ủy thác lại nói: “Đây mới có 30 thạch gạo, tôi nhờ ông chở giúp là 150 thạch“ .
Nghe xong, ông im lặng, đồng ý cho anh ta lấy 150 thạch gạo. Rõ ràng chịu thiệt lớn thế này mà không hề tức giận, ông thật sự là người phi thường.
Dữu Sân là người như thế nào?
Dữu Sân sinh ra ở Tân Dã (nay thuộc Hà Nam), từ nhỏ đã rất thông minh, thích đọc sách, kinh sử bách gia, loại gì ông cũng hiểu biết rõ. Không chỉ có vậy, ông còn rất giỏi tiên tri sấm vĩ, chiêm bốc bói toán, bắn cung cưỡi ngựa, cờ vây, toán thuật và rất thành thạo huyền cơ xảo thuật.
Dữu Sân tài hoa xuất chúng, tính tình điềm đạm, bình dị dễ gần, chất phác, yêu thiên nhiên như núi, rừng, suối, đá. Khu nhà của ông có diện tích mười mẫu, núi đá và ao hồ chiếm một nửa diện tích. Ông sống giản dị, chất phác, thường ăn cơm gạo thô, mặc quần áo cũ, cũng không nghĩ đến sắp đặt, kiếm thêm gia sản như thế nào.
Có lần trong nhà xảy ra hỏa hoạn, Dữu Sân chỉ chú ý đặt mấy sọt sách bằng tre vào hồ nước, chỉ sợ những cuốn sách đó có thể bị lửa thiêu cháy. Từ đó có thể thấy điều mà Dữu Sân quan tâm nhất là gì. Tuy nhiên, khi một người hàng xóm nghèo của Dữu Sân bị buộc tội là một tên trộm và bị kết tội, Dữu Sân sẵn sàng dùng số sách của mình làm tài sản thế chấp để lo liệu 2 vạn tiền, và sau đó ông bảo môn sinh của mình giả làm người họ hàng của hàng xóm để bồi thường thiệt hại.
Sau khi người hàng xóm được minh oan, anh ấy đến cảm ơn Dữu Sân. Để không tạo gánh nặng cho anh ta, Dữu Sân nói: “Tôi thông cảm với tất cả những người vô tội bị chịu tội oan trong thiên hạ, và tôi không mong đợi những người khác cảm ơn tôi”.
Hoàng đế khai quốc triều Lương là Lương Vũ Đế có mối kết giao thân tình với Dữu Sân, ông thường vô cùng tán thưởng tài học của Dữu Sân. Sau khi dấy binh, Vũ Đế đã bổ nhiệm Dữu Sân làm Ký thất Tham quân phủ Bình Tây. Nhưng Dữu Sân là người không muốn làm quan nên đã từ chối. Sau đó, Tương Đông Vương đến Kinh Châu, bổ nhiệm Dữu Sân làm Kỳ thất Tham quân phủ Trấn Tây, nhưng ông cũng không nhận chức. Sau khi lên ngôi, Lương Vũ Đế ban chiếu bổ nhiệm Dữu Sân làm Hoàng Môn Thị lang, Dữu Sân vẫn như trước, nói đang bị bệnh và không nhậm chức.
Một lòng hướng Phật, vãng sinh Tịnh thổ Phật quốc
Trong những năm cuối đời, Dữu Sân một lòng hướng Phật. Ông đã lập một đạo tràng tại nhà của mình, ngày ngày ông thờ phượng, sám hối và tụng kinh cầu nguyện xung quanh tượng Phật, cả đêm không ngừng.
Một đêm nọ, ông đột nhiên nhìn thấy một nhà sư tự xưng là Nguyện Công, tướng mạo và hành vi khác hẳn người thường. Vị hoà thượng gọi Dữu Sân là Thượng Hành tiên sinh, và tặng ông một bó hương, sau đó rời đi.
Năm Trung Đại Thông thứ 4 (năm 533), Dữu Sân đang ngủ trưa thì đột nhiên tỉnh dậy, và nói với gia đình: “Nguyện Công lại đến rồi, ta không lưu ở thế gian được lâu nữa”.
Nói xong, ông liền qua đời, nhưng sắc mặt không hề thay đổi, hưởng thọ 78 tuổi. Khi ông mất, cả gia đình nghe thấy tiếng người hát trên không trung: “Thượng Hành tiên sinh đã về cõi Tịnh thổ của Phật quốc rồi”.
Lương Vũ Đế hay tin, đã ban chiếu chỉ dụ: “Tinh thiện biểu hành, tiền vương sở đôn. Tân Dã Dữu Sân, Kinh Sơn châu ngọc, Giang Lăng kỉ tử, tĩnh hầu nam độ, cố hữu minh đức, độc trinh khổ tiết, cô phương tố lí. Yểm tuỳ vận vãng, trắc sảng ư hoài. Nghi thuỵ Trinh Tiết xử sĩ, dĩ hiển cao liệt”.
Tạm dịch: “Biểu dương thiện hạnh là việc các hoàng đế trước đây thường đôn đốc. Dữu Sân ở Tân Dã là châu ngọc của núi rừng Kinh châu, là gỗ quý gỗ kỷ gỗ tử của vùng Giang Lăng, yên tĩnh lặng lẽ chờ đợi ngày về trời Nam, do đó đức hạnh nổi danh, một mình giữ trung trinh tiết tháo, một mình giữ gìn thực hành đức hạnh. Nay ông bỗng theo vận ra đi, lòng trẫm bùi ngùi thương xót. Vậy nên ban thụy hiệu là Trinh Tiết xử sĩ, để mọi người thấy rõ đức cao tiết tháo của Dữu Sân”.
Dữu Sân đã để lại 20 quyển “Đế Lịch” và 20 quyển “Dịch Lâm” cho người đời sau. Con trai ông là Dữu Man Thiến và cháu nội Dữu Quý Tài, đều có học vấn đức hạnh tốt, danh tiếng tốt đẹp lẫy lừng. Điều là là do Dữu Sân dùng lời nói dạy bảo, bản thân làm gương, còn là phúc báo cả đời hành thiện tích đức của ông.
Tài liệu tham khảo: “Lương thư” và “Nam sử”
Tác giả: Thuần Chân
Nguồn: NTD Việt Nam
- Xem thêm:
- Nhà tâm lý học chia sẻ cách áp dụng vô vi trong cuộc sống
- Nhân sinh là giấc mộng vô thường
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!