Bát quái – 8 chữ Hán thần kỳ nhất

lang bat quai palmanova minh chan tuong
Bất kể là lựa chọn địa điểm, bố cục thủ đô hay thiết kế xây dựng thành phố, tất cả đều cần tìm người xem phong thủy, tính vận trình để có thể thuận theo Thiên – Nhân hợp nhất, tránh hung đón lành. Ảnh: Làng bát quái Palmanova. (Nguồn: Wikipedia)

Bát quái thể hiện vũ trụ quan Thiên – Nhân hợp nhất của cổ nhân, cho rằng thế giới tự nhiên là đại vũ trụ, còn nhân thể là tiểu vũ trụ.

Mặc dù chữ Hán có hàng nghìn hàng vạn chữ, nhưng trong đó chỉ có 8 chữ là thần bí nhất, đó là 8 chữ trên đĩa bát quái trong la bàn phong thuỷ: Càn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, Chấn, Ly, Đoài. 8 chữ này không chỉ biểu tượng cho 8 loại yếu tố tự nhiên là Thiên (Trời), Địa (Đất), Sơn (Núi), Trạch (Đầm), Lôi (Sấm sét), Phong (Gió), Thuỷ (Nước), Hoả (Lửa) mà cổ nhân kính sợ nhất, mà còn thể hiện phương vị, âm dương, thời tiết v.v.

Nó còn đối ứng với thân thể người, theo thứ tự là Thủ (Đầu), Khẩu (Miệng), Mục (Mắt), Túc (Chân), Cổ (Đùi), Nhĩ (Tai), Thủ (Tay), Phúc (Bụng). Qua đó cho thấy Bát quái thể hiện vũ trụ quan Thiên – Nhân hợp nhất của cổ nhân, cho rằng thế giới tự nhiên là đại vũ trụ, còn nhân thể là tiểu vũ trụ.

Bát quái tượng trưng 8 loại vật thể biểu tượng trong thế giới tự nhiên

Bát quái có Bát quái tiên thiên và Bát quái hậu thiên, Bát quái tiên thiên là do Phục Hy phát minh, nên gọi là Phục Hy Bát quái; Bát quái hậu thiên, là do Chu Văn Vương thời Tây chu phát minh ra, nên gọi là Văn Vương Bát quái. Ký tự dùng trong Bát quái tiên thiên và Bát quái hậu thiên đều giống nhau, quẻ và phù hiệu cũng không có khác biệt, nhưng vị trí đặt của 8 ký tự này có sự khác biệt rất lớn.

Bát quái,
Bát quái có Bát quái tiên thiên và Bát quái hậu thiên. (Nguồn wikipedia – CC-SA-3.0)

Cứ hai quẻ đối nhau trong Bát quái thì có một dương và một âm (như Càn – Khôn, Ly – Khảm), mà trong 64 quẻ, cũng là từng cặp một âm và một dương đối nhau. “Dịch truyện” cho rằng điều này tỏ rõ đạo lý tự nhiên và xã hội đều phù hợp với âm dương, như thiên dương địa âm, nhật dương nguyệt âm, quân dương thần âm, nam dương nữ âm… Bởi vậy phải nhận thức sự vật từ hai phương diện tương đối, tránh nhìn nhận sự việc một cách phiến diện.  

Đối với cách lý giải 8 chữ trong Bát quái, có những tác giả dùng quan điểm của mình để lý giải, tuy nhiên nhận thức của họ so với cổ nhân thì còn hạn chế rất nhiều, nhưng lại rất thú vị, do đó trích dẫn một phần để các độc giả tham khảo. Theo trình tự trong Bát quái tiên thiên (thuận chiều kim đồng hồ trên La bàn), lần lượt chúng ta sẽ bàn luận về 8 chữ Càn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, Chấn, Ly, Đoài.

1. Càn

Mọi người đều tương đối yêu thích chữ này. Từ xưa đến nay, người sử dụng chữ này đặt tên rất nhiều, chẳng hạn như vị hoàng đế nổi tiếng thứ sáu của nhà Thanh, Ái Tân Giác La – Hoằng Lịch, niên hiệu của ông được đặt là Càn Long. Vì niên hiệu này, nên mọi người quen gọi ông là “Hoàng đế Càn Long”.

So với Càn Long, thì cái tên Càn Lăng càng khiến người ta hứng thú hơn, đó là lăng mộ hợp táng của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc Võ Tắc Thiên và phu quân của bà là Đường Cao Tông Lý Trị. Tại sao lại đặt tên lăng mộ là Càn?

Có rất nhiều cách lý giải, nhưng nhất định là nó có liên quan mật thiết đến thuộc tính về phương vị của Càn, trong la bàn “Địa bàn chính châm 24 long” (Cũng gọi là “Địa bàn chính châm 24 sơn”), chữ Càn này nằm ở phía tây bắc, mà vị trí của Càn lăng chính là phía tây bắc của thành phố Trường An, cho nên gọi là Càn.

Một ý nghĩa khác quan trọng hơn đó là, chữ Càn đại biểu cho Thiên, cho nên dùng cho lăng mộ của bậc đế vương thì không có gì thích hợp bằng.

Bát quái,
Bát quái Địa bàn chính châm 24 long. (Nguồn KKnews)

Chữ Càn còn có sắc thái giới tính, là nam tính, thuộc thuần dương. Người xưa cũng cho rằng giống như một người quân tử cần có bốn đức tính: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, gọi là “Càn đức”. Đối với một quốc gia, Càn là nguyên thủ; đối với gia đình, Càn là phụ thân. Một chữ đẹp như vậy, tự nhiên được cổ nhân tôn trọng, trong Bát quái tiên thiên, xếp nó ở vị trí trên cùng, gọi là Càn nhất.

2. Tốn

Đối với chữ này có thể mọi người cảm thấy ít gặp. Trong Bát quái, cổ nhân dùng chữ Tốn này để đại biểu cho Phong (gió), nên chữ này còn có nghĩa “tiêu tán”, là một loại Phong Thần (Thần gió).

Trong Bát quái hậu thiên, chữ Tốn được đặt ở vị trí Đông Nam. Tại sao nó lại xếp ở vị trí này? Điều này liên quan đến thực tế là mặt đông và mặt nam của vùng Trung Nguyên được bao bọc bởi biển và có nhiều gió đông nam. Mỗi năm vào mùa hạ và mùa thu, gió bão đều là từ duyên hải phía đông nam đổ bộ vào đất liền.

Tốn phong rất mạnh, trong các tác phẩm văn học cổ đại cũng có nói đến. Ví dụ, trong chương thứ 16 của “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không nhìn thấy có người phóng hỏa, “Ngộ Không liền bắt quyết niệm chú, quay về hướng Tốn hít một hơi rồi thổi đi, một trận gió nổi lên, thổi ngọn lửa rừng rực cháy loạn lên”

3. Khảm

Với chữ Khảm này, mọi người không còn xa lạ nữa. Theo “Thuyết văn”: “Khảm, tức là hãm”, tức là nơi mặt đường bị sụt lún xuống. Có ai sống trong đời mà chưa từng gặp phải những gập ghềnh trắc trở giống đi đường tụt xuống chỗ sụt lún. Ở dạng giáp cốt văn, chữ Khảm này có dạng chữ “U”, biểu thị cái hố do con người đào ra để làm bẫy săn bắt.

Trong nghi lễ tế tự của cổ nhân, đều sẽ đào hố, rồi đem vật tế Thần chôn vào đó. Chữ này được đưa vào trong Bát quái, nhất định là có quan hệ với nghi thức này. Trên mặt đất có Khảm (chỗ lõm xuống), thì thường sẽ có nước đọng. Bởi thế, Khảm trong Bát quái còn đại biểu cho Thuỷ.

Vị trí của chữ Khảm trong Bát quái hậu thiên cũng giống như trong Bát quái tiên thiên, ở hướng chính bắc, đối diện với cung Ly ở hướng chính nam.

Trong “Tân Đường Thư – Sa Đà truyện” có câu “Biện nhân dạ khảm chư dã”, ý tứ là người dân Khai Phong, tỉnh Hà Nam đã âm thầm đào nhiều bẫy trên cánh đồng vào đêm tối, khiến cho Hậu Đường Thái Tổ Lý Khắc Dụng cả người và ngựa bị sa vào trong bẫy. Nhưng đây là một quẻ lao, là nơi vạn vật quy táng, kể cả con người, sau khi chết đều phải tiến vào “Khảm”, thi thể đều sẽ bị chôn kỹ.

4. Cấn

Mọi người cũng không thường dùng chữ Cấn này. “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận giải thích rằng: “Cấn, cũng là ngận (rất)”. Về sau mở rộng ra với nghĩa là cứng rắn, cứng nhắc.

Ở phương Bắc nói rằng người nào đó cấn, tức là nói người đó tính tình cứng rắn, quá ngay thẳng. Vậy chữ này dùng trong Bát quái đại biểu cho cái gì là thỏa đáng nhất? Đương nhiên đó là núi rồi. Trong Bát quái tiên thiên nó nằm ở vị trí Tây Bắc, trong Bát quái hậu thiên nó nằm ở vị trí Đông Bắc, hai phương vị này đều là nơi có Đại Long (nhiều núi) trong địa lý cổ.

5. Khôn

Chữ Khôn này mọi người đều khá quen thuộc, nghĩa cổ của từ Khôn có nghĩa là Địa (đất). Trong Bát quái, mỗi chữ đều chú trọng đến âm dương, trong những từ đã nói ở trên, Càn Chấn Khảm Cấn là Tứ dương, Đoài Ly Tốn Khôn là Tứ âm, âm dương đối nhau mới tốt, “dị tính hút nhau”. Ở trước đã nói rằng, “Càn” tượng trưng cho Thiên, và từ đối lại với “Càn” chỉ có thể là Địa. Cho nên nói rằng Khôn và Càn tương hợp với nhau, bởi vậy mà “trời đất được định vị”.

Bởi vì chữ Khôn này là tính âm, và nó cũng tượng trưng cho giới nữ. Vì vậy, thời cổ, từ này còn là từ đồng nghĩa với phụ nữ, như ngày xưa diễn viên nữ được gọi là “Khôn linh”. Trong Bát quái, Khôn đại biểu cho Hoàng hậu của quốc gia và người mẹ trong gia đình.

Trong Bát quái tiên thiên, chữ Khôn ở vị trí phương Bắc, còn trong Bát quái hậu thiên, thì nó được đặt ở vị trí Tây Nam, vì sao lại đặt ở vị trí này? Nó có thể liên quan đến “Thổ” trong ngũ hành.

6. Chấn

Trong Thuyết văn giải tự, Chấn có nghĩa là “sấm sét”, cổ nhân kính Trời, sống hòa thuận với thiên nhiên, nếu có tiếng sấm sét lớn thì cho rằng Thần linh nổi giận và muốn trừng phạt con người. Vào thời cổ đại, nếu có thiên tai lớn và nghiêm trọng thì Thiên tử sẽ nghĩ rằng là do mình có phương diện nào đó không tốt mới dẫn đến tai họa. Người dân bách tính cũng nghĩ rằng họ không làm tốt ở một số khía cạnh nào đó mà dẫn đến tai họa.

Vì thế nên người xưa cầu Trời tha thứ cho những lỗi lầm của họ, và cố gắng về sau không mắc phải hoặc ít phạm phải những lỗi lầm tương tự.

Con người ngày nay chịu ảnh hưởng thuyết vô Thần, cho rằng Thần linh không tồn tại, luôn muốn cải tạo thiên nhiên, đấu trời đấu đất, thậm chí khi đối mặt với thiên tai, còn muốn “nhân định thắng thiên”. Tuy nhiên, sau trận động đất ở Vấn Xuyên vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, đã khiến cho tất cả người dân Trung Quốc choáng váng, trận động đất ở Fukushima ở Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 đã khiến cả thế giới kinh hoàng.

Từ những thảm họa này, con người hiện đại có lẽ đã nhận ra rằng đứng trước thiên nhiên thì con người nhỏ bé và bất lực đến nhường nào.

Trong Bát quái hậu thiên, cổ nhân dùng chữ Chấn để biểu thị cho “sấm sét” khủng khiếp và đặt nó ở vị trí được coi trọng nhất thời bấy giờ – Hướng đông. Phương đông là nơi mặt trời mọc, nơi vạn vật sinh sôi, vị trí Thiên Đế. Các lăng mộ thời Tần và Hán được phát hiện trong khảo cổ học, cũng như các lăng mộ lớn và vừa trước đó, hầu như đều quay mặt về hướng Đông, điều này cũng phản ánh cách hiểu của người xưa trong dân gian về Chấn.

7. Ly

Nhắc đến chữ Ly này, nhiều người thấy kinh hãi. Trong xã hội hiện nay, nếu vợ chồng không chung sống với nhau được nữa, không muốn hòa thuận với nhau, không muốn nhìn mặt nhau thì cách tốt nhất là Ly (ly hôn). Làn sóng ly hôn đã trở thành một hiện tượng đang ảnh hưởng đến các gia đình truyền thống.

Theo Thuyết văn giải tự, chữ Ly này thực sự là một con mãnh thú trong thời cổ đại, là một loại mãnh thú ở trên núi. Con thú này rất lợi hại, nó giống như một con rồng không sừng, người xưa rất sợ và coi nó là Sơn Thần. La bàn ban đầu sử dụng chữ Ly này có thể liên quan đến truyền thuyết về “vị Thần núi” này.

Tuy là nói vậy, nhưng trong Bát quái từ này được coi là một từ tốt. Ly thông với Lệ, ngày có mặt trời rực rỡ diễm lệ là ngày tốt đẹp nhất, cho nên, Ly tượng trưng cho mặt trời rực cháy trên không trung, cho nó là hiện thân của lửa.

Trong Bát quái hậu thiên, Ly thậm chí còn được tôn sùng hơn, đem chữ này đặt lên vị trí chính nhất – phương nam, nơi mặt trời chiếu trên cao, thay thế vị trí của Càn trong Bát quái tiên thiên, vị trí này khiến Ly phù hợp với quy luật tự nhiên, đồng thời, nó cũng thể hiện hy vọng của người xưa về một cuộc sống tốt đẹp, một tương lai tốt đẹp hơn, tự do và hạnh phúc quan trọng hơn thiên Can này.

8. Đoài

Ngày nay, chữ Đoài (còn có âm là Đoái) thường được sử dụng như một động từ, có nghĩa là “thay đổi”. Có lẽ những người trong ngành tài chính quen thuộc nhất với từ này, bởi vì việc đổi tiền, hối đoái là công việc hàng ngày của họ, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái đô la Mỹ, tỷ giá hối đoái ngoại tệ v.v.

Trong chữ Hán cổ, chữ này cũng chủ yếu được sử dụng ở dạng động từ, nhưng ý nghĩa rất khác nhau. “Thuyết văn” viết rằng: “Đoài, tức là Thuyết.” “Dịch – Tự Quái” viết rằng: “Đoài, tức là Thuyết.” Hai cách giải chữ cơ bản giống nhau, tức đều nói Đoài có ý nghĩa là thuyết nói, thuyết giảng.

Từ chữ giáp cốt văn mà xét, thì chữ này là hình tượng một người há miệng khoa tay múa chân, cảm xúc vui mừng bộc lộ qua lời nói. Đoài, cũng là duyệt, ý nghĩa thực sự của chữ “duyệt” là niềm vui của thiên hạ. Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể đạt được niềm vui của thiên hạ? Đó là để cho người dân được quyền lên tiếng.

Đây là quyền cơ bản nhất của con người và là yêu cầu cơ bản nhất của nền dân chủ sơ khai. Vì vậy, trong số rất nhiều chữ Hán, người xưa đã chọn chữ này làm tiêu đề, và xếp nó đứng thứ hai, chỉ đứng sau chữ Thiên (Đoài Nhị).

Điều này chỉ ra rằng mặc dù người xưa coi Thiên tử là thượng tôn nhưng không thể ngăn cản thiên hạ, thiên tử cần biết lắng nghe những lời thỉnh cầu, khiếu nại và biểu đạt chính kiến khác biệt của họ. Điều này cho thấy người xưa đã rất coi trọng lớn đối với cầu thị của tập thể. Tôn trọng tự do ngôn luận và ngụ ý rằng tự do và hạnh phúc là do nhân dân tự giành được.

Kỳ thật, Bát quái thể hiện văn hóa truyền thống Á Đông, hàm nghĩa nghĩa rộng lớn. Trong “Chu dịch – Hệ từ” có ghi: “Xưa Bào Hy (tức Phục Hy) làm vua của thiên hạ, ông ngửa mặt quan sát các hiện tượng trên trời, cúi xuống quan sát các phép tắc của đất, quan sát các đặc trưng của chim thú phù hợp với mỗi địa phương, gần lấy phép tắc bản thân, xa lấy phép tắc của mọi vật, thế rồi ông bắt đầu tạo ra Bát quái, để thông với đức của Thần linh, để phân loại tình trạng của vạn vật”. Ý nghĩa của nó thật sâu sắc.

Đồng thời, Bát quái cùng Hà Đồ, Lạc Thư và Chu dịch thuộc văn hóa truyền thống Á Đông, cổ nhân thông qua việc nắm vững và ứng dụng những kinh điển này, người xưa có thể biết chính xác quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một người, đất nước và thậm chí cả vũ trụ. Quả là bác đại tinh thâm.


Theo NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x