Nhiệm vụ Hercules của chúng ta: Tìm kiếm trí huệ qua 12 kỳ công của Hercules

tri hue minh chan tuong
Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Romania. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Mở đầu loạt bài “Những nhiệm vụ Hercules của chúng ta,” chúng ta sẽ cùng chiêm nghiệm bài học từ câu chuyện anh hùng Hercules đánh bại mãnh sư Nemea.

Hercules là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Sức mạnh và lòng dũng cảm phi thường của chàng đã truyền cảm hứng cho thế giới Tây phương. Thế nhưng, Hercules là một nhân vật phức tạp, những hành động của chàng đôi khi không dễ lý giải. Trong loạt bài “Những nhiệm vụ Hercules của chúng ta,” chúng ta sẽ khám phá mười hai kỳ công của Hercules để tìm kiếm trí huệ cho thời đại ngày nay.

Chúc mừng Năm Mới! Nhiều người trong chúng ta đang tràn ngập hy vọng về năm mới này và những điều tốt đẹp mà nó mang lại. Một số người dành thời gian đầu năm để suy nghĩ về những mục tiêu cho năm mới. Chúng ta tìm cách loại bỏ những thói quen xấu từ năm cũ để có thể hướng đến một cuộc sống an vui và khỏe mạnh hơn.

Như chúng ta đều biết, kiên trì với những mục tiêu năm mới là không hề dễ dàng. Dù có thể bắt đầu với quyết tâm và tập trung cao độ, nhưng rồi ta nhanh chóng bị xao nhãng. Những thăng trầm trong cuộc sống cuốn chúng ta rời xa mục tiêu tự hoàn thiện bản thân. Đôi khi, việc cải thiện bản thân có thể giống như một “nhiệm vụ Hercules” (*) vậy.

Hercules đã tự mình chinh phục những nhiệm vụ bất khả thi. Chàng có thể mang đến cho chúng ta những bài học trí huệ trên hành trình bước vào năm 2024. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ dành 12 tháng sắp tới để khám phá 12 kỳ công của vị anh hùng này.

Diễn giải vận mệnh của Hercules

Truyền thuyết kể rằng, Hercules đã tìm đến Nhà Tiên Tri (Oracle) để cầu được chỉ dẫn, sau khi chàng bị nữ thần Hera đố kỵ làm cho hóa điên, khiến chàng ra tay sát hại những đứa con của mình.

Nữ thần Hera vì ghen tuông với chồng bà là thần Zeus, cha của Hercules, nên đã tìm mọi cách gây rắc rối cho Hercules, thậm chí còn không từ thủ đoạn lừa thần Zeus ban cho Eurystheus lên ngôi vua thay vì Hercules. Cũng chính từ nữ thần Hera mà Hercules (Heracles) được đặt cái tên mang ý nghĩa “vinh quang của Hera,” như ám chỉ sự thao túng của bà lên vận mệnh cuộc đời chàng.

Nhà Tiên Tri phán rằng các vị thần đã định sẵn Hercules phải hoàn thành 10 nhiệm vụ để phục vụ Vua Eurystheus.

Tuy nhiên, nhà vua sẽ không chấp nhận hai trong số những nhiệm vụ này vì cho rằng Hercules đã nhận được sự trợ giúp để hoàn thành chúng, và Hercules buộc phải thực hiện thêm hai điều nữa, tổng cộng là 12 nhiệm vụ. Bằng cách kiên nhẫn thực hiện những nhiệm vụ này, chàng sẽ chuộc lại những tội lỗi của mình và được phong thần, thăng thiên lên đỉnh Olympus làm một vị thần.

Nhiệm vụ đầu tiên: Mãnh sư Nemea

Nhiệm vụ đầu tiên là tiêu diệt mãnh sư Nemea. Con quái thú khổng lồ này được sinh ra từ các quái vật và mặt trăng. Sở hữu lớp da không thể xuyên thủng, nó gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân và đàn gia súc của họ, khiến ai nấy đều tránh xa, kẻo chính họ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Trên đường đi tiêu diệt sư tử Nemea, Hercules ở cùng một người đàn ông tên Molorchos. Chàng đề nghị Molorchos chờ trong 30 ngày và nếu chàng chiến thắng trở về, hãy dâng một lễ vật tạ ơn thần Zeus. Tuy nhiên, nếu không may thất bại, Hercules mong Molorchos hãy tế lễ chàng như một vị anh hùng.

Hercules tiếp tục cuộc hành trình và cuối cùng khi chạm mặt mãnh sư, chàng đã cố bắn nó bằng mũi tên của mình. Nhưng những mũi tên không thể làm con quái vật bị thương, và chàng hiểu rằng mình phải hạ gục nó bằng tay không.

Với lòng dũng cảm không nao núng, chàng đuổi theo sư tử vào một hang động có hai lối vào. Chàng dùng đá chặn kín một lối và bước qua lối còn lại để đối mặt với hung thú. Tại đây, chàng có thể bắt được mãnh sư và siết chết nó, như được mô tả trong bức tranh của Peter Paul Rubens, nhà ngoại giao kiêm họa sỹ theo trường phái Baroque Flemish.

Sau khi hạ gục mãnh sư Nemea, Hercules vác xác nó lên vai và mang về trình diện Vua Eurystheus. Trên đường về, chàng thấy Molorchos đang chuẩn bị dâng lễ vật cho mình như một vị anh hùng [vì tưởng chàng đã hy sinh]. Chàng nhận phần lễ vật và dâng lên thần Zeus thay vì nhận cho mình.

Cuối cùng, khi Hercules thành công trở về diện kiến Vua Eurystheus, nhà vua kinh hãi trước lòng dũng cảm và ngoan cường của Hercules đến độ không dám cho Hercules vào thành nữa. Kể từ đó, Hercules đều phải đứng ở bên ngoài bức tường thành để chứng minh rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, Vua Eurystheus còn cho làm một cái chum bằng đồng để trốn vào bên trong mỗi khi Hercules xuất hiện.

Hercules muốn sử dụng bộ da của mãnh sư để làm một tấm áo choàng không thể xuyên thủng nhằm bảo vệ bản thân. Thế nhưng, không một lưỡi dao nào có thể rạch được lớp da này. Hercules quyết định dùng chính móng vuốt từ bàn chân của mãnh sư để cắt xuyên bộ da.

Cách làm này đã thành công, và Hercules khoác lên vai tấm áo choàng mãnh sư để đồng hành cùng chàng trong những thử thách còn lại, như ta có thể thấy trong bức tượng của điêu khắc gia người Flemish thế kỷ 17, Lucas Faydherbe.

Nền tảng cho mục tiêu đầu tiên của chúng ta

tri hue minh chan tuong 1
Bức tượng “Hercules” của điêu khắc gia Lucas Faydherbe, năm 1640 – 1650. Đất nung, Bảo tàng Victoria và Albert, Vương quốc Anh. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ những chi tiết này?

Đầu tiên, tôi cho rằng cần nhớ Hercules đã được định sẵn để dấn thân vào cuộc hành trình này, như một cách để chuộc lại lỗi lầm và được thăng thiên. Vậy chúng ta đang định hướng mục tiêu của mình vào đầu năm như thế nào? Liệu chúng ta có đang tập trung vào mục tiêu đúng đắn — sửa chữa những điều có thể là tiêu cực và gây hại cho cuộc sống chúng ta hay không?

Có lẽ, cách phản ứng của Vua Eurystheus với Hercules khi chàng trở về càng nhấn mạnh quan điểm trên. Quyền lực thế gian của nhà vua chẳng có ý nghĩa gì trước một người dám dấn thân và thành công chuộc lại lỗi lầm của mình. Thậm chí, Vua Eurystheus còn trốn chạy khi Hercules xuất hiện như thể chàng mới là vị vua thật sự. Phải chăng điều này ngụ ý rằng vương quyền đích thực đến từ lòng dũng cảm cần thiết để đối mặt với bản chất tội lỗi của chính mình?

Thứ hai, việc cúng tế là một chi tiết thú vị. Hercules đề nghị được vinh danh cá nhân — không phải trong trường hợp chàng thành công — mà là nếu chàng thất bại. Nếu chàng chiến thắng, vinh quang sẽ thuộc về cha chàng đang ngự trên đỉnh Olympus, nhưng nếu thất bại, chính chàng sẽ nhận được sự tôn vinh.

Đối với tôi, điều này cho thấy tầm quan trọng và khó khăn trong việc cố gắng chuộc lại tội lỗi của chúng ta. Nhiệm vụ này gian truân nhưng lại rất vinh dự. Thực tế là, chỉ xét riêng phần nỗ lực, ngay cả khi thất bại, chúng ta cũng xứng đáng được tán dương. Tuy nhiên, thành công trong những nỗ lực đó lại thuộc về Thiên Chúa.

Thứ ba, ý tưởng rằng mãnh sư không thể bị đánh bại bởi bất kỳ loại vũ khí nào mà phải bị đuổi vào hang và siết chết. Chúng ta thường nhờ các nguồn lực từ bên ngoài để giúp đỡ mình trong khi những gì ta muốn thay đổi lại nằm trong tâm trí và trái tim, tựa như một hang động nội tâm — nếu bạn muốn gọi như vậy. Như người ta thường nói cõi thiên đường nằm trong tâm [mỗi người].

Vậy những tội lỗi nào phủ mờ con đường lên thiên đàng này? Và khi tìm thấy tội lỗi ẩn náu trong “hang động nội tâm,” liệu chúng ta có thể cắt đi nguồn sống của chúng không?

Thứ tư là chi tiết về bộ da mãnh sư chỉ có thể được cắt ra bằng chính móng vuốt của nó. Sau khi lớp da được cắt ra, Hercules đã mặc nó như một tấm choàng bảo vệ. Ở đây, việc cắt vào con vật chỉ có thể được thực hiện bởi chính con vật đó. Cắt vào một thứ gì đó có thể ám chỉ cho việc nhìn thấu qua bề mặt của nó để phơi bày những tầng nghĩa sâu xa hơn.

Phải chăng điều này ngụ ý rằng chúng ta cần phải hiểu thấu bản chất của tội lỗi, nghĩa là, bản chất và những hậu quả của nó, để có cái nhìn sâu sắc hơn về cách tội lỗi chi phối chúng ta? Và liệu sự thấu hiểu này có thể bảo vệ chúng ta trên hành trình tương lai không?

Chung quy lại, ở đây có nhiều bài học để bắt đầu một năm mới với hy vọng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Vậy kỳ công đầu tiên của Hercules có thể truyền cảm hứng cho bạn khởi đầu năm mới như thế nào?

Để trợ giúp cho nhiệm vụ khó khăn trong toàn bộ loạt bài này, tôi chủ yếu tham khảo cuốn “Library of Greek Mythology” (Thư viện Thần thoại Hy Lạp) của sử gia Apollodorus, trừ khi có nêu rõ khác, và sử dụng “Oxford Handbook of Hercules” (Sổ tay Oxford của Hercules) như nguồn tham khảo thứ cấp.

Chú giải:

(*) Herculean task: Hercules là một anh hùng nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, được biết đến với mười hai kỳ công, vốn là những chiến công phi thường về sức mạnh và lòng dũng cảm. Do đó, “Herculean task” đã trở thành nghĩa của bất kỳ nhiệm vụ nào vô cùng khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Hữu Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x