4 kỳ tích núi Võ Đang đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được

4 kỳ tích núi Võ Đang đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được
Dưới vách núi đá cao chót vót, những động tác Thái Cực được thực hiện nhịp nhàng khoan thai…

[Radio] – Công nghệ tinh vi và chi tiêu khổng lồ tạo dựng Kim Điện là để làm gì? Đó chính là để nó nổi tiếng. Và nó càng nổi tiếng hơn khi có những Thần tích sau đây đã xảy ra sau khi xây dựng Kim Điện. 

Kim Điện Võ Đang thần kỳ

Một con thuyền quan từ Kinh thành đi theo sông đào xuống phía Nam. Con thuyền này là loại đặc biệt, hàng trên thuyền xem có vẻ khá nặng, vạch tải trọng trên thuyền đã quá nửa chìm dưới nước. Nhưng chiếc thuyền này không vội vận chuyển, chỉ ngày có nắng và thuận chiều gió mới khởi hành. Vào những ngày u ám, hoặc mưa gió, thì thuyền cập bờ nghỉ ngơi. Hơn nữa, trên thuyền cực kỳ sạch sẽ, gọn gàng, bởi vì không nhóm lửa nấu ăn trên thuyền. 

Vị quan chỉ huy trên thuyền là Mộc Hân, Phò mã của Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ. Mộc Hân hành sự hoàn toàn tuân theo ý chỉ của nhạc phụ. Chiếc thuyền này dọc đường cứ lúc đi lúc dừng thế này, đi qua Vũ Xương, theo sông Hán Thủy và ngược dòng đi lên, đến chân núi Võ Đang. Thuyền cập bờ và dỡ trên 300 tấn hàng.

Sau đó không lâu, trên ngọn Thiên Trụ, ngọn núi cao nhất núi Võ Đang đã mọc lên một tòa kiến trúc hoàn toàn bằng đồng, trong điện thờ tượng đồng Chân Vũ Đại Đế, hai bên còn có Kim Đồng, Ngọc Nữ và Thần Tướng cầm pháp khí.

Thì ra, đây chính là Đại Nhạc Thái Hòa Cung do Minh Thành Tổ Chu Đệ xây dựng để thờ Chân Vũ Đại Đế, sau này, Thái Hòa Cung được đổi tên thành Kim Điện. 

Trong Đạo giáo, Chân Vũ Đại Đế cũng được gọi là Huyền Thiên Thượng Đế. Sư Thần Ký có viết: 

Ngài vốn là Thái tử của Tĩnh Lạc Quốc ở Tây Hải, bởi phát thệ muốn trừ hết ác ma trong thiên hạ, nên Ngài bắt đầu tu Đạo, sau khi đắc Đạo, viên mãn, hiệu là Chân Vũ.

Vậy tại sao Chu Đệ lại xây dựng Đạo trường cho Chân Vũ Đại Đế trên núi Võ Đang? 

Huyền Đế điện.
Huyền Đế điện. (Ảnh: Gisling/CC BY-SA 3.0)

Nguồn gốc tên núi Võ Đang và Kim Điện

“Duy Chân Vũ túc dĩ đang chi” (Chỉ Chân Vũ (Võ) mới đủ sức địch nổi). Đây chính là nguồn gốc tên núi Võ Đang. Nhân duyên của Chu Đệ với Chân Vũ là từ hơn 10 năm trước, trong chiến dịch Tĩnh Nạn tranh giành địa vị.

Năm 1400, Kiến Văn Thành Đế Chu Doãn Văn, cháu nội của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, và Chu Đệ, khi đó là Yên Vương quyết chiến ở huyện Hùng, Hà Bắc. Quân đội của Chu Đệ bị quân đội của triều đình Nam Kinh bao vây tầng tầng lớp lớp. Đúng lúc nguy nan, bỗng trên không hiện ra một lá cờ, trên đó có hai chữ lớn: Chân Vũ. 

Binh sĩ quân đội Chu Đệ phấn chấn hẳn lên. Sau đó, đột nhiên một cơn gió xoáy nổi lên, thổi gãy cờ soái của quân triều đình, khiến hệ thống chỉ huy của quân đội triều đình rơi vào trạng thái tê liệt. Chu Đệ thừa cơ phóng hỏa, quân triều đình hỗn loạn, quân đội Chu Đệ đột phá vòng vây thành công. 

Sau khi đoạt được thiên hạ, để cảm tạ Chân Vũ Đại Đế trợ giúp, khiến Chu Đệ từ cõi chết thoát nạn trở về, còn được ngồi trên ngai vàng, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã quyết định đúc tượng dựng điện cho Chân Vũ, xây dựng Đạo trường ở nhân gian để muôn dân kính ngưỡng.

Minh Sử cũng có ghi chép về sự kiện Chu Đệ chuyển bại thành thắng này, nhưng không có tình tiết xuất hiện lá cờ Chân Vũ trên không. Câu chuyện này có trong truyền thuyết dân gian. 

Tuy nhiên, sau khi lên ngôi, Chu Đệ xây dựng nhiều Đạo quán ở núi Võ Đang, và tôn sùng Chân Vũ, những việc này dường như đã ấn chứng truyền thuyết dân gian này.

Đạo quán chiểu theo những ghi chép về việc tu luyện của Chân Vũ Đại Đế trong Đạo kinh “Chân Vũ Kinh” để thiết kế xây dựng. Các loại kiến trúc ở hơn 400 nơi, tổng cộng trên 2 vạn gian phòng, với diện tích trên 1.6 triệu mét vuông, quy mô rất lớn. 

Kim Điện sừng sững trên đỉnh ngọn Thiên Trụ, là kiến trúc quan trọng nhất và hoa lệ nhất trong tất cả các công trình kiến trúc Võ Đang. Do đó mới xuất hiện câu chuyện như ở phần đầu bài viết.

Chu Đệ ra liền 2 Thánh chỉ cho Phò mã Mộc Hân, yêu cầu đoàn thuyền phải dùng thái độ cung kính nhất để vận chuyển những linh kiện của Kim Điện do Hoàng thất giám sát chế tạo. Điều này có thể thấy, Chu Đệ vô cùng coi trọng công trình này. 

Kim Điện cao 5.54 mét, rộng 4.4 mét, dài 3.15 mét. Kích thước kiến trúc không lớn, nhưng hoàn toàn phỏng theo Phụng Thiên Điện của Tử Cấm Thành, tức điện Thái Hòa ngày nay. Toàn bộ mái là đấu củng 9 tầng. Các cấu kiện hình vuông từng tầng bọc từng tầng, tổ hợp thành khung đỡ trên lớn dưới nhỏ. Toàn bộ Kim Điện sử dụng 3600 cấu kiện đúc đồng, toàn bộ dùng mối ghép mộng. 

Hoàn toàn dùng ghép mộng, đây có thể nói là kỹ thuật tiên tiến nhất thời triều Minh. Tuy nhiên, vẫn còn những phần xuất sắc hơn ở sau.

Mộc Hân lại lấy ra hơn 2000 lạng vàng mạ một lớp vàng rực rỡ cho toàn bộ Kim Điện. Các thợ thủ công nổi lửa trên đỉnh núi, bắc cái vại lớn. Trước tiên, họ đổ thủy ngân vào trong vại, sau khi đun sôi thì cho các miếng vàng vào và liên tục khuấy. Vàng dần dần biến thành bùn vàng.

Những người thợ lấy bùn vàng quét lên từng ngóc ngách Kim Điện hết lần này đến lần khác. Sau đó dùng lửa than sấy khô. Đây là phương pháp mạ vàng xa xỉ nhất thời cổ đại. Sau khi thủy ngân trong bùn vàng bị bốc hơi hết, bùn vàng biến thành chất kết dính còn chắc chắn hơn xi măng, không chỉ khiến toàn bộ Kim Điện lấp lánh phát sáng, mà còn làm kín cực kỳ tốt.

Công nghệ tinh vi và chi tiêu khổng lồ tạo dựng Kim Điện là để làm gì? Đó chính là để nó nổi tiếng. Và nó càng nổi tiếng hơn khi có những Thần tích sau đây đã xảy ra sau khi xây dựng Kim Điện.

Dãy núi Võ Đang
Dãy núi Võ Đang. (Ảnh: gongfu_king/CC BY-SA 2.0)

Thần thú nhả mây khói

Không lâu sau khi Kim Điện hoàn thành, Chu Đệ nhận được bản tấu của Mộc Hân, nói rằng có người thợ trông thấy 4 con Thần thú hải mã trên đỉnh nóc Kim Điện đang nhả mây khói. Đây là điềm tốt lành.

Chu Đệ xem tấu, quả nhiên long nhan rất vui mừng, vì hải mã là Thần thú trung dũng trong Thần thoại, tượng trưng cho công đức Hoàng gia truyền đạt đến Thiên đình, nên mới giáng điềm lành như thế này. Hải mã hiện Thần tích, đó chẳng phải nói nên tính chính thống của ta làm Hoàng đế đó sao. Thế nên Vĩnh Lạc Hoàng đế Chu Đệ nghe được tin này thì vui mừng đến mức đêm ngủ cũng cười tỉnh dậy. 

Rốt cuộc đây là Phò mã Mộc Hân biên tạo ra Thần tích để làm vui lòng, xu nịnh nhạc phụ chăng? Hay là thực sự có việc này?

Mộc Hân thực sự không nói dối. Trên nóc Kim Điện có 4 góc, mỗi góc đều có 5 con Thần thú, lần lượt là: rồng, phượng, sư tử, thiên mã và hải mã. Mỗi khi mưa, miệng hải mã sẽ phát ra âm thanh ù ù, sau đó phun ra một luồng khói mây. Khi khói mây bay lên trên, nó liền biến thành màu tím, xem ra đầy vẻ Tiên khí.

Quả là thần kỳ, các nhóm chuyên gia hiện đại kiểm tra những con Thần thú này, và đưa ra giả thiết là, bởi vì khí hậu núi Võ Đang thay đổi rất lớn, mà hải mã thì bằng đồng, sự khác biệt nhiệt độ bên trong và bên ngoài là nguyên nhân hải mã nhả ra mây khói.

Khi kiểm tra, thấy hải mã giống như những con Thần thú khác, tất cả đều ruột đặc, bên trong không có lỗ, do đó không thể từ bên trong thân tượng phun khói mây. Do đó giả thiết này không căn cứ.

Thế là các chuyên gia lại đưa ra giả thuyết thứ 2, nói rằng, bởi vì nước mưa tích đọng ở trong miệng hải mã, gió thổi nhẹ, liền tạo thành hiệu quả nhả khói. 

Nhưng vấn đề là 4 con Thần thú khách cũng ở trên mái gần với nó, nước mưa cũng đọng trong miệng chúng, tại sao chỉ có Thần thú hải mã nhả khói mây. 

Cảnh tượng kỳ lạ hải mã nhả khói mây vẫn còn thường xuyên xuất hiện cho đến thời nhà Thanh. Sách Thái Hòa Sơn Chí những năm Càn Long cũng có ghi chép về sự kiện này. Do đó hoàn toàn loại trừ khả năng quan lại triều Minh bịa ra Thần tích để siểm nịnh Hoàng đế. Bởi vì triều nhà Thanh tín Phật giáo Tây Tạng, đối với những sự tình như điềm lành, phúc lộc của Đạo gia, họ không có mấy hứng thú. Thế nên, động cơ để người thời nhà Thanh bịa ra Thần tích này hầu như không có. 

Năm 1983, Triệu Bản Tân, Phó trưởng phòng Văn vật Tôn giáo núi Võ Đang từng có một lần tận mắt trông thấy hải mã nhả khói mây. Ông miêu tả rằng, khí mù mà hải mã nhả ra rất mịn, dài khoảng 5 tấc, hơn nữa chỉ 1, 2 giây là tan, khiến cho lúc đó ông muốn chụp ảnh mà không kịp.

Khoa học hiện đại hoàn toàn không chấp nhận những thuyết như Thần tích, điềm lành… Những vấn đề khoa học không giải đáp được chỉ đành để đó. Do đó nó đã trở thành một trong những huyền bí của Kim Điện núi Võ Đang mà không thể nào giải đáp được. Nhưng những bí ẩn chưa có lời giải về những sự kiện thần bí xung quanh Kim Điện Võ Đang không chỉ là hải mã nhả khói mây, mà còn khá nhiều.

Tử Tiêu cung.
Tử Tiêu cung. (Ảnh: Gisling/CC BY 3.0)

Ngọn đèn sáng mãi mãi

Sau khi Kim Điện xây dựng xong, phía trước tượng Chân Vũ Đại Đế thờ trong điện thắp một ngọn đèn sáng mãi mãi. Ngọn đèn này thắp sáng từ năm 1416 cho đến tận ngày nay, trở thành ánh sáng vĩnh hằng trên núi Võ Đang.

Tiểu thuyết “Bút ký trộm mộ” cũng viết về ngọn đèn sáng mãi mãi này, nhưng hiện nay, thực sự được mọi người công nhận là ngọn đèn sáng mãi mãi thì chỉ có ngọn đèn trong Kim Điện trên núi Võ Đang này, bởi vì nó thực sự đã cháy trên 600 năm rồi.

Ngọn đèn này, từ bên ngoài nhìn thì rất bình thường, là một loại đèn dầu truyền thống của Trung Quốc, kết cấu 2 tầng. Tầng trên là nước, tầng dưới là dầu, bấc đèn được dùng sáp xử lý. Nhìn từ kết cấu, nó chỉ là một chiếc đèn đơn giản, là ngọn đèn dầu thường thấy trong các tự viện và dân gian Trung Quốc, không có cái gì đặc biệt cả. Nhưng tại sao nó lại không tắt?

Các chuyên gia giải thích rằng, tất cả những khe hở của Kim Điện đều bị bùn vàng phết, nên rất kín, nên đèn không bị gió thổi tắt. Lời giải thích này tuy đơn giản, trực tiếp, nhưng có lỗ hổng mà họ không bịt kín được, đó chính là, cứ cho rằng tường vách kín, nhưng Kim Điện còn có cửa, và cửa vẫn thường mở. Núi Võ Đang thuộc vùng khí hậu á nhiệt đới, trên đỉnh núi thường xuyên có mưa bão, tại sao ngọn đèn lại không bị gió thổi tắt?

Truyền thuyết kỳ bí nói rằng, vì trên mái trong điện có treo một viên trân châu mạ vàng, Đạo gia gọi là tí phong châu (viên trân châu tránh gió). Có bảo bối này, thì cho dù mở cửa, và bên ngoài có gió lớn, thì gió cũng không thổi vào trong điện, do đó ngọn đèn này vĩnh viễn không bị thổi tắt

Ngọn đèn sáng mãi không tắt này, ngoài việc nó vĩnh viễn không bị gió thổi tắt ra, còn vấn đề là dùng loại nhiên liệu gì mà cháy trên 600 năm. Trên thực tế, nó dùng loại dầu đèn bình thường. Về mặt này cũng không thấy có gì kỳ lạ. Thế là có 2 thuyết về máy móc và con người thực hiện. 

Thuyết máy móc là có người đoán rằng, trong Kim Điện có tường kép, bên trong đổ đầy dầu đèn, có thể cung cấp, thêm dầu cho đèn, do đó nó sáng mãi không bị tắt. 

Còn thuyết do con người thực hiện là có người đoán rằng, trong Đạo quán có tiểu đạo sĩ đặc biệt, lặng lẽ thêm dầu cho đèn khi đèn sắp hết dầu, để giữ Thần thoại ngọn đèn sáng mãi mãi của Võ Đang. 

Đương nhiên các đoán định trên chỉ là đoán định, cũng không chứng thực được, và cũng không chứng minh là sai được. Nhưng ngọn đèn sáng mãi mãi này, không chỉ riêng Võ Đang mới có, cũng không phải chỉ có ở Trung Quốc. Trong lịch sử phương Tây cũng lưu truyền câu chuyện tương tự. 

Năm 1540, Giáo hoàng La Mã Paulo III bước vào một ngôi mộ cổ vừa mới khai quật, ông nhìn thấy một ngọn đèn dầu vẫn đang cháy. Chủ nhân ngôi mộ tương truyền là Tullia, con gái của nhà chính trị La Mã Marcus Tullius Cicero. Cô chết năm 44 TCN. Có nghĩa là, ngọn đèn này đã cháy trong ngôi mộ bịt kín suốt 1584 năm. Điều này khiến người ta vô cùng kinh ngạc. 

Nhưng cũng có một giải thích khác rằng, ngọn đèn này không có gì là ghê gớm, vì nó làm bằng phốt pho trắng. Đặc điểm của phốt pho trắng là khi gặp ô xy sẽ tự bốc cháy. Ngọn đèn này khi đặt vào trong một là đang cháy. Sau khi ô xy trong mộ cháy hết, thì nó sẽ tắt. Sau đó, hơn ngàn năm sau, khi có người cạy mở ngôi mộ, ô xy mới sẽ tràn vào trong mộ, thế là đèn lại tự nhiên bốc cháy. Khiến người mở mộ có cảm giác, lẽ nào ngọn đèn này đã cháy hơn ngàn năm? Thực ra có khả năng nó không cháy lâu đến thế. 

Cũng có nghĩa là, kỹ thuật ngọn đèn sáng mãi đã được lưu truyền cả ở phương Đông và phương Tây thời cổ đại. Sử Ký cũng cho ghi chép, trong lăng Tần Thủy Hoàng cũng có ngọn đèn sáng mãi này, nhưng điểm đặc biệt của nó là ở nhiên liệu. Tư Mã Thiên nói: dùng mỡ của người cá thắp đèn cháy sáng rất lâu.

Nghĩa là, ngọn đèn sáng mãi trong lăng Tần Thủy Hoàng là dùng mỡ người cá làm nhiên liệu, cho đến 70-80 năm sau, đến những năm mà Thái sử công sống, ông dự tính nó vẫn còn sáng.

Ngọn đèn sáng mãi trong lăng Tần Thủy Hoàng như thế nào?  Điều này chỉ có thể tùy theo tiến triển khảo cổ lăng Tần Thủy Hoàng thì mới có thể biết được. Có lẽ thực sự có những ngọn đèn cháy sáng chiếu sáng ngôi mộ vàng ngọc rực rỡ hiện ra trước mắt chúng ta. Đồng thời với việc giải đáp bí ẩn khảo cổ ngàn năm này, còn có thể tiết lộ bí ẩn về sự tồn tại của người cá. Đó là sự kiện khiến mọi người hứng thú. 

Ngọn đèn sáng mãi trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn cháy sáng đến ngày nay không thì không biết được, nhưng ngọn đèn sáng mãi trong Kim Điện trên núi Võ Đang thì thực sự là đã cháy sáng mấy trăm năm nay. Tuy nhiên, hai điều kỳ bí này vẫn chưa kỳ lại bằng điều thứ ba sau đây.

Ngọn đèn sáng mãi trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn cháy sáng đến ngày nay không thì không biết được, nhưng ngọn đèn sáng mãi trong Kim Điện trên núi Võ Đang thì thực sự là đã cháy sáng mấy trăm năm nay.
Ngọn đèn sáng mãi trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn cháy sáng đến ngày nay không thì không biết được, nhưng ngọn đèn sáng mãi trong Kim Điện trên núi Võ Đang thì thực sự là đã cháy sáng mấy trăm năm nay. (Ảnh: Pixbay)

Lửa sét luyện điện

Mỗi khi mưa sấm sét sắp xảy ra, xung quanh Kim Điện xuất hiện những của cầu lửa, những quả cầu lửa không ngừng lăn phía trên Kim Điện.

Khi chạm vào mái điện liền phát ra tiếng nổ như trời long đất lở. Lúc này, nếu có một luồng sét vạch bầu trời, thì nó trông giống như thanh kiếm chém Kim Điện, trong nháy mắt, đỉnh núi Võ Đang phát ra vạn ánh kim quang, sáng tận 9 tầng mây, người cách đó mấy chục dặm đều có thể nhìn thấy trên đỉnh núi Võ Đang có ánh sáng đỏ xông lên trời, kinh tâm động phách như núi lửa bùng phát. Đây chính là một cảnh thần kỳ nhất của Kim Điện Võ Đang được ghi chép, gọi là “Lửa sét luyện điện”.

Nhưng kỳ lạ là, sau khi bị sét đánh, Kim Điện Võ Đang không hề bị hư tổn tí nào, trái lại, càng rực rỡ ánh vàng kim, như là được tẩy rửa. Cảnh kỳ lạ này được ghi chép trong “Đại nhạc Thái Hòa Võ Đang sơn chí”. 

Truyền thuyết rằng, mỗi năm, Chân Vũ Đại Đế đều sai Lôi Công Điện Mẫu đến tẩy luyện Kim Điện, mục đích là tẩy sạch vết bẩn trên Kim Điện,giữ cho Kim Điện thanh khiết, sạch sẽ, thứ hai là để triển hiện Thần tích, khiến những kẻ tiểu nhân mưu đồ bất chính kia kinh hồn kiếp vía. 

Cảnh tượng hùng vĩ lửa sét luyện điện trong những ghi chép liên tục kéo dài gần 600 năm. Đến thời kỳ chính phủ Quốc Dân, bên cạnh Kim Điện, chính phủ lại xây thêm 3 kiến trúc nữa là: Phụ Mẫu Điện, Thiêm Phòng và Ấn Phòng. Tuy nhiên bi kịch đã xảy ra, 3 tòa kiến trúc này thường xuyên bị sét đánh hỏng. Đội thi công đành phải liên tục xây lại, nhưng Kim Điện thì trước nay vẫn sừng sững bất động.

Đến năm 1980, để Kim Điện không còn bị sét đánh nữa, chính quyền địa phương dốc khoản tiền lớn, lắp hệ thống thu lôi cho các công trình kiến trúc. Thế nhưng, lửa sét luyện điện, cảnh quan hùng vĩ kéo dài gần 600 năm, từ đó không còn được trông thấy nữa.  

Sang thiên niên kỷ mới, một nhà bảo tàng núi Võ Đang được xây dựng, người ta bắt đầu thu thập và bổ sung các văn vật Võ Đang. Trong quá trình này, những nhân viên văn vật đã phát hiện ra một hiện tượng thần kỳ.

Sư tổ đổ mồ hôi

Đó là toàn bộ các tượng đồng, đồ thờ đồng của Đạo quán Võ Đang đều bị gỉ xanh với các mức độ nhiều ít khác nhau. Nhưng Kim Điện, kiến trúc hoàn toàn bằng đồng, trải qua gần 600 năm lại hoàn toàn không có một chút gỉ đồng xanh nào. Không chỉ Kim Điện không có, mà tất cả tượng đồng trong điện cũng đều sáng bóng như mới. Lẽ nào là vì công nghệ chế tạo tượng đồng trong Kim Điện, và những thứ khác nữa khiến cho chúng không gỉ? 

Những nhân viên bảo tàng sau khi nghiên cứu và so sánh, cho rằng, về công nghệ, tượng đồng không có gì khác biệt, nhưng nó có một hiện tượng độc đáo: Tượng Chân Vũ Đại Đế trong Kim Điện thường xuyên ngưng tụ đầy hơi nước, đọng lại thành giọt nước ở trên bề mặt tượng và từ từ chảy xuống, giống như tượng đồng đang đổ mồ hôi. 

Xem xét các thư tịch cổ, Kim Điện Võ Đang còn có một Thần tích, gọi là “Sư tổ đổ mồ hôi”.

Trong các tượng Phật giáo của Trung Quốc và Nhật Bản, quả thực đôi khi cũng có xuất hiện hiện tượng tượng Phật đổ mồ hôi. Nguyên nhân là khi tăng nhân viên tịch, trên cơ sở nhục thân đó chế tạo thành tượng Phật. Cùng với sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm của môi trường, khiến chất hữu cơ trong tượng Phật phân giải và thấm ra ngoài, do đó trông giống như hiện tượng đổ mồ hôi. 

Hà Lan có nhà bảo tàng Drents có một pho tượng Phật Trung Quốc có tuổi đời ngàn năm lịch sử. Mấy năm trước chụp CT, phát hiện ra bên trong pho tượng, sau lớp đất là xác ướp một tăng nhân viên tịch. 

Nhưng tình huống này thường xảy ra ở tượng đất, không thích hợp với tượng Chân Vũ Đại Đế đúc đồng. Các chuyên gia thường giải thích là môi trường ẩm ướt. Nhưng lời giải thích này, lại xuất hiện vấn đề mới, đó là: nếu đã là môi trường ẩm ướt như thế, vậy tại sao tượng đồng Chân Vũ Đại Đế lại không bị gỉ?

Những nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết, cho rằng, điều này có thể là do toàn bộ Kim Điện bằng đồng. Đồng dẫn điện rất tốt, nên Kim Điện dễ bị sét đánh, dẫn đề kỳ quan lửa sét luyện điện. Sau khi sét đánh, thì gỉ đồng bị trừ bỏ. 

Nhưng đây chỉ là một sự đoán định. Hiện nay, tẩy gỉ đồng thường dùng chất axit, hoặc mài đánh bóng. Sét đánh có thể tẩy gỉ đồng không thì vẫn chưa có thí nghiệm chứng thực.

Kỳ quan lửa sét luyện điện tuy ngày nay không còn được trông thấy nữa, nhưng được rất nhiều người chứng kiến và ghi chép trong lịch sử trong thời gian dài, nên có lẽ không hoàn toàn là thêu dệt. 

4 điều thần kỳ nói trên đã lưu lại Thần tích Võ Đang đều có vật chứng. Ngoài đó ra, những truyền thuyết huyền bí còn nhiều hơn nhiều.

Theo ghi chép trong “Thái Hòa sơn ký”, khi xây dựng Kim Điện, các thợ thủ công ở trong thung lũng trong núi đã trông thấy Chân Vũ Đại Đế mặc Đạo bào màu đen, chân đứng trên mây lành, đứng giữa không trung. 

Theo ghi chép, trong thời gian 13 năm xây dựng Đạo trường Chân Vũ, tổng cộng Chân Vũ hiển Thánh 5 lần. Số công nhân xây dựng Đạo quán và cá quan chức tận mắt chứng kiến Thần tích lên đến 200.000 người.

Tính đến nay, những Thần tích xung quanh Kim Điện Vũ Đang đều chưa có giải thích nào hoàn toàn hợp với khoa học. Có lẽ trước khi chúng ta có thể thay đổi phương thức tư duy, nhận thức lại chúng, thì chúng mãi mãi vẫn là bí ẩn không có lời giải đáp.

Theo Wenzhao

Trung Hòa biên dịch

Link bài dịch: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x