Người xưa có câu “Rượu thơm không sợ ngõ sâu, vàng thật không sợ lửa”. Thời cổ đại, nhiều thầy thuốc dân gian ẩn mình ở vùng thôn quê, sống trong những ngôi nhà tranh và trợ giúp người nghèo. Họ chữa bệnh cho người mà không cầu báo đáp, thậm chí không thu tiền thăm khám thuốc men. Y thuật của họ không thua gì các ngự y trong hoàng cung, nhưng họ lại có thể xem nhẹ danh lợi, tới nơi hẻo lánh mà giúp đỡ dân thường.
Danh y Từ Tất Đạt – nhìn khí sắc, đoán ngày chết
Từ Tất Đạt, tự Đức Phu, là người huyện Tinh Tử (nay là thành phố Lư Sơn), tỉnh Giang Tây. Trong huyện ông cư trú, hầu như ai cũng thông hiểu các tác phẩm kinh điển của Nho giáo, gia đình ông cũng hành nghề y nhiều đời. Từ Tất Đạt kế thừa bí thuật và những phương thuốc do tổ tiên truyền lại, khả năng chữa bệnh cao siêu, chỉ cần quan sát sắc mặt người bệnh là có thể đoán được bệnh tình và ngày sinh tử của họ.
Một ngày nọ, ông gặp một người quen trên đường, nhìn thấy sắc mặt của người đó, ông nói với người kia: “Thân thể của anh có vấn đề rồi, mau đi tìm thầy thuốc khám đi, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng!”.
Thấy vị kia không tin, ông liền nói tiếp: “Hiện giờ anh mà không đi, nửa tháng sau sẽ nằm trên giường không dậy nổi, lúc đó cho dù Biển Thước còn sống cũng không cứu được”.
Người kia đồng ý cho xong chuyện rồi quay người rời đi. Hơn mười ngày sau, anh ta thực sự bộc phát bệnh nặng, không trở dậy nổi.
Một lần, Từ Tất Đạt đang ở trong tiệm thuốc thì một người nông dân đến gặp ông. Hôm đó nắng rất gắt, người kia nói: “Em dâu tôi đang gieo mạ ngoài đồng, nắng nóng quá nên bị ngất rồi, xin ngài cho tôi một toa thuốc!”.
Từ Tất Đạt cẩn thận nhìn ông rồi nói: “Em dâu của ông bị bệnh, lát nữa tôi sẽ mang hộp thuốc đến đó, nhưng tình trạng hiện tại của ông còn tệ hơn nhiều so với cô ấy. Ông mau về nhà đi, tôi lo ông sẽ ngã vật xuống đường không trở về được đó”. Người nọ nghe xong liền mau chóng rời đi.
Nhưng ngay khi Từ Tất Đạt đi đến cánh đồng, ông nghe được tin rằng người đàn ông kia đột nhiên ngã xuống đất ngay khi về đến nhà. Người bên cạnh hỏi Từ Tất Đạt nguyên nhân, ông trả lời: “Người này ăn trưa quá no, nghe tin em dâu bị say nắng liền vội chạy đi tìm tôi. Một hơi chạy những mấy dặm nên bị đứt ruột. Khi tôi nhìn thấy ông ấy, mi mắt đã thâm đen, chứng tỏ ruột bị đứt rồi, khó bảo toàn tính mạng”.
Danh y Khuất Tôn Đức – nhìn thần sắc, chữa bệnh lạ
Khuất Tôn Đức, tự Minh Cổ, là người làng Lưu, thị trấn Cổ Lạt, tỉnh Quảng Tây. Ông học Nho từ khi còn nhỏ, sau khi đỗ cử nhân vào năm Càn Long thứ 51, ông được triều đình bổ nhiệm đến dạy học ở huyện Nghi Sơn. Ngày thường, ông rất thích đọc sách và đã đọc rất nhiều loại. Không có cuốn sách nào trong Kinh, Sử, Tử, Tập mà ông chưa từng đọc qua. Ngay cả những cuốn sách y học khó hiểu, ông cũng có thể hiểu được huyền bí sâu sa trong đó. Vậy nên, khi đang chuẩn bị cho kì khoa cử năm đó, ông cũng bắt đầu tích lũy thêm nhiều tri thức về y thuật.
Ông có thể nhìn thấy được tình trạng thể chất của một người bằng cách quan sát thần sắc của người đó. Ở Quảng Tây có một vị thái thú có đứa con trai đã sáu tuổi nhưng lại không thể tự đi lại. Đứa trẻ xanh xao và gầy gò, khí sắc trông rất xấu. Thái thú đã mời hàng trăm vị thầy thuốc đến chữa trị nhưng tình trạng của cậu bé không có chút thay đổi gì.
Khi Khuất Tôn Đức tới khám cho cậu bé, ông cười và nói với thái thú: “Lệnh lang không sao, căn bản không cần uống thuốc”.
Thái thú nghe thấy vậy thì thấy rất khó hiểu, liền hỏi lại: “Vậy chúng ta không làm gì nữa sao?”.
Khuất Tôn Đức đáp: “Từ giờ trở đi, ngài hãy đặt lệnh lang xuống đất, đừng để gia nhân đỡ hay bế cậu nữa; cũng đừng cho ăn những món ngon nữa, tốt nhất là cho nhịn đói vài bữa, như vậy sẽ nhanh khỏi hơn”.
Sau khi nghe xong, thái thú liền dặn dò xuống dưới. Chỉ vài ngày sau, sắc mặt của cậu bé đã hồng hào hơn, ăn uống ngon miệng hơn. Hơn một tháng sau đã có thể tự đi lại, bước đi khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng hơn trước rất nhiều.
Thái thú rất vui mừng và mang rất nhiều ngân lượng ra để cảm tạ Khuất Tôn Đức, nhưng ông đã lịch sự từ chối. Thái thú mời ông tới phủ dùng bữa tối và bày tỏ một cách chân thành: “Đại ân đại đức của ngài, tôi sẽ không bao giờ quên; nhưng, tôi thực sự muốn biết ngài làm cách nào mà có thể không chữa lại khỏi?”.
Khuất Tôn Đức trả lời: “Đó là bởi vì ngài đã quá cưng chiều đứa nhỏ, luôn sợ con bị sứt đầu mẻ trán, sợ con bị ngã, thậm chí không để nó tự đi, luôn để người hầu bế, điều này khiến đứa trẻ nhiều năm chân không chạm đất, thiếu mất Thổ khí. Ngài biết đó, vị (dạ dày) là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng nhất của cơ thể người, theo Ngũ hành thì dạ dày thuộc hành Thổ. Thiếu mất Thổ khí, vị khí sẽ không đủ, nó biểu hiện ra là thân thể yếu ớt, đi đứng không vững, ăn uống không ngon miệng.
“Bây giờ để cho cậu bé đi lại nhiều trên mặt đất thì có thể bổ sung Thổ khí. Chỉ cần vận dụng Ngũ hành tương sinh thì không cần uống thuốc. Ngài xem những đứa trẻ nhà nghèo thiếu ăn thiếu mặc nhưng chúng luôn khỏe mạnh hơn những đứa trẻ trong gia đình giàu có. Nếu đứa trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có và quá được nuông chiều, sống an nhàn thoải mái thì sẽ rất dễ mắc bệnh”.
Thái thú nghe xong không khỏi khâm phục, ông nói với Khuất Tôn Đức: “Người ta luôn nói trị bệnh cho người chỉ là một tiểu năng tiểu thuật, nhưng không ngờ trong đó lại ẩn chứa đạo lý thâm sâu như thế. Ngài có thể thấu triệt những điều này, chẳng trách y thuật lại xuất thần như vậy!”. Kể từ đó, danh y Khuất Tôn Đức và vị thái thú kia thường xuyên qua lại và trở thành bạn tâm đầu ý hợp.
Về sau, sau nhiều lần được thái thú tiến cử, Khuất Tôn Đức đã được triệu tới Thái y viện làm quan. Tới khi ông hết nhiệm kỳ, triều đình lại điều ông trở về huyện Nghi Sơn làm huyện lệnh.
Danh y Chu Bân – nhìn tướng mạo, biết gốc bệnh
Chu Bân, tự Đại Nhã, là người huyện Cao An, tỉnh Giang Tây. Từ nhỏ ông đã đọc thông, quen thuộc với các cuốn kinh điển Nho gia, khi lớn lên thì bắt đầu chuẩn bị cho kỳ khoa cử.
Một đêm nọ, ông nằm mơ thấy mình được đề tên bảng vàng trong cuộc thi về y học. Về sau, vì một người thân trong nhà mắc bệnh nặng, ông ngày đêm nấu thuốc, túc trực bên giường bệnh. Trong khi cố gắng chữa trị cho người nọ, Chu Bân đã lật giở rất nhiều cuốn sách y học và nghiên cứu về y đạo.
Theo thời gian, y thuật của ông cũng ngày càng trở nên phi phàm. Chỉ cần nhìn thần sắc của một người và nghe người đó nói chuyện, ông có thể biết được gốc bệnh nằm ở đâu và có còn hy vọng cứu chữa hay không.
Một hôm, ông đến nhà một người phụ nữ để chẩn trị cho con của bà. Đứa trẻ nằm trên giường, thở không ra hơi. Lúc này, Chu Bân kêu người lấy một đống bùn vàng và bôi lên người bệnh nhân. Chẳng mấy chốc, lớp bùn vàng khô dần và đứa trẻ đã lấy lại được hơi thở. Sau khi uống thêm một thang thuốc sắc, đứa trẻ đã có thể tự mình ra khỏi giường.
Cũng có một góa phụ nhờ ông chữa bệnh cho đứa con trai duy nhất của bà. Đứa trẻ gầy như que củi, vốn đã yếu ớt, nay bụng lại khó chịu, đột nhiên ngã xuống rồi bất tỉnh nhân sự. Chu Bân nhìn cậu một lượt rồi nói: “Đây là do trường kỳ ăn da heo khô mà bị như vậy. May mắn là cậu bé vẫn còn đang mê man, nếu đến ngày thứ bảy mà đột nhiên mở mắt ra thì vô phương cứu chữa rồi”.
Chu Bân dùng một lượng nhỏ thạch tín để chữa cho cậu. Nhưng để giảm độc tính, ông rang trên lửa sau đó mới cho thạch tín vào thang thuốc để cậu uống. Chẳng mấy chốc, cậu bé đã tỉnh lại.
Chu Bân rất nổi tiếng ở địa phương nơi ông sống, nhưng có một số người lại không phục. Để thăm dò y thuật của ông, họ đã tìm một nô tỳ tới và yêu cầu cô ta giả điên. Cô gái đó điên điên rồ rồ, vừa chạy vừa nhảy. Một lúc sau, Chu Bân được mời tới xem bệnh cho người tỳ nữ đó, ông nói: “Cô ấy vốn không bị bệnh, nhưng bây giờ ăn no rồi cứ chạy nhảy liên tục. Nhảy lâu như vậy khiến cô bị đứt ruột, không có cách nào chữa khỏi”. Một lúc sau, cô ấy thực sự đã chết.
Chu Bân hành nghề y trong nhiều thập kỷ, nhờ tay nghề tài giỏi của ông mà có vô số người đã được hồi phục, cứu sống. Ông chữa bệnh cho mọi người nhưng không bao giờ nhận thù lao.
Những năm cuối đời, ông ẩn cư trong núi và hiếm khi lộ mặt. Sau khi một vị quan huyện biết chuyện, ông đã đích thân viết 4 chữ “Sơn trung tể tướng” (Tể tướng trong núi) và làm thành một bức hoành rồi tặng cho Chu Bân. Còn Soái Quang Tổ, một vị tiến sĩ, thi nhân trong thời Càn Long, cũng viết truyện về ông và nói rằng ông là một vị lương y tế thế cứu người, tuy quy ẩn ở làng quê nhưng lại có thể tạo phúc cho dân chúng một phương.
Theo Nhan Văn – The Epoch Times
Nam Phương biên dịch
Tài liệu tham khảo:
- “Tinh Tử huyện chí – Nhân vật” viết vào năm Đồng Trị thứ 10 (năm 1871)
- “Vĩnh Thuần huyện chí – Hương hiền” viết năm Dân Quốc thứ 13 (năm 1924)
- “Cao An huyện chí – Tạp chí” viết năm Đồng Trị thứ 10
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!