May mắn gặp Tiên nhân, lên núi Võ Đang học thuật Kiếm Tiên

May mắn gặp Tiên nhân, lên núi Võ Đang học thuật Kiếm Tiên
Bức tranh “Tùng hạ mao ốc”, không rõ tác giả. (Ảnh: Do Viện bảo tàng Cố Cung Đài Loan cung cấp)

Mọi người đều biết Vương Trùng Dương là người sáng lập phái Toàn Chân của Đạo giáo, tên thật của ông là Vương Trung Phu, tự là Doãn Khanh, về sau đổi tên thành Vương Thế Hùng, tự là Đức Uy. Sau khi ông tu Đạo lại đổi tên lần nữa thành Vương Triết, tự là Tri Minh, đạo hiệu là Trùng Dương Tử, vì thế người đời thường gọi ông là Vương Trùng Dương.

Ông là người tu Đạo nổi tiếng vào cuối thời Bắc Tống và thời nhà Kim. Theo ghi chép lịch sử, vào năm Đại Định thứ 10 triều Kim (năm 1170, cũng là năm Càn Đạo thứ 6 triều Nam Tống) ông đã về cõi Tiên. Thế nhưng trong cuốn sách cổ “Quái Viên” triều Minh lại ghi rằng, Vương Trùng Dương từng xuất hiện lần nữa vào thời nhà Minh. Dưới đây là câu chuyện về sự việc này.

Vào thời Gia Tĩnh triều Minh (năm 1522-1566), có một thư sinh họ Vương, tự hiệu là “Đan Khê Sinh”, thích du ngoạn danh sơn, yêu thích Tiên thuật của Đạo gia, thường có ý nghĩ lánh đời ẩn cư tu hành. Một lần, vào ngày mùa thu quang đãng, Vương Sinh đi lạc vào trong một sơn cốc, chỉ thấy cảnh sắc say mê lòng người, “hốc rừng sâu hoa nở, lối đi thăm thẳm quanh co”, bất giác lưu luyến quên đường về.

Vì thế Vương Sinh quyết định lên núi thám hiểm, trèo lên đi về phía trước khoảng mười mấy dặm lại đến một chỗ thung lũng “vách núi khe suối dựng đứng”, bên trong phong cảnh càng mỹ lệ hơn, “nước chảy hoa nở, cảnh sắc như xuân”, một cảnh quan thuần thiên nhiên, không có bóng người.

Vương Sinh tiếp tục thám hiểm, chợt phát hiện ở nơi sâu của sườn núi “mơ hồ như có cửa động”. Vương Sinh không biết bên trong lành dữ thế nào, ở bên ngoài cửa động “bồi hồi một lúc lâu, chợt nghe trong động tiếng ngủ mê, bèn vén bụi cây ra trộm nhìn, thấy một ông lão râu trắng gối đầu lên đá mà nằm, tiếng thở nghe như sấm, tướng mạo kỳ lạ mang dáng cổ xưa, áo mũ, giày gậy, bầu hồ lô túi đựng đều tựa như của Tiên gia”.

Vương Sinh biết ông lão râu trắng mà mình nhìn thấy này chính là Tiên nhân, vì vậy cung kính đứng chờ đợi. Không biết đã đợi trong bao lâu, ông lão râu trắng mới tỉnh lại, Vương Sinh liền quỳ lạy vấn an. Ông lão râu trắng tặng nắm cơm mè cho Vương Sinh ăn, rồi nói: “Thế nhân không tin có Thần Tiên. Ngươi có thể mạo hiểm đến tận đây, quả thực là có thể dạy vậy.” Ông lão nói tiếp: “Ngươi có biết tổ tiên bảy đời trước của ngươi là Tiên nhân Vương Trùng Dương của phái Toàn Chân Đạo giáo không?”

Vương Sinh thưa: “Phụ mẫu qua đời sớm, gia tộc suy tàn, con không biết tung tích của tổ tiên.” Ông lão râu trắng nói: “Ta chính là Vương Trùng Dương, Vương Triết đây. Ngươi đã yêu thích Đạo như vậy, vào ngày Trung thu 15 tháng 8 năm sau, hãy đến ngọn núi Tỳ Bà ở Tây Thục đợi ta.

Hôm nay ta đã hẹn các vị Chân Quân của Nam Cung trên Thiên Thượng gặp gỡ ở đây, kỵ vệ hộ pháp của họ sắp tới rồi, ngươi vẫn là một người phàm, chưa trừ bỏ những ô uế trên thân, nếu không mau rời khỏi đây ắt sẽ bị Tiên nhân khiển trách. Ngươi hãy nhanh chóng tìm đường ra ngoài trở về đi”, “chậm trễ thì hổ lang đến”, chết chắc không nghi ngờ. Thế là Vương Sinh cung kính hành lễ cúi chào rồi rời đi, vội vàng lảo đảo tìm đường xuống núi.

Trong khi xuống núi, Vương Sinh còn mơ hồ nghe thấy phía sau truyền đến tiếng nhạc lảnh lót từ tiêu sáo phát ra, tiếng nhạc vút cao đến trong những đám mây. Anh thầm đoán hẳn là “các vị Tiên nhân đến nơi hẹn ở trong động”, vì vậy đi càng nhanh hơn. Năm ngày sau, cuối cùng cũng về đến nhà, Vương Sinh đến thỉnh giáo các vị trưởng bối trong gia tộc, mới biết trong tổ tiên của mình thực sự có người tên Vương Trùng Dương. Biết bản thân mình đúng là hậu duệ của Tiên nhân Vương Trùng Dương, Vương Sinh càng mong muốn theo đuổi Tiên thuật.

Vương Sinh từ sau khi ăn nắm cơm mè của Vương Trùng Dương cho, thường không cảm thấy đói, dung mạo cũng ngày càng trẻ. Vì thế khi Trung thu của năm sau sắp đến, Vương Sinh từ biệt người thân, rồi lên thuyền đến Tứ Xuyên, nhưng anh không biết ngọn núi Tỳ Bà ở nơi nào. Đang lúc rầu rĩ thì anh đột nhiên nghe có người trên thuyền ngâm bài thơ thất ngôn cổ, trong thơ có đề cập đến ngọn Tỳ Bà. Vương Sinh vội vàng hỏi thăm mới biết được “đó là một trong mười hai ngọn núi của dãy Vu Sơn”.

Theo tư liệu hiện đại thì trong “mười hai ngọn núi của dãy Vu Sơn” không có ngọn nào có tên Tỳ Bà. Vậy ngọn Tỳ Bà ở nơi nào? Trong “Phương Dư Thắng Lãm” ghi: “Hẻm núi Tỳ Bà nằm ở Vu Sơn, có hình dáng như cây đàn tỳ bà”, trong cuốn “Tứ Xuyên Tổng Chí” ghi: “Hẻm núi Tỳ Bà nằm ở phía Tây huyện (huyện Vu Sơn), đối diện với hai bờ sông Giáp, cũng được gọi là đỉnh Tỳ Bà”. Ở Vu Sơn “ngoài mười hai ngọn núi này, còn có trăm vạn ngọn núi nhỏ khác”, danh tiếng của ngọn Tỳ Bà chỉ đứng sau mười hai ngọn của Vu Sơn.

Câu “nó cũng là một trong mười hai ngọn của dãy Vu Sơn” này không chính xác lắm, nhưng cũng nói rõ vị trí của ngọn núi Tỳ Bà. Sau khi biết vị trí của ngọn núi Tỳ Bà, Vương Sinh yên tâm du lãm thắng cảnh núi sông, khi đến Vu Sơn, bèn từ giã mọi người, xuống thuyền nhắm thẳng hướng ngọn Tỳ Bà mà đi. Cuối cùng đến ngày 14 tháng 8 đã leo lên đến đỉnh núi Tỳ Bà, ngủ một đêm ngoài trời trên đỉnh núi, cung kính chờ đợi Tiên nhân đại giá quang lâm.

Đến sáng ngày hôm sau, quả nhiên Vương Sinh từ xa nhìn thấy ông lão râu trắng Vương Trùng Dương “cưỡi hạc bay trên không mà đến”. Vương Sinh lập tức cúi lạy hành lễ. Vương Trùng Dương thấy cậu đến trước, cười nói: “Chàng trai trẻ này thật tốt, thực là người có tâm. Nhưng xương cốt của ngươi chưa hoàn thành, nhân duyên vẫn còn cõi trần ngăn cách. Kiếp này chỉ có thể học thuật kiếm Tiên, dạo chơi nhân gian.

Ta không phải sư phụ của ngươi, sư phụ của ngươi là Thanh Khâu Tử, hiện ở trong núi Võ Đang, lại trở về đi tìm, tất được chân truyền vậy.” Vương Sinh nghe Vương Trùng Dương nói như thế, liền bái tạ mà đi, trước lúc rời đi thì hỏi: “Không biết Thanh Khâu tiên sinh ở đỉnh núi nào của Võ Đang, mong tiên sinh cho biết.” Vương Trùng Dương trả lời: “Lều tranh dưới sáu cây tùng, là nơi ông ấy ở.”

Sau khi Vương Sinh xuống núi, lại vội vàng đi thuyền đến núi Võ Đang ở Hồ Bắc. Qua một ngày một đêm, thuyền đến Giang Lăng cũng chính là Kinh Châu, lại tiếp tục đón thuyền đến Tương Dương, khi sắp đến Võ Đang liền rời thuyền vội vàng đi đến Võ Đang, leo lên núi Võ Đang, dọc đường đi cẩn thận chú ý nơi có sáu cây tùng. Cuối cùng đến khi trời tối thì tìm được nơi có sáu cây tùng xanh trước núi đá, trong sân nhỏ dưới sáu cây tùng “có vài gian nhà tranh ở chỗ này, khói uốn lượn bốn bề, lối nhỏ dẫn vào”.

Vương Sinh đi dọc theo đường núi gập ghềnh, đi tới trước sân nhà, gõ cửa cung kính chờ một hồi, cuối cùng có vị đạo đồng đi ra dẫn Vương Sinh vào bên trong. Vương Sinh biết nơi đây chính là nơi ở của Thanh Khâu Tử mà Vương Trùng Dương đã nói, thế là sau khi hành lễ thì ngẩng đầu ngước mắt ngắm nghía, chỉ thấy Thanh Khâu tiên sinh “tóc dài mày rậm, dựa vào cây huýt sáo.”

Thanh Khâu Tử hỏi: “Ông tổ Vương Trùng Dương của ngươi bảo ngươi tới đây ư?” Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định, liền bảo Vương Sinh hành lễ bái sư, tiếp đó tắm gội, làm việc ở “trong tịnh đường phía sau am”. “Trong tịnh đường có đỉnh luyện thuốc, cao hơn vài thước, xung quanh phong kín chắc chắn, ánh lửa tím bốc lên, chiếu sáng cả góc rừng. Vì mới đến, Vương Sinh chỉ được hướng dẫn việc canh lửa trong lò, thêm bớt củi than, không được tự ý rời đi, không được nhìn ngó lung tung.

Ban ngày thì có Ngọc Nữ cầm một ống đồng đựng thuốc cao đổ vào trong đỉnh, khuấy trộn cho đến khi nghe trong đỉnh có âm thanh như tiếng sét nổ. Ban đêm thì có Thanh Đồng lại ôm một ống đồng thuốc cao, đổ vào trong đỉnh, cho đến khi nghe bên trong có âm thanh ‘bằng hoạch’”. ‘Bằng hoạch’ có nghĩa là tiếng sóng nước bắn lên vỗ vào nhau. Thế là Vương Sinh cùng với hai vị Ngọc Nữ, hai vị Thanh Đồng luân phiên canh lửa trông lò, thỉnh thoảng Vương Sinh hỏi bên trong đỉnh chứa vật gì?

Đối phương chỉ cười mà không đáp, nhưng Thanh Khâu Tử đã biết Vương Sinh hỏi này hỏi nọ, hết sức tức giận, cho rằng Vương Sinh làm người tu hành mà ngộ tính quá kém, “liền muốn trục xuất khỏi am”. Các học trò đều quỳ xuống cầu xin tha thứ cho Vương Sinh, Thanh Khâu Tử mới nguôi giận, cho phép Vương Sinh tiếp tục lưu lại tu hành.

Vương Sinh cũng từ đó không còn dám hỏi nữa, sư phụ an bài cái gì liền nghiêm túc cẩn thận tận tâm tận lực đi làm việc đó, dần dần đạt đến niềm tin tuyệt đối vô điều kiện đối với sư phụ, cũng không tiếp tục hỏi vì sao, càng không có thắc mắc, chất vấn hoặc hiếu kỳ hay bất mãn bất kỳ điều gì.

Cuộc sống từng ngày từng ngày trôi qua, không biết thời gian đã qua bao lâu, vật trong đỉnh rốt cục đã luyện thành, là một loại chất lỏng màu vàng kim. Chất lỏng màu vàng kim này được lấy ra, “khoảng chừng hơn 600 cân, phân làm hai, lại phân ra tiếp cho đến khi khoảng 7 – 8 cân thì dừng, rồi đặt lên trên tảng đá lớn mà đập. Ngày làm đêm nghỉ, khiến nó dần dần mỏng ra.

Chọn các ngày Giáp Ngọ, Bính Ngọ đúc thành 6 cây kiếm, treo lơ lửng dưới vách đá dựng đứng, để cho nước của thác nước bắn dội lên thân kiếm, để ánh sáng của mặt trời mặt trăng chiếu sáng lên kiếm. Cứ như thế trải qua mười ngày, chất kiếm bắt đầu nhu hòa.” Sáu thanh kiếm này đều có tên riêng, Thanh Khâu Tử lấy một thanh kiếm trong số đó ban cho Vương Sinh, đồng thời bảo một đồng tử thực hiện pháp thuật mở chỗ giữa hai cánh tay phía sau đầu của Vương Sinh ra, giấu thanh kiếm vào trong đó, quá trình này Vương Sinh không cảm thấy chút đau đớn nào.

Tiếp đó, Thanh Khâu Tử lại bảo Vương Sinh “trai tâm bảy ngày”, kế tiếp sau khi “truyền hết kiếm pháp bí truyền”, Thanh Khâu Tử bảo Vương Sinh đi đến núi Thanh Thành ở Tứ Xuyên dựng lều cỏ khổ tu, đồng thời khuyên răn Vương Sinh không được phép dùng bậy kiếm thuật, đặc biệt là tuyệt đối không được làm ẩu làm càn, nếu không sẽ bị Trời diệt. Còn lại năm thanh kiếm, Thanh Khâu Tử tự lấy một thanh, ban cho hai vị Ngọc Nữ, hai vị Thanh Đồng mỗi người một thanh, sau đó để cho Vương Sinh xuống núi.

Sau một năm khổ tu ở núi Thanh Thành, Vương Sinh đã có thành tựu, trở về Võ Đang bái tạ sư phụ, nhưng “nhà tranh như cũ, cửa nhà đóng kín, vắng vẻ không bóng người”, hỏi thăm Đạo sĩ trong núi mới biết rằng Thanh Khâu Tử đã rời đi hơn một năm rồi. Vương Sinh chỉ có thể khóc một hồi rồi trở về núi Thanh Thành. Một lần khi Vương Sinh đi qua vùng Kinh Nam, nhìn thấy Thanh Khâu Tử đi lẫn trong mấy người ăn mày, Vương Sinh bèn đi theo, vân du thiên hạ, từ đó không biết tung tích gì nữa.

Vương Sinh có lưu truyền lại một bản “Đan Khê Sinh Chú Kiếm Kinh”, nhưng đáng tiếc chỉ còn lại bản thiếu 25 trang mà thôi, tương truyền có người đã từng nhìn thấy bản cổ kiếm kinh mà Thanh Khâu Tử truyền cho Vương Sinh. Liên quan về Thanh Khâu Tử, dựa theo có người tìm hiểu, thế tục có người gọi ông là “Thanh Khâu tiên sinh”, đã từng ẩn cư ở núi Võ Đang, vân du thiên hạ đã rất lâu rồi, không ai biết ông đã sống bao lâu.

Nguồn tư liệu:

“Quái Viên” của Tiền Hi Ngôn triều Minh.
Bài viết được đăng lại từ zhengjian.org

Do Đức Huệ thực hiện

Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x