Tương truyền, Quan Âm Bồ Tát đã hóa thân thành hai nàng công chúa, đến Thổ Phồn để thực hiện sứ mệnh cải biến phong thủy của vùng đất này. Hai nàng công chúa ấy là ai? Có thực họ đều là hóa thân của Bồ Tát hay không?
Vào thời thượng cổ, ma vương vì rắp tâm chiếm đoạt Thiên giới nên đã tập hợp lực lượng chống lại các vị Thần, khuấy động lên một cuộc đại chiến giữa Thần và ma. Thiên Thần khắp các tầng Trời cùng hợp lực đánh bại ma vương, phong ấn toàn thể ma tộc vào một nơi trong Tam giới mà sau này là Thổ Phồn (Tây Tạng). Từ đó, Thổ Phồn trở thành vùng đất vô cùng khắc nghiệt, gió âm u ám, quỷ khí hoang vu, người sống ở đây không tin vào Phật, chỉ tin vào tà Thần…
Ngàn năm vật đổi sao dời, các thiên hà vẫn luôn xoay chuyển, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua. Vì để cứu chúng sinh khỏi kiếp nạn trời xanh, Sáng Thế Chủ cùng với chúng Thần lần lượt hạ phàm, đầu thai thành con người thế gian. Trải qua đời đời kiếp kiếp, họ đã phải đối mặt với biết bao nhiêu hoạn nạn và thử thách. Từ khắp mọi phương trời, họ đã đóng các vai diễn khác nhau, cùng nhau khai sáng lịch sử và văn hóa cho nhân loại. Nhưng trên lãnh địa Thổ Phồn, phong thủy lại quá hiểm độc, ngăn cản các vị Thần kết duyên với Sáng Thế Chủ tại phàm gian.
Tương truyền, Quan Âm Bồ Tát đã hóa thân thành hai nàng công chúa, đến Thổ Phồn để thực hiện sứ mệnh cải biến phong thủy của vùng đất này. Vậy hai nàng công chúa ấy là ai? Có thực họ đều là hóa thân của Bồ Tát hay không?
“Tây Tạng trấn ma đồ”
Vào năm 1991, khi đang sắp xếp các văn vật tại cung điện La Bố Lâm Khải (Norbulingka) ở Lhasa, một nhóm nhân viên công tác của Ủy ban Quản lý Di tích Văn hóa Khu tự trị Tây Tạng tình cờ phát hiện hai bức đồ hình kỳ lạ. Đó là hai bức tranh Thangka có cùng họa tiết và kích thước, đều rộng 73 cm và dài 152,4 cm, các chi tiết trên đồ hình cũng giống hệt như nhau. Trên đó vẽ hình ảnh một nữ quỷ La Sát trong tư thế nằm ngửa, hai mắt mở to trừng trừng, vẻ mặt dữ tợn, hai chân hơi gập lại, tay phải nâng lên, cổ tay rủ xuống, tay trái cũng giơ lên, cổ tay cong cong vòng qua đỉnh đầu. Trên cơ thể La Sát Nữ có thể thấy rõ đường kinh mạch núi sông, xen kẽ ở giữa có rất nhiều tòa tự viện lớn nhỏ. Lẽ nào đây chính là bức đồ hình “Tây Tạng trấn ma đồ” trong truyền thuyết?
Tương truyền, Tây Tạng có địa hình “Ma nữ sái thi” (ma nữ phơi thây), được coi là địa hình cực kỳ hung hiểm trong phong thủy. Vào thế kỷ thứ 7 khi các bộ tộc người Tạng được thống nhất và hợp thành Đế quốc Thổ Phồn, quốc vương Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) đã cho đóng Thần đinh phong ấn lên mười hai vị trí khớp nối của ma nữ. Mười hai đinh Thần phong ấn này cũng được gọi là “thập nhị bất di Thần đinh”.
Và điều đặc biệt là, mười hai Thần đinh trong truyền thuyết đều xuất hiện trên bức Thangka, đó chính là mười hai ngôi chùa trấn ma ở các vị trí tương ứng với khớp xương tứ chi của La Sát Nữ.
Các nhân viên công tác không ngờ họ lại được thấy diện mạo của ma nữ, đồng thời tận mắt chiêm ngưỡng “Tây Tạng trấn ma đồ” vốn đã thất lạc từ xa xưa. Xem ra mười hai chiếc đinh phong ấn ghi chép trong thư tịch hoàn toàn là điều chân thực.
Ngay sau đó, truyền thông liên tục đưa tin về “Tây Tạng trấn ma đồ”, các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều lời giải thích khác nhau khiến người ta băn khoăn tự hỏi: Đâu là sự thực, đâu chỉ là suy đoán? Mãi cho đến gần đây, một người tu luyện được khai mở đã tiết lộ câu chuyện chân thực phía sau “Tây Tạng trấn ma đồ”.
Công chúa Văn Thành
Xưa nay người ta vẫn tin rằng cuộc hôn nhân giữa công chúa Văn Thành và quốc vương Thổ Phồn là một cuộc liên hôn chính trị. Nhờ có xuất thân cao quý – là công chúa trong tông thất nhà Đường – nên Văn Thành mới được quốc vương yêu chiều và sủng ái, nhưng rốt cuộc nàng vẫn chỉ là vật hi sinh trong một cuộc liên hôn chính trị mà thôi. Trên thực tế, công chúa Văn Thành là một cao nhân trận pháp vô cùng tinh thông thuật số phong thủy, việc nàng được gả cho Thổ Phồn hoàn toàn không hề giống như những lời đồn đại trong dân gian.
Có người cho rằng Đường Thái Tông vì muốn thực hiện chính sách hòa thân nên đã bất đắc dĩ gả Văn Thành đến nơi cao nguyên sương tuyết. Nhưng kỳ thực, công chúa không hề bị ép hôn, mà chính nàng lại chủ động chấp thuận hôn sự. Văn Thành từ nhỏ đã bụng đầy thi thư, thân mang tuyệt kỹ, tinh thông thuật pháp phong thủy. Nàng biết bản thân có sứ mệnh và duyên phận với Thổ Phồn, vậy nên nàng không hề do dự khi chủ động dấn thân vào cuộc hôn nhân đầy thử thách này.
Vì sao nói như vậy? Chúng ta hãy trở lại những năm đầu thời nhà Đường. Đường Cao Tổ Lý Uyên có một người cháu trai là Lý Đạo Tông, vì lập nhiều chiến công hiển hách nên được phong làm Giang Hạ quận vương. Lý Đạo Tông có một người con gái tên khi chưa xuất giá là Băng Nhạn. Vào ngày Băng Nhạn chào đời, mẫu thân nàng mộng thấy một cầu vồng rực rỡ, trên đó có một bé gái vô cùng xinh xắn đang tung tăng nhảy nhót, vì vậy Băng Nhạn thuở nhỏ còn được gọi là Hồng Nhi, nghĩa là ‘cầu vồng’.
Hồng Nhi tuổi còn rất nhỏ nhưng đã vô cùng thông tuệ, có khả năng lĩnh hội mạnh mẽ. Nàng đọc rộng hiểu nhiều và đặc biệt say mê các sách sấm ký. Nàng có thể thông qua quan sát các vì tinh tú mà đoán được cát hung, ngoài ra còn biết vận dụng phong thủy, thông qua sự vật mà phán đoán được hướng đi của thế sự.
Vùng đất Thổ Phồn nằm cách thành Trường An 8000 dặm về phía tây, là một vùng cao nguyên núi tuyết, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Vào năm Hồng Nhi 10 tuổi, Tùng Tán Cán Bố 13 tuổi lên kế vị và trở thành Tán phổ, cũng chính là tân quốc vương của Thổ Phồn. Tùng Tán Cán Bố vô cùng anh dũng, tuổi còn trẻ nhưng đã cầm quân bình định các cuộc phản loạn. Sau khi thống nhất các bộ tộc người Tạng, ông cho dời kinh đô về Lhasa, thiết lập các cấp bậc quan chức và ban hành luật lệ. Dưới thời trị vì của Tùng Tán Cán Bố, văn hóa và kỹ thuật từ Nepal, Thiên Trúc, v.v. du nhập vào Thổ Phồn, giúp xã hội đạt được những bước tiến vượt bậc.
Vào năm Trinh Quán thứ tám, tức năm 634, Tùng Tán Cán Bố phái sứ thần đến thiết lập mối quan hệ giao hảo với Đại Đường. Đến năm Trinh Quán thứ 10, tức năm 636, nghe nói Thổ Cốc Hồn và Đột Quyết đều kết hôn với công chúa nhà Đường, vị quốc vương trẻ Tùng Tán Cán Bố lại phái sứ giả đến Trường An để ngỏ lời cầu hôn. Hôn ước không được Hoàng đế Thái Tông chấp thuận, sứ giả vì sợ bị trách phạt nên sau khi trở về đã bịa chuyện rằng quốc vương Thổ Cốc Hồn vào triều ly gián khiến hoàng đế nhà Đường chối từ hôn sự.
Tùng Tán Cán Bố nổi trận lôi đình, vội vã xuất binh đánh bại Thổ Cốc Hồn rồi tấn công vào Đảng Hạng (ở phía tây bắc Trung Quốc) và Bạch Lan (ở phía nam Thanh Hải). Sau đó, Tùng Tán Cán Bố lại sai sứ giả mang theo gấm vóc lụa là và châu báu làm sính lễ cầu hôn, đồng thời tuyên bố rằng nếu không có được công chúa thì 20 vạn quân Thổ Phồn hiện đang đồn trú ở Tùng Châu sẽ lập tức tấn công vào nội địa.
Thái độ hung hăng ấy sao có thể uy hiếp hoàng đế nhà Đường? Đại Đường danh chấn thiên hạ, uy võ khắp tứ phương há lại chịu cúi đầu trước Thổ Phồn hay sao? Lẽ dĩ nhiên, Đường Thái Tông không thể chấp nhận hôn sự này.
Tùng Tán Cán Bố rất hung hãn, quả nhiên đã suất binh tấn công vào Tùng Châu và nhanh chóng giành được thắng lợi. Lúc này, cô bé Hồng Nhi ngửa mặt quan sát thiên tượng rồi nói riêng với người nhà rằng: “Thổ Phồn chắc chắn sẽ bại trận”. Vị quản gia nghe thấy lời này bèn khuyên: “Tiểu thư tuổi còn nhỏ, vẫn còn chưa nếm trải sự đời nên mới dám mạnh miệng như vậy, xin tiểu thư chớ nói chuyện hàm hồ”.
Nhưng tình hình chiến sự đúng như những gì Hồng Nhi tiên đoán. Quân nhà Đường rất nhanh đã lật ngược thế cờ, tướng binh dũng mãnh cuối cùng đã đánh bại Thổ Phồn. Mãi đến khi tin tức truyền về hậu phương thì người nhà mới tín phục tài năng của Hồng Nhi.
Kỳ thực, khi sứ giả Thổ Phồn còn chưa đến Trường An thì Hồng Nhi đã biết trước duyên phận. Nàng nhìn thấy một sợi dây đỏ từ phía tây bay đến và buộc chặt vào cổ chân, sau đó nàng lại bói cho mình một quẻ, quẻ tượng hiển thị rằng sao Hồng Loan đang di chuyển, rằng Hồng Nhi sẽ gả cho quân phương ở vùng đất phía tây.
“Lẽ nào ta sẽ phải gả đến nơi tây phương tuyết vực hay sao?” Hồng Nhi lòng đầy hoài nghi, bèn dẫn theo thị nữ bí mật tìm đến nơi quẻ tượng ám chỉ và bói thêm quẻ nữa, nhưng kết quả vẫn là “Hồng Loan tinh động” như lúc đầu.
Hồng Nhi lập tức hiểu ra: Hôn nhân là Thiên mệnh! Nàng hiểu sâu sắc đạo lý rằng: Là vận mệnh thì không thể tranh giành, không phải vận mệnh thì có tranh cũng chẳng được, thuận theo Thiên mệnh mới được thịnh vượng.
Hôm ấy, Giang Hạ vương về nhà và kể rằng sứ thần Thổ Phồn đến cầu hôn, nhưng các công chúa trong hoàng thất đều không nguyện gả vào chốn cao nguyên xứ tuyết.
Hồng Nhi liền trịnh trọng thưa với cha: “Thưa cha, con nguyện ý chia sẻ nỗi lo của bệ hạ, con tình nguyện được gả đến Thổ Phồn”.
Giang Hạ vương sửng sốt: “Con ơi, đây không phải là chơi đồ hàng, không phải là trò con trẻ đâu, mà là đại sự cả đời con đấy, con hiểu không? Theo cha thì chuyện này không thể được, không thể được đâu”.
Hồng Nhi nói: “Cha à, con từ nhỏ đã thuộc lòng kinh thư, biết xem thiên tượng, con sớm đã biết việc này là Thiên mệnh của mình. Thỉnh cầu phụ thân bẩm báo lên hoàng thượng, con nguyện vì Đại Đường mà hòa thân”.
Giang Hạ vương không còn cách nào khác, đành phải vào triều bẩm báo với Thái Tông. Thái Tông nghe xong thì mừng rỡ, ông liền bỏ chữ “Băng” trong khuê danh của Hồng Nhi và ban cho cái tên “Lý Nhạn Nhi”, phong nàng làm “Văn Thành công chúa”, hy vọng công chúa sẽ dùng sức mạnh của văn hóa thiên triều, hiệp trợ cùng với quân vương mang lại phúc lành cho bách tính Thổ Phồn.
Ngay hôm ấy, công chúa Văn Thành có một giấc mộng kỳ lạ, nàng mơ thấy Thổ Phồn có địa hình núi sông vô cùng quỷ dị. Tỉnh dậy, nàng liền vẽ lại theo ký ức và phát hiện lãnh địa này trông rất giống một ma nữ nằm ngửa, toàn bộ đồ hình đã tiết lộ Thổ Phồn ẩn tàng phong thủy “ma nữ sái thi” (ma nữ phơi thây).
“Ôi chao, phong thủy hung hiểm đến mức này, làm sao có lợi cho chúng sinh và vận nước được đây?”
Sau đó, công chúa Văn Thành liền đi cùng huynh trưởng đến gặp Viên Thiên Cang. Viên Thiên Cang là vị cao nhân thần cơ diệu toán của nhà Đường, ông và Lý Thuần Phong là tác giả của bộ sách tiên tri nổi tiếng: “Thôi Bối Đồ”. Viên Thiên Cang lắng nghe tâm tư của công chúa và nói: “Công chúa mang sứ mệnh từ Thiên giới tới nhân gian, có Phật duyên với Tán phổ. Nếu công chúa muốn cải biến phong thủy hung hiểm của Thổ Phồn thì chỉ còn cách truyền bá Phật Pháp vào vùng đất này, như thế mới có thể thay đổi thủy thổ, tạo phúc cho dân chúng. Công chúa có kim thân Bồ Tát, bảo tọa Như Lai, công lao to lớn rực rỡ thiên thu, mỹ danh lưu truyền đến đời đời”.
Văn Thành công chúa ngộ ra rằng Thiên mệnh của nàng chính là trợ giúp quốc vương hồng dương Phật Pháp, cải biến phong thủy Thổ Phồn.
Sau đó, Viên Thiên Cang tặng công chúa một chiếc túi gấm Như Ý, bên trong có lá bùa hộ mệnh. Ông cẩn thận căn dặn rằng lá bùa này đã được gia trì công lực, công chúa nên mang theo bên mình thời thời khắc khắc, nếu không phải chuyện bất đắc dĩ thì nhất định không được mở ra.
Ma nữ hưng yêu
Năm 641, công chúa Văn Thành bắt đầu cuộc hành trình dưới sự hộ vệ của cha nàng là Giang Hạ vương Lý Đạo Tông. Năm ấy nàng mới tròn 17 tuổi.
Trước lúc lên đường, công chúa đến gặp Hoàng đế Thái Tông, thỉnh cầu ngài ban cho bảo vật trấn quốc để mang đến Thổ Phồn. Bảo vật ấy là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, khi ấy đang được thờ phụng tại chùa Khai Nguyên. Đường Thái Tông nghĩ đến chính sách hòa thân giữa hai nước nên đã đáp ứng lời thỉnh cầu này.
Vào ngày lên đường, hoàng đế dẫn theo văn võ bá quan tiễn công chúa ra khỏi thành Trường An. Thái Tông căn dặn: “Chuyến đi đến Thổ Phồn lần này, trọng trách thì lớn, đường xá lại xa xôi, con hãy vì Đại Đường mà vun đắp mối quan hệ giữa hai dân tộc. Hãy hoằng dương văn hoá thiên triều, giáo hóa dân tộc khác, chớ vì được mất cá nhân mà lo sầu. Ta mong con hãy giảng dạy lễ nghĩa cho dân chúng, trong tâm luôn ghi nhớ sự uy nghi của thiên triều”.
Qua nhiều tháng bôn ba gian khổ, vượt núi băng rừng, đoàn hộ giá đi qua Cam Túc, đến Thanh Hải, băng qua núi Nhật Nguyệt, tới trấn Đại Hà Bá, cuối cùng cũng đến nơi khởi nguồn của sông Hoàng Hà, đó huyện Hưng Hải ở Thanh Hải. Công chúa bước lên đỉnh cao nhìn về phía xa, nàng nhận ra toàn bộ địa hình Thổ Phồn giống như những gì từng thấy trong giấc mộng. Quả đúng là có một ma nữ La Sát đang trấn áp ở nơi này. Nàng nghĩ, việc hòa thân không tránh khỏi có điều hung hiểm, nếu muốn hoằng dương Phật Pháp thì trước tiên phải giải quyết nữ quỷ La Sát này.
Ở bên kia, Tùng Tán Cán Bố dẫn theo thị vệ và đội cận vệ từ Lhasa đến Hà Nguyên đón dâu. Khi gặp được công chúa, thấy nàng đoan trang thanh nhã, phong tư thoát tục, cử chỉ duyên dáng nhẹ nhàng, Tùng Tán Cán Bố lại càng thêm trân trọng vạn phần. Ông đến yết kiến Giang Hạ vương Lý Đạo Tông rồi cùng đoàn hộ giá đưa công chúa trở về Lhasa.
Nào ngờ, khi đoàn hộ giá tiến vào thung lũng sông Lhasa, vừa đến Nhiên Mộc Tề thì chiếc xe lớn chở tượng Phật do hai lực sĩ Giả Già và Lỗ Già điều khiển bỗng lún sâu trong cát, không thể tiếp tục di chuyển được. Công chúa Văn Thành chợt hiểu ra: Đây là địa bàn của La Sát, từ thủy thổ đến đất đá đều bị nữ quỷ lợi dụng để tác yêu tác quái. Nàng nghĩ, xem ra ta vừa tiến vào Thổ Phồn là ma nữ đã ra oai thị uy rồi, hẳn là vì ma nữ đang run sợ trước Phật Pháp mà ta mang theo mình. Nghĩ đến đó, nàng liền truyền lệnh dựng cột bốn phía xung quanh cỗ xe, sau đó dùng lụa trắng bao quanh và đóng cọc gỗ để dựng đền thờ Phật.
Công chúa cũng không quên gieo quẻ, nàng phát hiện nơi đây chính là huyệt Đản Trung của La Sát Nữ. Nàng nghĩ: “Xem ra chỉ có cách cúng thờ tượng Phật ở chính tại nơi này mới có thể trấn áp được ma nữ”. Từ đó, ngôi chùa trấn ma đầu tiên đã được xây dựng, đây chính là chùa Tiểu Chiêu (Ramoche) nổi tiếng của Tây Tạng. Chùa Tiểu Chiêu cũng là phong ấn đầu tiên đóng vào yếu huyệt của ma nữ.
Công trình vừa hoàn thành, Tùng Tán Cán Bố liền mở tiệc và cử hành nghi lễ khai quang, cảnh tượng vô cùng tráng quan mãn nhãn.
Sau đó, Tùng Tán Cán Bố lại đưa công chúa trở về Lhasa, cử hành hôn lễ long trọng. Dân chúng Thổ Phồn ca hát nhảy múa, cả kinh thành ngập trong bầu không khí lễ hội. Cuốn thư tịch của Thổ Phồn là “Hiền giả hỉ yến” chép rằng: “Tùng Tán Cán Bố bước lên bảo tọa, đăng quang cho Văn Thành công chúa và phong nàng làm vương hậu”.
Vì tình yêu với công chúa, Tùng Tán Cán Bố đã xây dựng cung điện để tặng nàng. Món quà ấy chính là tòa cung điện Potala nguy nga lộng lẫy, bên trong có đến hơn một ngàn cung phòng.
Mặc dù nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ quân vương cũng như bách tính, nhưng công chúa luôn tâm niệm rằng phía trước vẫn còn một thách thức cự đại mà nàng sắp phải đối mặt, đó chính là ma nữ đang trấn giữ Thổ Phồn. Nàng cảm thấy chúng Thần trên Thiên giới đang dõi mắt nhìn vào Lhasa, nhìn vào ma nữ. Bởi vì hơn một ngàn năm qua, ma nữ vẫn đang lợi dụng Bôn giáo để hưng yêu tác quái trên mảnh đất này.
Mười hai Thần đinh
Trước khi Tùng Tán Cán Bố kế vị, tại Thổ Phồn có một loại tôn giáo lưu truyền, đó là Bôn giáo. Bôn giáo xuất phát từ tín ngưỡng Tát Mãn (Shaman) nguyên thủy. Tín ngưỡng Shaman chính là Vu Hích (còn gọi là Vu giáo) tồn tại từ thời thượng cổ, khi trên thế gian vẫn còn đường thông giữa trời và đất. Các pháp sư Vu Hích có thể tiến nhập vào Thần giới, câu thông với Thần, họ có năng lực tiên tri, trị bệnh, xua tà, trừ ma, siêu độ các vong hồn. Sau này, Vu Hích dần dần cải biến trở thành Bôn giáo. Bôn giáo sùng bái vạn vật hữu linh trong tự nhiên, như thiên, địa, nhật, nguyệt, các vì sao, sấm sét, núi sông, v.v.
Sau khi lên kế vị, Tùng Tán Cán Bố đã thống nhất văn tự Tây Tạng, ông bắt đầu tiến hành phiên dịch kinh Phật, từng bước truyền bá Phật giáo vào Thổ Phồn. Ông còn phái người đến vùng đất giữa Ấn Độ và Nepal để thỉnh tượng Quan Âm về cúng dường.
Trước khi đón công chúa Văn Thành, Tùng Tán Cán Bố đã kết hôn với Xích Tôn công chúa của Nepal, và phong nàng làm vương phi. Công chúa Xích Tôn mang đến Thổ Phồn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Phật Di Lặc, tượng Bất Động Phật, v.v. Là người dốc lòng tin vào Phật Pháp, Xích Tôn công chúa luôn mong muốn xây dựng một ngôi chùa ở Nội Ổ Đường để thờ tượng đẳng thân của Đức Phật Thích Ca, nhưng công trình luôn gặp trở ngại không thể xây dựng được. Cho dù công nhân có nỗ lực suốt cả ngày dài, thì đến đêm tòa kiến trúc lại bị ma quỷ phá hoại. Có người còn nghe thấy ác quỷ lăng mạ Thần Phật mười phương thế giới.
Một đêm nọ, công chúa Xích Tôn mộng thấy nàng và một vị Tiên tử trên Thiên giới đang nhận ý chỉ của Phật Đà, hai người sẽ cùng kề vai sát cánh hồng dương Phật Pháp ở nơi cao nguyên tuyết vực dưới nhân gian. Sau đó, nàng và vị Tiên tử tay trong tay cùng hạ thế. Tỉnh dậy, Xích Tôn công chúa hồi tưởng lại cảnh mộng, nàng ngộ ra rằng vị Tiên tử sát cánh cùng nàng chính là công chúa Đại Đường. Xích Tôn mừng rỡ: Giấc mộng không chỉ là mộng, mà chính là điểm hóa của Thần! Nàng lập tức đến gặp Văn Thành, cầu xin công chúa giúp nàng giải quyết khó khăn này.
Công chúa Văn Thành cũng ý thức rằng, nàng cần phải phối hợp với Xích Tôn mới có thể trấn áp được ma nữ. Tín ngưỡng và niềm tin đã đưa hai nàng công chúa xích lại gần nhau. Từ đó, công chúa Văn Thành thường xuyên vi hành đến nhà dân để tìm hiểu cuộc sống của họ, đồng thời khảo sát địa hình Thổ Phồn. Mỗi khi đến vị trí khớp nối của ma nữ, nàng lại thấy có phản ứng trên chính thân thể mình. Nàng biết rằng cần phải trấn vững khớp nối của ma nữ, cắt đứt đạo huyệt của La Sát, không cho năng lượng hắc ám có đường thông lên mặt đất, như thế mới có thể hồng truyền Phật Pháp ở nơi đây.
Tùng Tán Cán Bố nghe theo kiến nghị của Văn Thành công chúa, quyết định xây dựng một tòa tự viện trên hồ Ngọa Đường, ứng với vị trí tim của ma nữ. Muốn xây chùa thì cần phải lấp hồ, nhưng một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra: biết bao bùn đất đổ vào hồ đều biến mất, việc lấp hồ mãi vẫn không thể hoàn thành. Rốt cuộc là nguyên nhân vì sao?
Người ta vẫn nói: Núi có Sơn Thần, nước có Thủy Thần, dưới hồ Ngọa Đường dĩ nhiên cũng có Thần Hồ. Vị Thần dưới hồ là một nữ Thần mặc áo xanh lam. Khi Tùng Tán Cán Bố chọn Ngọa Đường để xây chùa, nữ Thần Hồ đã nhận được ý chỉ của Thượng giới lệnh cho nữ Thần Hồ phải nhanh chóng rời khỏi hồ Ngọa Đường. Thần Hồ cũng được điểm hóa rằng, nếu tuân theo ý chỉ của Thiên giới thì sau này nữ Thần Hồ sẽ có vinh diệu được đắm mình trong Phật Pháp, đạt được cuộc sống vĩnh hằng. Vì thế, Thần Hồ không do dự, chuẩn bị rời khỏi hồ Ngọa Đường.
Đêm ấy khi Thần Hồ đang nằm nghỉ dưới đáy nước thì bỗng thấy một nữ nhân đeo mạng che mặt bước đến. Vị nữ nhân tỏ vẻ thân mật nói với Thần Hồ: “Chị à, người ta muốn chiếm địa bàn của chị, sao chị lại có thể làm thinh như vậy được chứ? Em nguyện ý giúp chị giành lại hồ nước trong xanh gợn sóng này”.
Thần Hồ đáp: “Thượng Tiên đã lệnh cho tôi phải rời đi, vậy nên tôi đã quyết định rời đi rồi”.
Vị nữ nhân che mạng lại nói: “Sao chị không tranh thủ giữ lại vùng thủy thổ này? Em nhất định sẽ giúp chị một phen”.
Vừa nói, vị nữ nhân vừa duỗi ngón tay ra búng về phía Hồ Thần, Hồ Thần đột nhiên cảm thấy không còn thanh tỉnh nữa.
Vị nữ nhân che mạng tiếp lời: “Chị à, chị cứ giao hết mọi thứ lại cho em, em sẽ tận sức giúp chị”.
Trong lúc mơ màng, Thần Hồ thấy vị nữ nhân che mạng kia đang sắp đặt rất nhiều thứ dưới đáy hồ. Ngày hôm sau, Hồ Thần tuân theo sắc lệnh ly khai khỏi Ngọa Đường.
Từ xa có thể nhìn thấy một hàng dê trắng chở các tải đất trên lưng, nối đuôi nhau thành hàng dài bất tận chầm chậm di chuyển đến bên hồ. Nhưng dẫu có bao nhiêu đất đổ xuống thì chỉ trong chốc lát tất cả đều biến mất. Xích Tôn công chúa cảm thấy khó hiểu, bèn kể với Tùng Tán Cán Bố về hiện tượng kỳ quái này. Sau đó hai người cùng đến gặp Văn Thành công chúa, công chúa Văn Thành nói: “Chúng ta hãy thành tâm kính Phật, cầu Phật gia trì”.
Trong lúc ba người cầu nguyện, Đại Lực Kim Cương đã gia trì thần lực vào chiếc nhẫn trên tay Tùng Tán Cán Bố. Công chúa Văn Thành nhìn thấy ánh quang lấp lánh trên chiếc nhẫn, nàng bèn nói: “Thần Phật đã gia trì cho chúng ta rồi, chiếc nhẫn của bệ hạ có mang theo sức mạnh trừ tà đó”.
Tùng Tán Cán Bố bèn tháo chiếc nhẫn ra và ném xuống hồ. Trong chớp mắt, xoáy nước cuồn cuộn dưới lòng hồ bắt đầu dừng lại, công trình lấp hồ rất nhanh chóng được hoàn thành. Thì ra, hồ Ngọa Đường nằm ở vị trí tim của ma nữ, những sinh mệnh hắc ám không muốn bị tiêu diệt nên đã biến thành người phụ nữ che mạng đến mê hoặc Hồ Thần, sau đó chúng lại bày trận ma pháp dưới đáy hồ. Chiếc nhẫn được gia trì Thần lực của Tùng Tán Cán Bố đã trấn áp tà ma, khiến chúng không cách nào tác yêu tác quái thêm được nữa.
Ngôi chùa được xây dựng trên hồ Ngọa Đường chính là chùa Đại Chiêu (Jokhang) trứ danh nhất ở Tây Tạng, trong chùa thờ bức tượng Thích Ca Mâu Ni do công chúa Xích Tôn mang đến từ Nepal. Cả hai ngôi chùa Tiểu Chiêu và Đại Chiêu đều thờ tượng đẳng thân của Phật Tổ, trở thành phong ấn uy lực nhất trấn áp hai vị trí hiểm yếu trên thân thể La Sát Nữ.
Mặc dù hai vị trí hiểm yếu nhất đã bị đóng đinh, nhưng ma nữ vẫn không cam lòng, vẫn loạn động tay chân và càng hưng yêu tác quái thêm nữa. Công chúa Văn Thành hiểu rằng, nàng vẫn phải tiếp tục mở rộng kết giới. Nàng đã phối hợp với Tùng Tán Cán Bố và Xích Tôn công chúa, thiết kế trận pháp kết giới để trấn áp ma nữ.
Họ đã bày trận pháp ra sao? Tại các vị trí khớp nối trên thân thể ma nữ như hai vai, khuỷu tay, bàn tay, hông, đầu gối, và bàn chân đều có chùa trấn giữ, mỗi ngôi chùa đóng vai trò như một chiếc đinh đóng vào huyệt vị khiến ma nữ không thể cử động được. Đây chính là “thập nhị bất di Thần đinh” trên địa hình “Ma nữ phơi thây”.
Sau khi xây dựng sáu tòa tự viện, công chúa Văn Thành nhận ra rằng: nếu vẫn tiếp tục xây chùa trấn ma thì nàng sẽ không thể có con nối dõi, muốn sinh được quý tử thì nhất định phải dừng việc xây chùa. Nàng nên cải biến phong thủy hung hiểm của Thổ Phồn, hay là đổi lấy cơ hội mang thai đứa con nối dõi? Trong lòng nàng ngổn ngang trăm mối, không biết làm sao cho vẹn cả đôi đường. Đúng lúc ấy, bên tai nàng bỗng vang lên lời dặn dò của Hoàng đế Thái Tông: “Giáo hoá dân tộc khác, chớ vì được mất cá nhân mà lo sầu”. Văn Thành công chúa đột nhiên bừng tỉnh: “Ta nhất định phải hoàn thành sứ mệnh, phải thực hiện lời hoàng thượng đã giao phó cho ta!” Vì vậy, nàng lại kiên trì xây dựng tự viện, cuối cùng mười hai chùa trấn ma cũng được hoàn thành, được gọi là “Thập nhị bất di Thần đinh” hàng phục La Sát Nữ.
Mười hai chùa trấn ma gồm:
Bốn ngôi chùa trấn áp hai vai và hai chân trái phải: chùa Xương Châu ở vai trái, chùa Cát Trạch ở vai phải, chùa Trọng Ba Giang ở chân trái, chùa Tạng Chương ở chân phải.
Bốn ngôi chùa trấn khuỷu tay và đầu gối trái phải: chùa Lạc Trát Côn Đình trên khuỷu tay trái, chùa Bố Khúc trên khuỷu tay phải, chùa Giang Trát Đông Triết trên đầu gối trái, chùa Hàng Chân Cách Kiệt trên đầu gối phải.
Bốn ngôi chùa trấn bàn tay và bàn chân trái phải: chùa Long Đường Trác Mã trấn lòng bàn tay trái, chùa Bằng Đường Cát Khúc trấn lòng bàn tay phải, chùa Sái Nhật Hỉ Nao Trác Mã trấn lòng bàn chân trái, chùa Kiến Thương Ba Lộng Luân trấn lòng bàn chân phải.
Ngoài mười hai vị trí khớp nối kể trên còn có hai yếu huyệt khác, đó là huyệt Đản Trung và tim trên thân thể ma nữ. Đây chính là vị trí của hai ngôi chùa Tiểu Chiêu và Đại Chiêu mà chúng ta từng nhắc đến.
Mười hai tòa tự viện cùng với hai chùa Đại Chiêu và Tiểu Chiêu hợp lại thành chỉnh thể, bên trong thờ các bức tượng Phật trang nghiêm và thù thắng, đồng thời cũng cất giữ hạng vạn cuốn kinh thư cùng vô số hoàng kim trân bảo. Trong chùa quanh năm khói hương nghi ngút, tiếng tụng kinh niệm Phật vang lên không ngừng.
Một lần trong lúc đả tọa, công chúa Văn Thành nhìn thấy các ngọn núi xung quanh Lhasa có địa hình vô cùng quỷ dị, phía sau núi là rất nhiều sinh mệnh tà ác từ không gian khác, có thứ mang hình tượng động vật hung ác, lại có thứ đối ứng với hung khí nguy hiểm.
Hôm nay, nếu chúng ta dùng Google Maps tìm đến khu tự trị Tây Tạng, tới địa khu Nhật Khách Tắc (Shigatse), huyện Định Nhật (Tingri County), cuối cùng đi đến địa danh Thô Bố Nhật (Cuburi), bạn sẽ thấy tại kinh độ 86,335 và vĩ độ 28,178 xuất hiện một hình người bí ẩn.
Có ý kiến cho rằng, rất có thể đây là sinh mệnh hung ác mà Văn Thành công chúa nhìn thấy trong khi đả tọa.
Vì để trấn áp những sinh mệnh tà ác này, công chúa đã đặt tên cho các ngọn núi ở Lhasa theo các báu vật của Phật gia, như: Diệu Liên, Bảo Tán, Thạch Thi Hải Loa, Kim Cương, Thắng Lợi Tràng, Bảo Bình, Kim Ngư, v.v… Sau khi công chúa đặt tên cho núi, các vị Thần Hộ Pháp trong Phật giáo liền đến, các Pháp bảo trên Thiên giới cũng tiến nhập vào mạch núi, gia trì và bảo hộ cho thủy thổ cùng bách tính Thổ Phồn. Thiên nhân cảm ứng chính là như vậy, thực ra đó là sự bảo hộ của Thiên giới, là sự từ bi của Thần Phật.
Ngoài ra, trong lúc bày trận pháp công chúa Văn Thành đã hữu ý để hồ Đương Nhạ Ung Thác (Tangra Yumco) đóng vai trò làm chiếc chùy kim cương hàng ma phục quỷ cắm vào núi Đạt Quả Tuyết Sơn. Nhờ đó, vùng đất Thổ Phồn được bao trùm trong bầu không khí tường hòa, an tĩnh. Toàn bộ đại trận pháp kết giới đã cải biến phong thủy hung hiểm của Thổ Phồn.
Năm xưa, khi Tùng Tán Cán Bố phái sứ thần đến cầu hôn công chúa Đại Đường, ông đã cho mang theo bức tượng vàng Lục Độ Mẫu Bồ Tát làm lễ ra mắt dâng lên Hoàng đế Thái Tông. Thái Tông lập tức hạ chỉ đưa tượng Lục Độ Mẫu Bồ Tát vào chùa Khai Nguyên – tòa tự viện lớn nhất của hoàng gia vào thời ấy. Sau đó, Thái Tông lại ban cho công chúa Văn Thành bức tượng Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni làm quà hồi môn. Chùa Khai Nguyên thêm một bức Lục Độ Mẫu Bồ Tát, nhưng trên bảo tọa liên hoa cũng khuyết đi một bức Phật Thích Ca.
Một ngày, Hoàng đế Thái Tông đến chùa Khai Nguyên, ngước lên thấy bảo tọa liên hoa trống rỗng, ngài liền nghĩ: “Trên bảo tọa liên hoa này ta nên đặt pho tượng nào đây?”
Lúc này, Lục Độ Mẫu Bồ Tát liền hiển linh nói với Thái Tông: “Hoàng thượng hà tất phải cúng phụng tượng Phật khác, hãy để ta đến thay Phật Thích Ca Mâu Ni, giáo hóa và phổ độ chúng sinh tại Trường An này”.
Đến thời nhà Thanh, vào năm Khang Hy thứ 44, tức năm 1705, sau khi chùa Quảng Nhân được hoàn thành, Hoàng đế Khang Hy đã hạ chỉ đưa bức tượng Lục Độ Mẫu Bồ Tát ở chùa Khai Nguyên đưa về cúng phụng tại chùa Quảng Nhân. Bởi vì năm xưa, Lục Độ Mẫu Bồ Tát đã từng hiển linh điểm hóa cho hoàng đế nhà Đường. Chùa Quảng Nhân bèn thỉnh pho tượng cổ xưa ấy về thờ ở vị trí chính giữa trong Đại Hùng bảo điện. Trong các chùa và tự viện, Đại Hùng bảo điện thông thường đều thờ Phật Thích Ca, chỉ riêng Quảng Nhân tự là đạo tràng duy nhất thờ Lục Độ Mẫu Bồ Tát tại Trung Hoa.
***
Bạn đọc thân mến, bạn có biết trước khi giáng hạ xuống phàm gian, hai vị công chúa và Tùng Tán Cán Bố đã từng là ai không?
Một vị cao nhân đã nhiều năm tu luyện tiết lộ cho chúng ta rằng, Văn Thành công chúa và Xích Tôn công chúa đều là các nữ Thần. Xích Tôn công chúa là Tiên nữ trong Cửu Trùng Cung, còn Văn Thành công chúa là nữ Thần cưỡi phượng hoàng trên Thiên giới. Cả hai đều là những vị Thần Tiên vô cùng trang nghiêm thù thắng, không phải là hóa thân của Quan Âm Bồ Tát như dân gian vẫn lưu truyền.
Vậy còn Tùng Tán Cán Bố? Ngài là một vị quan tướng tại Thiên Môn, cả ba người đều mang theo thiên mệnh tới nhân gian, thực hiện sứ mệnh hoằng dương Phật Pháp tại Tây Tạng, trải đường cho Sáng Thế Chủ quảng độ chúng sinh sau này.
Đến hôm nay, trên góc tường phía nam trong đại điện chùa Đại Chiêu, chúng ta có thể nhìn thấy một chiếc bình đá xanh cao bằng nửa thân người. Theo lời các vị Lạt Ma trong chùa, chiếc bình đá được lưu lại từ thời chùa Đại Chiêu mới xây dựng. Trên bề mặt đá có một lỗ nhỏ thông thẳng đến mặt hồ, nếu ghé tai vào lỗ nhỏ ấy thì có thể nghe thấy tiếng vịt trời đang bơi lội trên hồ. Nghe nói, những người tu hành đắc Đạo còn có thể nghe thấy thanh âm của Ma Sát Nữ đang thảm thiết kêu gào…
Theo Lý Minh – “Tin hay không tùy bạn”
Minh Hạnh biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Cao Chi Thụ phỉ báng Phật bị triều đình xử tội trảm ngang lưng (2 câu chuyện)
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 8): Ban đầu truyền Pháp, độ 5 tỳ kheo [Radio]
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!