Trải nghiệm của danh nhân lịch sử cho thấy: Luân hồi là có thật

luân hồi Minh Chân Tướng
Tô Đông Pha tên thật là Tô Thức, là đại văn hào thời Bắc Tống, được mệnh danh là “Nhất đại Từ tông”. (ảnh: tansinh)

Các dân tộc Á Đông có niềm tin mạnh mẽ vào luân hồi. Trong lịch sử cũng có không ít văn học gia, thi sĩ và các vị danh nhân từng đích thân chứng kiến và kể lại trải nghiệm của riêng mình.

Cả Tô Đông Pha, thiền sư Phật Ấn và Hoàng Đình Kiên đều là những tên tuổi lưu danh hậu thế, cho đến ngày nay rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang say sưa kể về họ. Giữa họ có điểm chung là: Đều bén duyên với Phật Pháp, tin vào nhân quả, hơn nữa còn biết được tiền kiếp của mình. 

Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn

Tô Đông Pha tên thật là Tô Thức, là đại văn hào thời Bắc Tống, được mệnh danh là “Nhất đại Từ tông”. Thơ của ông hùng hậu khoáng đạt, hào sảng thanh tân, mở đầu cho trường phái hào sảng trên thi đàn, được hậu thế tôn vinh là một trong “Đường Tống bát đại gia”. Thơ văn và thư pháp của ông đạt đến trình độ cao thâm, cùng với cha ông là Tô Tuân và em trai ông là Tô Triệt trở thành ba nhà thơ nổi bật thời Bắc Tống, gọi chung là “Tam Tô”.

Tô Đông Pha từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ, tài trí hơn người. Ông đọc rất nhiều sách vở, tinh thông kinh sử, kiến thức uyên thâm, lại có sở trường về văn chương và thi họa, các tác phẩm của ông luôn được người đời tán dương, ca tụng. Vì nổi danh từ tuổi thiếu niên nên Tô Đông Pha không khỏi có chút kiêu căng tự mãn. Sự kiêu ngạo ấy cũng theo thời gian lớn lên, dần dần ông tự cho mình là đầy bụng kinh luân, học vấn hơn người.

Một ngày, Tô Đông Pha viết hai câu đối dán trước cửa: “Thức biến thiên hạ tự, Độc tận nhân gian thư” (Biết hết chữ thiên hạ, đọc hết sách nhân gian).

Vài ngày sau, một ông lão râu tóc bạc phơ đến gõ cửa nhà họ Tô, nói rằng muốn đến xin công tử chỉ giáo. Tô Đông Pha bước ra cửa, thấy ông lão ăn mặc rất bình thường, không giống như khách văn chương, nên lộ vẻ coi thường. Nhưng ông lão hoàn toàn không để tâm mà chỉ chỉ tay vào đôi câu đối rồi hỏi: “Tô công tử, đôi liễn này là cậu viết phải không?”.

Tô Đông Pha gật đầu: “Đúng vậy”.

Ông lão nói: “Như vậy chẳng phải là công tử sách nào cũng đã đọc, chữ nào cũng đã biết sao?”.

Tô Đông Pha nhướn mày cao ngạo: “Không sai”.

Ông lão vẫn hoàn toàn không để bụng, chỉ cười và nói: “Trong nhà lão có một cuốn sách cũ, mong nhờ Tô công tử thỉnh giáo”.

Nói rồi, ông lão lấy trong tay áo ra một cuốn sách nhỏ đưa cho Tô Đông Pha. Tô Đông Pha dửng dưng đón lấy, nhưng vừa mở ra xem, thì bỗng giật mình sửng sốt, đứng trân trân tại chỗ một hồi lâu. Thì ra trong sách là chữ cổ, cứ mười chữ thì có đến bảy, tám chữ Tô Đông Pha không đọc được. Tô Đông Pha lập tức hiểu ra, xấu hổ đến mức đỏ bừng cả mặt, chỉ còn cách cúi đầu xin lỗi. Ông lão cười nhẹ rồi gật đầu bước đi. Tô Đông Pha đứng mãi ở cửa, dõi nhìn theo bóng dáng ông lão khuất xa dần.

Hồi tưởng lại thái độ vô lễ của bản thân, đã không mời ông lão vào nhà, không dâng trà khoản đãi để tỏ lòng hiếu khách, Tô Đông Pha bất giác thấy hổ thẹn vô cùng. Từ đó ông tự nhủ với lòng rằng: “Học hải vô nhai, sơn ngoại hữu sơn” (Biển học vô bờ, ngoài núi còn núi).

Sau này lớn lên, Tô Đông Pha thi đỗ thứ hạng cao, được triều đình phong quan ở Hà Nam, sau lại làm quan ở Thiểm Tây. Đến tháng Giêng năm Nguyên Phong thứ ba (năm 1080), ông bị giáng chức đến Hoàng Châu, nay là Hoàng Cương, Hồ Bắc. Tháng 5 năm ấy, em trai ông là Tô Triệt khi đó đang ở Tề An bỗng có một giấc mơ kỳ lạ, trong mộng thấy bản thân cùng với hai vị tăng nhân là Vân Am và Thông Thiền ra ngoài thành nghênh tiếp Ngũ Giới hòa thượng. Điều đặc biệt cả Vân Am và Thông Thiền hòa thượng cũng mơ hệt như vậy, khiến ai nấy đều kinh ngạc không thốt nên lời. Chẳng bao lâu sau, Tô Đông Pha viết thư gửi em trai kể rằng ông đã đến Phụng Tân. Ba người vô cùng vui mừng, liền ra ngoài thành nghênh đón ông đến chùa Kiến Sơn và cùng kể cho ông nghe giấc mộng của mình.

Tô Đông Pha hồi tưởng lại: “Khi mới 8, 9 tuổi, tôi từng mơ thấy mình là người xuất gia, thường lai vãng đến khu vực Thiểm Hữu. Mẫu thân tôi khi còn mang thai cũng từng mộng thấy một tăng nhân đến xin nương nhờ, vị tăng nhân ấy bị mù một con mắt”.

Hòa thượng Vân Am nói: “Thật trùng hợp, Ngũ Giới hòa thượng là người Thiểm Hữu và cũng bị lòa một mắt. Về già vị ấy du hóa ở Cao An, sau đó viên tịch ở Đại Ngu, tính ra Ngũ Giới đã viên tịch được 50 năm rồi. Còn tiên sinh cũng vừa tròn 49 tuổi, không còn nghi ngờ gì nữa, tiên sinh nhất định là Ngũ Giới hòa thượng chuyển sinh!”. 

Từ đó, Tô Đông Pha tự gọi mình là “Giới hòa thượng”, thường ngày khi không mặc quan phục ông rất thích mặc áo tăng nhân. Trong bài thơ “Nam Hoa tự”, Tô Đông Pha từng nhắc đến tiền kiếp của mình qua đoạn thơ:

Ngã bổn tu hành nhân
Tam thế tích tinh luyện
Trung gian nhất niệm thất
Thụ thử bách niên khiển

Tạm dịch:

Ta vốn người tu hành
Tinh tấn tu ba kiếp
Giữa chừng một niệm sai
Trăm năm này chịu tội

Còn trong bài thơ “Hòa Trương Tử dã kiến ký tam tuyệt cú – Quá cựu du”, ông viết: 

“Tiền sinh ngã dĩ đáo Hàng Châu,
Đáo xứ trường như đáo cựu du

Tạm dịch:

Kiếp trước ta đã đến Hàng Châu
Khắp nơi như về chốn cũ chơi

Hai bài thơ trên kể lại một đoạn hồi ức đau lòng trong tiền kiếp của Tô Đông Pha. Câu chuyện ấy cũng được ghi chép trong “Thanh bản Sơn Đường thoại bản” thời Tống, phần Ngũ Giới thiền sư và Hồng Liên.

Hồi ấy, hòa thượng Ngũ Giới và Minh Ngộ thiền sư là huynh đệ đồng môn cùng tu luyện trong một ngôi chùa. Một ngày nọ, họ nhặt được bé gái bị bỏ rơi trước chùa, bèn đem về nuôi và đặt tên là Hồng Liên.

Hồng Liên lớn lên trở thành một thiếu nữ duyên dáng yêu kiều, vẻ đẹp của nàng khiến lòng người rung động. Ngũ Giới hòa thượng vì chưa bỏ được phàm tâm nên đã phạm sắc giới. Minh Ngộ thiền sư biết được, bèn ngắt một đóa hoa sen trắng (hoa sen tức là “Liên”, màu trắng là có ý “bạch, thanh bạch, trong trắng”) cắm vào bình, rồi hẹn Ngũ Giới hòa thượng đến ngắm hoa.

Ngũ Giới nhìn thấy hoa sen trắng đột nhiên tỉnh ngộ, trong lòng vô cùng hổ thẹn, ông buồn bã trở về phòng tắm rửa sạch sẽ rồi sau đó đả tọa viên tịch. Minh Ngộ thiền sư biết rằng Ngũ Giới đời này phạm sắc giới, đến đời sau rất có thể trong mê mờ mà phỉ báng Phật, phỉ báng tăng, như thế sẽ vĩnh viễn không có ngày cất đầu lên được. Do đó ông cũng vội vàng tọa hóa, theo Ngũ Giới đầu thai. 

Ngũ Giới đầu thai vào nhà họ Tô, chuyển sinh làm đại văn hào Tô Đông Pha. Minh Ngộ thiền sư chuyển sinh làm người bạn thân thiết của Tô Đông Pha, tức hòa thượng Phật Ấn. Còn cô gái Hồng Liên sau khi đầu thai chuyển thế trở thành thị thiếp của Tô Đông Pha, tên là Vương Triều Vân.

Hòa thượng Phật Ấn là vị tăng nhân nổi tiếng ở Kim Sơn tự, khi mới 3 tuổi đã đọc thuộc “Luận Ngữ”, 5 tuổi có thể đọc 3000 bài thơ, được người dân trong vùng khen ngợi là thần đồng. Ông là người bạn thân thiết của Tô Đông Pha, hai người vẫn thường qua lại với nhau và đàm đạo về nhân sinh, Phật Pháp.

Kỳ thực, Tô Đông Pha thời trẻ rất coi trọng công danh, lại không tin Phật Pháp. Sau này trong quá trình làm quan, ông bị giáng chức đến Hoàng Châu, thiền sư Phật Ấn vẫn luôn bên cạnh điểm hóa cho ông, không rời ông một bước. Phật Ấn thiền sư thường cùng ông tham thiền đả tọa, lại không ngừng khuyến khích và điểm ngộ cho ông. Tô Đông Pha nhờ có ngộ tính cao, biết rằng bản thân từng là người tu luyện, lại nhờ sự dẫn dắt của thiền sư Phật Ấn, nên cuối cùng đã tỉnh ngộ, không chỉ tin tưởng vào nhân quả luân hồi mà còn vô cùng sùng tín Phật Pháp.

Tình bạn của Tô Đông Pha và Phật Ấn thiền sư đã lưu lại rất nhiều câu chuyện ly kỳ, thú vị.

Một lần, khi Tô Đông Pha và Hoàng Đình Kiên đang ở chùa Kim Sơn, hai người rủ nhau làm bánh mì bái Phật nhưng lại giấu không cho hòa thượng Phật Ấn biết. Khi bánh đã nướng xong, hai người đếm số bánh rồi dâng lên trước bàn thờ Quan Âm Bồ Tát. Không ngờ Phật Ấn đã núp sẵn trong màn trướng, thừa lúc hai người quỳ xuống vái lạy, Phật Ấn liền thò tay lấy trộm hai chiếc bánh. 

Sau một hồi bái lạy, Tô Đông Pha đứng dậy thấy thiếu mất hai chiếc bánh, vội quỳ xuống niệm rằng: “Quan Âm Bồ Tát linh hiển thần thông, Ngài đã ăn bánh rồi, sao không hiện ra cho chúng con được diện kiến?”. 

Phật Ấn trong màn trướng đáp: “Nếu có mặt thì ta đã tham gia làm bánh với các ngươi, há dám tay không mà đến quấy rầy sao?“.

Tháng 8 năm 1101, trước khi qua đời, Tô Đông Pha dặn dò ba người con trai đang túc trực bên giường bệnh: “Ta bình sinh không làm việc gì xấu, tin là sẽ không bị đọa nhập vào địa ngục, các con đừng quá thương tâm nữa”.

Ông lại khuyên mọi người rằng, thế giới của Thần là tồn tại chân thực, chỉ tiếc rằng bản thân không có lực hồi thăng. Ông nói: “Xem ra Tây Phương Cực Lạc là có thật, nhưng nay ta đã không còn sức nữa rồi”.

Không rõ kiếp sau Tô Đông Pha còn đi trên con đường tu hành nữa hay không? Nếu có, rất có thể đó sẽ là câu chuyện ly kỳ khác mà chúng ta chưa biết. 

Hoàng Đình Kiên

Hoàng Đình Kiên kém Tô Đông Pha 8 tuổi. Ông cũng là một văn học gia và nhà thư pháp trứ danh thời Bắc Tống, đồng thời cũng là người mở đường cho Giang Tây thi phái. Thơ từ, thư pháp và hội họa của ông được gọi là “Tam tuyệt”, người đời gọi ông là “tài nghệ siêu tuyệt, trung hiếu lẫm nhiên” (tài nghệ vô cùng, trung hiếu lẫm liệt). Ông từng theo học Tô Đông Pha, là một trong “Tô môn tứ học sĩ”. Tô Đông Pha từng khen ngợi Hoàng Đình Kiên là: “Hiếu hữu chi hành truy phối cổ nhân, khôi vĩ chi văn diệu tuyệt đương thế” (Đức hạnh hiếu thảo và hữu hảo sánh với người xưa, văn chương hùng vĩ tuyệt trần).

Hoàng Đình Kiên từ nhỏ đã nổi danh là một người con chí hiếu. Khi còn nhỏ ông thường rửa bô cho mẹ, sau này làm quan ông vẫn kiên trì hàng ngày rửa bô cho mẹ già. Mỹ đức hiếu hạch của ông đã cảm hóa rất nhiều người, tấm gương ấy cũng được ghi chép trong Nhị thập tứ hiếu (24 tấm gương hiếu thảo). Hoàng Đình Kiên từng viết hai câu thơ:

“Tự tăng hữu hữu, tự tục thoát trần.
Tố mộng trung mộng, ngộ thân ngoại thân

Nghĩa là: Giống như tăng nhân lại có bạn bè, giống như tục nhân lại thoát tục; Mộng ở trong giấc mộng, ngộ thấy thân ở ngoài thân.

Hai câu thơ cũng là lời tự bạch của Hoàng Đình Kiên về câu chuyện luân hồi của chính mình.

Khi Hoàng Đình Kiên làm tri phủ Hoàng Châu, ông từng ngủ trưa trong nha phủ và có một giấc mộng kỳ lạ. Trong mộng, ông thấy bản thân bước ra khỏi nha môn, đến một thôn làng nhỏ, từ xa thấy một bà lão tóc bạc trắng đang khấn trước hương án ở ngoài cửa. Bà lão gọi tên một người nghe vừa quen lại vừa lạ. Ông bước lại gần, thấy trên bàn thờ có bát mì rau cần thơm phức, khói nóng bốc lên nghi ngút, hương rau cần xông vào mũi. Ông bất giác cầm bát lên ăn, ăn xong lại trở về nha phủ nghỉ ngơi. Bỗng ông nghe thấy tiếng gõ cửa và tỉnh dậy, mới biết rằng đó chỉ là mơ. Mặc dù chỉ là mơ, nhưng mộng cảnh lại sống động như thật, trong miệng vẫn phảng phất hương vị rau cần.

Hôm sau, khi ngủ trưa ông lại có giấc mơ giống hệt như trước. Hương rau thoang thoảng, mộng cảnh chân thật rõ ràng như thể đích thân đã từng trải qua vậy. Hoàng Đình Kiên cảm thấy thật là bất khả tư nghị, liền đứng dậy bước ra khỏi nha môn, muốn khám phá xem rốt cuộc là gì. Lần theo con đường đã đi trong mộng, ông đến một ngôi làng nhỏ, cảnh vật trước mặt mơ mơ hồ hồ như đang trở về cố hương vậy. Ông bước thẳng đến một ngôi nhà rồi gõ cửa bước vào, thấy bà lão mà ông đã gặp trong mộng. 

Hoàng Đình Kiên liền bước lên thi lễ và hỏi bà lão vì sao lại đứng ngoài cửa gọi người về ăn mỳ? Bà lão đáp: “Hôm qua là ngày giỗ con gái ta, lúc còn sống con gái ta rất thích ăn mì rau cần, do đó ta gọi nó về, năm nào ta cũng làm như thế”.

Hoàng Đình Kiên cảm thấy vô cùng kinh ngạc, liền hỏi: “Con gái bà qua đời bao lâu rồi?”. Bà lão đáp: “Đã được 26 năm rồi”. Ông đột nhiên nhớ rằng năm nay mình vừa tròn 26 tuổi, hôm qua là sinh nhật của ông.

Sau đó ông lại hỏi bà về cô con gái khi còn sống và hoàn cảnh gia đình. Bà lão đáp: “Ta chỉ có một đứa con gái rất hiếu thuận, vốn yêu thích đọc sách, lại tín Phật, thường ăn chay và không muốn lấy chồng. Năm xưa con gái ta từng phát nguyện đời sau sẽ chuyển sinh thành nam giới, làm một văn học gia. Chỉ tiếc là đến năm 26 tuổi thì sinh bệnh rồi qua đời, trước khi chết nó nói vẫn muốn quay lại thăm ta”. 

Hoàng Đình Kiên kinh ngạc hỏi: “Khuê phòng của cô ấy ở đâu? Vãn bối có thể xem một chút không?“.

Bà lão chỉ tay về phía căn phòng cũ và nói: “Chính là căn phòng này, ngài hãy đến đó mà xem”. 

Hoàng Đình Kiên bước vào phòng nhìn quanh một lượt, cảnh tượng trong phòng như giường, bàn, ghế… đều vô cùng quen thuộc. Sát cạnh tường có một chiếc tủ lớn khóa chặt, ông liền hỏi bà lão: “Trong đó là gì?“.

Bà lão vừa lau nước mắt vừa đáp: “Toàn là sách của con gái tôi lúc sinh thời”.

Ông lại hỏi: “Vãn bối… có thể mở ra xem một chút được không?”.

Bà lão nói: “Không biết con gái tôi để chìa khóa ở đâu, tôi vẫn không cách nào mở ra được”.

Ông ngẫm nghĩ một lát, đột nhiên nhớ ra vị trí để chìa khóa liền nói với bà lão. Trong tủ có rất nhiều sách và bản thảo, thì ra toàn bộ những bài văn mà mỗi lần ông ứng thí đều nằm ở đây, hơn nữa một chữ cũng không sai!

Hoàng Đình Kiên trầm tư một hồi lâu, cuối cùng bừng tỉnh, hiểu ra rằng kiếp trước ông từng mang phận nữ nhi, và đây chính là ngôi nhà cũ của ông từ tiền kiếp, còn bà lão là mẫu thân của ông trong kiếp sống ấy. Cảnh cũ người xưa, nay ngôi nhà này chỉ còn lại duy nhất một mình bà. 

Ông vội quỳ xuống bái lạy dưới chân bà, hai mắt đẫm lệ gọi một tiếng “Mẹ!“. Hai mẹ con cách đời gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, ai nấy đều sụt sùi rơi lệ.

Hoàng Đình Kiên trở về nha phủ và sai gia nhân đến nghênh đón bà lão về cùng sống. Ông vô cùng hiếu thuận, coi bà như mẹ đẻ của mình và phụng dưỡng đến cuối đời.

Người đời đều biết Hoàng Đình Kiên một đời bái Phật, phải chăng chính vì trải nghiệm này mà ông bước đi trên con đường tín Phật? Ông từng viết trong bài “Giới sát thi”: 

“Ngã nhục chúng sanh nhục
Danh thù thể bất thù
Nguyên đồng nhất chủng tính,
Chỉ thị biệt hình khu,
Khổ não tùng tha thụ,
Phì cam vi ngã tu,
Mạc giao Diêm lão đoán,
Tự sủy khán hà như?

Nghĩa là:

Thịt ta, thịt chúng sinh,
Danh khác, thể nào khác,
Vốn cùng một chủng tính,
Chỉ khác biệt hình hài,
Khổ não chúng cam chịu,
Ngọt béo ta hưởng riêng,
Đừng đợi Diêm Vương xử,
Tự nghĩ xem thế nào?

Đến năm 40 tuổi, Hoàng Đình Kiên viết bài “Phát nguyện văn”, phát nguyện ăn chay, giữ giới, tránh xa nữ sắc và rượu. Ông viết:

Hôm nay phát đại thệ đối với Phật: Nguyện từ hôm nay mãi cho đến sau này, sẽ không dâm dục, uống rượu, ăn thịt. Nếu còn tái phạm, sẽ phải đọa địa ngục, chịu khổ vì hết thảy chúng sinh”.

Hoàng Đình Kiên dựa vào ký ức tìm về nhà xưa, gặp lại mẫu thân trong tiền kiếp, từ đó mới giải thích được những trải nghiệm của bản thân. Nếu hôm nay có khoa học gia tin vào những hiện tượng siêu nhiên muốn chứng minh được luân hồi, thì họ cũng phải dùng phương pháp thực địa khảo sát, dựa vào ký ức của người đã chuyển sinh làm manh mối, có thể nhớ lại và miêu tả về kiếp trước. Như vậy mới được xem là bằng chứng hoàn chỉnh về luân hồi. Từ đó có thể kết luận: Luân hồi là tồn tại chân thực. 

Xem hai câu chuyện kể trên, phải chăng bạn cũng hiếu kỳ muốn biết: Bản thân bạn và những thân nhân hay bạn bè bên cạnh bạn đã từng là ai trong đời trước hay không?

Theo “Tử Lăng kể chuyện

Tác giả: Minh Hạnh

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x