“Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử”, “Hồng Lâu Mộng” và “Tây Du Ký” là bốn kiệt tác văn học thời cổ đại. Hầu hết chúng ta biết đến những danh tác ấy qua điện ảnh và truyền hình, nhưng số người đọc hoàn chỉnh cả bốn bộ tiểu thuyết thì có lẽ lại chẳng có mấy ai.
“Văn dĩ tải Đạo”, nếu như phim ảnh chỉ có thể hiển thị hình ảnh và cảnh quay, thì những giá trị tinh hoa lại ẩn giấu trong từng trang sách. Mở đầu hé mở Thiên cơ, kết thúc ẩn chứa huyền cơ. Trong Tứ đại danh tác, ý nghĩa nhân sinh và dư vị thâm sâu nhất cũng nằm ở phần khai màn và hạ màn của từng tác phẩm.
Hồng Lâu Mộng: Phong nguyệt tình trường, cuối cùng chỉ là mộng
“Hồng Lâu Mộng” nghĩa là giấc mơ lầu hồng, cũng ý tứ là hồng trần mộng ảo. Nhân sinh là vở kịch, cuộc đời là giấc mộng phù vân. Mộng mê mộng tỉnh, kịch trong kịch ngoài, vậy nên thơ từ mở đầu và kết thúc Hồng Lâu cũng có hai loại ý vị như vậy.
Trong mộng là hoang đường
Bài thơ mở đầu Hồng Lâu chính là bài “Dẫn tử”.
Mịt mùng khi mới mở toang,
Giống tình ai đã chịu mang vào mình
Chỉ vì tình lại gặp tình,
Gió trăng nồng đượm không đành xa nhau
Khi vắng vẻ, lúc buồn rầu
Thua trời nên dãi mối sầu thơ ngây
Mộng hồng lâu diễn khúc này
Thương vàng tiếc ngọc tỏ bày nỗi riêng! [1]
Tào Công từng nói: Hồng Lâu “đại chỉ đàm tình” (phần lớn chỉ nói về tình). Xuyên suốt trong giấc mộng là bể tình mênh mông, tình cao hơn trời, hận sâu hơn biển. Nơi thế gian này, mỗi người đều là một hạt giống tình, có chân tình và có vọng tình, có nhân tình cũng có dục tình. Cái tình ấy lưu lạc trong phong nguyệt nhân gian, chơi vơi trên cánh đồng gió trăng trần thế.
Tràn ngập trong đó là gì đây? Bất lực, buồn thương, cô liêu, ngu muội. Dẫu rằng “kim ngọc mãn đường”, vàng ngọc đầy nhà, phồn hoa mãn kiếp, thì sau tất cả cũng chỉ còn lại hồi ức bi thương. Trăng gió chốn nhân gian thảy đều là hư vọng.
Đây chính là ý vị nhân sinh. Nghĩ lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời, có biết bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu sầu khổ, bao nhiêu ân oán đã liễu kết và hạ màn?
Hồng Lâu khi đến hồi kết thúc chính là chia ly. Cảnh trăng tròn trăng khuyết, tiệc tàn người tan luôn khiến người ta thương cảm. Phồn hoa náo nhiệt đã phai mờ, sinh tử mênh mang, tương lai vô định lại càng thêm thê lương buồn thảm. Do đó, hoa tàn lá rụng, chim bay về rừng, bài thơ kết trong tiểu thuyết chính là “Phi điểu các đầu lâm”:
Quan thì cơ nghiệp suy tàn
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời
Rành rành báo ứng những ai phụ lòng
Mạng đền mạng đã trả xong
Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi
Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?
Gian nan là bởi kiếp xưa
Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “Không” này
Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.
Như chim khi đã hết mồi
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành. [1]
Cuộc sống muôn màu, nhân sinh vạn nẻo, con đường mỗi người mỗi khác nhưng kết cục lại cùng là một mặt đất sạch sẽ trống trơn. Hoa trong gương, trăng dưới nước chỉ là giả, mộng ảo bóng ảnh chỉ là mơ.
Vậy thì, nổi trôi giữa cát bụi hồng trần, chúng ta còn tranh giành gì đây, vui thích gì đây, khóc thương gì đây, thống khổ gì đây, lưu luyến gì đây, chấp mắc gì đây? Vậy còn điều gì mà chưa buông bỏ được?
Có lẽ, phải đến giây phút cuối cùng khi mắt đã chứng kiến hết những biển sâu ruộng cạn, tâm nếm trải hết những cô quạnh thê lương, thì lòng mới có thể buông bỏ, mới không còn vướng mắc, mới nhẹ nhàng cười thản đãng gió mây. Đây chính là thứ gọi là đạo hạnh.
Ngoài kịch là hoang liêu
Hồng Lâu còn có một loại mở đầu và kết thúc khác, càng chân thực, càng tàn nhẫn hơn. Điều ấy được thể hiện qua bài thơ đầu trong hồi thứ nhất – “Đệ nhất hồi tiền thi”:
Lẵng đẵng trên đời khéo khổ công,
Tiệc tùng rốt cuộc chỉ là không.
Muôn trò mừng tủi đều hư ảo,
Một giấc xưa nay rõ viển vông.
Vạt thắm nào riêng người đẫm lệ,
Tình ngây còn vướng hận ôm lòng.
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng. [1]
Và bài “Duyên khởi thi” (Bài thơ bắt đầu duyên):
Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhượng chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong? [1]
Đến cuối tác phẩm, bài thơ kết thúc nối tiếp ý của bốn câu thơ ở hồi đầu:
Nói đến nỗi chua cay,
Hoang đường lại buồn thay.
Xưa nay đều cảnh mộng,
Chớ bảo người đời ngây. [1]
Nếu như mở đầu nói với chúng ta rằng hết thảy trên đời đều là không, là giấc mộng hoang đường, thì kết thúc lại một lần nữa nhấn mạnh: Xưa nay đều cảnh mộng, sau cùng tất cả chỉ là không. Vậy mà đối với những “tình thiên hận hải” trong đời, rất nhiều người vẫn không buông bỏ được, nhân sinh khó tránh khỏi những canh cánh và khao khát trong lòng. Giống như mỗi cá nhân đều có một Đào Nguyên trong tâm, mỗi người đều có những chấp trước và theo đuổi cả một đời.
Nhà văn Trương Ái Linh từng nói đại ý rằng: Thời đại nặng nề như vậy, không cho chúng ta được dễ dàng đại triệt đại ngộ. Cũng có câu nói rằng: Dẫu hiểu được rất nhiều đạo lý, thì vẫn không có được một đời thoải mái ung dung. Đây là sự thực không thể né tránh trong cuộc đời.
Nhưng câu chuyện Hồng Lâu vẫn còn rất mơ hồ mờ mịt, đó là một loại tỉnh sau mộng, là ngộ sau khi đã nếm trải khổ đau. Do đó chúng ta vẫn có thể ôm ấp hy vọng: Tất cả khổ đau không phải là chịu đựng vô ích, tất cả nước mắt đều không chảy vô ích, tất cả những gì không chịu được đều sẽ kết thúc, chỉ đợi tới lúc ắt sẽ thành.
Đại triệt đại ngộ dẫu có xa vời, thì cuối cùng sẽ khiến tất cả những thống khổ ai lạc từng trải qua trong đời đều trở thành đáng giá.
Tam Quốc Diễn Nghĩa: Tâm cơ, Thiên cơ, Thời cơ
Câu chuyện Tam Quốc từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc là “nhân trước, quả sau”. Cần phải hiểu được quá trình, thấy được kết cục, mới cảm ngộ được ý nghĩa lúc ban sơ.
Mở đầu cũng là kết thúc
Mở đầu Tam Quốc là bài thơ “Lâm Giang Tiên” của đại học gia Dương Thận thời Minh:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Bao độ ánh chiều hồng
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng.
Chúng ta dường như nhìn thấy một ông lão tóc bạc phơ, đang đứng trên con thuyền nhỏ thảnh thơi giữa dòng. Những năm tháng cuộc đời, ông đã từng hô mưa gọi gió, đã nếm trải mọi thị phi thành bại. Để đến khi tuế nguyệt xoay vần, hoa rơi bến vắng, lòng không còn vướng bận chuyện thế gian, ông lão bưng ra chén rượu, hát vang một bài ca…
Cảnh giới này siêu phàm thoát tục, đã nhảy ra khỏi mọi lợi danh tranh đấu. Nhưng ngẫm lại, mấy ai đủ dũng khí làm được như vậy? Cho dù là các anh hùng khuấy động phong vân, thì vẫn luôn chìm đắm trong đấu trường này, không giải thoát ra được, không chạy ra khỏi được. Mỗi người chúng ta trong vòng xoáy hiện thực, chẳng phải cũng như vậy hay sao?
Giác ngộ là cần nhảy ra ngoài, nhảy ra khỏi các loại lợi dục vướng mắc chốn nhân gian. Giống như một người ngoài cuộc xem những thị phi thành bại trong Tam Quốc, chớp mắt thấy hết thảy đều thành không, lại thấy những anh hùng từng hô phong hoán vũ, nay chỉ còn một nắm tro tàn vùi lấp trong sóng nước mênh mang. Chỉ khi đứng bên ngoài mà quan sát, tĩnh lặng mà nhìn trông, mới có thể thản đãng nói cười trong thu nguyệt xuân phong. Nhưng đáng tiếc là, những kẻ đang tranh đấu nơi thế gian này đều là người trong cuộc!
Vậy làm sao mới có thể nhảy ra ngoài, làm sao mới có thể ung dung được đây? Chính là: Xem tâm, xem người, xem thế gian, xem tự tại.
Tam Quốc vừa mở đầu đã bày ra trước mắt chúng ta cảnh giới cực cao của nhân sinh. Vậy kết thúc sẽ là gì?
Kết thúc cũng là bắt đầu
Kết thúc Tam Quốc là một bài thơ nói về thời đại của những anh hùng giáp vàng ngựa sắt. Điều sâu sắc nhất cũng là câu cuối cùng.
Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường
Tam phân một giấc mơ màng
Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay. [2]
Điều này khiến chúng ta nghĩ đến câu cuối cùng trong “Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện”: “Cái Thiên mệnh hữu quy, bất khả dĩ trí lực tranh dã”, nghĩa là: Thiên ý đã định, chẳng thể dùng trí mà tranh.
Đây chính là số trời.
Từ đó, chúng ta càng có thể lý giải ý nghĩa của bài thơ mở đầu — Muốn có một tâm trí khoáng đạt, tự tại tiêu diêu, thì không chỉ cần là người đã từng trải, có thể nhảy ra khỏi vòng danh lợi đua chen, mà còn phải là người nhìn thấu và minh bạch “Thiên số”.
Cổ nhân “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, đã làm người sao tránh được số trời? Vậy nên mới cần “tẫn nhân sự, an thiên mệnh” (hết mình làm việc con người, thuận theo mệnh trời), nên tận lực mà làm, nhưng không nên quá vướng bận vào kết quả, thành hay bại, được hay mất cũng đừng nên bận lòng. Đây chính là Thiên số, hiểu được điều này sinh mệnh mới có giác ngộ.
Mở đầu cũng là kết thúc, kết thúc cũng là mở đầu, câu chuyện Tam Quốc giống như một vòng tròn khép kín – cũng giống như tranh đoạt chốn nhân gian vốn là vòng tuần hoàn bất tận.
Trong truyện là Tâm cơ. Ngoài truyện là Thiên cơ. Giác ngộ là Thời cơ.
Thủy Hử: Cát bụi lại trở về cát bụi
“Thủy Hử” kể về những hảo hán nghĩa khí ngút trời, thế Thiên hành đạo… nhưng cuối cùng lại bị tiêu diệt trong một sớm. Anh hùng áo vải, hiệp nghĩa giang hồ, ngàn lời cũng không thể nói hết nỗi thê lương.
Khí chất ấy được thể hiện trong bài thơ mở đầu cuốn sách:
Thử ngó thư lâm chốn ẩn,
Biết bao tuấn nhã làng nho?
Danh suông lợi nhỏ chẳng vương sầu,
Cắt băng rồi xẻ tuyết,
Cười nói ngắm Ngô Câu (tên một thứ dao báu đời xưa).
Bình luận trước vương cùng sau đế,
Chia chân ngụy chiếm giữ Trung Châu.
Bảy hùng rối tý loạn Xuân Thu.
Hưng vong như liễu yếu,
Thân thế tựa thuyền câu.
Thấy:
Thành danh vô số,
Câu danh vô số,
Lại có kẻ trốn danh vô số.
Chốc thôi trăng mới xuống sông dài
Bể bạc hóa ruộng dâu đường cũ.
Quái tìm cú leo cây,
Bầy khỉ quẩn tìm cây,
Lại e phải cung đến sợ cây.
Chi bằng dốc chén rượu trong tay,
Hãy nghe tiếng mới trong khúc này… [3]
Lời thơ phảng phất nụ cười tiếu ngạo giang hồ, tựa như tách biệt với thế giới. Với Thủy Hử, đây chính là tâm tư của một khán giả, muốn uống rượu thưởng trà, nghe bình thư xướng khúc, luận bàn chuyện đông tây.
Nhưng bến nước Lương Sơn lại là bi kịch, so với bi kịch Hồng Lâu thì hiện thực trong Thủy Hử càng nặng nề và chân thực hơn.
Trong bài thơ mở đầu này, khí chất, tiêu sái, phóng khoáng… đều là vẻ bề ngoài. Những văn nhân nho nhã, những anh hùng mai danh ẩn tích ở Thư Lâm, xem nhẹ danh lợi, rời xa quyền thế… rõ ràng là một loại hiện thực bất đắc dĩ, không thể tránh khỏi.
Tâm tư này được tiết lộ trong phần kết thúc truyện. Trước hết nói về 108 anh hùng hảo hán ở Lương Sơn:
Thiên Cang đã khuất về thiên giới
Địa Sát lại theo xuống đất cùng
Muôn thuở Thần linh đều hưởng tế
Vạn năm sử sách rạng anh hùng. [3]
Xem ra là chúng Thần quy vị, vĩnh viễn lưu danh trong sử sách, được hương hỏa cúng thờ. Nhưng nghĩ đến kết cục của các anh hùng Lương Sơn, lại thấy biết bao thê lương, nghẹn ngào. Rồi cuối cùng, đất trở về với đất, cát bụi trở về với cát bụi trần gian. Đây là một sự thông suốt, nhưng cũng là một dạng bất lực.
Bài thơ tiếp theo viết:
Chớ lấy thân danh oán trách trời,
Hàn, Bành mấy họ máu đào rơi.
Một lòng báo nước lừng chinh chiến,
Trăm thắm Liêu lưu, Lạp hết đời.
Địa sát Thiên cang đà hết sáng,
Gian thần tặc tử chẳng im hơi.
Nếu hay đầu độc vùi thân xác,
Học phép rong thuyền Phạm Lãi chơi. [3]
Người anh hùng mang hoài bão thay trời hành đạo, kiến công lập nghiệp, vì nước tận trung, nhưng nếu “gian thần tặc tướng chẳng im hơi” thì hỏi còn có tác dụng gì? Sớm biết như thế, chẳng thà học Phạm Lãi quy ẩn giang hồ, lênh đênh trên thuyền mà đi. Cảm giác bất lực và bi phẫn từ đáy lòng này lại càng thêm nặng nề.
Bài thơ cuối cùng viết:
Sinh thời đỉnh vạc, chết phong hầu
Hồ thỉ nam nhi nợ sạch làu
Ngựa sắt hí vang trăng núi rạng
Vượn đen kêu hú bóng đêm thâu
Chẳng cần xuất xứ tìm văn bản
Chỉ khoái trung lương soạn thoại đầu
Muôn thuở Lục Nhi vùi ngọc quý
Chim kêu hoa rụng chạnh lòng sầu. [3]
Đây chính là “tận nhân sự, thính Thiên mệnh”, người anh hùng dù không thực hiện được hùng tâm tráng chí, thì cuối cùng cũng không thẹn với lòng. Cho dù trong lòng có bao nhiêu điều không cam tâm, và cho dù những hối tiếc và bi ai vẫn vướng víu trong tâm, thì đã không còn gì phải ân hận nữa rồi.
Dư vị nhân sinh vốn là như thế, huyền cơ của cuộc đời vốn là như thế, chỉ có thể tận lực mà làm, để lòng không thẹn với non sông.
Tây Du Ký: Mở đầu Từ bi, kết thúc Giác ngộ
“U Mộng Cảnh” gọi “Tây Du Ký” là một bộ ‘ngộ thư’. So với ba danh tác còn lại, chủ đề của Tây Du có phần trực tiếp hơn, giọng điệu cũng tươi vui và ấm áp hơn. Trong Tứ đại danh tác, chỉ có Tây Du là hỷ kịch, tuy rằng nhân vật chính cũng trải qua những trắc trở gập ghềnh, nhưng kết cục cuối cùng là viên mãn, không còn mong cầu gì hơn.
Đây là một câu chuyện liên quan đến Phật gia, mà chủ đề của Phật gia chỉ có hai trọng tâm: Từ bi và Giác ngộ. “Tây Du Ký” cũng như vậy.
Dịch thơ:
Thuở hoang sơ đất trời chưa tỏ,
Chốn mênh mông nào có bóng người.
Từ khi Bàn Cổ ra đời,
Đục trong phân biệt, khác thời hỗn mang.
Che chở khắp nhờ ơn trời đất,
Phát minh ra muôn vật tốt thay.
Muốn xem tạo hóa công dày,
Tây Du truyện ấy đọc ngay đi nào. [4]
Từ thuở hoang sơ hỗn độn, đất trời bắt đầu phân khai, tạo hóa lấy “Thiện” mà sinh ra vạn vật, đây chính là tinh thần từ bi của Tây Du. Lão Tử giảng về Đức, chính là bản tính của con người.
Kết thúc Tây Du có hai bài thơ:
Thánh tăng gắng sức lấy kinh,
Ruổi rong mười bốn năm ròng trời Tây.
Gian lao vất vả đêm ngày,
Trèo đèo lội suối đắng cay muôn phần.
Hoàn thành công quả vô vàn.
Ba nghìn viên mãn đủ vòng đại thiên.
Chân kinh về tới Đại Đường,
Từ nay mãi mãi lưu truyền cõi Đông. [4]
Và:
Một thể chân như lạc xuống trần,
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,
Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn.
Chính quả chiên đàn theo đại giác,
Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân,
Kính truyền thiên hạ ân vô lượng,
Năm thánh ngồi cao bất nhị môn. [4]
Bài cuối cùng là một bài kệ hướng về Phật gia:
Nguyện đem thửa công đức,
Đất Phật tổ trang nghiêm.
Trên báo bốn trọng ơn,
Dưới cứu ba đường khổ.
Những kẻ kiến văn tỏ,
Ắt phát tâm Bồ Đề.
Cõi Cực Lạc theo về,
Thân này được tận báo. [4]
Phần kết thúc vẫn toát lên tinh thần Từ bi và Giác ngộ, xuất được tâm Từ bi mới có thể Giác ngộ. Nhưng đừng quên rằng, trong chín chín tám mươi mốt nạn giữa phần mở đầu và kết thúc là vô số sai lầm và ủy khuất, vô số vấp ngã và trải nghiệm. Giác ngộ vốn là chuyện không dễ dàng xưa nay.
So sánh với ba bộ danh tác còn lại, điều đáng trân quý của Tây Du nằm ở ý chí chịu đựng ma nạn, dũng khí chiến thắng và dám đương đầu với thất bại, quyết chí bền bỉ, kiên trì không dao động. Ý chí ấy đến từ tâm từ bi, cầu giác ngộ, chứ không phải là từ dục vọng và chấp niệm của con người. Đây chính là: Không quên cái tâm thuở ban đầu, cuối cùng mới có thể thành công.
Mỗi câu chuyện và chủ đề trong Tứ đại danh tác đều khác nhau, nhưng kết cục không hẹn mà gặp, cùng đi đến cảnh giới ngộ về “Không”. Đích đến của nhân sinh là giác ngộ, mộng có đẹp hơn nữa cũng cuối cùng vẫn là mộng, cuối cùng vẫn phải tỉnh. Đây là lựa chọn và là con đường duy nhất, sự khác biệt giữa người với người chỉ ở chỗ nông sâu của mê và tỉnh, chấp và ngộ mà thôi…
Minh Hạnh
Theo Lý Huệ – Sound of Hope
Chú thích:
[2] Bản dịch của Phan Kế Bính
[3] Bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải
[4] Bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải và Phương Oanh
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý đọc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Cảnh giới ‘Thiên nhân hợp nhất’ của các bậc văn nhân thời cổ đại
- Cảnh giới ‘Thiên nhân hợp nhất’ của các bậc văn nhân thời cổ đại
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!