Trong thành Đôn Hoàng, có một bóng người mặc áo cà sa, tay cầm tích trượng lặng lẽ bước đi. Ngài là một Sa môn chuyên tâm tu hành, pháp danh là Lạc Tôn. Đôi vai gầy của ngài nhuộm lên muôn vàn sóng gió, bước chân ngài đã đi qua vô số thành thị, ngài băng qua rừng hoang sương muối, chứng kiến hết những vàng son và rồi lụi tàn nơi nhân thế…
Những mỏi mệt chưa bao giờ có thể ngăn nổi bước chân của ngài, với mong ước tìm được chốn thanh tịnh để tu hành và chứng ngộ Phật pháp, ngài tiếp tục hành trình của mình….
Đó là năm Kiến Nguyên thứ 2 thời Tiền Tần (năm 366). Tiền Tần là quốc gia lớn mạnh nhất trong thời kỳ Thập lục quốc. Tiền Tần Vương Phù Kiên đã trị vì đất nước dựa trên tinh thần nhân nghĩa của Nho gia, khi nhiều nhân sĩ muốn chiếm đất đắp luỹ xây hào, ông đã thống nhất toàn miền bắc Trung Quốc mở ra một thời đại phồn vinh, thịnh thế. Mà kỳ tích của Đôn hoàng cũng bắt đầu từ thời đại huyền thoại này.
Vào một buổi hoàng hôn, khi Lạc Tôn lội qua suối đá nằm dưới thung lũng, đặt chân đến núi Tam Nguy và chân núi Ô Sa. Bỗng nhiên ngài phát hiện, trên đỉnh núi Ô Sa phát ra ánh quang huy chói lọi và phóng thẳng lên trời, bên trong còn lấp lánh hình ảnh pháp tượng từ bi trang nghiệm của một ngàn vị Phật. Sau biết bao khó khăn nhọc nhằn, đã đến giây phút khổ tận cam lai, Đức Phật đã điểm hoá khích lệ để ngài chứng kiến được phép màu thù thắng vi diệu ngay tại nơi thế gian.
Tu sĩ Lạc Tôn hiểu ra ngay, đây chính là thánh địa tịnh tu Phật Pháp mà ngài luôn tìm kiếm. Thế là, ngài đã đục một hang đá đầu tiên trên vách núi Ô Sa. Đây chính là duyên khởi của hang Mạc Cao và toàn bộ hang đá ở Đôn Hoàng.
Phật Pháp dần truyền rộng ở phương Đông
Lấy cảm hứng từ sự kiện tu sĩ Lạc Tôn đục hang đá tĩnh tu, người dân Đôn Hoàng bắt đầu công cuộc xây dựng hang đá Phật giáo kéo dài ngàn năm. Phật pháp vốn bắt nguồn từ Ấn Độ với tên gọi là Thân Độc hoặc Thiên Trúc. Sau đó, nhờ sự hình thành của con đường tơ lụa, Trung Nguyên và Tây Vực bắt đầu mở rộng giao lưu trên nhiều phương diện như quân sự, ngoại giao, thương mại, văn hoá, v.v.
Kể từ đó, Phật Pháp cũng bắt đầu truyền rộng vào phương Đông. Các tăng sĩ mang tâm nguyện hoằng dương Phật Pháp, đi dọc theo con đường tơ lụa tiến về phương Đông, hy vọng đem những Phật lý mà mình ngộ được hoằng dương đến những vùng đất mới.
Nếu như nói sự phát triển của lịch sử đã được định sẵn, vậy chúng ta hãy thử ngẫm nghĩ lại, liệu con đường tơ lụa được khai thông và phát triển chỉ vì để đáp ứng nhu cầu theo đuổi tiền bạc vật chất của con người, săn lùng những kỳ trân dị bảo, thôn tính các nước ngoại tộc hay sao?
Vào thời Đông Chu, khi lễ nghi và đạo đức trở nên băng hoại, trăm nước chư hầu hỗn chiến triền miên. Trong khi xã hội hết sức rối ren, phương pháp tu luyện của Đạo gia và hệ tư tưởng của Nho gia bắt đầu hưng thịnh. Trong thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc cũng là thời kỳ nổ ra chiến tranh liên miên khắp nơi, Phật Pháp được truyền bá rộng rãi tại Trung Nguyên, khải ngộ cho thế nhân một cảnh giới khác của sinh mệnh.
Người dân ở Đôn Hoàng nhờ được lắng nghe thánh âm của Phật Pháp, phát tâm bồ đề xây dựng những ngôi chùa hang đá, sau đó còn kỳ công điêu khắc bức bích hoạ và tượng màu vô cùng tinh xảo. Đây chính là nét tinh hoa đẹp nhất, thần thánh nhất của văn hoá Đôn Hoàng.
Điều thú vị là, Lạc Tôn không phải là vị tu sĩ đầu tiên đặt chân đến Đôn Hoàng. Chặng đường Phật Pháp lưu truyền vào phương Đông vốn vừa tự nhiên, cũng rất thần kỳ. Vào thời Lưỡng Hán, Phật Pháp bắt đầu truyền vào Trung thổ (tức Trung Quốc). Theo cuốn “Nguỵ Thư – Thích Lão Chí”, trong những ghi chép của các vương triều Trung Hoa, chữ “Phật” xuất hiện sớm nhất là vào những năm Nguyên Thú của thời Hán Vũ Đế.
Đại tướng Hoắc Khứ Bệnh trong một trận đánh tại Hà Tây đã thừa thắng kéo quân đến tận núi Yên Chi, hạ gục gần vạn địch, chiêu hàng hơn năm vạn binh, và lấy tượng kim nhân bằng vàng dùng để tế trời của Hưu Đồ Vương bên Hung Nô làm chiến lợi phẩm và mang về Trường An.
Bức tượng vàng này cao hơn 3 mét, khiến Hán Vũ Đế thoạt nhìn tưởng thần linh nên đặt ở Cam Tuyền Cung, ngày ngày thắp hương khấn vái. Bức tượng này được cho là tượng Phật. Trong quá trình Bác vọng hầu Trương Khiên đi sứ Tây Vực cũng từng nghe nói những điều liên quan đến Phật giáo: Tương truyền, Thân Độc quốc là nước láng giềng của nước Đại Hạ, có tên gọi khác là Thiên Trúc, tại đó rất thịnh hành giáo pháp của Phù Đồ, cũng tức là “Phật Đà”.
Vào năm Nguyên Thứ thứ 2 thời Hán Ai Đế (hai năm trước đó), sứ giả Y Tồn của Đại Nguyệt Thị vào Trường An, khẩu truyền “Phù Đồ Kinh” cho Cảnh Lư. Đây là sự kiện đầu tiên được ghi chép lại, đánh dấu kinh Phật xuất hiện tại Trung Nguyên. Còn Phật Pháp chính thức truyền vào Trung Nguyên phải bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ trong mộng rất ly kỳ của một vị hoàng đế nhà Hán.
Vào một đêm nọ năm Vĩnh Bình thời Đông Hán, Hán Minh Đế mộng thấy có một kim nhân từ trên trời bay vào cung đình. Ngài thấy người đó có thân hình cao lớn, trên đầu toả ra ánh sáng thần thánh như ánh mặt trời.
Ngày hôm sau, Hán Minh Đế triệu tập quần thần đến giải mộng. Có vị đại thần cho hay: “Tây Vực có một vị Thần minh, gọi là “Phật”, thân cao một trượng sáu thước, khắp thân thể đều là màu vàng kim, cử chỉ thoát tục, còn có thể bay được. Thế thì, Thánh thượng hẳn là đã mơ thấy Phật rồi.”
Hán Minh Đế nghe xong vô cùng hoan hỉ, phái sứ thần đến nước Thiên Trúc để tìm kiếm Phật Pháp. Sau đó, các sứ giả đã tìm được Ma Đằng cao tăng, và mời ông đến Trung Nguyên tu hành. Sau khi cao tăng đến Trung Nguyên, Hán Minh Đế không những thịnh tình tiếp đón, mà còn xây Tịnh Xá ở ngoại thành Lạc Dương làm chốn an tâm tu hành cho ông. Sau này nơi đó được đặt tên là Bạch Mã Tự.
Kể từ đó, trong suốt chặng đường lịch sử hơn hai ngàn năm, Phật Pháp được phổ truyền rộng khắp Trung Nguyên, các ngôi chùa mọc lên như nấm, văn hoá tu luyện Phật Pháp cuối cùng đã trở thành tín ngưỡng quan trọng hàng đầu của Nho gia, Đạo gia và thấm nhuần trong tư tưởng người dân Trung Quốc.
Phật giáo tại Lương Châu
Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Nguyên theo quy mô lớn lại đúng vào thời kỳ chiến loạn binh đao năm Đông Tấn. Sau sự kiện “Vĩnh Gia chi loạn”, vương triều Trung Nguyên khó bề giữ nổi thiên hạ, triều đình và các gia tộc lớn lũ lượt kéo nhau về phương Nam. Quân chủ của người Hồ nổi dậy và tranh giành phương Bắc, chính quyền rối ren, chiến loạn không dứt, xã hội loạn lạc.
Bá tánh rơi vào lầm than, lưu lạc khắp nơi, những quý tộc ở lại cũng lâm vào bế tắc, lưỡng lự đi hay ở. Còn các tăng chúng phương Tây dựa vào chính tín với Phật pháp, không sợ nguy hiểm gian lao, kinh qua con đường tơ lựa tiến vào Đông Thổ. Trạm đầu tiên của họ chính là Lương Châu, bao gồm quận Đôn Hoàng.
Thời kỳ Ngũ Lương, tại Lương Châu, tinh thần của Phật giáo đã ăn sâu vào lòng dân chúng, vì vậy được gọi là Quốc giáo. Hình ảnh “Vạn Bồ Tất Lâu”, tức một ngàn cuốn sách của Văn Thù, trích trong “Kinh Hoa Nghiêm”, trong hang 61 của Hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)
Vào năm Nguyên Phong thứ 5 thời Tây Hán (106 TCN), Hán Vũ Đế phân chia cả nước thành 13 giám sát khu, phái đến mỗi khu một thứ sử. Thứ sử Lương Châu sống ở quận Uy Vũ, thống lĩnh các quận ở Hà Tây, phạm vi bao gồm Cam Túc, toàn cảnh Ninh Hạ và một phần khu vực của Thanh Hải, Tân Cương và Nội Mông Cổ của ngày nay.
Trong lịch sử Đông Tấn, tại Hà Tây liên tiếp xuất hiện chế độ Ngũ Lương, Hậu Lương, Nam Lương, Bắc Lương, Tây Lương, hình thành chính quyền “Ngũ Lương”, địa phận chủ yếu nằm trong khu vực biên cương Lương Châu cũ.
Khi Trung Nguyên nếm đủ đắng cay vì chiến tranh loạn lạc, thì Lương Châu là miền đất duy nhất giữ được ổn định, sung túc. Đây cũng là nơi lánh nạn mới của người Hán khi lưu lạc đến phía Nam. Con cháu Hoa Hạ bao đời nay luôn kính Thiên tín Thần, trong cảnh loạn lạc lầm than chỉ mong cuộc sống thái bình và tìm thấy chốn về cho sinh mệnh.
Ngoài ra, những bá chủ đang chiếm cứ Hà Tây trong thế sự cá lớn nuốt cá bé, cũng đang tìm kiếm trụ cột tinh thần cho sự thống trị của mình, đồng thời tìm chốn chuộc tội và yên bình tâm linh. Tất cả những điều này đều tạo thành nền tảng vững chãi cho Phật giáo phát triển ở Lương Châu.
Trong thời kỳ Ngũ Lương, tinh thần của Phật giáo đã thấm nhuần trong tư tưởng của người Lương Châu, nên nơi này còn được mệnh danh là Quốc giáo. Trong “Tuỳ Thư – Âm Nhạc Chí” có ghi chép: “Sau khi Trương Quỹ trấn giữ Lương Châu, người dân rất tín Phật giáo.” Trương Quỹ là vị quân chủ khai quốc nhà Tiền Lương. Các đời quân vương đều triệu tập các tu sĩ nổi danh ở khắp nơi, lại xây dựng nhiều chùa chiền miếu mạo, cho nên tu sĩ khắp bốn phương đều đổ về Lương Châu.
Trong số họ, người thì triển hiện thần thông để khuyên răn người đời, người thì chuyên tâm phiên dịch kinh điển, người thì bôn ba tứ phương truyền bá giáo lý nhà Phật, v.v. Tất cả những điều họ làm đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự hưng thịnh của Phật giáo tại Trung Nguyên.
Điển hình là cao tăng Phật Đồ Trừng, thi triển thần thông khiến sen trong đầm biến thành màu xanh, để khuyên quân vương Thạch Lặc của Hậu Triệu hạn chế tàn sát. Ông còn thu nạp gần một ngàn môn đồ, phần đông trong số đó là người Lương Châu.
Ngoài ra, Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) tinh thông 36 ngôn ngữ, đã dịch 175 bộ, 354 cuốn Kinh Phật, là vị cao tăng dịch nhiều kinh điển nhất ở Trung Hoa. Còn có Trí Nghiêm, Bảo Vân, Tuệ Hiền, Tăng Ấn v.v. từ Lương Châu đi đến vùng Giang Nam để quảng truyền phương pháp thiền định của Phật giáo, mang rất nhiều kinh văn đến vùng đất này, khiến Phật giáo ở Nam Triều phát triển mạnh mẽ.
Trong số tất cả các cao tăng, thì sự xuất hiện của Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) là một trong sự kiện trọng đại trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Cưu Ma La Thập được công nhận là dịch giả Phật học đầu tiên trong lịch sử phiên dịch kinh tạng của Trung Hoa. Ngài sinh ra trong một gia đình quý tộc tôn sùng Phật Pháp của nước Quy Tồn.
Năm bảy tuổi, ngài theo mẹ xuất gia tu hành, đọc tụng kinh thư. Mỗi ngày, ngài đọc thuộc một ngàn câu kệ, mỗi câu kệ có 32 chữ, tổng cộng là 32 ngàn chữ. Năm 12 tuổi, ngài đã chủ trì mở pháp đàn thuyết pháp. Tuổi ngài còn trẻ những đã được phong làm quốc sư của nước Quy Từ, danh tiếng vang dội khắp Tây Vực.
Khi đó, vua Phù Kiên của Tiền Tần đã thỉnh mời ngài đến Trung Nguyên nhưng không thành. Đến năm Kiến Nguyên thứ 18 (năm 382), vua lại phái đại tướng Lã Quang đến Tây Vực chinh phạt Quy Từ. Hai năm sau, Lã Quang đã bắt giam Cưu Ma La Thập. Một năm sau, đội quân Lã Quang chiến được Lương Châu, thành lập nước Hậu Lương. Từ đó, Nhất đại cao tăng Cưu Ma La Thập nổi tiếng và kiệt xuất đã bị giam lỏng tại Lương Châu suốt 17 năm.
Tuy nhiên, danh sư Cưu Ma La Thập không hề nản lòng, ngài bắt đầu giảng kinh truyền pháp cho những người Trung Nguyên trông coi mình. Đồng thời, ngài còn học các ngôn ngữ địa phương của Hán tộc, và có hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá Trung Nguyên. Đến năm Hoằng Thuỷ thứ 3 thời Hậu Tần (năm 401), Diêu Hưng công đánh Hậu Lương, cung nghênh Đại sư Cưu Ma La Thập đến Trường An, lấy lễ của một quốc sư mà hậu đãi ngài.
Tại đây, ngài tiếp tục truyền đạo giảng pháp cho quần thần và tăng chúng của Hậu Tần, rồi khởi công phiên dịch kinh điển. Chẳng bao lâu, hơn 300 cuốn kinh điển đã được ngài phiên dịch sang Hán tự. Nhờ đức hạnh và quyết tâm bền bỉ của ngài, Phật Pháp tại Hậu Tần đã phát triển toàn thịnh.
Mười bảy năm ẩn nhẫn chịu đựng ở Lương Châu đã hun đúc Cưu Ma La Thập thành bậc thầy ngôn ngữ, đóng góp to lớn trong thành tựu dịch kinh Phật của ngài. Vì ngài có những lý giải vượt bậc đối với Hán ngữ, nên có thể dịch kinh Phật Ấn Độ thành những trang trang Kinh Hán ngữ uyển chuyển như thơ, và được các các tông phái Phật giáo ở Trung Nguyên coi như kinh điển mà tôn sùng.
Đến nay đã hơn 1,600 năm trôi qua, nhưng không ai phải thêm bớt một chữ nào vào bản dịch của ngài. Ngòi bút của Cưu Ma La Thập đã viết lên những danh ngôn nổi tiếng như “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, và nhiều kinh điển khác như khổ hải, tâm điền, ái hà v..v… đến nay vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người Hoa.
Ông tổ của tạc tượng
Trong thời Ngũ Lương, Lương Châu từng là trung tâm Phật giáo của phương Bắc Trung Quốc suốt một thời gian dài. Phật giáo ở Lương Châu không những có công trong việc dịch kinh và truyền Pháp, mà những công trình kiến trúc chùa và hang đá ở đây cũng đã tạo cảm hứng lớn cho khắp các nơi trên cả nước, cũng là khởi nguồn của nghệ thuật kiến tạo hang đá trên mảnh đất Trung Hoa.
Tuy Bắc Lương bắt đầu xây dựng hang đá muộn hơn thời gian Lạc Tôn đục hang đá gần 100 năm, nhưng đây lại là thời kỳ xuất hiện các chùa hang đá với nghệ thuật tạc tượng Phật sớm nhất được xác minh. Ngoài ra, nó cũng là nguồn gốc thực sự của nghệ thuật hang đá tại Trung Quốc.
Thật ra, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp, ngài không chủ trương dựng tượng thờ cúng, cho nên Ấn Độ cổ không có tượng Phật trong một thời gian dài. Thay vào đó, phần lớn các tăng đồ, tín chúng lấy các vật tượng trưng như Phật tháp, cây bồ đề, thủ ấn, túc ấn, v.v. để đại biểu cho hình tượng Đức Phật.
Mãi đến khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn vào 600 năm sau, tại nước Cà Đà La (Gandhara) nằm giữa Pakistan và Afghanistan, mới tiến hành sáng tác hình tượng của Phật. Hình tượng được dựa theo những miêu tả trong kinh Phật như đỉnh đầu có nhục kế, giữa hai chân mày có bạch hào, nước da màu vàng kim v.v.
Càn Đà La nằm ở vị trí cầu nối giữa Á Châu và Âu Châu, cho nên phong cách điêu khắc được pha trộn một cách độc đáo giữa hai trường phái hoàn toàn khác biệt: nghệ thuật điêu khắc hiện thực của Hy Lạp, La Mã cổ đại của phương Tây và nét tinh xảo thần thánh của Ấn Độ cổ phương Đông.
Sau khi khắc hoạ thành công hình tượng của Phật, người ta lại kết hợp với đặc trưng tu hành, lễ bái trong hang đá, sáng tạo ra một hình thức kinh điển mới là tượng Phật trong hang đá. Khi Phật giáo bắt đầu truyền vào phương Đông, hình thức này lại tiếp tục hoà lẫn với nền văn hoá Trung Hoa bác đại tinh thâm, làm cho nghệ thuật hang đá trở nên càng độc đáo, hưng thịnh.
Nghệ thuật tượng Phật hang đá bắt đầu bén rễ vào năm 412, cũng là thời kỳ “Hà Tây Vương” Tự Cừ Mông Tốn của Bắc Lương thống trị Hà Tây. Mông Tốn tuy hung hãn, tàn bạo nhưng lại vô cùng sùng bái và ủng hộ Phật giáo phát triển.
Ông xây dựng nhiều chùa chiền và các công trình Phật giáo quy mô lớn ở Hà Tây, cúng dường cho các cao tăng dịch kinh truyền pháp, thúc đẩy Phật giáo phát triển hưng thịnh tại Lương Châu. Cùng lúc đó, ông lại nảy ra ý tưởng mạnh dạn hơn, bắt chước hình thức hang động của Ấn Độ cổ, đục một hang đá hùng vĩ thuộc về Bắc Lương.
Lúc này, có một tăng nhân trẻ tuổi tên đã lặn lội đến Lương Châu tu học Phật Pháp, tên là Đàm Diệu. Địa vị của Đàm Diệu trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc cũng tương đối nổi bật. Tuy nhiên những tài liệu liên quan đến ngày sinh và quê quán, cuộc đời của ông lại không được ghi chép trong văn hiến.
Tương truyền, Đàm Diệu cùng với một số tăng nhân Lương Châu muốn tìm nơi yên tĩnh để chuyên tâm tu hành, cuối cùng quyết định chọn núi Thiên Thê thuộc dãy Kỳ Liên Sơn. Ngọn núi này cách ngoại thành Uy Vũ 50 km, tuy độ cao không đáng kể nhưng địa hình lại vô cùng hiểm trở, lối đi như một chiếc thang treo, nên gọi là núi Thiên Thê.
Trùng hợp là, ý tưởng của Đàm Diệu lại giống với Mông Tốn. Sau đó, được quốc vương Mông Tốn hỗ trợ, Đàm Diệu dẫn theo rất nhiều thợ giỏi trèo đèo lội suối cuối cùng cũng đến được núi Thiên Thê. Họ đốn cây, phá núi mở đường, rồi bắt đầu công cuộc đục hang đá. Trong quá trình xây dựng, mẹ của Mông Tốn đột nhiên qua đời, nên ông đã thỉnh cầu Đàm Diệu điêu khắc một tượng phật lớn ở bên trong hang đá để tưởng niệm.
Đàm Điệu đã thay vị quốc vương hiếu thuận này thực hiện ước muốn, công trình hang đá trên núi Thiên Thê sau 20 năm không ngưng nghỉ, cuối cùng đã hoàn thành. Trong đó, có một tượng phật cao 5 mét ngồi dựa vào núi, tư thế uy nghi, thần thái trang nghiêm, lặng lẽ bảo vệ dãy núi địa linh nhân kiệt suốt bao nhiêu năm tháng qua.
Sau Bắc Lương, Bắc triều đến Tùy Đường, ngôi chùa trong hang đá này liên tục được cải tạo, trùng tu, trở thành quần thể kiến trúc hang đá được người đời hết lời ca tụng.
Sau này, khi Bắc Nguỵ tiêu diệt Bắc Lương, các tăng lữ, thợ thủ công đã di tản vào Trung Nguyên. Các hang đá Vân Cương, Long Môn thuộc Trung Nguyên cũng được kế thừa phong cách nghệ thuật của các bức tượng tại Lương Châu. Đặc biệt, giai đoạn đầu kéo dài 6 năm của công trình Vân Cương là do thợ thủ công ở Lương Châu phụ trách và Đàm Diệu chủ trì, nên được gọi là “Đàm Diệu Ngũ Quật”.
Sau nhiều lần cải triều hoán đại, mô hình hang đá Lương Châu cũng chính thức hoà nhập vào Trung Nguyên, có ảnh hưởng đến toàn bộ phong cách nghệ thuật của hang đá Trung Hoa. Sau những năm tháng bãi bể nương dâu, phần lớn các hang đá được xây dựng trong thời kỳ Bắc Lương đều đã bị hư hại bởi chiến tranh.
Nhưng may mắn thay, một số hang đá lớn vẫn bảo tồn được nét đẹp ban đầu giúp con cháu đời sau tìm được cội nguồn chân chính của mình. Trong quần thể hang đá tại Đôn Hoàng, hang đá Lương Châu cũng là kiệt tác được hình thành sớm nhất, chính là trang sách sinh động đầu tiên trong lịch sử huy hoàng của hang đá Đôn Hoàng.
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Cảnh giới ‘Thiên nhân hợp nhất’ của các bậc văn nhân thời cổ đại
- Cảnh giới ‘Thiên nhân hợp nhất’ của các bậc văn nhân thời cổ đại
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!