Trên con đường học y thuật giúp đời, Ôn Tần Dung đang ở ngã ba học tiến sĩ đột ngột chuyển sang học Đông y cứu người. Hai mươi năm tiếp xúc Đông y, châm cứu trên hai triệu mũi kim, Ôn Tần Dung ngộ ra chân lý ‘Vạn bệnh do tâm sinh’, nhân thể là một tiểu vũ trụ kết nối với đại vũ trụ bên ngoài thông qua các huyệt vị, có những lúc khiến người ta kinh ngạc về hiệu quả trị liệu thần kỳ của châm cứu ‘châm đáo bệnh trừ’ (châm vào bệnh hết).
‘Bị đau nhức vai suốt hai năm, nhờ đọc vài dòng hướng dẫn cách bấm huyệt trị liệu của bà, bắt chước y như thế bấm huyệt trong 15 phút, bỗng nhiên khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc!’ – là công tác viên lâu năm cho tờ báo Epoch Times, thầy thuốc Đông Y Ôn Tần Dung nhận được nhiều lời ngợi khen cảm tạ như thế. Gần đây bà tổng hợp kinh nghiệm trong mấy chục năm hành nghề viết thành sách. Ngoài việc giới thiệu một cách đơn giản liệu pháp bấm huyệt trị bệnh, cuốn sách còn mang đến cho người đọc nhận thức về công dụng của huyệt vị, kèm theo những hồ sơ dẫn chứng súc tích, đưa độc giả tới thể hội sâu hơn về y lý.
Tích lũy kinh nghiệm Đông y nhiều năm, thầy thuốc Ôn Tần Dung vui với việc chia sẻ phương pháp bấm huyệt, đồng thời tổng hợp kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề viết thành sách. (Ảnh do bà Ôn Tẫn Dung cung cấp)
Cổ ngữ có câu ‘Bất vi lương tướng, ninh vi lương y’ (tạm dịch: Làm thầy thuốc giỏi hơn làm tể tướng hay), một vị lương y cứu người giúp đời, công lao cũng như tể tướng giỏi vậy. Năm ấy, vị bác sĩ Ôn Tần Dung đang toàn tâm đặt vào con đường học thuật, sao bà lại chuyển sang học Đông y để giúp người?
Từ ước mơ trở thành giáo sư đến con đường trở thành một thầy thuốc
Phòng khám Đông y mang tên Minh Huệ của thầy thuốc Ôn Tần Dung nằm Quận Tây Đài Trung, cạnh Viện mỹ thuật quốc gia Đài Loan, đối diện là một công viên xanh mát. Phòng khám tuy kiến trúc cũ kỹ, nhưng hết sức ngăn nắp sạch sẽ, nền lát đá, ghế gỗ cổ, phảng phất như bước vào một phòng khám kiểu Nhật thời xưa. Trước phòng khám có tượng ngựa gỗ lớn, làm người ta nhớ tới nền văn minh Hoa Hạ rực rỡ thời Hán Đường.
Thầy thuốc Ôn Tần Dung bản chất là vị học giả khiêm hòa. Nói về việc tại sao chuyển sang Đông y, bà nói: ‘Thuở nhỏ nhà chúng tôi ở lưng chừng núi Đài Đông, nơi ấy rất hiếm thầy thuốc Tây y, khi có bệnh, người già liền tìm thảo dược quanh vùng rồi sắc cho uống.’
Bà lớn lên ở nơi thôn dã thuần phác, mang cá tính chân thật tự nhiên. Tuy thời thơ ấu đã được tự thân thể nghiệm năng lực chữa lành của thiên nhiên, nhưng chính thức được tiếp xúc với tri thức Đông y truyền thống thì bà phải đợi tới năm hơn hai mươi tuổi. Khi bà làm ở cục điện tín, nhờ huệ nhãn của một vị chủ quản nhìn ra.
Bà nói: ‘Nhà vị chủ quản này là Đông y gia truyền nhiều đời, khi ấy thầy thuốc Đông y hành nghề không cần giấy phép, nên ông ấy cũng trị bệnh giúp người.’
Năm đó ông muốn tìm truyền nhân, nhưng trong số các con ông, không ai có hứng thú, thế là ông đem hết điển tịch Đông y quý báu mà tổ tiên cất giữ trao truyền cho Ôn Tần Dung, kỳ vọng bà sẽ kế thừa y thuật.
Nhưng khi ấy bà đang học cao học, nên nghĩ khác. Ôn Tần Dung nói: ‘Hồi học cấp hai, tôi rất muốn trở thành nữ tu, thường theo các nữ tu đi giúp đỡ người nghèo. Quan sát một thời gian, tôi nhận thức rằng: Cải biến tư tưởng của người ta mới là cứu người chân chính. Về sau bị cha mẹ phản đối, nên tôi chuyển sang muốn trở thành giáo sư đại học, để có thể nghiên cứu phát biểu luận văn, đi các nơi diễn thuyết, hướng dẫn cho người ta về tư duy và cuộc sống.’
Thế là, bà bước vào con đường học thuật giúp đời. Sau tốt nghiệp cao học, bà không những được Bộ Giáo dục Đài Loan thẩm định, đạt tư cách giảng sư đại học, mà còn trở thành giảng viên dạy ở Đại học Không Quân. Luận văn thạc sĩ của bà được một vị giáo sư đánh giá cao, thậm chí ông ấy còn hỏi thầy hướng dẫn xem xem cho bà thi tiếp để học lên tiến sĩ, hơn nữa ông ấy còn nhận bà làm học trò. Tuy nhiên, vận mệnh xoay vần, lại dẫn Ôn Tần Dung đến với Đông y.
Khi đó bà yếu nhược lắm bệnh, lúc dùng Đông y trị liệu, bà thường hay hỏi thầy thuốc tới cùng, tinh thần nghiên cứu ham học hỏi tới cùng này chính là một nhân tố quan trọng để trở thành một lương y. Bà kể: ‘Nhiều thầy thuốc bị hỏi không trả lời được, bèn bảo ‘Vậy tự cô đi mà tìm hiểu!’. Thế nên rất nhiều thầy thuốc khuyến khích tôi tự đi khảo nghiệm.’
Ngoài ra, lời nói của một vị thầy thuốc Tây y gia đình cũng có ảnh hưởng lớn đến bà, vị ấy nói: ‘Mười học vị tiến sĩ, không bằng một chứng chỉ thầy thuốc, cô muốn cứu người cần tự mình đi cứu người.’
Lời nghe như sét nổ ngang tai, thế là Ôn Tần Dung với cá tính kiên nghị cùng một chút ngốc nghếch, cứ như vậy mà vừa lên lớp học, vừa tự nghiên cứu tìm tòi trong sáu năm. Trong 160 vị thi đỗ thầy thuốc Đông y năm ấy, duy nhất có Ôn Tần Dung là chưa qua một lớp học luyện thi Đông y nào, vượt qua khảo hạch đặc biệt, hai năm tập sự, rồi mười năm hành nghề. Tới nay đã hơn hai mươi năm hành nghề, bà châm cứu trên hai triệu kim, tích lũy kinh nghiệm phong phú.
Có lẽ nghề y đã giúp bà thành tựu lý tưởng giúp đời hơn là nghề giáo sư dạy học. Bà nói: ‘Làm thầy thuốc có thể mặt đối mặt, nhắm thẳng vào vấn đề của cá nhân mà cứu họ. Giống như tôi đang khám bệnh nơi này, có nhiều người bệnh là giáo sư đại học, hiệu trưởng hoặc thầy giáo, thậm chí cả thầy thuốc Đông y, Tây y. Nếu họ gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Nên chữa trị cho họ lại là giúp được nhiều người.’
Đạo lý Đông y – Thiên Nhân tương ứng
Nói về nguyên lý trị bệnh của Đông y, Ôn Tần Dung nghiêm trang nói: ‘Làm nghề thầy thuốc càng lâu, càng nhận thấy rõ đạo lý ‘Vạn bệnh do tâm sinh’. Trong tâm sinh bệnh trước, rồi sau đó mới phản ánh tới sinh lý. Điều này bắt đầu từ mối quan hệ giữa Thiên, Địa, Nhân, cuối cùng mới nói đến việc tại sao người ta sinh bệnh, rồi tại sao châm cứu lại có tác dụng trị liệu.’
Bà nói: ‘Bởi người ta sống trong Trời Đất, chịu sự ảnh hưởng chặt chẽ của Trăng, sao, Mặt Trời, rồi lục khí Phong (gió), Thử (nóng), Thấp (ướt), Táo (khô), Hàn (lạnh), Hỏa (lửa), cùng ngũ hành của Trái Đất – Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Nhân thể là một sinh mệnh cộng sinh cùng Vũ Trụ, giống như một tế bào của Vũ Trụ. Người ta tại sao sinh bệnh, tất nhiên có rất nhiều quan hệ nhân duyên đằng sau, có những lúc là do liên quan đến sự mất cân bằng với tần số cộng hưởng của Vũ Trụ.
Bà giải thích thêm: ‘Nhân thể chúng ta, ngoài hệ thống giải phẫu mà mắt thường thấy được, còn có một ‘Tàng tượng hệ thống’ (hệ thống ẩn tàng, không thấy được bằng mắt thường), hệ thống này tiếp nhận tần số cộng hưởng của Vũ Trụ thông qua kinh lạc nội quan tạng khí’. Ví dụ Trái Đất có 70% nước, nhân thể cũng có 70% nước; Trái Đất chịu ảnh hưởng của lực Mặt Trăng mà có hiện tượng thủy triều, tất nhiên nhân thể cũng chịu ảnh hưởng của Mặt Trăng, cho nên những bệnh về thần kinh thường phát tác vào kỳ trăng tròn. ‘Vũ Trụ quanh ta, các hành tinh, thiên hà trong thiên không rộng lớn, liên tục phóng xạ ra vật chất, vô luận đó là dạng sóng hay dạng hạt, đều đang can thiệp vào cuộc sống và Trái Đất của chúng ta, chúng ta bị hệ thống ngoại vi đó dẫn động.’
Tuy mọi người đều chịu ngoại lực dẫn động từ Vũ Trụ, nhưng tại sao có người khỏe mạnh trường thọ, có người yếu đuối bệnh tật? Ôn Tần Dung ví nhân thể như một con thuyền: ‘Bất luận bên ngoài biến hóa thế nào, nếu căn bản của nhân thể rất mạnh thì có thể chịu được. Như con thuyền có tải trọng lớn, dù gặp cuồng phong sóng dữ vẫn vượt qua. Nhưng có rất nhiều người không chịu đựng nổi.’
Phân tích ra, có nhiều nguyên nhân làm thân thể không chịu được, có thể từ những chi tiết nhỏ, ví dụ: sinh hoạt, ăn uống, nơi ở không thích hợp, hoặc từ nhỏ bị nhận những tín tức, giá trị quan sai lệch. Ví dụ những thương nhân hoặc những người nắm quyền vì để thu lợi, để dễ bề quản lý, nên rót vào những tư tưởng nô dịch độc hại… đều là những nguyên nhân làm người ta yếu nhược sinh bệnh.
Tuy nhiên ‘Thượng Thiên hữu hiếu sinh chi đức’ (Ông Trời có đức hiếu sinh), thân thể ốm yếu không phải là nguyện ý của thế nhân, Ông Trời đã sớm an bài các phương thức trị liệu, có câu ‘Thượng y trị vị bệnh’ (Thầy thuốc bậc cao trị khi bệnh chưa phát), có thể ra tay điều trị trước khi bệnh phát, tự nhiên bách bệnh khó xâm. Nhưng nhân loại càng ngày càng xa cách tự nhiên, cho nên không thể hiểu được rằng vạn sự đều có triệu chứng, cũng không biết cách điều chỉnh cho phù hợp với tự nhiên, dẫn đến bệnh tật đeo đuổi triền miên.
Công hiệu kinh ngạc của liệu pháp châm cứu và bấm huyệt
Tuy biết người ta do sai lệch quỹ đạo của tự nhiên mà sinh bệnh, nhưng châm cứu sao có thể trị bệnh đây? Bà Ôn Tần Dung nói: ‘Nhân thể là một tiểu Vũ Trụ, người xưa đã phát hiện 12 kinh lạc, hai mạch Nhâm, Đốc, 14 kinh… có nhiều kinh lạc như thế, chỉ cần nương theo những kinh lạc đó là có thể trị khỏi rất nhiều bệnh rồi, những đường kinh lạc đó là trung gian truyền dẫn tới ‘Tàng tượng hệ thống’ của nhân thể.’
‘Mỗi người đều có một ‘Tàng tượng hệ thống’ (hệ thống ẩn tàng) riêng, hệ thống này tiếp nhận ảnh hưởng từ không gian, kết nối Tiểu vũ Trụ trong nhân thể với Đại Vũ Trụ bên ngoài. Các huyệt vị là cánh cửa vào ra của năng lượng.’
Bà Ôn Tần Dung giải thích, do tần số của Tiểu Vũ Trụ và Đại Vũ Trụ không đồng bộ, sinh bệnh chính là một dạng mất cân bằng, mất đi trạng thái cộng hưởng hòa đồng: ‘Có lúc, có thể do ‘Tàng tượng hệ thống’ không tiếp nhận được tần số, ví như tiếp sóng đài Trung Ương thì là tần số của đài Trung Ương, nhận tần số đài Giáo Dục thì là trạng thái đài Giáo Dục. Nhưng nếu bệnh nhân không ở trong trạng thái mà anh ta nên có, chúng ta sẽ dùng châm cứu để điều chỉnh trở lại, như vậy sẽ làm tất cả thông suốt.’
‘Tôi thường bảo bệnh nhân, đến châm cứu đừng trang điểm, đừng tô môi hồng, bởi Khí sẽ biểu hiện ngay trên mặt, môi, mắt. Còn phải quan sát Khí của mũi châm, Khí đi thuận hay không, bởi kim châm xuống là khí đi khắp toàn thân một vòng, toàn bộ đây là quá trình khám bệnh cùng trị bệnh.’
Làm thế nào để xác định tần số trạng thái của một người? Bà cười nói: ‘Đó là trí huệ của người xưa. Người xưa nói rằng chúng ta có thể tìm thấy tần số thông qua kinh lạc. Giống như cắm phích điện vào đài rồi tự dò tìm tần số cộng hưởng; huyệt vị của nhân thể cũng như vậy, mỗi huyệt vị đều cộng hưởng với Đại Tự Nhiên, bấm huyệt điều chỉnh lại tần số, bệnh trạng lập tức bị tiêu trừ. Thật Thần kỳ! Chúng tôi chỉ là người cắm phích điện, hoặc giúp đỡ điều chỉnh chút thôi, chứ không phải thầy thuốc chúng tôi lợi hại thế nào.’
Nói thì đơn giản vậy, nhưng chỉ có lương y thuật đức vẹn toàn mới có thể nắm bắt chính xác và điều chỉnh trạng thái của bệnh nhân. Đông y cho rằng sinh bệnh là do ‘Ngoại tà nhập xâm’, do đó ‘Chính khí’ của thầy thuốc cũng là phương thuốc trị bệnh tốt. Bà Dung nói: ‘Xưa kia người xưa dặn muốn châm cứu đạt hiệu quả tốt, thầy thuốc cần đả tọa. Bởi vì thầy thuốc cần chính khí, mới không bị tà khí của bệnh nhân kéo đổ, mới có thể chiến thắng tà khí, thậm chí dùng sức mạnh của chính khí chế ngự, ức chế tà khí’.
‘Nếu chính khí bản thân thầy thuốc không đủ mạnh, niệm đầu không đúng đắn, thì với cùng một huyệt vị thì người khác trị bệnh có hiệu quả, còn anh thì không.’
Lương y mang thiên mệnh cứu người, áp lực cảm nhận được là thứ mà người thường không thể lý giải. Bà Ôn Tần Dung tu luyện theo Pháp lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Công, bà nói: ‘Hiện nay tôi cũng có nhiều kinh nghiệm, lòng giữ thiện lương, tự mình tu luyện đề cao, tuy còn có chỗ thiếu sót, nhưng tùy theo sự cải biến của tâm cảnh mà hiệu quả trị liệu cũng cải biến theo.’
Có thủ pháp bấm huyệt độc đáo nhưng không giấu riêng
Trong quyển sác “Bấm mở huyệt thân thể – sử dụng huyền cơ của huyệt vị” của Ôn Tần Dung, vô luận là đau đầu, nhức vai, mất ngủ, cao huyết áp…v.v, đều có thủ pháp trị liệu, đồng thời phần lớn đều là những kinh nghiệm được bà đích thân thể hội. Bà nói: ‘Càng lâu trong nghề, càng thấy kinh lạc kỳ diệu vô cùng. Sau này dần tích lũy kinh nghiệm, cùng tìm tòi phương pháp trị liệu, rất nhiều linh cảm trị bệnh đều đến từ linh quang chợt lóe trong khi đả tọa. Tôi dạy bệnh nhân ấn huyệt, bệnh nhân lập tức cảm thấy chuyển biến tốt, tiết kiệm thời gian của bệnh nhân, hiệu quả trị liệu cũng tốt hơn. Tôi căn cứ theo thể chất của từng bệnh nhân, rồi dạy họ ấn huyệt gì để trị bệnh, cũng tích lũy được nhiều thể hội.’
Ví dụ bệnh nhân bị phiền muộn, sợ hãi, thông thường thầy thuốc chỉ đạo ấn huyệt Nội Quan, nhưng bà Ôn Tần Dung phát hiện rằng, cần chuyển động cổ tay để trợ giúp cho tim đập, nếu phối hợp cả nhịp thở: hít vào-nhịn thở-thở ra theo thời gian 1:3:2 thì sẽ có hiệu quả càng tốt.
Bà nói: ‘Trước tiên hít vào, rồi nhịn thở, cuối cùng thở ra, bài xuất toàn bộ khí dơ của hệ thống bạch huyết, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất thoái mái. Có những lúc tôi đứng bên quan sát bệnh nhân luyện tập, thấy sắc mặt cải biến rất lớn. Nếu chỉ ấn huyệt Nội Quan thì thấy hiệu quả không nhiều, tôi chợt nghĩ cần xoay cổ tay xem sao, trợ giúp cho nhịp tim. Sau đó lại nghĩ, có thể phối hợp hít thở chăng? Sách “Kim quỹ yếu lược” (tủ thuốc vàng) viết: hơi hít vào ngắn là do gan thận âm có trở ngại, thận nạp khí không đủ; hơi thở ra ngắn là do tim phổi dương có trở ngại, có thể do hệ thống dưỡng khí của tim phổi không thuận, nên tôi dùng phương pháp hít vào-nhịn thở-thở ra để điều động sự hòa hợp hô hấp của tim phổi gan thận, phát hiện hiệu quả rất tốt. Sau đó tôi toàn dùng phương pháp này dạy cho người bệnh.’
Để có được những thể hội như vậy, bà khiêm tốn nói: ‘Có thể là do trước đây tôi rất thích luyện võ, có hứng thú tìm hiểu kinh mạch, sau này học Pháp Luân Công tư duy cảm thụ về kinh mạch lại càng thêm rộng mở.’
Hoằng dương tinh hoa truyền thống, để mỗi người tự biết cách giữ sức khỏe đơn giản
Sự uyên thâm của Đông y đến từ văn hóa Thần truyền Trung Hoa. Công hiệu thần kỳ ‘Châm vào bệnh hết’ là điều mà Tây y không thể bì kịp. Bà hồi ức về năm 2012, khi đảm nhiệm làm bác sĩ cho vũ đoàn Đài Loan, bà theo đoàn sang Pháp tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, có một vũ công không may bị thương ở gối, vô cùng đau nhức, không nhúc nhích được, mà sân khấu sắp mở màn. Bà Ôn Tần Dung rút kim châm cắm xuống, lập tức thấy công hiệu tiêu sưng. Bà nói: ‘Tuy tôi hành nghề đã lâu, nhưng vẫn thấy rất kinh ngạc: Tại sao Đông y lại có hiệu quả tốt đến vậy? Tôi không dám tin, nhưng thực sự là khỏi ngay lập tức.’
Còn có một vũ công da đen người New Guinea cao tới 2 mét bị sốc ngã bất tỉnh trên vũ đài. Mọi người đổ dồn mắt về phía bà cầu cứu, chỉ sau 10 phút trị liệu là bệnh nhân tỉnh lại, làm người phương Tây có mặt ở đó tấm tắc thán phục sự thần kỳ của Đông y. Sau vũ hội, vị chủ tịch đại hội đến tận xe của đoàn Đài Loan để cảm tạ. Thầy thuốc Ôn Tần Dung cười nói: ‘Đây cũng là một cách tuyên dương tinh hoa của nước nhà!’
Năm 2012, khi đảm nhiệm làm bác sĩ cho vũ đoàn Đài Loan, theo đoàn sang Pháp tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật,một vũ công da đen người New Guinea bị sốc ngã bất tỉnh trên vũ đài. Mọi người đổ dồn mắt về phía bà cầu cứu, chỉ sau 10 phút trị liệu là bệnh nhân tỉnh lại, làm người phương Tây có mặt ở đó tấm tắc thán phục sự thần kỳ của Đông y. (Ảnh do bà Ôn Tần Dung cung cấp)
Viết sách để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu với mọi người, bà mong muốn: ‘Hiện nay ngân sách bảo hiểm y tế đang cạn kiệt, chúng ta có thể tự bấm huyệt, bệnh khỏi nhanh, không cần dùng nhiều thuốc, giảm bớt gánh nặng tài chính cho quốc gia và gia đình, vừa đơn giản, dễ dùng lại kịp thời. Làm thông kinh lạc là bệnh khỏi. Để dưỡng sinh giữ gìn sức khỏe thông thường, chỉ cần sử dụng vài huyệt vị là đã đủ rồi.’
Bà Ôn Tần Dung được mời diễn giảng, hồng dương Đông y bắt nguồn từ văn hóa Thần truyền Trung Hoa. (Ảnh do bà Ôn Tần Dung cung cấp)
Hồng dương sự tinh thâm của văn hóa Trung Hoa là nguyện vọng lớn nhất của bà: ‘Đông y được các nơi trên thế giới coi trọng như hôm nay, chúng ta càng nên dụng tâm mà tìm hiểu về Đông y. Như tôi năm ngoái sang Pháp diễn giảng, năm kia đi Tây Ban Nha tham dự Đại hội Y học Châm cứu Thế giới, đồng thời phát biểu khai mạc, có rất nhiều giáo sư Tây y từ châu Âu, Mỹ đến tham dự, họ thấy rằng Đông y châm một mũi thấy ngay hiệu quả, công hiệu kinh người, hết sức khâm phục, tôi càng thêm trân quý kho tàng mà người xưa để lại. Đây là niềm tự hào của dân tộc, hy vọng thêm nhiều người hơn nữa được thụ ích.’
Trần Bách Niên – Epoch Weekly
Thái Bình biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Nhà tâm lý học chia sẻ cách áp dụng vô vi trong cuộc sống
- Nhân sinh là giấc mộng vô thường
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!