Sự phát triển của vũ điệu cung đình vào thời Hán đã đặt định cơ sở cho đỉnh cao của múa cung đình Trung Quốc. Trong đó, thời kỳ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều là giai đoạn chuẩn bị trước khi bước vào thời kỳ đỉnh cao.
Âm nhạc và vũ điệu Thanh Thương, cùng với vũ điệu người Hồ là chủ lưu của âm nhạc và vũ điệu cung đình thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều.
Âm nhạc và vũ điệu Thanh Thương là tên gọi âm nhạc và vũ điệu dân gian truyền thống của dân tộc Hán. Vào thời Ngụy còn thiết lập “Thanh Thương thự.” Đến thời Tây Tấn, âm nhạc Thanh Thương đã phát triển rộng rãi trong cung đình. Sau khi nhà Đông Tấn đóng đô ở Giang Nam, thì xuất hiện thể loại Ngô ca Giang Nam, Tây thanh Kinh Sở, đều có nguồn gốc từ âm nhạc Thanh Thương.
Trong “Ngụy thư – Nhạc chí” ghi chép: “Sơ, Cao Tổ (Hiếu Văn Đế) đánh dẹp Hoài Hán, Thế Tông (Tuyên Vũ Đế) bình định Thọ Xuân, dung nhập kỹ thuật ca múa ở vùng đó. Những nhạc khúc cổ xưa của vùng Giang Tả (Giang Đông, phía đông sông Dương Tử) truyền vào Trung Nguyên như ‘Minh quân’, ‘Thánh chủ’, ‘Công mạc’, ‘Bạch cưu’, cùng với Ngô ca Giang Nam, Tây thanh Kinh Sở, được gọi chung là Thanh Thương.”
Đặc điểm chính của âm nhạc và vũ điệu Thanh Thương là thanh lệ phiêu dật, trang nhã cao quý, ung dung nhẹ nhàng. Hơn nữa, vũ điệu trữ tình, lời ca thể hiện đều rất mạnh mẽ. Ví dụ như khúc “Bạch trữ vũ” nổi danh đương thời, biểu đạt cảm xúc tình cảm đa dạng phong phú, thể hiện nỗi tương tư ly biệt, có lời lẽ buồn khổ than thở cõi nhân sinh, có kính Tiên hướng Đạo. Vũ điệu này rất nhẹ nhàng, phiêu dật.
Vào thời Nam Bắc triều, Lưu Thước người nhà Tống sau khi xem “Bạch trữ vũ” đã viết một bài thơ viết rằng: “Trạng tự minh nguyệt phiếm vân hà, thể như khinh phong động lưu ba” (Tạm dịch: Dáng như trăng sáng hiện ra trong sông mây, thân như gió nhẹ xao động làn sóng).
Lại như điệu “Đại thùy thủ” mang theo tinh thần nhẹ nhàng phiêu dật: “La y tứ phong dẫn, khinh đái nhậm thanh dao” (Tạm dịch: Áo thưa theo làn gió, nhẹ nhàng mặc gió đưa). Ngoài ra, còn có các điệu múa “Minh quân”, “Ba du vũ”, “Công mạc vũ”, “Đạc vũ”, “Kiếp vũ” v.v…
“Hồ vũ” chủ yếu là chỉ điệu múa của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Vào thời nhà Hán, Hồ vũ đã du nhập vào Trường An. Trong thời Tam Quốc, Hồ vũ được lưu truyền và phổ biến càng rộng rãi ở vùng Trung Nguyên. Cuốn “Ngụy thư” đã ghi chép việc Tào Thực của nước Ngụy, sau khi tắm gội xong, đã nhảy một điệu Hồ vũ gọi là “Ngũ chùy đoàn.”
Trong thời kỳ Nam Bắc triều, các điệu nhạc như “Thiên Trúc nhạc”, “Quy Tư nhạc”, “Sơ Lặc nhạc”, “An Quốc nhạc”, “Cao Ly nhạc”, “Khang quốc nhạc”, “Cao Xương nhạc” v.v… đều lần lượt truyền nhập vào Trung Nguyên, và được cung đình Bắc triều tiếp nhận. Như trong cuốn “Cựu Đường thư – Âm nhạc chí” ghi chép: “Chu Vũ Đế cưới công chúa của Đột Quyết và lập làm Hoàng Hậu. Các nước Tây Vực cử phái đoàn đến đưa dâu. Vì vậy, âm nhạc của các nước Quy Tư, Sơ Lặc, An Quốc, Khang Quốc đều quy tụ về Trường An.”
Đặc điểm của Hồ vũ là sự cởi mở, hào phóng, mạnh mẽ, mộc mạc. “Thiên Trúc nhạc” là âm nhạc và vũ điệu được truyền nhập từ Ấn Độ, mang đậm phong cách Ấn Độ và màu sắc tôn giáo. “Quy Tư nhạc” là âm nhạc và vũ điệu đến từ vùng Tân Cương và Quy Tư, vừa mang đặc điểm vũ điệu của các dân tộc thiểu số Tân Cương, vừa mang màu sắc Phật giáo.
Phần lớn các Hoàng đế thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều đều sùng Phật kính Đạo. Do vậy, vũ điệu cung đình cũng mang màu sắc tôn giáo.
Bài viết được đăng lại từ trang web Chánh Kiến Net
Như Chi thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 4): Thời kỳ Đại Đường (1)
- Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 2): Thời Đông Hán và Tây Hán
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!