Tác giả Doãn Gia Huy
Thiện đãi đối với người khác có thể nhận được phúc báo. Vậy nên thiện đãi với người khác như thế nào? Là cho tiền bạc ư? Hay là không so đo lỗi lầm của người khác? Hay có nội hàm sâu hơn, cảnh giới cao hơn?
Tích âm đức được kéo dài tuổi thọ, con cháu hưởng phúc báo
Vào thời nhà Đường có một người tên Lưu Hoằng Kính, tự là Nguyên Phổ, người ở Bành Thành, tổ tiên nhiều thế hệ sống ở khu vực Phì Thủy sông Hoài. Hoằng Kính cả đời cố gắng tu sửa đức hạnh, chưa từng khoe khoang phô trương về bản thân. Gia cảnh của ông rất giàu có, ông thường dùng tiền tài giúp đỡ người khác mà không oán không hối hận, hơn nữa cũng chưa bao giờ mong đối phương báo đáp ân tình của mình.
Vào năm Trường Khánh thứ nhất, một hôm trên đường Thọ Xuân, Nguyên Phổ gặp một người giỏi xem tướng. Người ấy nói với ông rằng: “Tôi có lời muốn nói với ông. Ba năm sau chính là đại nạn của đời ông! Ông có nghĩ làm thế nào để vượt qua không?”
Nguyên Phổ vừa nghe xong, nghẹn ngào nói: “Thọ mệnh ngắn hay dài, là do Trời định. Tiên sinh có biện pháp nào chăng?”
Người xem tướng nói: “Quyết định thọ mệnh và phúc phận của một người, tướng mạo không bằng đức tính, đức tính lại không bằng độ lượng. Ông mặc dù trong mệnh tuổi thọ không dài, nhưng mà có đức dày, rộng lượng khoan dung. Từ nay về sau, còn có thời gian ba năm, có thể thường xuyên tu mỹ đức, có lẽ có khả năng kéo dài tuổi thọ. Bởi vì có đức thì sẽ có thể tiêu trăm tai nạn, còn có thể hưởng tước lộc, huống chi là kéo dài tuổi thọ!” Nói xong người xem tướng liền rời đi.
Nguyên Phổ biết mình chỉ còn lại ba năm tuổi thọ, liền bắt đầu sắp đặt hôn sự cho con gái của mình, đồng thời tìm nữ nô làm tỳ nữ hồi môn cho nàng.
Nguyên Phổ mua được một tỳ nữ, tên là Lan Tôn. Dáng dấp phong cách của Lan Tôn không giống với những người làm nô tỳ bình thường khác. Nguyên Phổ bèn hỏi thăm xuất thân của cô.
Lúc đầu Lan Tôn không muốn nói ra chuyện cũ của bản thân và gia đình mình, nhưng vì quan tâm thiện ý của Nguyên Phổ, cô mới nói ra nguyên do: “Tiện thiếp vốn sống ở vùng giữa Hoàng Hà và Lạc Thủy, đời đời là danh gia. Khi người cha đã mất của tiện thiếp trước đây làm quan nhỏ ở vùng Hoài Tây, trong vùng có tên đạo tặc họ Ngô vô cùng hung hăng ngang ngược, ức hiếp dân trong quận. Bởi vì nhà của tiện thiếp vừa khéo có họ cùng với hắn, vì thế cha thiếp bị nghi ngờ là thân cận với đạo tặc, phải chịu hình phạt chết oan, hơn nữa nhà cũng bị tịch thu. Tiện thiếp không có cửa khiếu nại, không nhà để về, người trong nhà cũng trôi giạt tứ tán, chẳng biết đi đâu. Tiện thiếp một thân một mình bán thân làm nô tỳ, bị mua đi bán lại hai lần mà đến nơi đây.”
Kể một hồi, Lan Tôn sầu khổ sụt sùi, hai hàng nước mắt ướt đẫm. Nguyên Phổ cũng thở dài nói: “Cô là con gái nhà danh gia vọng tộc, mà lại ôm nỗi oan khuất lớn như thế, nếu như ta không lấy lại thân phận danh dự cho cô, thì Thần linh cũng không tha cho ta.”
Nguyên Phổ hỏi cô có còn thân thích họ hàng hay không, thì biết được có một người họ Lưu là họ hàng bên ngoại của ông, vì thế ông nhận cô làm cháu gái. Nguyên Phổ tìm người tốt để gả cho cô, dùng 500 xâu tiền là tài sản của nhà mình cho cô làm đồ cưới, hơn nữa tổ chức hôn sự cho cô trước cả con gái của mình.
Mấy ngày sau, Nguyên Phổ nằm mộng thấy một người đàn ông mặc quan phục màu xanh đến cảm tạ, người đó nói rằng: “Tôi là phụ thân của Lan Tôn. Cảm tạ ân lớn của ngài đối đãi tốt với Lan Tôn. Vì biết thọ mệnh của ngài sắp hết, tôi đã ra sức thỉnh cầu Thiên Đế, cho phép kéo dài tuổi thọ của ngài thêm 25 năm, hơn nữa còn sung túc giàu có đến ba đời con cháu.”
Sau khi Nguyên Phổ tỉnh lai, cho rằng chuyện trong mộng không thể tin là thật. Ai ngờ không bao lâu sau đó, người xem tướng kia lại tới. Nguyên Phổ vừa tiếp đón ông vào nhà, người xem tướng liền lớn tiếng nói chúc mừng: “Thọ mệnh của ông đã được kéo dài rồi! Là bởi vì ông tích được âm đức làm cảm động đến Trời cao.” Lúc này, Nguyên Phổ mới kể lại những lời phụ thân của Lan Tôn nói với ông khi ở trong mộng.
Hành vi việc làm của một người, cho dù không ai biết, nhưng mắt Thần như điện, trên đầu của mỗi người luôn có một cuốn sổ (ở thời không này nhìn không thấy), ghi lại từng khoản từng khoản rõ ràng tỉ mỉ! Quả báo sẽ trong lúc không hay biết mà giáng xuống, không nhận ở kiếp này thì cũng sẽ nhận ở kiếp sau!
Không truy xét sai lầm của người khác, được Trời ban phúc báo
Khi Tư Đồ Mã Sâm ra đời, phụ thân đã 40 tuổi, phụ mẫu kết hôn nhiều năm mới sinh được người con trai này, cho nên càng yêu quý và bảo vệ cậu bé. Khi Tư Đồ Mã Sâm lên 4 tuổi, mặt mày thanh tú, tướng mạo đẹp như tranh vẽ, ai thấy cũng thích, phụ mẫu càng yêu thương trân quý cậu như ngọc quý.
Một hôm, tỳ nữ ẵm cậu ra bên ngoài chơi, từ nơi cao bất ngờ sẩy tay, Tư Đồ Mã Sâm đang được ôm trong ngực bị ngã xuống đất, cái trán chạm xuống đất trước, không may mất mạng tại chỗ. Lúc này Tư Đồ Công nhìn thấy, ông lập tức bảo người tỳ nữ nhanh nấp đi, còn mình thì ôm con nhỏ đã chết đi vào nhà, ông nói với thê tử rằng: “Ta sơ suất đã làm con ngã chết rồi.”
Thê tử ông vô cùng kinh sợ và đau đớn, tức giận xông tới đánh trượng phu, đánh cho ông ngã mấy lần; ngay sau đó lại xoay người muốn tìm tỳ nữ để phạt roi, nhưng tìm không thấy người đâu. Người tỳ nữ sợ hãi trốn về nhà mẹ, nói cho cha mẹ của mình đầu đuôi sự việc. Cha mẹ của tỳ nữ đều cảm động khóc to, ngày đêm thành tâm thành ý khấn cầu ông Trời, phù hộ cho phu thê Tư Đồ Công sớm sinh thêm quý tử. Qua năm sau, phu thê Tư Đồ quả nhiên lại sinh được một người con trai. Khi đứa bé được sinh ra, trên trán có một vết bớt đỏ, giống y như vết thương khi Tư Đồ Mã Sâm bị ngã đụng trán xuống đất vậy. Thì ra đứa trẻ này chính là Tư Đồ Mã Sâm chuyển sinh trở lại.
Duyên phận của người con thứ nhất với cha mẹ đã hết, tai nạn sẩy tay bất ngờ nhìn như là xảy ra ngoài ý muốn, nhưng điều đó là được an bài để kết thúc một đoạn duyên phận làm thân nhân với nhau. Nhờ tấm lòng lương thiện, tha thứ lỗi lầm, dùng thiện để đối đãi với người khác, cho nên đã nhận được bù đắp tốt đẹp đến không ngờ, con trai sau một đời lại chuyển sinh cùng một nhà, tiếp tục duyên phận kiếp trước.
Lời kết
Nhân vật chính của hai câu chuyện kể trên đều là nhờ dùng tâm thiện đối đãi với người khác mà nhận được phúc báo tốt đẹp. Tâm thiện lương của họ không chỉ là bố thí tiền tài, mà còn có thể buông bỏ bản thân, hy sinh chính mình, thậm chí trong nỗi đau đớn mất đi thân nhân còn có thể suy nghĩ cho đối phương, thiện đãi với đối phương. Loại buông bỏ này là buông bỏ chính mình, cũng là đề cao cảnh giới sinh mệnh, cho nên được Thần Phật tán thưởng ngợi khen, vận mệnh cũng được thay đổi!
Thiện đãi giúp người được kéo dài tuổi thọ, con cháu hưởng phúc báo.
Nguồn tư liệu: “Đức Dục Cổ Giám”, “Thái Bình Quảng Ký” – quyển 117.
BTV EPOCH TIMES HOA NGỮ
Lý Mai biên tập theo Epoch Times Tiếng Việt
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Một thương nhân cả đời bán gạo vì sao không tu Đạo lại trở thành Tiên?
- Đạo làm giàu và dùng tiền của các thương nhân xưa
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!