Một khoản tiền mượn không viết giấy vay mượn, sau khi người cho mượn tiền chết, người mượn tiền tại sao vẫn hoàn trả cho con trai người đó? Còn anh con trai đó tại sao lại sợ hãi bỏ trốn?
Thời triều Thanh, Trung Quốc, một người Sơn Tây họ Lý làm kinh doanh ở một hiệu cầm đồ ở kinh thành, mỗi năm thu nhập được 300 quan tiền (1 quan tiền tức một xâu tiền, là 1000 đồng tiền xu). Một ngày nọ, một người đồng hương là Triệu Giáp tìm đến ông Lý để thương lượng kế sinh nhai.
Triệu Giáp cho biết, những ngày này ông chạy ngược chạy xuôi, đi khắp nơi mà không kiếm được việc làm, số tiền dành dụm cũng đã tiêu hết rồi, cuộc sống khó khăn. Ông muốn kinh doanh nhỏ, mở cửa hàng tạp hóa. Loại hình kinh doanh này chỉ cần nguyện ý làm, chăm chỉ cần cù, thì việc duy trì cuộc sống cũng không phải lo lắng. Tuy nhiên hiện nay ông không còn chút tiền nào, nên đành tìm đến ông Lý thương lượng.
Ông Lý nghe xong lập tức nói: “Huynh có tâm chịu khổ làm việc vất vả, nhất định sẽ thành công. Tiền vốn thì không phải lo”.
Ông Lý chẳng nói chẳng rằng, lập tức lấy ra 100 quan tiền và nói với Triệu Giáp rằng: “Huynh có thể dùng số tiền này thử xem sao, nếu kinh doanh thuận lợi, thì số tiền này coi như là tiền hùn vốn làm ăn của ngu đệ”.
Hai người giao ước miệng, không viết giấy vay mượn, cũng không có người nào khác biết chuyện.
Nào ngờ, không lâu sau, ông Lý bị bệnh qua đời. Chủ hiệu cầm đồ thông báo cho con trai ông Lý đưa quan tài về quê. Lúc này, Triệu Giáp đang đi xa nhập hàng, sau khi trở về mới biết tin ông Lý đã qua đời.
Triệu Giáp đã mở được cửa hàng tạp hóa như mong ước, hàng hóa tốt, giả cả phải chăng, kinh doanh hưng thịnh. Chưa đầy 10 năm, gia sản của Triệu Giáp đã lên tới mấy vạn quan tiền.
Về nhà họ Lý, ông Lý ra đi đột ngột, để lại đứa con trai còn nhỏ tuổi là Lý Quân, gia cảnh ngày càng sa sút. Lý Quân không có chút kinh nghiệm mưu sinh nào, sau này cái ăn cái mặc cũng trở thành vấn đề. Họ hàng thân thích khuyên Lý Quân ra ngoài tìm kế mưu sinh. Lý Quân đi xem bói, được quẻ tượng Đại cát. Thế là cậu đi cùng người ta đến kinh thành.
Sau khi đến kinh thành, trước tiên, cậu tìm đến hiệu cầm đồ mà phụ thân đã làm việc trước đây, cầu xin bạn bè của phụ thân giới thiệu. Có người biết phụ thân cậu có người đồng hương là Triệu Giáp, bèn nói với cậu rằng: “Triệu Giáp hiện đang có sự nghiệp hưng thịnh, nếu đến cầu xin ông ấy, ắt sẽ kiếm được công việc trong cửa hàng của ông ấy”.
Lý Quân dễ dàng tìm được cửa hàng của Triệu Giáp. Triệu Giáp thấy con trai của cố nhân thì rất vui mừng khoản đãi. Triệu Giáp nói: “Lão già này tìm kiếm cậu đã lâu rồi, nhưng không có tin tức nào. Hôm nay, cậu đã tìm đến, dường như là có Thần trợ giúp vậy”.
Triệu Giáp lại nói tiếp: “Năm xưa được sự trợ giúp của phụ thân cậu, lão già này mời có được ngày hôm nay”.
Triệu Giáp để Lý Quân ở lại trong cửa hàng, và bảo cậu học quản lý công việc sổ sách, nhưng không đề cập đến việc trả tiền thuê cậu ra sao. Lý Quân ở lại cửa hàng học tập làm sổ sách, quản lý sổ sách, và cũng không tính toán gì, chỉ dốc hết sức trợ giúp cửa hàng làm các loại công việc.
Trải qua mấy năm, Lý Quân từ một thiếu niên đã trưởng thành. Triệu Giáp thấy Lý Quân cần cù khắc khổ, tâm địa vô tư, vì vậy rất vui mừng nói với cậu rằng: “Cậu đã 20 tuổi rồi, có thể tự xây dựng gia đình, nên lấy vợ và sinh con đi thôi”.
Lý Quân nói: “Cháu dựa vào bác sinh sống, hiện còn chưa làm được gì, cháu đâu dám lấy vợ mà tự thêm lụy phiền?”
Triệu Giáp nói: “Tạm thời không đề cập đến việc này. Cậu hãy tập hợp tất cả tài sản của cửa hàng và tính tổng lại, xem hiện nay có giá trị là bao nhiêu”.
Lý Quân bỏ ra thời gian vài ngày, kiểm tra tính toán xong, báo cáo rằng, tổng số tiền mặt và hàng hóa là hơn 6 vạn quan tiền.
Triệu Giáp nghe xong thì nói với Lý Quân rằng: “Tốt, số của cải này, lão và cậu sẽ chia đôi, cậu sẽ được một nửa”.
Lý Quân nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, cậu nói: “Tại sao bác lại nói đùa như thế này ạ? Cháu ở đây mấy năm, ăn mặc không thiếu thốn gì, cháu cũng đã rất cảm ơn bác rồi. Hơn nữa, cháu còn đang ở giai đoạn học việc, vốn không được nhận tiền thù lao, cho dù bác cảm thông và chăm sóc cháu, thì một năm trả vài chục quan tiền là đã quá đủ rồi, tại sao lại trả nhiều như thế này? Bác có rất nhiều con cháu, người kế thừa tài sản cũng rất nhiều, cháu sao dám có suy nghĩ không đúng bổn phận được?”
Lý Quân khiêm tốn từ chối.
Triệu Giáp cười và nói: “Cậu không nhận thì lão tự có cách”.
Thế rồi, ông mở tiệc thịnh soạn mời ông chủ cửa hàng cầm đồ và lý trưởng, cùng một số người khác đến, Lý Quân cũng ngồi ăn tiệc cùng.
Chúc rượu một lượt xong, Triệu Giáp nói với mọi người rằng: “Năm xưa tôi thất thểu lưu lạc đến kinh thành, đã chịu mọi sự kinh thường của thế nhân. Phụ thân của Lý Quân tuy là người quen biết, nhưng cũng không phải bạn bè thân thiết, cũng không có dây mơ dễ má gì.
Năm đó, khi tôi mở miệng cầu xin ông Lý trợ giúp, ông Lý đã rất khảng khái lấy ra 100 quan tiền để giúp tôi, cũng không viết giấy vay mượn, đó là ông tin tôi. Tôi nhờ khoản tiền giúp đỡ của ông Lý mà nên cơ nghiệp, còn ông Lý thì mất sớm.
Khi đó ông Lý có nói: ‘Nếu kinh doanh thuận lợi, thì đây là tiền ngu đệ hùn vốn cùng làm ăn’. Hiện nay, tôi đã kiếm được gia tài này, về lý là phải chia đôi cùng nhà họ Lý. Khi tôi mới gặp cháu Lý Quân đến, vốn đã muốn nói với cháu việc này, nhưng sợ cháu tuổi trẻ chưa hiểu sự việc, có tiền tài trong tay, dễ vung phí hết. Mấy năm qua đi rồi, hiện nay cháu Lý Quân cần cù tiết kiệm, có thể tự mình kinh doanh được rồi, tôi sao dám phụ ước với ông Lý dưới chín suối?”
Thế là Triệu Giáp lấy ra bản danh sách tài sản và nói: “Xin các ông làm chứng giúp, hôm nay tôi sẽ chia đôi số tài sản này”.
Mọi người đều nói với Lý Quân rằng: “Ông Triệu thật là hiếm có trên đời. Lý Quân, cậu có phúc rồi. Một người nghèo khó bỗng dưng thành giàu có, chúng tôi mượn rượu chúc mừng cậu”.
Lý Quân nói: “Thưa các ông, các bác, xin hãy nghe cháu nói. Những điều bác Triệu nói đều không có bằng chứng, đó là nghĩa cử của bậc nghĩa sĩ. Cháu tuy ít tuổi, nhưng cũng không dám tùy tiện nhận tiền tài không phải của mình. Cho dù la cha cháu có gửi bác Triệu 100 quan tiền, thì cộng thêm lãi suất, cháu chỉ lấy 200 quan tiền là đã nhiều rồi. Lấy nhiều hơn thì đó là bất nghĩa, làm sao cháu dám tự bôi nhọ bản thân được?”
Triệu Giáp cười và sai người hầu đem ra số bạc trị giá 3 vạn quan tiền mà ông đã chuẩn bị sẵn, rồi nói: “Hôm nay tôi sẽ giao hết số tiền này, thì có thể trút được gánh nặng rồi”.
Còn Lý Quân, chỉ thấy anh ta lấy số bạc trị giá 100 quan tiền, rồi bước ra ngoài cửa, nhanh chóng ra đi. Triệu Giáp sai người đuổi theo, nhưng không đuổi kịp.
Triệu Giáp mời mọi người có mặt làm chứng, và trình báo quan phủ, tìm kiếm Lý Quân. Có viên quan cảm thấy, trong xã hội mà phong thái đạo đức đang ngày một sa sút như thế này, vẫn còn có chuyện tốt như thế này, thì cảm thấy rất kinh ngạc. Quan phủ liền truyền đạt công văn triệu Lý Quân và Triệu Giáp đến, thăng đường phán xử, trao số bạc này cho Lý Quân.
Lý Quân thưa rằng: “Tiểu dân tuy là một người dân thường, thực sự không có công đức gì, không làm mà được số tiền lớn thế này, giàu lên sau một đêm, quả là điềm không may mắn, do đó thực sự không dám nhận”.
Quan phủ nói: “Đã có cách. Trong huyện ta có một ngôi đền sụp đổ đã lâu, ngươi đem một phần tiền ra tu sửa, đó chẳng phải là công đức đó sao?”
Hai người khấu đầu bái tạ ra về. Lý Quân và Triệu Giáp tranh nhau bỏ tiền sửa đền, khiến ngôi đền to đẹp trang nghiêm. Huyện phủ đặt tên cho ngôi đền này là “Đền Song Nghĩa”, và ban thưởng cho Triệu Giáp tấm biển “Trọng nghĩa khinh tài”.
Con người ngày nay, cho dù là cốt nhục ruột thịt, chỉ vì chia gia sản không đều mà tranh chấp, kiện tụng, đâu đâu cũng có. Họ chưa từng nghe đến có người được chia tai sản thì sợ hãi bỏ trốn, cũng chưa từng nghe chuyện đến quan phủ nhờ tìm kiếm ân nhân.
Trong “Ung Chính triều thực lục” có ghi chép: Năm Ung Chính thứ 6 (năm 1728), Tổng đốc Hà Đông là Điền Văn Kính dâng tấu bẩm báo, cư dân huyện Mạnh Tân, phủ Hà Nam là Thôi Thế Hữu, làm nghề cày cấy. Tháng 4 năm đó, có người huyện Tam Nguyên, Thiểm Tây là Tần Thái, trên đường đi bán bông, đánh rơi 170 lạng bạc.
Thôi Thế Hữu nhặt được, trở về nhà nói với vợ, sau đó ông đi tìm lại chủ nhân số bạc đó và trả lại, không lấy một xu, cũng không nhận tiền tạ ơn. Huyện Mạnh Tân phủ Hà Nam khen ngợi ông nghĩa cử thanh khiết, ban tặng một tấm biển, đồng thời xin cấp trên lập bia khen thưởng. Quan phủ ban cho Thôi Thế Hữu mũ và đai thất phẩm, và thưởng 100 lượng bạc, để khen ngợi cho việc thiện của họ Thôi.
Tình cảnh một đời của con người, là giàu hay nghèo, cuộc sống dư giả hay thiếu thốn, đều là có định số, không thể vì lòng tham mà thụ hưởng tiền của không phải của mình. Những người thực hành đạo đức nhân nghĩa, thì sẽ nhận được phúc báo tương xứng. Thiên đạo đang làm chủ sự vận hành của Thiên – Địa – Nhân, định số giàu hay nghèo cũng phản ánh sự vô tư của Thiên đạo, thường ban cho người thiện.
(Nguồn tài liệu: “Tục khác song nhàn thoại” của Ngô Xí Xương, thời nhà Thanh)
Trung Hòa
Theo Thái Nguyên – Epochtimes
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Bất ngờ về nguyên mẫu Tôn Ngộ Không: Là Thần khỉ, yêu quái, hay con người?
- Trí tuệ của các viên quan thời xưa khiến người đời thán phục
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!