“Tây Du Ký” kể rằng, Tôn Ngộ Không sinh ra từ tảng đá tiên trên đỉnh núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu. Gần 500 năm đã trôi qua kể từ khi bộ tiểu thuyết ra đời, nhưng thân thế thạch hầu vẫn là điều bí ẩn, và nguyên mẫu để Ngô Thừa Ân xây dựng nên một Ngộ Không thần thông biến hóa vẫn là đề tài được bàn luận sôi nổi trên văn đàn.
Thần khỉ hay yêu hầu?
Vào những năm 1920, hai tên tuổi văn hóa lớn của Trung Quốc đã có cuộc tranh luận bất phân thắng bại: Tôn Ngộ Không là người Trung Quốc, hay ngoại quốc?
Một bên, Lỗ Tấn nhất mực cho rằng: Tôn Ngộ Không là “hàng nội địa chính tông”, bởi theo truyền thuyết dân gian thì dưới sông Hoài có một con thủy quái mang cặp mắt hỏa nhãn kim tinh tên là Vô Chi Kỳ. Vô Chi Kỳ thân hình vượn khỉ, mũi tẹt trán dô, đầu trắng, thân xanh, hiệu xưng là “Thiên cổ đệ nhất yêu”. Con yêu này có sức mạnh vô biên, pháp thuật cao cường, trong chớp mắt có thể thoắt ẩn thoắt hiện, biến hóa khôn lường. Vô Chi Kỳ thường làm mưa làm gió trên sông Hoài, làm hại bách tính nhiều không kể xiết, quả không hổ danh là ‘yêu ma đệ nhất trong thiên cổ’.
Khi Đại Vũ trị thủy ở sông Hoài, Vô Chi Kỳ đã nhảy ra tác yêu tác quái. “Ma cao một thước, Đạo cao một trượng”, Đại Vũ liền phái mãnh tướng Canh Thần đi bắt yêu hầu. Canh Thần vốn là thị vệ của Đông Phương Thần chủ Vân Hoa phu nhân. Vì muốn giúp Đại Vũ trị thủy, Vân Hoa phu nhân đã lệnh cho Canh Thần xuống hạ giới tương trợ. Bắt được Vô Chi Kỳ, Đại Vũ lại sai người đeo chiếc chuông vàng trên mũi yêu quái rồi dùng xích sắt trói lại và nhốt dưới chân núi Quy Sơn ở Hoài Âm. Từ đó, nước yên sóng lặng, sông Hoài trở lại cảnh thanh bình.
Từ dẫn chứng Vô Chi Kỳ, Lỗ Tấn quả quyết khẳng định: Hãy xem Vô Chi Kỳ và Tôn Ngộ Không, cho dù là về ngoại hình hay tính cách thì đều giống nhau đến 99%. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tôn Ngộ Không chính là “hàng nội địa”!
Nhưng bên kia, Hồ Thích lắc đầu phản bác: Không đúng, Tôn Ngộ Không tuyệt đối không phải hàng nội địa, mà là “hàng nhập khẩu”. Trong truyền thuyết Ấn Độ có Thần Khỉ nổi tiếng tên là Hanuman. Câu chuyện về Hanuman được ghi chép trong Sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Sử thi Ramayana kể rằng, Hanuman có sắc mặt màu đỏ, lông màu vàng kim, là con trai của Thần Gió Vayu và Anjana. Sau này, Hanuman đã giúp hoàng tử Rama thoát khỏi tay ma vương và cứu được nàng Sita, lập được công lao hiển hách.
Từ nhỏ Hanuman đã có sức mạnh phi thường. Một lần, cậu nhìn thấy mặt trời liền nghĩ rằng đó có thể là món điểm tâm tuyệt vời. Cậu bèn nắm lấy mặt trời trong tay và đưa lên miệng. Thiên Thần trông thấy thì vô cùng hoảng sợ, lập tức giáng sét xuống làm tổn thương xương hàm của Hanuman. Chúa tể của các vị Thần là Brahma biết Hanuman có căn cơ tu hành nên đã thu nhận cậu bé làm đệ tử, và đích thân truyền dạy pháp thuật cho Hanuman.
Nhờ nỗ lực tu hành, Hanuman trở thành Thần khỉ đệ nhất trong thiên hạ. Cậu có thể cưỡi mây đạp gió, lấp biển dời non, trổ tài cùng với cây gậy vàng như ý “Hổ đầu Như ý Kim bổng”. Từ đó, Hanuman trở thành một vị Thần bảo hộ trong tam giới.
Cho đến nay Thần khỉ Hanuman vẫn giữ một vị trí đặc biệt cao quý trong tín ngưỡng Ấn Độ. Nhờ hồng phúc của Hanuman mà loài khỉ trở thành loài vật ngạo mạn nhất ở Ấn Độ. Chúng được tự do di chuyển trong các thành phố lớn, có lúc còn ngang nhiên lấy hoa quả trong các cửa hàng và quán ăn mà không sợ bị gia chủ ngăn cản.
Hồ Thích cho rằng, truyền thuyết Hanuman có thể đã xuất hiện từ hơn một ngàn năm trước Công nguyên, do đó Hanuman mới thực sự là nguyên mẫu của Tôn Ngộ Không.
Lỗ Tấn nghe thấy lời này thì lạnh lùng đáp: “Sơn Hải Kinh” chép rằng Vô Chi Kỳ là thủy quái dưới sông Hoài, sau này bị Đại Vũ nhốt chặt dưới chân núi Quy Sơn. “Sơn Hải Kinh” ít nhất cũng ra đời trước “Ramayana” cả ngàn năm, do đó Tôn Ngộ Không nhất định là hàng nội địa.
Hồ Thích chỉ cười một tiếng: Lão huynh à, “Sơn Hải Kinh” mà ông anh đọc được là bản đã qua chỉnh lý vào thời nhà Đường, còn trong phiên bản trước thời Đường thì không hề có chi tiết này.
Cứ như thế hai bậc tiền bối cứ thế tranh qua luận lại, đến cuối cùng vẫn chẳng ai thuyết phục được ai.
Vậy là nguyên mẫu Tôn Ngộ Không đã trở thành cuộc tranh luận bất tận trên văn đàn. Nhưng cho dù người ngoài cuộc có đứng về phía nào, thì tất cả đều tin rằng: nguyên mẫu của Ngộ Không mang hình tượng khỉ, chứ không phải là người.
Nguyên tác “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân kể về thân thế Ngộ Không như sau: Trên đỉnh núi Hoa Quả có một khối đá tiên, từ khi tảng đá mới sinh ra đã bám thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của nhật nguyệt. Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay. Con khỉ đá liền học bò, học chạy, vái lạy bốn phương trời làm kinh động cả Thượng Đế lúc ấy đang ngự trên Linh Tiêu Bảo Điện.
Lại nói, chữ “Tôn” (孫) trong tên gọi của Ngộ Không cũng mang ý “Hồ Tôn” (猢猻 – khỉ), ngay từ giấy trắng mực đen đã chỉ ra rất rõ ràng như vậy. Tôn Ngộ Không nhảy ra từ tảng đá, được gọi là “thạch hầu”, do đó xưa nay người ta vẫn tin rằng nguyên mẫu của Ngộ Không chỉ là khỉ.
Nhưng một phát hiện khảo cổ khiến người ta suy nghĩ. Nằm cách huyện Qua Châu tỉnh Cam Túc 70 km về phía nam có một địa danh gọi là hẻm núi Du Lâm Hà. Nơi đây đã là rừng xanh bạt ngàn, nước sông uốn lượn, khắp nơi ngập bóng cây xanh. Tuế nguyệt xoay vần, ngàn năm trôi qua trong phút chốc, đến ngày nay Du Lâm chỉ còn lại những vách đá vàng khô nằm lặng lẽ giữa mênh mông sa mạc.
Đến thập niên 1950, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 40 hang động trên vách đá hai bên hẻm núi, bên trong là những bức bích họa đầy màu sắc. Trong hang động thứ sáu người ta thấy một bức tượng Phật Di Lặc cao 25m, vàng son tráng lệ, bề mặt phủ lớp vàng lấp lánh. Phát hiện ấy khiến đoàn khảo cổ sững sờ kinh ngạc: Thật không ngờ, ở một nơi vắng bóng chim bay như thế này lại ẩn giấu cả một kho tàng quý báu. Từ đó, các hang động Du Lâm vang danh khắp thiên hạ, có thể sánh ngang với quần thể hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng.
Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận về niên đại của hang động Du Lâm, nhưng họ đều nhất trí rằng, ngay từ trước thời Tùy Đường thì quần thể hang động này đã được đục đẽo, sau đó lại được tu bổ qua các thời Tống – Nguyên – Thanh. Đặc biệt trong hang động thứ hai và thứ ba, các chuyên gia bị thu hút bởi những bức bích họa kỳ lạ. Trong số đó có loạt tranh về một vị hòa thượng Trung Hoa, theo sau là con ngựa và một đồ đệ ăn vận như người dân tộc Tiên Ti. Có lúc hai thầy trò cùng nhau đi giữa vách đá cheo leo, thế núi hiểm trở, có lúc hành tẩu giữa hai bờ sông nước, lại có lúc xuyên qua chốn thị thành…
Loạt tranh gợi lên một cảm giác quen thuộc khiến người ta không khỏi thốt lên: Chà, đây chẳng phải là “Huyền Trang thủ kinh đồ” sao? Chẳng qua Tôn Ngộ Không trong loạt tranh này lại từ khỉ biến thành người Tiên Ti – Lẽ nào nguyên mẫu của Tôn Ngộ Không cũng có thể mang hình tượng con người?
Lần giở lại các trang sử sách, người ta đã tìm ra manh mối…
Xa Phụng Triều
Năm 751, đúng vào những năm Thiên Bảo thời Đường Huyền Tông, kinh thành Trường An tiễn đưa sứ đoàn ngoại giao do Trương Thao Quang dẫn đầu. Nhiệm vụ của sứ đoàn là trao quốc thư ‘quy phục Đại Đường’ cho tiểu quốc Kế Tân (Jibin) ở Tây Vực. Kế Tân là một nước nhỏ bên cạnh Gandhara, ngày nay là vùng đất nằm bên bờ sông Kabul ở Ấn Độ.
Nếu là 5 năm trước thì nhà Đường đã không cần phái sứ đoàn ra đi. Bởi vì khi ấy, nhà Đường đã thiết lập tứ trấn An Tây nắm quyền khống chế tuyệt đối đối với Tây Vực. Thông thường, các tiểu thành bang của ốc đảo sẽ đến đệ trình quốc thư cho An Tây đô hộ phủ, sau đó quan đô hộ An Tây thỉnh xin chỉ thị của Trường An, rồi lại chuyển giao văn kiện và sách phong ấn tín của Đường triều cho các tiểu quốc ấy, như thế đã tính là kiến lập mối quan hệ giữa tông chủ Đại Đường và các nước chư hầu. Đổi lại, các tiểu quốc chư hầu được nạp vào thể hệ “Thiên Khả Hãn” của Đại Đường, nhận được sự bảo hộ của Đường triều. Như thế, chính quyền trung ương vốn dĩ cũng không cần phải phái sứ đoàn đi ngàn dặm xa xôi đến ốc đảo sa mạc để trao quốc thư quy phục.
Thế nhưng sau đó, đế quốc Ả Rập, sử sách Trung Quốc gọi là Đại Thực, nổi lên ở vùng Trung Đông, trở thành cường quốc rộng lớn trải dài qua ba lục địa Âu – Á – Phi. Về hướng tây, đế quốc Ả Rập chiếm lĩnh Bắc Phi và Tây Ban Nha, tiến tới Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Về hướng đông, đế quốc Ả Rập lại thôn tính toàn bộ Tây Á và hơn một nửa Trung Á, khống chế toàn bộ khu vực bờ nam của Địa Trung Hải. Đồng thời, đế quốc Ả Rập cũng bắt đầu truyền bá văn hóa Hồi giáo vào Trung Á, khiến các nước chư hầu Tây Vực vốn chịu ảnh hưởng của Phật giáo cảm thấy rất bất an.
Dự cảm trước cuộc đại chiến sắp diễn ra, nhà Đường bèn phái sứ đoàn đến Tây Vực. Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán, đến cuối năm 751 đã nổ ra trận đánh nổi tiếng Đát La Tư (trận chiến Talas) giữa Đại Đường và đế quốc Ả Rập. Kết quả là quân Đường đại bại. Bốn năm sau đó, trong nước lại xảy ra loạn An Sử, ngoại bang cùng nội loạn khiến nhà Đường mất dần quyền khống chế đối với Tây Vực.
Vào năm 751, trong sứ đoàn đến tiểu quốc Kế Tân có một hộ vệ tên là Xa Phụng Triều. Ông là hậu duệ của Hoàng tộc Thác Bạt nhà Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều, xét về huyết thống thì là người tộc Tiên Ti. Xa Phụng Triều từ nhỏ đã luyện tập võ nghệ, luôn mang bên mình cây gậy sắt nặng 36 cân. Chiếc gậy sắt trong tay ông khi xoay trái xoay phải, khi bay lên lượn xuống, quét sạch mọi chướng ngại vật, có sức mạnh không gì cản nổi. Trong sứ đoàn, Xa Phụng Triều là đội trưởng bảo an, ngoài nhiệm vụ giữ an toàn cho đoàn sứ giả, ông còn có nhiệm vụ khác là chăm sóc ngựa, cũng tức là chức vị Bật Mã Ôn.
Nói đến đây hẳn bạn đọc đã nhận ra: Chẳng lẽ Xa Phụng Triều cũng là một nguyên mẫu của Ngộ Không?
Nhưng vẫn còn một điểm không thỏa đáng: Tôn Ngộ Không là người tu Đạo, còn Xa Phụng Triều lại là một võ quan, giữa hai nhân vật này dường như không có điểm tương đồng. Nhưng bạn chớ vội kết luận, bởi điểm mấu chốt vẫn nằm ở phía sau.
Xa Phụng Triều hết lòng bảo vệ sứ đoàn suốt hành trình, hết thảy đều thuận lợi cho đến lúc phái đoàn tới Kế Tân. Nhưng trên hành trình quay trở về, khi phái đoàn vừa mới băng qua Gandhara thì Xa Phụng Triều lại đổ bệnh. Sứ đoàn cần phải nhanh chóng quay về Trường An phục mệnh, không thể dừng lại chỉ để đợi riêng một người, vậy nên họ buộc phải để Xa Phụng Triều ở lại để dưỡng bệnh.
Xa Phụng Triều mắc bệnh đã bốn năm mà không khỏi, ông bèn phát nguyện nếu khỏi bệnh sẽ xuất gia làm hòa thượng. Đó cũng là quyết định thay đổi toàn bộ cuộc đời ông. Sau đó, Xa Phụng Triều quy y cửa Phật, lấy Pháp hiệu là Pháp Giới.
Hòa thượng Pháp Giới trở thành đệ tử Phật môn muộn hơn Đường Huyền Trang nhiều năm, nhưng những đóng góp của ông cho Phật giáo lại không hề thua kém. Sau khi xuất gia, hòa thượng Pháp Giới không lập tức trở về Đại Đường, thay vào đó ông đến chùa Nalanda ở Ấn Độ để tu học. Nhiều năm sau đó, ông đã du hành qua nhiều nước ở Tây Vực, sưu tầm đủ các loại kinh Phật. Có một vị cao tăng trao tặng cho Pháp Giới xá lợi răng của Đức Phật Thích Ca, hy vọng ông sẽ mang xá lợi về Đại Đường để cúng phụng.
Sau 30 năm tu học, hòa thượng Pháp Giới mang xá lợi răng Phật và các bộ kinh thư như “Hồi Hướng Luân Kinh”, “Thập Lực Kinh”, v.v. lên đường trở về cố quốc.
Trên đường hồi hương, hòa thượng Pháp Giới đi ngang qua Đổ Hóa La (Tukhāra), chắn ngang trước mặt ông là một hồ nước mênh mông. Khi ông vừa mới đến bờ nam của hồ, chuẩn bị bước lên thuyền thì đột nhiên mặt đất rung chuyển. Nếu như bầu trời chỉ mới vài phút trước vẫn còn rực rỡ nắng vàng thì lúc này lại mây đen vần vũ, mưa rơi như trút, sấm sét vang trời, trên mặt hồ phẳng lặng bỗng nổi lên từng cơn sóng lớn như muốn nuốt chửng cả con thuyền.
Tất cả mọi người có mặt tại đó đều kinh hãi. Lúc này, người chèo thuyền liền lớn tiếng hỏi: “Long Vương đã nổi cơn thịnh nộ, trong quý khách trên thuyền có ai mang theo thứ gì không được phép mang thì phải lập tức đưa ra, ném xuống hồ”. Tất cả hành khách đều lắc đầu nhìn nhau.
Lúc này hòa thượng Pháp Giới mới đột nhiên ngộ ra: Liệu có phải vì chiếc răng xá lợi mà ông mang theo bên mình không?
Sau đó, ông đứng dậy và cung kính hướng đến mặt hồ mà cúi lạy rồi ngồi xuống tụng niệm kinh Phật. Hành khách trên tàu không nghe rõ ông đang tụng lời gì, chỉ cảm thấy giọng nói của vị tăng nhân này có sức mạnh phi thường, dường như có thể xuyên thấu tâm can. Cùng theo lời tụng niệm thì mây đen cũng dần dần tản hết, những cơn sóng dữ trên mặt hồ cũng lắng xuống, khôi phục lại vẻ yên bình như chưa hề có gì xảy ra. Cuối cùng, Pháp Giới đã thuận lợi trở về Đại Đường, được Hoàng đế Đường Đức Tông chào đón và ban cho ông Pháp danh mới: Thích Ngộ Không.
Quý độc giả thân mến, vậy là cái tên “Ngộ Không” đã xuất hiện rồi. Ngộ Không thiền sư là một trong những cao tăng nổi tiếng nhất Trường An, sau này ông ở lại chùa Chương Kính tại Trường An để phiên dịch kinh Phật, các thư tịch của ông được tập hợp trong bộ sách “Trinh Nguyên Thích Giáo Lục”.
Thích Ngộ Không cũng là vị cao tăng cuối cùng sang Ấn Độ lấy kinh được ghi chép trong lịch sử. Khi phát hiện ra điều này, các chuyên gia đều giật mình sửng sốt: Liệu có phải vị đệ tử Tiên Ti bên cạnh Đường Tăng trong bích họa Du Lâm là phỏng theo hình tượng của Thích Ngộ Không hay không? Rất có thể, vị cao tăng “gậy sắt” của Đường triều ấy cũng là một trong những nguyên mẫu của Tôn Ngộ Không.
Thích Ngộ Không nhất tâm cầu Đạo là thể hiện của Phật tính, Vô Chi Kỳ tác yêu tác quái dưới sông Hoài là thể hiện của ma tính, Thần khỉ Hanuman pháp lực vô biên của Ấn Độ là thể hiện của Thần tính. Nếu cả ba hợp thành nhất thể thì chẳng phải chúng ta sẽ có một Tôn Ngộ Không lanh lợi hoạt bát, thần thông quảng đại trong “Tây Du Ký” đó sao?
Nói đến đây, chúng ta hãy thử bàn về một yêu quái vô cùng kỳ tài trong “Tây Du Ký”, đó là Lục Nhĩ Di Hầu.
Lục Nhĩ Di Hầu
Trong “Tây Du Ký”, Ngưu Ma Vương và Lục Nhĩ Di Hầu là hai yêu quái đặc biệt nhất, đặc biệt bởi chúng không có ý ăn thịt Đường Tăng mà chỉ muốn đối phó với Ngộ Không. Lục Nhĩ Di Hầu này có lai lịch ra sao?
Lục Nhĩ Di Hầu xuất hiện trong hồi thứ 34 của “Tây Du Ký”. Lợi dụng lúc Ngộ Không bị Đường Tăng đuổi đi, hắn đã biến thành bộ dạng giống hệt như Ngộ Không rồi cướp lấy hành lý, sửa soạn sang Tây Trúc lấy kinh. Ngộ Không biết tin vội vàng quay trở về Hoa Quả Sơn, túm lấy kẻ giả mạo không buông tha. Hai Tôn Ngộ Không giống hệt như hai giọt nước ấy đã đấu với nhau suốt dọc đường bất phân thắng bại. Trước mặt hai con khỉ này, các pháp bảo như Khẩn cô nhi chú và kính chiếu yêu đều không còn linh nghiệm. Thần Tiên khắp các tầng trời và ngay cả Bồ Tát cũng không phân biệt được thật giả. Cuối cùng, cả hai đến trước mặt Phật Tổ, nhờ Phật Tổ phân xử mới có thể tìm ra đâu là Lục Nhĩ Di Hầu, đâu là Ngộ Không.
Nói về nguồn gốc của Lục Nhĩ Di Hầu, chúng ta hãy bắt đầu từ tên gọi: “Lục Nhĩ” nghĩa là sáu tai. Kỳ thực, con yêu này không phải là khỉ sáu tai, nó cũng chỉ có hai tai giống hệt như Ngộ Không. Vậy vì sao lại gọi là Lục Nhĩ Di Hầu? Vì sao không phải là bảy tai hay năm tai, mà cứ nhất định phải là con số 6? Trong Phật giáo có thuyết pháp gọi là “lục căn thanh tịnh”. Sáu căn ấy là: Nhãn (mắt), Nhĩ (tai), Tị (mũi), Thiệt (lưỡi), Thân, Ý. Sáu giác quan này được gọi là “lục căn”. Nếu lục căn bất tịnh, tâm còn tham luyến với danh lợi trần thế thì sẽ bị cám dỗ bởi những ham muốn vật chất bên ngoài, sẽ không thể nhất tâm tu hành, lại càng không thể thoát khỏi sáu nẻo luân hồi.
Hồi thứ 14 trong “Tây Du Ký” kể rằng, Tôn Ngộ Không được Đường Tăng cứu ra khỏi Ngũ Hành Sơn, khi vừa bước chân trên hành trình sang Tây thì phạm vào giới luật sát sinh. Tôn Ngộ Không đã giết chết sáu tên đạo tặc. Tên gọi của sáu tên đạo tặc này cũng rất thú vị, lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (thân vốn lo), Ý Kiến Dục (ý thấy muốn). Đây không phải tên gọi bình thường, mà là đại biểu cho lục căn giảng trong Phật giáo.
Ngộ Không dùng một gậy đánh chết sáu tên đạo tặc, biểu thị rằng Ngộ Không đã quyết tâm bước trên con đường tu hành, không còn muốn bị lục căn can nhiễu. Do đó, các học giả nghiên cứu “Tây Du Ký” tin rằng, Lục Nhĩ Di Hầu chính là Tôn Ngộ Không với đầy đủ lục căn, là thể hiện ma tính của Ngộ Không, cũng là hiện thân cho ma tâm chưa trừ sạch. Do đó các chư Tiên và Bồ Tát đều không cách nào tìm ra nguồn gốc của Lục Nhĩ Di Hầu, mà chỉ Như Lai Phật Tổ với pháp lực quảng đại thần thông mới có thể nhìn rõ được điểm này.
Điều ấy cũng lý giải vì sao sau khi Ngộ Không đánh chết Di Hầu, Đường Tăng không còn cần niệm Khẩn cô nhi chú nữa. Bởi vì lúc này yêu tính trong Ngộ Không đã trừ bỏ hoàn toàn, Ngộ Không đã trở thành một đệ tử chân chính của Phật môn.
Theo WenZhao Studio
Minh Hạnh biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Trí tuệ của các viên quan thời xưa khiến người đời thán phục
- Cổ đạo nhân sinh: Những chàng rể nghèo bị coi thường, cuối cùng thay đổi vận mệnh
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!