‘Minh Đạo gia huấn’: Tiểu bách khoa toàn thư ‘Dạy con sáng Đạo’

Minh Đạo gia huấn
Minh Đạo gia huấn (Ảnh NTD Việt Nam)

Trong các sách giáo khoa giáo dục trẻ em xưa thì cuốn “Minh Đạo gia huấn” là một cuốn có thể coi là “Bách khoa toàn thư” của giáo dục trẻ em nói chung và Nho giáo nói riêng.

Sách gồm 510 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng khoảng hơn 2000 chữ nhưng chứa đựng hết mực phong phú những danh ngôn, đạo lý sâu sắc của các bậc cổ Thánh tiên hiền xưa như các Kinh điển Nho gia: Luận Ngữ, Mạnh Tử; các trước tác của Bách gia Chư tử như Tôn Tử, Tuân Tử; các bộ sử sách cổ đại như Hán Thư, Tùy Thư; các bộ sách giáo khoa giáo dục trẻ em cổ đại như Tam Tự Kinh, Tiểu Học, và các gia huấn nổi tiếng cổ đại như Nhan Thị gia huấn, Chu Tử gia huấn…

Minh Đạo gia huấn là gì?

“Minh Đạo gia huấn” là một tài liệu giáo dục giúp trẻ em hiểu rõ đạo lý làm người, hiếu đễ, trung tín, tôn sư trọng Đạo, từ đó sáng tỏ Đạo (tức quy luật vũ trụ), và có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến” (dùng cái bất biến để ứng phó với vạn sự biến đổi), nắm chắc lấy Đạo và Đức để ứng phó với sự đời vạn biến. Ngay cả đối với các bậc phụ huynh thì cuốn sách này cũng rất hữu ích, có thể coi là “Tiểu Bách khoa toàn thư về văn hóa truyền thống và giáo dục trẻ em“.

Xưa nay mọi người đều coi cuốn sách này là do bậc Đại Nho đời Tống là Trình Hạo, hoặc Trình Di (hoặc cả hai anh em ông) viết. Những người cho rằng, “Minh Đạo gia huấn” là của Trình Hạo, vì Trình Hạo có tên hiệu là Minh Đạo, nên được gọi là Minh Đạo tiên sinh. Như vậy “Minh Đạo gia huấn” có nghĩa là “Những bài học giáo dục gia đình của Minh Đạo tiên sinh”.

Tuy nhiên cũng có nhiều người nghi ngờ sách không phải do Trình Hạo, cũng không phải do Trình Di, vì hai ông sống vào đời Tống, trong khi đó sách “Minh Đạo gia huấn” lại tập hợp các câu danh ngôn từ các sách, kinh điển đến tận các đời Nguyên, Minh, Thanh sau này.

Một số nhà nghiên cứu còn nghi ngờ nguồn gốc sách không phải từ Trung Quốc, cho rằng sách là một người Việt viết, bởi vì các tài liệu cổ trong sách chỉ có thể được tìm thấy ở Việt Nam, mà không tìm thấy ở Trung Quốc và các nước Đồng văn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này hoàn toàn khác với các kinh điển giáo dục trẻ em khác, như Tam Tự Kinh, Đệ Tử Quy, Thiên Tự Văn, Ấu Học Quỳnh Lâm… phần lớn tìm thấy ở Trung Quốc, và tìm thấy ở cả các nước Đồng văn. 

Theo kết quả nghiên cứu trong bài viết “Tập cú, tập ý, sáng tạo: Nghiên cứu văn hiến trong Minh đạo gia huấn – sách tiểu học của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tuấn Cường đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn hiến Đông Á của Hàn Quốc (tháng 12 năm 2017) thì “tác giả của bộ sách này là người Việt Nam, được viết vào khoảng thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20”. Bộ sách dẫn 270 câu từ 45 bộ thư tịch, điển tịch cổ đại Trung Quốc, còn lại là tác giả khuyết danh sáng tác. 

Như vậy “Minh Đạo gia huấn” không phải “Những bài học giáo dục gia đình của Minh Đạo tiên sinh”, mà là “Những bài học giáo dục gia đình để làm sáng tỏ Đạo, đạo lý làm người”, vì vậy chúng tôi dịch là “Dạy con sáng Đạo”.  Rất nhiều đạo lý được trình bày đơn giản dễ hiểu, dạy con người ứng xử ra sao trong các mối quan hệ thường nhật như trong gia đình, hàng xóm láng giềng, và ngoài xã hội, trong công việc, chức phận… để tạo ra xã hội hài hòa, bình yên, hạnh phúc:

Vua cần kính thần, thần cần trung quân
Cha cần nhân từ, con cần hiếu thuận
Anh cần yêu em, em cần kính anh
Bạn bè cần tín, lớn nhỏ khiêm nhường
Chồng cần hòa ái, vợ thuận theo chồng
Làng xóm thuận hòa, láng giềng nhường nhịn

Chỉ vài câu đơn giản nhưng truyền tải được đạo lý lớn. Ví dụ bài 16 “Phụng dưỡng lễ nghi” đã nói rất rõ chi tiết các tầng thứ và cảnh giới của Đạo Hiếu:

Phụng dưỡng lễ nghi, chẳng kiêng dơ bẩn
Cha mẹ ở nhà, chẳng thể đi xa
Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ
Chẳng dám hủy hoại, là hiếu khởi đầu
Lập thân hành Đạo, nức tiếng đời sau
Cha mẹ vẻ vang, tận cùng chữ Hiếu

Ai là người thích hợp đọc “Minh Đạo gia huấn” (Dạy con sáng Đạo)

Sách “Dạy con sáng Đạo” xưa kia dùng để giáo dục trẻ em, mục đích là dạy trẻ em trở thành con người có hiểu biết đạo đức, được thực hành lễ nghi, hiểu được Bát Đức: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ; Ngũ Đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; biết luân thường và phép tắc ứng xử với các mối quan hệ trong xã hội. Trong quá trình học đạo đức, tập lễ nghi đó, các em hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa xã hội, nhận biết chữ Hán (chữ Nho), làm quen với cách hành văn đơn giản: mỗi câu 4 chữ, vần điệu như thơ… 

Tuy nhiên trẻ em hiện nay, thậm chí cả người lớn cũng thiếu vốn kiến thức văn hóa truyền thống, hoặc hiểu biết chưa đầy đủ, hoặc không tiếp cận được trực tiếp mà qua lăng kính diễn giải sai lệch… Thế nên, sách “Dạy con sáng Đạo” khá khó đối với trẻ.

Để giúp độc giả và nhất là độc giả nhỏ tuổi dễ dàng tiếp nhận nội dung kinh điển giáo dục, chúng tôi chia nhỏ thành 60 bài, mỗi bài có nguyên văn văn dịch, nguyên văn chữ Hán, âm Hán Việt, chú thích và giải nghĩa, kèm thêm câu chuyện tham khảo. Phần văn dịch cố gắng sát nghĩa gốc và giữ văn phong (câu 4 chữ) mà không chú trọng vần điệu. Mỗi bài đều có kèm theo các bức tranh minh họa sinh động, giúp độc giả liên tưởng, dễ nhớ nội dung từng bài.

Nội dung các bài học giúp độc giả hiểu thêm về tinh hoa văn hóa truyền thống thông qua trực tiếp tiếp xúc với những tác phẩm kinh điển, theo cách đơn giản dễ hiểu, từ đó các bậc cha mẹ sẽ biết cách giáo dục con, và hướng dẫn con em học tập, trở thành con người có đạo đức, có văn hóa.

Chúng tôi hy vọng các kinh điển giáo dục truyền thống này sẽ giúp các bậc phụ huynh và các bạn đọc nhỏ tìm được về những giá trị đạo đức và những tinh hoa văn hóa truyền thống, những giá trị đã giúp duy trì nền đạo đức, văn minh rực rỡ với lịch sử vàng son của dân tộc, đã vượt qua hàng ngàn năm sóng gió tới ngày nay. Chúng tôi tin tưởng rằng, những giá trị đạo đức vĩnh hằng sẽ đồng hành cùng Quý độc giả bước tới một tương lai tươi sáng.

Xem tiếp: Bài 1: Nhân sinh trăm nghề

Ban Biên tập NTD Việt Nam

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x