Sinh thời, Khổng Tử từng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, ý tứ là: – Điều gì mình không muốn thì chớ có làm cho người khác. Một người có thể làm việc tốt cho ai đó vì muốn điều tốt đẹp cho người ấy, và ngược lại.
Có một điều hiển nhiên là: khi chúng ta có tính xấu nào đó thì bản thân lại có thể nhìn thấy nó ở người khác. Tiểu thuyết gia người Anh C.S. Lewis đã từng viết: “Chúng ta càng có nó nhiều thì càng bất bình thấy nó ở những người khác”.
Chúng ta thường bất bình khi thấy người khác có biểu hiện của những tính xấu như: tham lam, đố kỵ, v.v… tuy nhiên, một người có đạo đức ắt sẽ có xu hướng thấy những đức tính tốt của người khác như: can đảm, lòng hảo tâm, sự trung thực… Lẽ dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều mong muốn những người xung quanh ta có đạo đức.
Bạn còn nhớ có khi nào bạn từng giúp một người nghèo, đến thăm hỏi người bạn bị ốm, hay an ủi một người cô đơn không? Nếu có, thì sau khi làm những điều tốt này, bạn sẽ không thấy nhiều thứ xấu trong cuộc sống và mọi người xung quanh bạn. Thật ra, những gì chúng ta phải trải qua hay chứng kiến lại bắt nguồn từ chính chúng ta. Hay nói một cách khác, những gì chúng ta làm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và thế giới của bản thân.
Hai câu chuyện dưới đây không thể mang đến câu trả lời toàn diện nhưng hi vọng bạn tìm thấy sự chiêm nghiệm cho riêng mình:
Câu chuyện về cậu bé và ốc sên – tự mình biết làm người tốt
Sau cơn mưa, cậu bé thấy một con ốc sên trên đường, cậu cúi xuống cầm con ốc sên lên và nhẹ nhàng đặt nó vào trong bụi cỏ bên lề đường.
Bà nội gọi cậu dặn dò: “Đừng chạy lung tung nhé!”.
Cậu bé ngẩng khuôn mặt bầu bĩnh đáp lời bà: “Cháu đang giải cứu ốc sên. Nó nằm ở giữa đường đi ạ, nguy hiểm cho nó. Cháu vừa đưa nó về nhà của nó ạ!”.
Bà nội hỏi cậu: “Ốc sên biết cháu giải cứu nó không?”
Cậu bé trả lời bà: “Nó chắc không biết ạ”.
Bà nội lại hỏi: “Vậy cháu làm chuyện tốt với nó chẳng phải là không công sao? Ai biết cháu làm chuyện tốt đó chứ?”
Cậu bé vui vẻ nói: “Cháu tự mình biết là được rồi. Cháu cứu được con ốc sên đó, và cháu rất vui!”.
Lưu Hoằng Kính nhờ tích đại âm đức mà đắc phúc báo
Trong cuốn Thái Bình Quảng Ký thời nhà Tống, có ghi chép một câu chuyện về Lưu Hoằng Kính nhờ tích đại âm đức mà đắc phúc báo như sau:
Lưu Hoằng Kính là người Bành Thành thời nhà Đường, tự là Nguyên Phổ. Gia đình ông sống nhiều thế hệ ở khu vực sông Hoài, Phì Thủy, tài sản có hàng trăm vạn lượng. Ông thường tu âm đức mà không khoe khoang, cho nên mọi người đều không hay biết về những việc làm tốt của ông.
Có một thuật sĩ giỏi xem tướng trên đường đến Thọ Xuân trông thấy Lưu Nguyên Phổ, ông nói: “Ngài có rất nhiều của cải nhưng chỉ 2, 3 năm nữa thôi đại nạn sẽ đến, làm thế nào đây?”
Lưu Nguyên Phổ rơi lệ nói: “Tuổi thọ của con người là thiên mệnh, tiên sinh có thể giúp gì được cho tôi?”
Thuật sĩ nói: “Tướng mạo không bằng phẩm đức, phẩm đức không bằng độ lượng. Mặc dù thọ mệnh của ngài không cao nhưng đức lại dày, ngài cũng là người rất độ lượng, phóng khoáng. Tôi sẽ nói cho ngài biết những việc về sau: trong vòng hai năm tới ngài phải nỗ lực tu mỹ đức, hy vọng có thể kéo dài thọ mệnh. Một việc đức có thể tiêu trăm điều họa, còn được hưởng chức tước, bổng lộc, huống hồ là trường thọ… Cứ nỗ lực như vậy, ba năm nữa tôi sẽ lại đến gặp ngài”.
Kể từ đó, Lưu Nguyên Phổ bắt đầu đặt tâm chuẩn bị hậu sự cho mình. Ông có một cô con gái sắp kết hôn đến Dương Châu muốn xin mấy cô hầu gái đi cùng, ông dùng 80 vạn quan tiền mua bốn cô hầu gái, trong đó một cô tên là Phương Lan Tôn rất xinh đẹp và có phong thái đoan trang, không giống như người sinh ra trong gia đình nghèo khó.
Lưu Nguyên Phổ hỏi han sự tình, Phương Lan Tôn trầm ngâm rất lâu rồi mới trả lời: “Tiện nữ mang tử tội, vốn không dám nhắc đến nữa. Chủ nhân đã hỏi kỹ thì mới dám tiết lộ: Gia đình con đời đời là danh gia vọng tộc, quê ở Hà Lạc. Tiên phụ làm quan ở Hoài Tây, không may gặp giặc Ngô phản loạn hung bạo. Vì thấy họ của ông giống với họ của cường đạo, nên triều đình nghi ngờ là người thân của bọn phản tặc, do vậy cha mẹ tiểu nữ đều bị triều đình giết, cả gia đình bị tịch thu tài sản. Từ đó con rơi vào cảnh hèn mạt, không có nơi nào để kêu oan. Sau khi giặc Ngô bị dẹp, toàn bộ những người thân khác trong gia đình họ Phương đều bị quan quân bắt làm tù binh, cũng không biết lưu lạc ở đâu. Bản thân tiện nữ đã bị đổi qua hai chủ, giờ mới vào đây”.
Lưu Nguyên Phổ cảm thán hồi lâu rồi nói: “Giày dẫu có mới cũng không thể đội lên đầu, mũ dẫu có cũ cũng không thể dẫm dưới chân. Dù gia đình cô chết oan, nhưng cô vẫn là con nhà quan lại, mà nỗi oan của cô ai nghe cũng phải phẫn nộ, huống hồ ta là bậc nam tử. Hôm nay nếu ta không thể rửa được mối oan này cho cô thì nguyện sẽ bị Thần trừng phạt”. Nói đoạn ông bèn hỏi người nhà cô, được biết ông ngoại cô họ Lưu, bèn đem đốt văn tự bán mình của cô, nhận cô làm cháu ngoại. Lại dùng 50 vạn quan tiền vốn dự định để lo liệu cho việc hôn nhân đại sự của con gái mình; nay đem trang trải, tìm một vị phu quân tốt, cưới gả cho Phương Lan Tôn.
Một ngày mùa xuân tháng ba Tân Mão – năm thứ hai Trường Khánh, Phương Lan Tôn đã xuất giá, Lưu Nguyên Phổ nằm mơ thấy một người mặc áo màu xanh, tay cầm thẻ ngà, hướng xuống trần mà bái lạy. Lưu Nguyên Phổ lại gần, ông ấy đột nhiên rơi nước mắt nói:
“Tôi chính là phụ thân của Phương Lan Tôn, ân đức của ngài, tôi nhất định sẽ báo đáp! Tôi nghe nói âm đức có thể cảm động đến trời xanh. Đến nay thọ mệnh của ngài đã hết, tôi vừa báo cáo lên Thiên đế để cầu xin cho ngài rồi”. Nói vừa dứt lời, người này liền biến mất.
Ba ngày sau, Lưu Nguyên Phổ lại nằm mơ thấy phụ thân của Phương Lan Tôn đứng trước tiền đình, mặc áo bào màu tím, thị vệ đứng uy nghiêm xung quanh, ông cảm tạ Lưu Nguyên Phổ, nói:
“Kẻ bất tài như tôi may mắn được thỉnh Thiên đế, Thiên đế đã đồng ý kéo dài thọ mệnh cho ngài thêm 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời, con cháu không gặp tai ương. Những người đã tàn sát gia đình tôi đều bị xét xử, hiện giờ tai họa khắp thân. Người đã chết thì con cháu phải chịu họa. Thiên đế còn thương xót cho oan tình của tôi, cho khôi phục chức vụ, cai quản vùng sông núi Hoài Hải”. Rồi ông nghẹn ngào bái biệt.
Khi này trời vừa sáng, Lưu Nguyên Phổ vẫn nhớ rõ cảnh tượng giấc mơ nhưng vẫn băn khoăn, nửa tin nửa ngờ…
Ba năm sau, vị thuật sĩ xem tướng quả nhiên lại đến, vừa gặp nhau, ông ta đã hồ hởi chắp tay chúc mừng Lưu Nguyên Phổ, thuật sĩ nói: “Thọ mệnh của ngài đã được kéo dài rồi. Để tôi xem khoảng cách giữa lông mày và tóc của ngài nào”.
Lưu Nguyên Phổ bỏ mũ, vén tóc, để lộ ra vầng trán, thuật sĩ nói: “Ôi, đây đúng là bằng chứng nhờ âm đức mà cảm động đến Thiên đế. Từ nay về sau thọ mệnh của ông sẽ kéo dài thêm 25 năm nữa; gia tộc phúc hưởng ba đời”.
Lúc này, Lưu Nguyên Phổ mới kể cho thuật sĩ nghe chuyện về phụ thân của Phương Lan Tôn. Thuật sĩ nói:
“Hàn Quyết nước Tấn thời Xuân thu âm thầm bảo vệ Triệu Thị, Tư Mã Thiên cho rằng mười đời nhà Triệu Thị đều làm đến vương hầu, chính vì có âm đức. Huống hồ gia đình Phương Lan Tôn đã không có người nối dõi, bản thân Phương Lan Tôn chỉ là nô tì. Vậy mà ngài không những không tiếc tiền tài lại không bị mê mẩn bởi nhan sắc xinh đẹp của cô ấy, ngài đã thương cảm giúp đỡ cho cô gái mồ côi, đây đều là nhờ âm đức dày của ngài”.
Cậu bé giải cứu ốc sên và Lưu Nguyên Phổ mặc dù làm việc tốt trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: Họ hành thiện mà không phải vì để cho người khác xem, cũng không phải để được báo đáp.
Ông trời không vô tình làm rơi nhân bánh, phúc phận có đều nhờ tích đức hành thiện mà có được. Đây không chỉ là đạo lý chân chính trong văn hóa truyền thống, mà trong xã hội ngày nay tràn ngập văn hóa biến dị, thực dụng, và lợi ích bản thân nó vẫn là đạo lý chân chính. Có đức thì có phúc phận, vô đức thì chẳng được gì, các loại thiên tai nhân họa đều không tránh khỏi. Những việc chúng ta làm sẽ ảnh hưởng và thậm chí thay đổi cuộc sống và vận mệnh của chúng ta.
Tác giả: Nguyễn Minh
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Một thương nhân cả đời bán gạo vì sao không tu Đạo lại trở thành Tiên?
- Đạo làm giàu và dùng tiền của các thương nhân xưa
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!