Truyền thuyết dân gian: Thời thượng cổ người dân Hoa Hạ đánh đuổi Cộng Công (3)

1610311658002669
Hình ảnh lấy từ Epochtimeviet .com

Phúc Chính chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Chuyên Húc Đế là một trong năm vị Hoàng đế Hoa Hạ thời thượng cổ (Hoàng đế, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Chuyên Húc), được mệnh danh là Hoàng đế thủy đức phương bắc. Chuyên Húc đế là người nhân đức, trí huệ, khi còn tại thế, ông được người dân bốn phương ngưỡng mộ, cảm phục về đức hạnh, đến cả các loài chim thú cũng được ông cảm hoá.

Chuyên Húc đế từ nhỏ đã được người chú Thiếu Hạo nuôi dạy, ông vô cùng yêu thích âm nhạc. Khi nghe thấy gió từ tám phương thổi trên mặt đất tạo ra những âm thanh ào ào, vi vu, lanh canh, ông cảm thấy rất vui tai, nên đã lệnh cho tám con rồng mô phỏng âm thanh của tiếng gió, đặt tên giai điệu này là “Thừa vân khúc”, chuyên dùng để tưởng nhớ Hoàng Đế. Ông còn có ý tưởng kỳ lạ, lệnh cho cá sấu sông Dương Tử làm khúc nhạc dạo đầu. Cá sấu sông Dương Tử có tiếng kêu như trống, trên lưng có vảy dày, nằm trong hang động dưới đáy ao ngủ suốt ngày, vốn không quen với âm nhạc. Nhưng sau khi nhận được mệnh lệnh nó không dám thất lễ, lập tức lật cái thân hình nặng nề nằm ngửa ra, vung vẩy cái đuôi dày đập vào cái bụng xám căng phồng, âm thanh phát ra quả thực rất to và rõ ràng. Thế nhân được Chuyên Húc đế chỉ dạy, đã dùng da cá sấu Dương Tử làm mặt trống. Loại trống này vô cùng quý giá, gọi là trống Đà.

Vào thời Chuyên Húc đế, đạo đức của người dân đã biến đổi. Ba mươi sáu châu phía bắc do Chuyên Húc đế trị vì có tiêu chuẩn đạo đức cao thượng, còn tiêu chuẩn đạo đức ở những nơi khác không còn tốt nữa. “Quân thần phú quý đều do đức mà sinh”, do đó mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao vốn dĩ không ngừng vận chuyển, bắt đầu gắn cố định trên bầu trời của 36 châu phương Bắc.

Thời thượng cổ, người dân Hoa Hạ kính bái Thần, do đó họ được hưởng rất nhiều phúc phận mà con người hiện nay không tưởng tượng được. Vào thời điểm đó, trời và đất tuy cũng bị phân khai nhưng khoảng cách tương đối gần, hơn nữa còn nối với nhau bằng những chiếc thang trời (thiên thê), chiếc thang này chính là những ngọn núi và cây đại thụ ở khắp nơi. Chiếc thang lên thiên đường vốn được thiết kế dành cho các vị Thần tiên, pháp sư, nhưng những bậc trí giả, dũng sĩ ở nhân gian lại có thể dựa vào trí tuệ và lòng dũng cảm mà leo lên được những chiếc thang này, bước thẳng đến thiên đình. Thời đó, người phàm có việc oan khổ có thể trực tiếp lên trời khiếu nại với Thiên Đế, Thần linh có thể xuống phàm trần du ngoạn núi non sông nước, ranh giới giữa con người và Thần không quá rõ ràng. Sau này, do Xi Vưu nổi loạn ở trần gian, bất kính với Thần, quấy nhiễu thiên đình, vì vậy, Chuyên Húc đế đã ra lệnh cho các cháu trai của mình là Trọng và Lê cắt đứt lối đi giữa trời và đất, để duy trì trật tự của vũ trụ.

Đại lực thần Trọng và Lê tiếp chỉ, vận dụng khí lực, một người hai tay nâng trời, một người hai tay ấn đất, đồng thanh hô to, vận lực, một người dùng hết sức lực nâng bầu trời lên, còn một người dùng hết sức ép mặt đất xuống, bầu trời dần dần cao lên, mặt đất dần dần thấp xuống, trời và đất vốn dĩ cách nhau không xa, đã trở thành giống như hiện nay, xa xôi cách trở. Núi cao, đại thụ không còn là những chiếc thang lên trời nữa. Từ đó về sau, Trọng được gọi là Nam Chính, chuyên quản việc trời đất, quỷ thần; Lê được gọi là Hỏa Chính, chuyên quản việc thế gian.

Hoàng đế Chuyên Húc cũng đặt định ra các chế độ lễ nghi khác nhau để duy trì đạo đức xã hội, ông quy định phụ nữ khi đi đường gặp đàn ông phải tránh đi, nếu không sẽ bị lôi ra giữa phố để trị tội trước dân chúng. Ông quy định anh chị em không được kết hôn với nhau, ông còn yêu cầu dân chúng định kỳ phải thờ cúng tổ tiên và thiên địa quỷ thần. Đạo đức, trí huệ của Chuyên Húc đế đã khiến người dân bốn phương ngưỡng mộ, cảm phục, các loài chim, thú cũng được ông cảm hóa.

Theo “Ngũ hoàng sử ký”, phạm vi quản lý của Chuyên Húc đế rất rộng lớn. “Bắc có âm hồn, Nam có Giao Chỉ, Tây có Lưu Sa, Đông có Bàn Mộc, vật động hay tĩnh, Thần lớn hay nhỏ, nhật nguyệt chiếu sáng, không thuộc về ai.

Tuy nhiên, khi cây lớn lên, chim muông loại nào cũng có. Đại đức và trí huệ của Chuyên Húc đế đã khiến những người tốt theo ông, nhưng lại khiến Cộng Công ghen tức đến mức phát điên. Cộng Công là một kẻ độc ác và vô pháp vô thiên, ông ta đã tập hợp một số vị thần xấu cũng vô pháp vô thiên và bất mãn với Chuyên Húc đế tập hợp thành một đội quân kỵ binh kiếm ngắn, đột kích vào kinh đô của thiên quốc.

Chuyên Húc đế nghe tình hình, vẫn bình tĩnh như thường, một mặt cho thắp 72 đèn hiệu, kêu gọi bốn phương chư hầu nhanh chóng hỗ trợ, mặt khác cắt đặt binh mã phòng vệ kinh kỳ, còn ông đích thân thống soái dẫn quân ra tiền tuyến chiến đấu.

Sau khi chiến tranh bắt đầu, Chuyên Húc đế đã lãnh đạo quân đội của mình truy đuổi bộ tộc Cộng Công từ thiên thượng xuống phàm giới, lại từ phàm giới đuổi tới thiên thượng, sau vài vòng, người của Chuyên Húc đế ngày càng giết được nhiều người, Thái Phùng với hình người đuôi hổ phóng ra vạn đạo hào quang từ núi Hòa Sơn đuổi đến. Kế Mông – đầu rồng thân người mang mưa to gió lớn từ núi Quang Sơn tới, Kiêu Trùng có hai cái tổ ong trên đầu phóng nọc độc từ núi Bình Phùng đến, bộ tộc của Cộng Công bị giết, người ngã ngựa đổ, gần như toàn quân bị xóa sổ. Cộng Công đã lưu lạc đến vùng Tây Bắc bên dưới núi Bất Chu, bên cạnh chỉ còn 13 kỵ sĩ. Núi Bất Chu cao chót vót, sừng sững từ trời xuống đất, chặn đường đi của đám cướp này. Núi Bất Chu là một cây cột khổng lồ chống đỡ bầu trời, là một trong những phương tiện chính để Chuyên Húc đế duy trì trật tự trong vũ trụ. Lúc này, Chuyên Húc đế dẫn quân từ các hướng xông vào, tiếng hò hét giết chóc, khuyên đầu hàng kinh thiên động địa, thiên la địa võng đã dệt thành. Cho đến khi chết, Cộng Công vẫn muốn làm điều xấu bất chấp hậu quả, hắn giận dữ đâm thẳng vào núi Bất Chu. Trong âm thanh rầm rầm, tiếng nước xối ầm ào, núi Bất Chu vốn chống đỡ trời đất đã bị hắn đâm gãy và đổ sụp xuống.

Sau khi cột chống trời bị phá vỡ, toàn bộ vũ trụ xảy ra biến hóa lớn, bầu trời phía Tây Bắc mất đi chỗ dựa mà nghiêng xuống, khiến mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao vốn bị ràng buộc với bầu trời phương Bắc nay không thể đứng ở vị trí ban đầu nữa, không còn bị ràng buộc nên trượt xuống về phía tây, tạo thành đường đi của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mà chúng ta thấy ngày nay. Mặt khác, sợi dây khổng lồ treo ở góc Đông Nam của trái đất đã bị đứt do chấn động dữ dội. Đất ở phía Đông Nam bị sụp xuống, tạo nên địa hình mà chúng ta thấy ngày nay với địa thế cao ở phía Tây Bắc và thấp ở phía Đông Nam, cũng như tình trạng các dòng sông chảy về phía Đông, nước ngọt và nước biển trộn lẫn.

Sau khi núi Bất Chu bị húc đổ, một nửa bầu trời sụp xuống, lộ ra nhiều hố lớn, mặt đất cũng nứt ra, xuất hiện từng đường nứt sâu. Trong tình trạng mặt đất sụp đổ, lửa rừng bùng lên dữ dội, lũ lụt từ mặt đất phun ra, các loại dã thú hung dữ chạy khắp nơi, mặt đất giống như địa ngục trần gian.

Thần Nữ Oa vô cùng đau buồn khi thấy những người mà bà tạo ra phải chịu khổ nạn này. Vì để mọi người có lại được cuộc sống tự nhiên, Nữ Oa quyết định vá lại bầu trời đã bị tàn phá.

Đây là một công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp, Nữ Oa đầu tiên lấy những viên đá ngũ sắc từ dưới sông lên rồi dùng lửa lớn đốt những viên đá đó trong chín ngày chín đêm để tinh luyện thành hỗn hợp bùn đá ngũ sắc gồm đỏ, vàng, xanh, trắng và đen. Sau đó múc từng muỗng bùn đá vá lại các vết nứt trên bầu trời.

Nhiệm vụ tiếp theo là chống lại bầu trời. Nữ Oa dùng bốn chân của một con rùa lớn để thay thế các cột trời, dựng chúng ở bốn góc của mặt đất, đỡ bầu trời cao lên như một cái lều. Những cây cột trụ vững chắc giúp bầu trời sẽ không bao giờ sụp đổ nữa.

Nữ Oa cũng xua đuổi những loài chim và thú hung dữ đang gây rối khắp nơi, đồng thời dùng lau sậy đốt cháy thành tro để chặn đứng dòng nước lũ. Bầu trời được vá, mặt đất cũng đã được yên bình, người dân Hoa Hạ một lần nữa được sống cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/34702

Ngày đăng: 09-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.


Mời quý độc giả ghé thăm trang Chánh Kiến để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x