Chánh Kiến: Trà đạo của người Trung Hoa

Trà đạo của người Trung Hoa | Văn hóa truyền thống
Trà đạo của người Trung Hoa | Văn hóa truyền thống

Chuyên mục: Văn hóa truyền thống

– Kính mời quý đọc giả cùng tìm hiểu và khám phá những bí ẩn về vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người, và cùng ôn lại những câu chuyện văn hóa truyền thống, nhằm nâng cao đạo đức, nhân tâm hướng thiện.

– Hôm nay chúng tôi hân hạnh gửi đến quý khán thính giả câu chuyện văn hóa truyền thống có nhan đề: “Trà đạo của người Trung Hoa

Video: Trà đạo của người Trung Hoa

Trà đạo của người Trung Hoa | Văn hóa truyền thống

1. Nguồn gốc của trà

Người Trung Quốc có câu “Trong nhà có 7 thứ: củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”. “Trà” tuy bị xếp vào vị trí cuối cùng trong các nhu yếu phẩm trong cuộc sống thường nhật của con người. Nhưng bởi người Trung Quốc có một tập quán lâu đời là “Ăn xong uống một tách trà”, cho nên Trà có nội hàm văn hóa và lịch sử rất sâu sắc.

Miền đất Hoa Hạ là nguồn gốc của trà và là cái nôi của văn hóa trà, do đó trà đã làm bạn với dân tộc Trung Hoa suốt 5000 năm qua. “Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Tạm dịch: “Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên”). Khách tới nhà thì mời trà là truyền thống đẹp của người Trung Hoa.

Nói về nguồn gốc của trà, ở Trung Quốc xưa nay lưu truyền một truyền thuyết về Thần Nông như sau: “Thần Nông nếm thử trăm thứ cỏ, ngày trúng phải 72 thứ độc, nhờ trà mà giải được độc”. Tương truyền tổ tiên Thần Nông của người Trung Quốc có một cái bụng trong suốt như thủy tinh, bất kỳ thứ gì ăn vào cũng đều có thể thấy rõ ràng. Lúc đó, con người đang trong trạng thái nguyên thủy, dù là thịt cá hoa quả đều ăn sống nuốt tươi, nên tất nhiên là thường mắc bệnh.

Truyền thuyết kể rằng, Thần Nông vì để giúp đỡ loài người, bèn lợi dụng cái bụng thủy tinh của mình để nếm thử trăm thứ cỏ, nhìn xem những thứ đó sau khi ăn vào trong bụng sẽ xảy ra biến hóa như thế nào. Quanh năm suốt tháng ông trèo đèo lội suối, có một ngày, khi Thần Nông gặp một loài cây lá xanh hoa trắng, thì ăn thử lá của loài cây ấy. Thật kỳ lạ, sau khi ăn lá, ông phát hiện trong dạ dày phát sinh biến hóa kỳ diệu.

Những chiếc lá ấy chẳng những lưu chuyển trong ruột từ trên xuống dưới, gột tẩy sạch sẽ những thứ đồ ăn thừa, mà sau khi ăn vào miệng còn có mùi hương, cảm giác thơm ngọt. Phát hiện tác dụng giải độc của loại lá cây này, Thần Nông vô cùng mừng rỡ. Thần Nông cho rằng phát hiện ra trà ấy là do Thiên Thần cảm động, niệm tình ông tuổi già tâm thiện, khổ công hái thuốc chữa bệnh cho con người, nên ban tặng ông lá ngọc ấy để cứu giúp chúng sinh.

Thế là Thần Nông cảm ơn Trời xanh, đồng thời càng chăm chỉ đi thu thập thảo dược. Sau này, mỗi lần nếm phải cỏ độc, ông dùng loại lá này để giải độc. Bởi loại lá xanh này giống như một vị lương y, kiểm tra và gột tẩy cho cái bụng của Thần Nông, nên ông bèn gọi loại lá xanh ấy là “Tra” (nghĩa là kiểm tra). Sau này người ta biến đổi chữ ấy thành “Trà”. Đó chính là nguồn gốc của Trà.

Trà có tác dụng giải khát, làm tinh thần và trí óc tỉnh táo, lợi tiểu giải độc. Sau đó trà dần dần được khai thác, thu thập và gieo trồng, được người ta dùng làm một loại diệu dược dưỡng sinh. Như thế trà dần dần được con người hiểu rõ, ngoài tác dụng làm thuốc người ta còn dùng nó làm đồ cúng tế, làm đồ ăn thức uống.

Sau khi được cải biến nhiều lần qua các thời đại, hình thành loại trà có hương vị mà chúng ta thưởng thức hôm nay. Vì vậy, trà là vị thuốc hay mà tổ tiên Thần Nông đã phát hiện, là thiện tâm cảm động trời xanh của ông ấy đã được Trời cao hồi đáp. Thần cố ý để cho Thần Nông phát hiện ra trà lưu lại cho hậu thế, tạo phúc cho nhân loại.

2. Sự phát triển của văn hóa uống trà

Trà được tổ tiên Trung Quốc phát hiện ra, đối với cách thức sử dụng đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi mới có phương thức uống trà “Khai thủy xung bào tán trà” như hôm nay.

Thời thượng cổ tổ tiên Trung Quốc đã dùng trà làm thuốc. Người thời đó cắt cành lá cây hoang, lặt lấy mầm non, đun trong nước, sau đó uống nước, đó chính là nguyên thủy của “Chúc trà pháp”. Như vậy đun ra được nước trà, mùi vị đắng chát, nên ngày xưa trà được gọi là “Rau đắng”.

Đến thời Tần Hán, người ta sáng tạo ra phương pháp đặc chế và sử dụng trà gọi là “Bán trà bán ẩm”, tức là không trực tiếp đun lá chè tươi, mà chế thành các bánh trà, nướng trên lửa, sau đó giã nhỏ nghiền nhuyễn, cho vào nước sôi, sau đó thêm hẹ, gừng, quýt cho điều hòa, gọi là “Trà nướng”.

Đến thời Đường Tống, mọi người chế thành bánh trà, người ta lấy trà chế thành bánh trà, trước khi uống thì lấy từng bánh trà bóp vụn, giã nhuyễn, rồi bỏ vào trong chén, đổ nước sôi, đó chính là “Nghiên cao đoàn trà điểm trà pháp”. Phong tục uống trà rất thịnh hành, đồng thời theo sự phát triển của văn hóa, “uống trà” dần dần trở thành “nếm trà”.

Lúc bấy giờ ở hoàng cung, chùa chiền, trong giới các văn nhân học sỹ còn thịnh hành Tiệc trà. Tiệc trà có bầu không khí trang trọng, hoàn cảnh lịch sự tao nhã, lễ tiết nghiêm khắc, mà lại thường dùng trà hảo hạng, lấy nước từ các con suối trong lành nổi tiếng, tuyển chọn dùng các bộ đồ uống trà sang quý lừng danh.

Tiệc trà có nội dung đại khái là trước tiên người chủ trì buổi tiệc tự mình mời trà hoặc đích thân chỉ đạo việc mời trà, tỏ ý kính cẩn với khách, sau đó dâng trà, tiếp trà, nghe hương trà, xem sắc trà, nếm vị trà. Qua 3 tuần trà, bèn bình luận đánh giá đẳng cấp của trà, xưng tụng đạo đức của người tạo ra trà ấy, và ngắm cảnh tâm tình, làm văn ngâm thơ, vv…

Đến thời nhà Minh, trực tiếp pha trà trong ấm trà hoặc chén trà, như thế phương thức uống trà trở nên đơn giản thuận tiện cho mọi người. Nhưng cũng theo sự thay đổi của thời đại, người ta càng chú trọng vào cuộc sống gấp gáp, tất cả xuất phát từ hiệu suất công việc. Một số người dùng loại trà ngâm uống liền, hoặc uống các loại trà chăm sóc sức khỏe, phần lớn người ta là “uống trà” chứ không còn “nếm trà” nữa.

3. Văn hóa trà đạo

Thời Đường có người tên là Lục Vũ, thông qua việc quan sát nghiên cứu về trà nhiều năm, đã viết thành một quyển “Trà kinh”, tổng kết ra một danh mục các loại trà, phương pháp chọn trà, đun trà, nếm trà, còn xây dựng cho nghệ thuật uống trà một loại nội hàm văn hóa sâu sắc, hình thành nên trà đạo nguyên sơ. Người đời sau tôn xưng Lục Vũ là “Thánh trà”.

Văn hóa trà đạo có đặc điểm thể hiện truyền thống văn hóa tinh thần phương Đông, là sự kết hợp của “Trà” với “Đạo”.

Lão Tử thời cổ đại từng nói: “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo”. (Tạm dịch: Gọi là Đạo cũng được, nhưng là Đạo phi thường; con đường ấy có thể đi nhưng là con đường phi thường). Còn nói: “Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu” (Tạm dịch: Đại Đạo tràn ngập trong mọi thứ, có thể thao túng mọi thứ).

Có thể thấy rằng “Đạo” là vô xứ bất tại. Như vậy “Đạo” thực ra là gì? Trong kinh điển “Trung Dung” nổi tiếng của nhà Nho Trung Quốc có giảng: “Thiên mệnh chi vị tính; suất tính chi vị Đạo” (Tạm dịch: Thiên mệnh là một đặc tính, thuận theo đặc tính ấy là Đạo).

Kỳ thực “Đạo” có ý nghĩa chân chính là cho chúng ta biết rằng: trong vũ trụ mọi sự vật, gồm sự vận chuyển của Thiên thể, sự sinh sôi của loài người, sự thay đổi các triều đại, vòng sinh lão bệnh tử của đời người, chúng đều là theo Đạo mà vận hành, đều là có quy luật nhất định. Thành, Trụ, Hoại, Diệt ấy đều là quy luật của vũ trụ.

Cho nên con người có thể “Phản bổn quy chân”, trở về với bản tính tiên thiên, bởi vì bản tính tiên thiên ấy là chân chính, là thiện lương, là liên thông với vũ trụ, như vậy mới có thể đạt tới cảnh giới Thiên nhân hợp nhất, Đạo pháp tự nhiên. Đó chính là “Đạo” mà người tu hành xưa kia thường hay nhắc tới.

Bởi vì “Đạo” thể hiện phép tắc và quy luật của vũ trụ và nhân sinh, nên người Trung Quốc xưa không tùy tiện nói về Đạo, cho rằng ấy là điều vô cùng cao thâm, không thể nói rõ ràng ra được. Người Trung Quốc cận đại đều bị hai chữ “Mê tín” ngăn trở và rời xa “Đạo”.

Không như ở Nhật Bản, trà có trà đạo, hoa có hoa đạo, hương có hương đạo, kiếm có kiếm đạo, luyện võ nghệ giao đấu cũng có nhu đạo, đài quyền đạo (teakwondo). Kỳ thực tại Trung Quốc thời cổ đại các ngành các nghề đều có “Đạo”, mọi người cũng đều có tâm cầu Đạo, cho nên người xưa nếm trà cũng có Trà Đạo.

Văn hóa Trà đạo là một loại văn hóa “Trung gian”, lấy trà làm phương tiện truyền đạt, kế thừa tinh thần của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Thời Đường có Lưu Trinh Lượng trong tác phẩm “Ẩm trà thập đức” cũng sáng suốt đưa ra: “Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí khí thanh cao”. Như vậy, Trà Đạo là gì?

Bề ngoài mà nói chính là do ở “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm” sáu việc này cấu thành nên, gọi là “Trà đạo lục sự”. Tu tập Trà Đạo chính là thông qua trà đạo lục sự ấy mà chứng ngộ được tinh thần của trà đạo. Nhìn bề ngoài thì tu tập Trà Đạo có vẻ là “Kỹ năng”, nhưng cần phải tu tập Trà tâm, tiếp theo còn phải bắt đầu tu tập trà kỹ, cần phải hiểu được đạo lý này mới có thể đàm luận về Trà Đạo được.

4. “Vị đắng” của Trà đạo

Trà thì đắng, nhưng lại là đắng có ý vị, người nếm trà từ mùi vị của trà mà thưởng thức vị đắng của nhân sinh. Phật gia cho rằng, Sinh, Lão, Bệnh, Tử, gặp người mình oán giận, xa người mình yêu thương, cầu mà không được, vv… tất cả đều là khổ, có rất nhiều thứ khổ. Tóm lại, thường tất cả những gì cấu thành sự tồn tại của loài người, tất cả vật chất cùng với tất cả nhân tố tinh thần trong quá trình sinh tồn của loài người đều có thể khiến cho con người ta chuốc lấy “buồn khổ”.

Cho nên Phật nói: “Bể khổ vô biên, quay đầu là bờ”‘. Câu này so với câu “Phản bổn quy chân” thực ra là có cùng một đạo lý, vì thế muốn hiểu thấu được đời người, khám phá bí mật của sinh và tử, mới có thể đạt được sự giải thoát khỏi “Khổ”. Đặc tính của Trà cũng là đắng.

Lý Thời Trân trong “Bản thảo cương mục” có viết: “Trà đắng mà tính hàn, trong âm có âm, cực kỳ tốt khi dùng để kháng lại tính hỏa, hỏa là trăm bệnh, nhờ vậy trăm bệnh tất có thể được thanh trừ”. Theo đặc tính của trà là trước đắng sau lại ngọt, trong đắng có ngọt, nhờ đó mà hiểu ra được đạo lý làm người: tiết kiệm, đạm bạc, lấy khổ làm vui.

5. Cái đẹp của sự tĩnh lặng hư không của Trà đạo

Trà đạo nghiên cứu “Hòa tĩnh di chân”, lấy “Tĩnh” để đạt tới trạng thái Tâm Không, gột sạch những kiến giải sai lầm, sáng tỏ con đường phải đi để đạt Đạo. Cái “Tĩnh” trong “Tĩnh Hư” này, phải chăng có nghĩa là từ đầu tới cuối cần phải “Tĩnh” để đạt được sự nghiêm túc trang trọng? Đương nhiên không phải như vậy. Nói đến cái “Tĩnh Hư” này, trong văn hóa trà đạo Trung Quốc thực chất là nói về sự tĩnh lặng của thế giới tâm hồn, đến mức tĩnh lặng với mọi hoàn cảnh bên ngoài.

Chỉ cần tâm hồn của bản thân không mất đi “Hư tĩnh”, thì uống trà cũng được, nói cười cũng được, nghe nhạc cũng được, xem kịch cũng được, không có gì là không thể được. Trước khi nếm trà, cần buông bỏ những phiền muộn, những điều cố chấp trong lòng, tĩnh tâm lại, bắt đầu tiến vào cảnh giới thẩm mỹ nếm trà, lặng lẽ lĩnh hội sắc của trà, hương của trà, vị của trà, hình tượng của trà… , từ đó mà tĩnh lặng quan sát, nghĩ lại về cuộc sống nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính, đạt tới cảnh giới “Tĩnh Không” trong tâm hồn, nhận thức được cái đẹp của “Tĩnh Hư”.

6. Sự “Tầm thường” của Trà đạo

Bậc thầy trà đạo người Nhật Bản tên là Sen no Rikyu từng nói: “Cần phải biết rằng gốc rễ của trà không gì khác hơn là nấu nước châm trà”. Nói như vậy là một câu đã trúng đích. Bản chất của Trà đạo quả thật là từ những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày mà hiểu được sự huyền bí của vũ trụ và triết lý của nhân sinh. Tu Phật tu Đạo cũng là muốn mọi người thông qua việc “Tu sửa và tinh luyện” từng chút một trong cuộc sống, từ những việc tầm thường nhỏ bé mà triệt ngộ được Đại Đạo.

Cho nên người xưa nói: “Chớ vì việc Thiện nhỏ bé mà không làm, chớ vì việc Ác nhỏ bé mà làm”. Không nên bời vì một việc tốt thật nhỏ mà không chịu làm, bởi vì mỗi lần làm một việc thiện sẽ tích được phúc đức.

Đương nhiên cũng không nên cho rằng một việc xấu nào đó là nhỏ nhoi mà tùy tiện làm bừa, bởi vì hễ làm điều xấu thì sẽ bị tiêu giảm phúc phận, nếu nghiêm trọng còn có thể bị giảm thọ, hại lây đến cả người nhà. Có lẽ bạn không lập tức nhìn thấy được kết quả, nhưng tích tiểu thành đại, những việc thiện ác nhân quả trên thế gian không thể nào tránh, được một ngày nào đó sẽ phải hoàn trả báo ứng.

7. Sự “Buông xả” trong Trà đạo

Nỗi buồn khổ của con người, xét cho cùng là bởi vì “Buông bỏ không được”, cho nên Phật gia giảng “Buông bỏ”. Tu hành cần phải tu buông bỏ tất cả mới có thể nhập Đạo, nếu không thì chỉ phí công vô ích. Buông bỏ tất cả nghĩa là gì?

Buông bỏ sự buồn rầu của đời người, buông bỏ Danh, Lợi, Tình của thế gian, buông bỏ các dạng tâm cố chấp, dục vọng, buông bỏ tất cả các loại tâm “Buông xả không được”, buông xả tất cả, thì con người tự nhiên nhẹ nhõm ung dung vô cùng, nhìn thấy trời xanh biển thắm, sơn thanh thủy tú, nhật lệ phong hòa, nguyệt minh tinh lãng.

Nếm trà cũng nhấn mạnh đến “Buông bỏ”. Buông bỏ công việc đang phải làm, tranh thủ được nửa ngày nhàn nhã kiếp phù sinh, buông lỏng một chút cái thần kinh đang căng thẳng, nới lỏng một chút cái tâm hồn bị phong kín kia ra.

Có câu thơ tuyệt hay rằng:

 “Phóng hạ diệc phóng hạ, hà xử lai khiên quải?

Tố cá vô tâm nhân

tiếu đàm tinh nguyệt đại” 

Tạm dịch:

Buông là buông bỏ thôi, cần chi phải bận lòng? Làm một người thảnh thơi, tận hưởng trời trăng sao. Mong mọi người đều có thể buông bỏ được mọi thứ, trở thành người có được sự thảnh thơi.

Tu hành Trà Đạo quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, tĩnh lặng mà xem sự biến hóa của nó, tâm tính linh hoạt kỳ ảo, trong cuộc sống thường ngày thấy được chân tướng sự thật, cuối cùng có thể buông bỏ được sự sướng khổ của đời người, thấu triệt triết lý của nhân sinh, sự ảo diệu của vũ trụ, từ đó mà phản bổn quy chân (quay trở về nguồn cội).

Vì vậy mà Thần đã trao cấp cho con người trong mỗi ngành nghề, trong mỗi loại văn hóa đều có thể giúp người ta tu luyện tâm tính, nâng cao cảnh giới của sinh mệnh. Bởi vì trong mắt của Thần, con người căn bản không phải là sống tại thế gian để làm người, mà là có ý nghĩa rất thâm sâu hàm chứa bên trong. Thần mỗi thời khắc đều cố gắng thức tỉnh con người một cách lặng lẽ, che chở cho con người, hy vọng con người có thể chân chính bước đi trên con đường thành Thần.

Tác giả: Thanh Phong

Nguồn: Minh Huệ

https://vn.minghui.org/news/16707-van-hoa-than-truyen-tra-dao-cua-nguoi-trung-hoa.html

Nguồn video: Chánh Kiến Việt Ngữ

Bài viết liên quan: Công phu ở một chữ “Nhẫn”

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

2.5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x