Bí ẩn chưa có lời giải: Truyền thừa ở Tây Tạng – Khoa học chưa thể giải thích

Bí ẩn chưa có lời giải: Truyền thừa ở Tây Tạng – Khoa học chưa thể giải thích
Truyền thừa bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời giải, người không biết chữ lại có thể hát được sử thi anh hùng dài hàng triệu chữ. Rốt cuộc thì đằng sau những nghệ nhân hát nói Tây Tạng có Thần lực trợ giúp nào? (Hình ảnh: Chương trình “Bí ẩn chưa có lời giải” cung cấp”)

Anh hùng là khởi đầu trong các truyền thuyết của mỗi dân tộc. Chẳng hạn như lịch sử Hoa Hạ mà mọi người đều quen thuộc: Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa vá trời tạo ra loài người, Hoàng Đế đại chiến Si Vưu v.v. Mà sử thi là những bài trường thi tự sự kể về các nhân vật anh hùng.

Câu chuyện ngày hôm nay của chúng ta bắt đầu với bộ sử thi dài nhất thế giới, được lưu truyền rộng rãi tại Tây Tạng và khu vực Trung Á, “Sử thi vua Gesar”. Tương truyền “Sử thi vua Gesar” đã có lịch sử hàng ngàn năm. Vì không rõ tác giả, các phiên bản cũng khác nhau, do đó nó bao gồm bản viết tay, bản Terma, bản khắc gỗ, bản hát nói dân gian. Ngay cả khi đã lược bỏ những phần trùng lặp thì nó vẫn còn 1 triệu dòng. Quả không khoa trương khi nói rằng đây là bộ sử thi dài nhất thế giới.

“Sử thi vua Gesar” đại thể phân thành 3 phần: thiên mở đầu, thiên chinh chiến và thiên kết thúc. Thiên mở đầu bắt đầu từ thời kỳ sáng thế. Vùng Tây Tạng có rất nhiều yêu ma vẫn chưa hoàn toàn bị hàng phục, Thiên giới quyết định đưa một vị anh hùng hạ thế để chế ngự những yêu quái này. Do đó, vua Gesar giáng sinh. Ngài thông qua cuộc thi đua ngựa, đăng quang Vương vị, cưới mỹ nữ Châu Mẫu làm Vương phi. Thiên chinh chiến chính là sự tích anh hùng sau khi ngài xưng vương, hàng phục các loại ma vương v.v…. Thiên kết thúc gồm có an định tam giới, hồi quy Thiên quốc v.v. Trong đó nội dung thiên chinh chiến là dài nhất. Vào năm 2018, “Sử thi vua Gesar” có một đoạn thời gian không được tìm thấy trên mạng xã hội tại Trung Quốc đại lục. Nó trở thành từ ngữ mẫn cảm. Nguyên nhân bởi vì trong hai kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc có người đã đọc nhầm vua Gesar thành vua Sagar. Do e sợ người dân nghị luận về sai lầm của lãnh tụ, vì thế toàn bộ các trang mạng ở Trung Quốc đại lục đã phong tỏa “Sử thi vua Gesar” một khoảng thời gian. “Sử thi vua Gesar” bỗng nhiên gặp nạn. Tuy nhiên, từ đó có thể thấy rằng sức ảnh hưởng của “Sử thi vua Gesar” quả thật không nhỏ.

Điều đặc biệt nhất ở “Sử thi vua Gesar” chính là phương thức thành văn của nó. Mọi người đều biết trên thế giới có không ít những sử thi nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi, và người ta đều biết là do ai đã viết chúng. Chẳng hạn như hai bộ sử thi có sức ảnh hưởng lớn đối với phương Tây và được lưu truyền rất lâu đời là “Sử thi lliad” và “Sử thi Odyssey”. Tác giả là một người Hy Lạp cổ khiếm thị tên là Homer. Vì vậy, người đời sau đã gọi “Sử thi lliad” và “Sử thi Odyssey” là sử thi của Homer. Hai bộ trường thi trứ danh của Ấn Độ là “Sử thi Ramayana” và “Mahabharata”. Tác giả của “Sử thi Ramayana” là Valmiki, tương truyền tác giả của “Sử thi Mahabharata” là Vyasa. Nhưng “Sử thi vua Gesar” lại hoàn toàn là do nghệ nhân dân gian và kỳ nhân hiểu pháp thuật biên soạn, không hề có tác giả, lại có thể hình thành trường thi và được truyền xướng hàng ngàn năm. Điều này quả thật hiếm thấy.

Vậy những người hát nói và những kỳ nhân này đã lấy linh cảm từ đâu?

Một kiểu nghệ nhân có văn hóa có thể xem hiểu Tạng văn. Họ nói hát theo bản gốc, hơn nữa tố chất nuôi dưỡng âm nhạc của họ cũng rất cao. Một vài nhân viên nghiên cứu trong lúc điều tra tại thành phố Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải đã tìm thấy những nghệ nhân này. Giai điệu của “Sử thi vua Gesar” được họ nói hát rất phong phú, có gần 80 loại. Mỗi nhân vật chính đều có giai điệu riêng, ví dụ như lúc vua Gesar xuất hiện thì có giai điệu của Gesar, Vương phi Châu Mẫu lại có giai điệu của Châu Mẫu. Người địa phương chỉ cần nghe đến giai điệu do nghệ nhân ngâm xướng lên thì đều có thể phân biệt được nhân vật nào sắp xuất hiện. Những nghệ nhân hát xướng rất sinh động chân thật, khiến người nghe cảm thấy say mê.

Vậy làm cách nào họ có được những quyển sách đó để hát nói theo sách? Như chúng tôi đã đề cập trước đó, “Sử thi vua Gesar” không có tác giả cố định, mà do dân gian truyền xướng. Nguồn gốc của nó tương đối thần bí và huyền ảo. Đặc biệt, trong số họ có rất nhiều người không biết chữ hoặc bán mù chữ, nhưng lại có thể miêu tả một cách trôi chảy cuộc chiến oanh liệt bằng những câu thơ có vần điệu điêu luyện. Hôm nay chúng ta sẽ nói về những con người kỳ lạ và những câu chuyện kỳ lạ này nhé.

Đạo cụ thần kỳ

Tại huyện Jomda, khu Qamdo có một nghệ nhân tên gọi là Ba Sâm Cách. Ông luôn cầm một tờ giấy trong lúc hát nói, chỉ cần cầm tờ giấy là có thể hát nói được. Nhưng điều thú vị là ông không hề biết chữ. Thậm chí có lúc tờ giấy trên tay ông chỉ là một tờ giấy trắng không có chữ, nhưng chỉ cần ông cầm tờ giấy một cách tượng trưng, thì dường như ông có thể nhìn thấy và xem hiểu được chữ, sau đó liền có thể hát nói được. Có nghệ nhân lại sử dụng chiếc mũ thần kỳ. Khi bắt đầu họ thường giới thiệu về chiếc mũ của mình trước, hình dáng và ngụ ý của nó, sau đó họ đội mũ lên đầu. Điều thần kỳ là, trong chiếc mũ như thật sự chứa đựng cả càn khôn. Đội chiếc mũ có ý nghĩa tượng trưng lên đầu, câu chuyện liền xuất hiện trong đầu, sau đó họ chính thức hát nói.

Với chúng ta, tờ giấy trắng và mũ chỉ là đạo cụ, nhưng trong mắt các nghệ nhân thì đạo cụ này tựa như gậy Thần của Tiên Nữ, chứa đựng một loại siêu năng lực nào đó.

Còn một vị khác thì lại sử dụng gương đồng. Tại huyện Riwoqê vùng Qamdo, có nghệ nhân tên gọi là Khải Sát Trác Ba. Sau khi cung phụng gương đồng, ông lấy một nắm lúa mì thanh khoa, thổi một luồng khí, sau đó rắc lên gương đồng, thì liền có thể nhìn thấy hình ảnh và văn tự. Ông đã sao chép được 11 bộ về “Vua Gesar” từ gương đồng. Một bộ trong đó đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Nhân dân Tây Tạng, được phân thành 2 bộ thượng và hạ, gọi là “Digar”.

Cảm hứng từ giấc mơ

Ngoại trừ việc sử dụng đạo cụ, còn có một cách khác thần kỳ hơn nữa. Những người này thường có những giấc mơ hoặc đã từng trải qua một sự việc nào đó vào thời thơ ấu, sau đó họ dường như mắc phải một căn bệnh lạ. Trong quá trình bị bệnh, họ được các Lạt Ma trong tự viện niệm kinh cầu nguyện, từ đó khởi phát được trí huệ hát nói “Sử thi vua Gesar”, và không ngừng diễn xướng.

Nghệ nhân hát nói Trác Ba là một ví dụ điển hình. Ông sinh năm 1905, qua đời vào năm 1986, hưởng thọ 81 tuổi. Năm 1913, khi Trác Ba lên tám tuổi đã xảy ra một chuyện đại sự. Cậu bé Trác Ba mất tích suốt 7 ngày. Cha mẹ tuyệt vọng cho rằng cậu đã gặp chuyện bất hạnh, bèn thỉnh mời Lạt Ma niệm kinh siêu độ cho cậu. Tuy nhiên, lúc này họ lại bất ngờ phát hiện cậu bé đang nằm ngủ mê man sau một tảng đá lớn cách nhà không xa. Lúc được tìm thấy, trên người cậu toàn là đất. Cậu liên tục ngáp, nhưng lại không biết là đã 7 ngày trôi qua. Cậu bé nói rằng bản thân cảm thấy chỉ như vừa nằm mơ. Trong mơ cậu trông thấy đại tướng Denma dưới trướng của vua Gesar đang mổ bụng cậu, lôi lục phủ ngũ tạng của cậu ra, sau đó nhét quyển sách có chứa sử thi vào bên trong. Từ đó về sau, một người chưa từng được đi học như Trác Ba quả thật giống như đã uống một bụng đầy mực, cậu bắt đầu không ngừng hát nói những bài thơ về vua Gesar.

Lúc đầu, dân làng không biết còn cho rằng cậu bé bị điên khi nghe cậu lẩm nhẩm một mình. Về sau có người nói rằng cậu bé dường như đang nói về câu chuyện của vua Gesar. Ba ngày trôi qua vẫn không thấy tiến triển, cha của cậu đành đưa cậu bé đến tự viện Bianba gần nhà, thỉnh mời cao tăng Rinpoche xem xét. Nghe nói rằng, ngày hôm đó cao tăng Rinpoche đã dự cảm được sẽ có người tìm đến, nên đã dặn dò trước với các đệ tử rằng: Hôm nay hãy mở rộng cổng lớn của tự viện, bất luận là ai cũng đều mời vào. Sau khi Rinpoche gặp cậu bé Trác Ba, ông điềm tĩnh nói với cha của cậu bé rằng: Ông hãy yên tâm trở về đi, cậu bé không sao đâu, hãy để nó ở lại đây mấy hôm. Rinpoche sai người chuẩn bị một nồi đồng lớn, bên trong đổ đầy nước và sữa, rồi cho Trác Ba ngâm mình trong đó. Một lúc sau, vị cao tăng đứng bên cạnh niệm kinh. Ba ngày sau, ông làm lại một lượt nữa. Dần dần, Trác Ba có thể tự mình hát nói theo ý mình. Sau khi Trác Ba trở về nhà không lâu, một vị Lạt Ma Tây Tạng trên đường hành hương từ Ngũ Đài Sơn trở về, ngang qua Bianba đã đến nhà của Trác Ba. Ông dặn dò mẹ của Trác Ba rằng: Hãy nuôi dưỡng cậu bé thật tốt, đừng để cậu gặp phải những đồ vật bẩn thỉu và những điều xui xẻo. Hãy để cậu luôn luôn sạch sẽ, con trai của bà sẽ quý hơn cả một ngôi nhà bằng vàng.

Trác Ba sau khi từ tự viện trở về nhà thì hoàn toàn thay đổi so với trước đây. Cậu bé chỉ cần mở miệng là có thể hát ra câu chuyện về vua Gesar. Cậu không cần suy nghĩ, cũng không cần chuẩn bị, như thể là cậu đã được học từ trước đó. Cậu hát cho người nhà nghe, hát cho dân làng nghe, mọi người ai nấy đều khen hay. Từ đó về sau, Trác Ba bắt đầu một đời hát nói “Sử thi vua Gesar”. Bất luận ở tại quê nhà, hay trong những năm tháng đi ăn xin hoặc sinh sống nơi đất khách quê người trong các cuộc vận động sau năm 1949, ông vẫn luôn hát nói “Sử thi vua Gesar” dài hàng chục ngàn chữ một cách trôi chảy thuần thục.

Còn một nghệ nhân hát nói khác nữa tên là Ngọc Mai. Bà tự thuật rằng vào năm 16 tuổi, trong lúc bà cùng với một người bạn tên là Tư Nhân Cơ đến sau ngọn núi gần nhà để chăn bò thì Ngọc Mai đã ngủ thiếp đi. Lúc này cô gái đã mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Cô trông thấy hai hồ nước lớn, một hồ nước trắng và một hồ nước đen. Một con yêu quái mặt đỏ từ trong hồ nước đen nhảy ra muốn lôi cô xuống hồ. Trong lúc cô đang cố gắng giãy giụa thì từ trong hồ nước trắng xuất hiện một vị Tiên tử vô cùng xinh đẹp, đầu đội Ngũ Phật quan, tượng trưng cho năm loại trí huệ trong Phật giáo Mật tông. Tiên tử cứu lấy Ngọc Mai, rồi nói với yêu quái rằng: “Cô ấy là người của vua Gesar chúng ta. Ta cần phải dạy cho cô ấy truyền tải toàn bộ những thành tích anh hùng của vua Gesar cho người dân Tây Tạng.

Lúc này, lại xuất hiện một thiếu niên mặc y phục trắng bước ra từ hồ nước trắng. Họ cùng nhau tắm rửa cho Ngọc Mai, sau đó tặng cho cô bảo thạch và 9 bờm ngựa trắng, rồi bảo cô trở về. Tiếp sau đó, một con Thần ưng bay đến, kéo Ngọc Mai đến đài thiên táng. Nó mổ lấy một miếng thịt trên vai của Ngọc Mai để cúng cho Thần. Ngọc Mai đau đớn tỉnh giấc. Sau khi trở về nhà, cô xuất hiện trạng thái y hệt như cậu bé Trác Ba được kể ở trên. Cha cô đưa cô đến tự viện Rebudan để thỉnh cầu cao tăng Vĩnh Công niệm kinh cho Ngọc Mai. 4-5 ngày sau, cô bắt đầu thanh tỉnh trở lại. Sau khi bình phục hoàn toàn, cô có thể hát nói “Sử thi vua Gesar”.

Trùng hợp là, một nghệ nhân hát nói khác tên là Tang Châu cũng có trải nghiệm tương tự vào năm 11 tuổi. Một hôm, cậu lên núi Bắc Tạng để chăn dê, trời chợt mưa nhẹ. Tang Châu bèn lùa dê vào một sơn động. Bản thân cũng chui vào trong động để trú mưa, bất giác cậu ngủ thiếp đi. Trong mộng, cậu đang vật lộn với vài người, vua Gesar đã cứu cậu. Khi đó cậu rất kích động, muốn nói lời cảm tạ thì chợt tỉnh giấc. Từ đó, cậu cũng bắt đầu ngẩn ngơ mơ hồ. Cha đưa cậu đến tự viện Trung Hộ thỉnh pháp sư Liệt Đan kiểm tra. Cậu lưu lại tự viện được vài hôm thì khỏe lại. Một đêm nọ, cậu nằm mộng thấy bản thân đang xem sách “Sử thi vua Gesar”, cậu vô cùng hứng thú lần lượt xem hết bộ này đến bộ khác. Khi tỉnh giấc, nội dung trong sách xuất hiện rõ ràng trước mắt cậu. Từ đó, cậu bắt đầu diễn hát “Sử thi vua Gesar”.

Bây giờ hãy nói về nghệ nhân hát nói Tư Nhân Chiêm Đôi ở huyện Giáp Trác Tây Tạng. Vào một đêm nọ, cậu bé 13 tuổi đã có một giấc mơ kỳ lạ. Cậu mơ thấy vua Gesar hùng mạnh thống lĩnh quân đội thắng lợi trở về. Cậu kích động tiến về phía trước, cung kính hiến tặng khăn Khata cho vua Gesar, người mà cậu luôn sùng bái. Ba ngày sau giấc mơ, cậu bắt đầu biết hát nói “Sử thi vua Gesar”. Tư Nhân Chiêm Đôi có thể có được khả năng này dường như là do thiên định, bởi vì trước đó đã từng xảy ra sự việc như vậy.

Vì mẹ mất sớm nên cha và các anh chị đều rất thương yêu cậu bé. Điều này khiến cậu trở thành một cậu bé ngang ngược và hung dữ. Năm 9 tuổi, cậu đã đánh một cậu bé khác trong làng rất nặng. Người nhà vì vậy đã giáo huấn cậu một trận. Trong cơn tức giận, cậu đã bỏ chạy khỏi nhà, chui vào một sơn động tên là Tháp Gia Kiệt và trốn ở trong đó. Trong hang động tối om, cậu bé mơ màng ngủ thiếp đi. Lúc này, cậu trông thấy một vị Lạt Ma đến hỏi: “Sau khi trưởng thành, con muốn làm nghề hát nói “Sử thi vua Gesar” hay muốn làm người quản lý tự viện? Tư Nhân Chiêm Đôi không do dự mà đáp rằng: “Con muốn hát “Sử thi vua Gesar”. Sau khi tỉnh lại trở về nhà, tuy cậu không nói gì, nhưng từ đó về sau cậu thường xuyên thấy câu chuyện về vua Gesar trong giấc mộng. Sau năm 13 tuổi, cậu bắt đầu có thể hát nói. Cậu hát nói rất hay, một đồn mười, mười đồn trăm, mục dân ở vùng lân cận đều rất thích cậu.

Trong lúc hát nói, cậu thường nhắm khẽ hai mắt, không nhìn khán giả, toàn tâm toàn ý đặt vào việc hát nói. Tư Nhân Chiêm Đôi đã hát nói tổng cộng 63 bộ “Sử thi vua Gesar”. Cậu có thể hát danh mục “Vua Gesar” với dàn ý câu chuyện hoàn chỉnh từ đầu tới cuối. Loại dàn ý này thuộc thể văn vần, trước đó là những dòng văn tán tụng ca ngợi, sau đó trực tiếp đi vào chính văn. Mỗi bộ đều có 4-8 câu thơ, giới thiệu nội dung tình tiết chủ yếu của bộ đó. Tư Nhân Chiêm Đôi nói, chỉ cần bản thân không ăn thịt bẩn, không để thân thể nhiễm phải loại khí bẩn nào, không châm cứu, không trị liệu và không tiếp xúc với lửa, thì kinh lạc sẽ duy trì sự thông suốt. Lúc ấy, Thần kể chuyện có thể nhập vào tâm trí, và linh cảm của ông không ngừng hát nói những trường thi sinh động mà nhịp nhàng.

Những nghệ nhân hát nói “Sử thi vua Gesar” đều không phải là sư đồ hoặc phụ tử truyền thừa. Họ cho rằng khả năng hát nói sử thi của họ hoàn toàn dựa vào duyên phận và sự khởi phát của Thần. Sự xuất hiện của nghệ nhân hát nói qua mỗi đời đều là chuyển thế của những nhân vật có liên quan đến vua Gesar. Do đó, họ mới có thể dễ dàng hát ra câu chuyện truyền kỳ dài hàng vạn chữ.

Terma

Còn có một loại thông qua phương thức “Terma” mà có được khả năng hát nói. Terma là một phương thức của Tạng kinh, tương truyền nguồn gốc xuất hiện sớm nhất của nó đến từ Đại sư Liên Hoa Sinh. Ông cất giấu Pháp của mình tại một số nơi và đợi người có duyên đến lấy. Thời cơ đến, một người nào đó sẽ dựa theo lời chỉ điểm mà đến các nơi như ao hồ, hoặc nham thạch, sơn động v.v. để nhận. Trên bề mặt, những gì họ nhận được chỉ là một vài câu nói, nhưng thông qua những câu nói này, họ có thể lĩnh ngộ được toàn bộ nội dung của kinh thư. Một số nghệ nhân hát nói dựa theo những cách thức tương tự để có được câu chuyện về vua Gesar. Những nghệ nhân này được gọi là nghệ nhân quật tạng. Có một nghệ nhân tên gọi là Cách Nhật Kiên Tham, người Quả Lạc, tỉnh Thanh Hải. Ông đắc được một loại linh cảm trong lúc mơ hồ. Dựa vào linh cảm này ông có thể viết ra sử thi. Chuyên gia bản địa giám định nội dung bài của ông đều cảm thấy rất xuất sắc. Bản thân ông cũng nói rằng có thể viết được 120 bộ. Vào thời điểm được phỏng vấn, ông đã viết được hơn 30 bộ.

Xem ra, không chỉ có vua Gesar là truyền kỳ, mà ngay cả câu chuyện về những người Tây Tạng hát nói về câu chuyện của ông cũng có những truyền kỳ khác nhau. Có thể vì đằng sau họ có Thần lực trợ giúp, nên “Sử thi vua Gesar” mới có thể trải qua hàng ngàn năm mà vẫn được lưu truyền nguyên vẹn.

Tổ “Bí ẩn chưa có lời giải” thực hiện

Tịnh Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x