Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu – Phần 2): ‘Thiên’ và ‘Thần’

tong quan ve van hoa tq minh chan tuong
Chính thuật lịch sử Trung Quốc trong văn hóa Thần truyền. (Ảnh: The Epoch Times)

Phần hai trong lời mở đầu của loạt bài Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc nói đến “Thiên” và “Thần”. “Thiên” chính là “Thần”, là cội nguồn và lực lượng bảo hộ của văn hóa lịch sử Trung Quốc.

Khi nhắc đến “Thần”, “Thượng đế”, nhiều người sẽ liên tưởng đến khái niệm “Chúa” (God) duy nhất mà các tôn giáo phương Tây như Cơ đốc giáo thường nhấn mạnh. Trên thực tế, dân tộc Trung Hoa là dân tộc kính Thần, yêu Thần nhất.

Trong lịch sử, từ Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Nữ Oa nặn đất tạo ra con người, Đại Đạo phi thăng, chân Tiên đắc Đạo, La Hán tu luyện xuất Tam Giới, Bồ Tát đại từ bi, Phật Đà phổ độ chúng sinh, cho đến non sông gấm vóc, những bậc anh linh thánh hiền, khắp miền đất Thần Châu rộng lớn có thể nói vạn vật đều có linh.

Trong cuộc sống, người Trung Quốc vẫn nói câu ‘trên đầu ba thước có thần linh’, từ sinh, lão, bệnh, tử, hôn giá nhân duyên, sinh con đẻ cái, cho đến học vấn quan lộ, phúc lộc vận thế, cát hung thành bại, mọi việc dù lớn hay nhỏ đều do các vị thần ở các tầng thứ khác nhau an bài. Thần là vô xứ bất tại.

Vậy thế nào là Thần? Trong ấn tượng trực quan của người Trung Quốc, thần có hình tượng đẹp giống như của con người. Điều này liên quan đến việc Nữ Oa dựa theo hình tượng của chính mình mà dùng đất nặn ra con người. Và trong văn hóa truyền thống của người Trung Quốc, trên nền tảng văn hóa Hán tự Thần truyền, hàm nghĩa về Thần được ẩn chứa trong cấu trúc của Hán tự “Thần” (神).

Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu - Phần 2): ‘Thiên’ và ‘Thần’

Như vậy, trong nhận thức của văn hóa truyền thống Trung Quốc, Thiên Đạo và Thần đã tạo ra vạn vật trong vũ trụ. Hình tượng và tín tức của Ngài là vô xứ bất tại.

Vì vậy, văn hóa truyền thống luôn coi trọng việc thuận theo Đạo, theo phép Trời, kính Thần, lễ Phật. Ngay cả trong Nho giáo, vốn coi trọng luân lý làm người và tam cương ngũ thường, thì cũng xuất phát từ việc kính Trời và lễ trọng tổ tiên, “úy Thiên mệnh” (kính sợ mệnh trời), coi luân thường ở nhân gian là “Thiên luân”.

Lễ bái trang trọng nhất đối với tổ tiên chính là dùng tâm thái và nghi thức tế Thần để tế tự và sùng bái anh linh của tổ tiên — Quỷ Thần, lấy sự thấu hiểu về đạo tam tài “thiên-địa-nhân” ra đối chiếu, diễn dịch với lễ nghĩa trong nhân luân cương thường.

Người Trung Quốc cổ đại viện dẫn lý từ dòng chảy văn minh của Trời, điều này có thể nhận thấy rất rõ ràng. Ví dụ như việc triều đại nhà Chu lấy “Thiên, Địa, Xuân, Hạ, Thu, Đông” làm sáu chức quan trị vì thiên hạ. Đây chính là cách áp dụng sinh động nguyên lý “thiên nhân hợp nhất” vào chế độ cai quản của ba triều đại Hạ, Thương, Chu.

Hơn nữa, các triều đại đều luôn chú trọng “Thiên phụ Địa mẫu” (Trời là cha, Đất là mẹ), cũng chính là Thiên đạo của Đạo gia và lý của âm dương, thể hiện trong luân lý làm người và đạo hiếu của Nho gia. Hay như Đổng Trọng Thư, đại Nho sĩ nhà Tây Hán, đã dựa trên thuyết âm dương, luận ngũ hành sinh khắc của Đạo gia và Âm Dương gia, cùng với quan điểm “Thần sự quân, tử sự phụ, thê sự phu” (Thần dân phụng sự vua, con phụng sự cha, vợ phụng sự chồng) của Hàn Phi, Pháp gia thời Chiến quốc, để phát triển thành học thuyết “Tam cương ngũ thường” và “Thiên địa quân thân sư” mà hậu thế vẫn luôn tôn sùng.

Tất cả những điều này đều là sự diễn dịch Thiên lý, Thiên đạo ở các tầng diện nhân văn khác nhau, qua các thời đại khác nhau. Chính vì người Trung Hoa luôn coi Thiên lý, Thiên đạo là nguồn gốc của văn minh, nên trong cách nhìn nhận của cổ nhân, “nghịch Thiên phản Đạo”, “khi sư diệt tổ” là những tội ác không thể dung thứ.

Cho đến ngày nay, trong hệ tư tưởng của người Trung Quốc vẫn còn lưu giữ ký ức về “Thiên” và “Thần”. Cho nên, kể cả những người cố chấp nhất, miệng vẫn luôn nói không tin Thần Phật, nhưng khi lâm vào đường cùng, vẫn sẽ cảm thán một cách tự nhiên là “Thiên! Lão Thiên da” (Trời ơi! Ông Trời à!) Ngay cả những người ngạo mạn nhất, tự cho bản thân là người không sợ trời, không sợ đất, nhưng khi đến bước ‘vạn kiếp bất phục’ cũng nhất định phải “nhận mệnh”.

“Thiên” ở đây chính là “Thần”, với ý nghĩa rộng lớn, phong phú và sâu xa hơn.

“Mệnh” ở đây chính là “Thiên mệnh”, là mệnh lệnh do Thiên Thượng định sẵn.

Những cụm từ thường xuyên bắt gặp trong sách cổ như “Thượng Thiên”, “Hạo Thiên”, “Hoàng Thiên”, v.v., đều mang nghĩa chỉ vị thần cai quản thiên hạ từ trên Thiên Thượng. Dưới đây là một số ví dụ:

“Cảm chiêu cáo vu Thượng Thiên Thần Hậu, thỉnh tội hữu hạ” (Tạm dịch: Dám thỉnh cầu Thiên Thượng Hậu Thần, thỉnh xin được tha tội).

“Hạo Thiên Thượng Đế, tắc bất ngã di” (Tạm dịch: Hạo Thiên Thượng Đế sẽ không bao giờ bỏ rơi con).

“Hoàng Thiên quyến mệnh, yểm hữu tứ hải vi Thiên hạ quân” (Tạm dịch: Hoàng Thiên ban mệnh, cho ta cai quản bốn biển làm vua thiên hạ).

“Thiên mệnh huyền điểu, hàng nhi sinh Thương” (Tạm dịch: Huyền điểu mang thiên mệnh, giáng xuống sinh ra nhà Thương).

“Bất ngu Thiên tính, bất địch suất điển” (Tạm dịch: Không xét Thiên tính, không theo phép tắc)…

Người Trung Quốc khi nhắc đến “Thiên” trong cuộc sống thường ngày, thông thường là nói đến Thiên đạo, Thiên ý, Thiên số, Thiên mệnh, Thiên cơ, Thiên đế, thiên thần, Thiên giới, Thiên đường, Thiên uy, Thiên vị (vị trí của trời), Thiên lại (âm thanh tự nhiên), v.v. Ngay cả khi nói đến khoảng không tầng tầng bất tận gọi là “thiên không” vũ trụ trên cao kia, nhìn thì thấy nhưng không sờ tới được, đối với con người, đây vĩnh viễn là một điều bí ẩn.

Bởi vì con người là do Trời tạo ra, do Thần tạo ra, cho nên những gì bẩm sinh, quý giá nhất và không thể thay đổi đều được gọi là Thiên chân (hồn nhiên), Thiên lương (lương tâm), Thiên tính, Thiên phú, Thiên luân (quan hệ gia đình), …

Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu - Phần 2): ‘Thiên’ và ‘Thần’
Các thể chữ khác nhau của Hán tự “Thần” và “Thiên”. (The Epoch Times thực hiện)

Theo như “Thuyết Văn Giải Tự”: “Thiên, điên dã. Chí cao vô thượng, tòng nhất đại”, tạm dịch: Thiên nghĩa là đỉnh. Chí cao vô thượng, bắt đầu từ chữ “nhất” (一).

“Thiên” chính là chữ “nhất” (一) trên đỉnh đầu con người, là chữ “nhất” mà Lão Tử nói trong câu “Đạo sinh nhất”, chính là cái do “pháp” trong “Đạo pháp tự nhiên” sinh ra. Cuối cùng, “Thiên” cũng chính là “Đạo” chiếu thị từ trên cao xuống cho con người, chính là “Pháp” cuối cùng dùng để hoạch định cho con người.

Cổ nhân thường nói “Thiên ngoại hữu thiên”, nghĩa là “Trên trời có trời”. Đây là câu nói được mọi người sử dụng hằng ngày, nhưng không hề biết rằng ẩn trong đó là một đại thiên cơ: “Thiên” là đấng cai quản con người, là Thần minh.

Chúng Thần ở các tầng diện nhiều vô kể, các chủng các dạng cũng nhiều vô cùng tận, bao gồm cả hữu hình và vô hình, tất cả họ đang cai quản loài người. Nói theo cách hiện đại, truyền thống Trung Hoa từ xưa vẫn luôn là “đa thần luận”. Nhận thức này so với các dân tộc hoặc tôn giáo khác là đặc biệt sâu sắc

Các dân tộc khác đều tôn sùng vị Thần Sáng thế trong các thần thoại truyền thế của họ. Từ đó, họ cố chấp vào những nhân sĩ của một hình thức tôn giáo nào đó, thậm chí sẽ bài xích thuyết nói về các vị thần khác. Trên thực tế, các vị thần khác nhau đã tạo ra các chủng tộc và dân tộc khác nhau, truyền cho con người các thể hệ tín ngưỡng, tu luyện và giáo hóa khác nhau tương ứng với từng vị thần.

Do đó, đối với một dân tộc hoặc tôn giáo cụ thể, thì vị thần của họ tất nhiên là duy nhất. Tuy nhiên, trong văn hóa Thần truyền Trung Hoa, các vị thần là đồng tại, “thiên ngoại hữu thiên”. Do đó, thể hệ văn hóa Thần truyền Trung Hoa hướng tới một tầng diện cao hơn các chư Thần và chư Thiên.

Từ xa xưa, con người vẫn luôn có chung một nhận thức rằng vạn vật đều có chung cội nguồn. Cách nói “Thiên ngoại hữu thiên” (Trên trời có trời) của người Trung Quốc chính là con đường để truy về cội nguồn của vạn vật. Bắt đầu suy luận từ con người, lần lượt từng tầng đi lên. Trên vũ trụ thương khung vô tận ắt phải có một vị “Thiên” tối cao, một vị “Thần” tối cao, mà chúng ta vẫn tôn xưng Ngài là “Sáng Thế Chủ”. Ngài cai quản và sáng tạo ra tầng tầng Thiên, Địa, Thần, con người và vạn sự vạn vật.

Mà văn hóa độc nhất vô nhị của mỗi triều đại trong lịch sử Trung Quốc cũng chính như sự ứng chiếu của từng chư Thiên tại trần gian. Chính bởi nội hàm về Thần trong văn hóa truyền thống Trung Quốc bác đại tinh thâm đến vậy, nên người Trung Quốc xưa từ trong tiềm thức đã luôn thuận theo Thiên ý. Họ dùng chữ “Thiên” với hàm nghĩa quảng đại vô biên để tôn xưng các chư Thần cội nguồn của mỗi dân tộc và vị chủ tể tối cao trên những tầng trời cao nhất – Sáng Thế Chủ.

Cho nên, người Trung Quốc luôn chú trọng triết lý “Thiên nhân hợp nhất”. Mỗi gia mỗi phái cho đến từng cá nhân đều có cách lý giải riêng về triết lý này. Tuy nhiên, nhìn chung, “Thiên nhân hợp nhất” nghĩa là con người cần phải thuận theo Trời, đạo làm người cần phải thuận theo đạo Trời, ý Thần, và cuối cùng quy về với Thiên Pháp tối cao, chính là Đại Đạo Đại Pháp của Sáng Thế Chủ.

Nhóm nghiên cứu ‘Lịch sử Trung Quốc trong văn hóa Thần truyền’ thực hiện

Chu Hi Thiết biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x