Chủ nghĩa dân tộc đã gia tăng sự cạnh tranh giữa hai hãng đồ sứ lớn nhất Âu Châu vào thế kỷ 18: Meissen và Sèvres.
Lịch sử đồ sứ có niên đại khoảng 2,000 năm, bắt nguồn từ Trung Quốc. Đồ sứ là một loại gốm trắng mờ được tráng men, thường được làm từ chất liệu cao lanh (kaolin), một loại đất sét, và đất trắng (petuntse), một loại khoáng chất, được nung ở nhiệt độ cao. Di sản đồ sứ ở phương Tây thì có niên đại muộn hơn nhiều. Đồ sứ Trung Hoa được nhập cảng vào châu Âu lần đầu tiên vào thế kỷ 14.
Người Âu Châu trở nên say mê chất liệu dễ vỡ nhưng bền chắc này, mà họ gọi là “vàng trắng,” và hoàng gia Âu Châu sưu tầm rất nhiều bộ sưu tập đồ sứ đồ sộ. Không hài lòng với việc mua hàng xuất cảng, những người trị vì Âu Châu muốn chế tạo bộ dụng cụ ăn uống và các vật trang trí bằng sứ của riêng mình. Mãi cho đến đầu thế kỷ 18, người Âu Châu mới có thể giải mã được [bí quyết] sản xuất đồ sứ đích thực, còn được biết đến là đồ sứ cứng (hard-paste).
Hai hãng đồ sứ lớn nhất Âu Châu vào thế kỷ 18 là Meissen và Sèvres (ban đầu được biết đến là hãng Vincennes). Chủ nghĩa dân tộc đã gia tăng sự cạnh tranh giữa hai công ty này. Meissen được sản xuất ở Saxony (một phần của Đức quốc ngày nay) và Sèvres là sản phẩm của Pháp, được sản xuất bên ngoài Paris.
Căn bệnh đồ sứ của Vua Augustus
Nói một cách nhẹ nhàng thì, người trị vì xứ Saxony, Augustus II, bị ám ảnh với đồ sứ. Vị Tuyển hầu (elector) này nổi tiếng nhất với cái tên Augustus the Strong, đã tự chẩn đoán mình mắc “Porzellankrankheit,” hoặc căn bệnh đồ sứ. Tính đến thời điểm ông qua đời, ông sở hữu hơn 35,000 món đồ sứ.
Vua Augustus cầm tù nhà giả kim Johann Friedrich Böttger ở Dresden, kinh đô của xứ Saxony, và ép buộc ông thử nghiệm các công thức chế tạo đồ sứ. Ông Böttger và các cộng sự của mình đã thành công trong việc lần đầu tiên tái tạo đồ sứ đích thực ở phương Tây. Sau đó, xưởng Meissen được thành lập vào năm 1710 dưới sự bảo trợ hoàng gia từ Vua Augustus.
Hãng Meissen thống lĩnh [thị trường] châu Âu trong 40 năm tiếp theo cho đến khi danh tiếng của hãng này bị lu mờ trước xưởng chế tạo của hoàng gia Pháp dưới thời Vua Louis XV.
Kiệt tác nghệ thuật của xưởng Meissen
Một kiệt tác thời đầu của xưởng Meissen là đồng hồ lò sưởi (quả lắc) có hình nàng Arachne và Nữ thần Athena, hiện thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Bảo tàng Rijksmuseum. Vật phẩm này có lai lịch và phong cách trang trí phức tạp.
Các học giả tin rằng đồng hồ có thể đã được chế tạo cho Vua Augustus. Đồng hồ này từng thuộc sở hữu của những người chủ danh tiếng vào thế kỷ 19 trước khi được đưa vào bộ sưu tập của đôi vợ chồng Franz và Margarethe Oppenheimer ở Berlin.
Ông bà Oppenheimers đã chạy khỏi thành phố [Berlin] để đến Vienna sau khi Hitler lên nắm quyền; sau đó họ trốn thoát khỏi nước Áo. Trước khi chạy thoát khỏi cuộc bức hại ở Vienna, ông bà Oppenheimers đã bộ sưu tập đồ Meissen quý giá của mình cho một nhà sưu tập người Hà Lan, người đã qua đời không lâu sau đó.
Đức Quốc xã đã mua lại bộ sưu tập đồ sứ này. Sau Đệ nhị Thế chiến, quân Đồng minh tìm lại được bộ sưu tập từ các mỏ muối, và quyền sở hữu được trao lại cho Chính phủ Hà Lan; họ đã gửi những vật phẩm này đến Bảo tàng Rijksmuseum.
Vào năm 2019, Hà Lan đã hoàn trả lại bộ sưu tập cho những người thừa kế của gia tộc Oppenheimers. Hai năm sau, công ty Sotheby’s thay mặt họ đấu giá bộ sưu tập, và bảo tàng Rijksmuseum đã mua lại hơn phân nửa các vật phẩm, gồm cả chiếc đồng hồ lò sưởi này, vốn là điểm nổi bật của cuộc giao dịch đó. Mặc dù được ước tính có giá từ 200,000 USD đến 400,000 USD, nhưng nó đã được bán với giá xấp xỉ 1.6 triệu USD.
Catalogue của Sotheby’s miêu tả chiếc đồng hồ như sau: “Hình dáng kiến trúc sắc sảo của thân đồng hồ được tôn lên bởi một kho tàng kỹ thuật trang trí xuất sắc, gồm các ô hình nhân vật phong cách Trung Hoa với màu sắc rực rỡ, điểm xuyết hoa văn lá cuộn màu nâu tía hoặc đỏ thẫm, hoặc họa tiết viền lam dưới men, cùng họa tiết nhân vật và xoắn ốc mạ vàng theo phong cách Trung Hoa trên lớp men bóng Böttger.”
Lớp men bóng có màu hồng tím này là phát minh của nhà giả kim Böttger, thường được sử dụng trong đồ sứ của xưởng Meissen với các chủ đề theo phong cách Trung Hoa, vốn là các họa tiết Đông Á được thay đổi để phù hợp với phong vị Âu Châu.
Các nhân vật ở trên đỉnh mái vòm tròn của vỏ đồng hồ gợi nhắc đến câu chuyện thần thoại về nàng thợ dệt trẻ tuổi Arachne và Nữ thần Hy Lạp Athena. Trong câu chuyện này, nàng Arachne khoa trương rằng kỹ năng dệt vải của nàng giỏi hơn cả Nữ thần Athena. Trong một cuộc tranh tài sau đó, nàng Arachne đánh bại Nữ thần. Nữ thần Athena nổi trận lôi đình, nguyền rủa nàng và biến nàng thành một con nhện.
Nguồn cảm hứng để tạo hình [cho các nhân vật này] có thể được lấy từ các tác phẩm điêu khắc cổ xưa và hiện đại do Vua Augustus sưu tầm, như ghi chú của nhà sử học nghệ thuật Maureen Cassidy-Geiger trong bài viết “Provenance and Prestige: The Margarethe and Franz Oppenheimer Collection” (Lai lịch và Danh tiếng: Bộ sưu tập của Margarethe và Franz Oppenheimer) của Sotheby’s.
Nghệ sỹ đầu tiên chế tác vỏ đồng hồ là ông George Fritzsche. Sau đó, điêu khắc gia Johann Gottlieb Kirchner đến đảm nhiệm việc sản xuất này và tiếp tục thực hiện một số đơn hàng nổi tiếng nhất của xưởng Meissen.
Những đóa hoa sứ của Vincennes
Pháp quốc ghen tị với sự thành công của Saxony với đồ sứ tại xưởng Meissen. Vào năm 1740, Xưởng Vincennes được thành lập ở một lâu đài hoàng gia phía đông Paris. Xưởng này được một người từng là thợ mộc điều hành.
Ông đã hoàn thiện việc chế tạo đồ sứ mềm có màu sáng hơn, trắng hơn. Mục đích của hãng này là sản xuất đồ sứ để cạnh tranh với đồ sứ của Meissen. Ban đầu, họ thường sao chép những tác phẩm nổi tiếng của Meissen. Năm năm sau ngày thành lập, vua Louis XV ban cho Vincennes giấy chứng nhận hoàng gia.
Một bộ các vật phẩm tại Trung tâm Getty tóm lược giai đoạn cạnh tranh đồ sứ này. Một cặp bình cắm hoa có chân đế, có phần thân bình làm từ đồ sứ Meissen trước năm 1733. Thân bình được trang trí hoa và côn trùng; được đổ bóng để mang đến độ chân thật cao. Trung tâm Getty giải thích rằng, “Họa sỹ đã cẩn thận đặt một vài con bọ nhỏ hơn để che đi khuyết điểm ở món đồ sứ này.”
Phần đáy của cặp bình Meissen này có tên viết tắt của Augustus the Strong (AR) dưới dạng chữ lồng, được vẽ bằng màu xanh lam, và chúng được nhập cảng vào Pháp quốc khoảng năm 1745. Sau khi đến Paris, một nhà buôn đã gắn vào đó phần chân đế mạ vàng. Sau đó, những đóa hoa sứ của Vincennes được một nghệ nhân gắn vào thân và cắm thành một bó hoa xinh xắn trong chiếc bình Meissen.
Hãng đồ sứ Vincennes trở nên đặc biệt nổi tiếng với những đóa hoa tự nhiên, rất được giới quý tộc và những người sành điệu ở Paris ưa chuộng vào những năm 1740. Một số nhà bảo trợ có các bộ sưu tập gồm hàng ngàn đoá hoa được tạo mẫu theo nhiều loài hoa khác nhau. Chúng được dùng để trang trí nội thất và thậm chí còn được xịt nước hoa để giống với một bó hoa thật hơn.
Vào năm 1756, hãng này chuyển đến khu đất được xây dựng đặc biệt ở Sèvres, một khu vực phía tây nam Paris. Công ty trở nên nổi tiếng với tên địa điểm mới của mình. Ba năm sau, Vua Louis XV trở thành chủ sở hữu duy nhất của hãng, và hầu hết gốm sứ của hãng đều được sản xuất cho hoàng gia Pháp và các triều thần, tương tự như Meissen dưới thời trị vì của vua Augustus the Strong.
‘Sắc hồng Rose Pompadour’
Một bình kỳ lạ có đầu voi tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan từ khoảng năm 1758 này là ví dụ tuyệt đẹp về sắc hồng Pompadour được ưa chuộng. Đến thời kỳ này, nhờ vào kỹ thuật khéo léo và các phong cách trang trí xa hoa, Sèvres đã trở thành hãng chế tạo đồ sứ mềm hàng đầu Âu Châu. Sèvres chỉ bắt đầu sản xuất đồ sứ cứng từ năm 1769, hai năm sau khi cao lanh được phát hiện ở thành phố Limoges, Pháp quốc.
Không lâu sau, Sèvres không còn dựa vào gốm sứ Meissen để lấy cảm hứng nữa. Một số học giả cho rằng những chiếc bình trang trí của Sèvres, có màu sắc phong phú và được mạ vàng lộng lẫy, là những thành tựu lớn nhất của hãng.
Các mẫu vật có bố cục đối xứng của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan này được ông Jean-Claude Duplessis đúc khuôn. Ông là một nghệ nhân kim hoàn gốc Ý đã gia nhập hãng Sèvres vào năm 1748 và sáng tạo các kiểu dáng điêu khắc mới.
Cuối những năm 1750 chứng kiến sự ra đời của một số mẫu bình ấn tượng nhất của hãng Sèvres. Những chiếc bình này rất khó sản xuất và rất đắt. Những chiếc bình đầu voi, có vòi là giá cắm nến, được các thành viên hoàng gia và giới quý tộc đặc biệt ưa chuộng.
Quý bà Pompadour sở hữu ít nhất ba cặp bình này. “Voi là một chủ đề được nhiều người châu Âu thời cận đại say mê,” giám tuyển Wolf Burchard của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan viết trong catalogue “Inspiring Walt Disney: The Animation of French Decorative Arts” (Truyền cảm hứng cho Walt Disney: Nghệ thuật Trang trí Pháp trong phim hoạt hình).
Ban đầu, những chiếc bình của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan được ngài Louis-Joseph de Bourbon, hoàng tử xứ Condé, mua lại trong một cuộc giao dịch độc quyền ở các căn hộ riêng của vua Louis XV tại Versailles. Vị hoàng tử đã mua năm chiếc bình. Tổng cộng trị giá 4,320 livre, con số vượt quá mức lương hàng năm của một người lao động chuyên nghiệp. Các nhà sử học tin rằng hiện nay chỉ còn 22 chiếc bình đầu voi còn sót lại.
Sau cuộc Cách mạng Pháp, quyền sở hữu hãng Sèvres được chuyển giao cho chính phủ Pháp. Hãng này hiện nay vẫn còn hoạt động và thường hợp tác với các nghệ sỹ đương đại.
Hãng Meissen cũng tiếp tục sản xuất, và hiện thuộc sở hữu của bang Saxony. Mặc dù các quốc gia không còn ưu tiên việc vượt qua nhau trong lĩnh vực sản xuất đồ sứ, nhưng “các cuộc chiến đồ sứ” vào thế kỷ 18 đã dẫn đến sự ra đời của một số vật dụng trang trí đẹp nhất Âu Châu.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Bức tranh ‘Carnation, Lily, Lily, Rose’: Hành trình họa sỹ John Singer Sargent tìm lại chính mình
- Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 4): Thời kỳ Đại Đường (2)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!