Âm nhạc cổ điển đã được chứng minh là có tác động tích cực đến trẻ em, dù vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về tác dụng chính xác.
Nuôi con khôn lớn, thành đạt là mong ước của các bậc cha mẹ. Họ ghi danh cho con vào những ngôi trường tốt, cung cấp cho con thực phẩm lành mạnh, và nỗ lực hết mình để hình thành cho con nền tảng tinh thần và đạo đức. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ đến vai trò của âm nhạc trong sự phát triển của trẻ?
Đặc biệt, âm nhạc cổ điển đã được chứng minh là có tác động tích cực đến khả năng nhận thức và sức khỏe tổng thể của trẻ, một hiện tượng đôi khi được gọi là “hiệu ứng Mozart.”
Khái niệm về hiệu ứng Mozart bắt nguồn chủ yếu từ một bài báo khoa học được công bố trên tập san khoa học “Nature” vào năm 1993. Bài báo này trình bày kết quả từ một nghiên cứu của nhà tâm lý học Frances Rauscher và các đồng nghiệp tại Đại học California – Irvine. Trong cuộc nghiên cứu, họ cho một nhóm sinh viên đại học nghe 10 phút bản “Sonata dành cho song tấu dương cầm cung Rê trưởng” của Mozart trước khi làm bài kiểm tra về tư duy không gian. Nhóm sinh viên cũng được lắng nghe 10 phút yên lặng, và 10 phút lắng nghe một ai đó hướng dẫn thư giãn, trước khi làm bài kiểm tra. Kết quả cho thấy khi nghe nhạc Mozart, họ thực hiện bài kiểm tra tốt hơn đáng kể, mặc dù sự cải thiện này chỉ mang tính tạm thời.
Nhà vật lý học quá cố Gordon Shaw, thành viên của nhóm nghiên cứu ban đầu, đã tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa âm nhạc và não bộ. Trong một lần nghiên cứu, ông sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ để chứng minh âm nhạc Mozart kích thích vỏ não tốt hơn âm nhạc của Beethoven.
Sau khi nghiên cứu năm 1993 này được công bố, nó đã tạo ra sự “thổi phồng” đáng kể và điều mà các nhà nghiên cứu gọi là sự đơn giản hóa của quá mức của kết quả nghiên cứu. Nó cũng gây ra rất nhiều tranh cãi. Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn: Kết quả này đã thổi bùng hàng thập niên nghiên cứu câu hỏi về tác động của âm nhạc cổ điển lên não bộ và cơ thể [con người].
Năm 2001 một bài viết tổng quan (review article) của Tiến sĩ JS Jenkins, đăng trên Tập san của Hiệp hội Y học Hoàng gia, đã tiếp nối kết quả nghiên cứu năm 1993:
“Vậy hiệu ứng Mozart có thực sự tồn tại? Tính khái quát của những phát hiện tích cực ban đầu này đã bị chỉ trích với lập luận rằng bất kỳ hiệu ứng Mozart nào cũng là vì ‘sự thích thú’ mà thể loại âm nhạc cụ thể này mang lại và sẽ không xảy ra nếu [chủ thể] không có khả năng cảm thụ âm nhạc. Nhiều thí nghiệm trên động vật đã bác bỏ cách giải thích này. [Các nhà khoa học cho] các nhóm chuột riêng biệt tiếp xúc với bản sonata piano K448 của Mozart, nhạc tối giản của nhà soạn nhạc Philip Glass, tiếng ồn trắng hoặc sự im lặng, trong thai kỳ và thời kỳ hậu sinh sản 60 ngày, rồi kiểm tra khả năng vượt qua mê cung của chúng. Nhóm chuột nghe nhạc Mozart hoàn thành bài kiểm tra mê cung nhanh hơn đáng kể và ít lỗi hơn (P <0,01) so với ba nhóm còn lại. Do đó, sự thích thú và khả năng cảm thụ âm nhạc dường như không phải là nền tảng của sự cải thiện này.”
Nhưng lợi ích của âm nhạc cổ điển không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nhận thức. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc nghe nhạc có thể có tác động tích cực đến sức khỏe cảm xúc của trẻ, giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời thúc đẩy cảm giác thư giãn và bình tĩnh. Âm nhạc còn có thể cải thiện các kỹ năng xã hội, gia tăng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn.
Bác sĩ người Pháp Alfred Tomatis và công ty Tomatis của ông quảng bá Phương pháp Tomatis, sử dụng âm nhạc và âm thanh để giúp đỡ trẻ em theo nhiều cách khác nhau. Phương pháp này được sử dụng như một công cụ trị liệu hệ thống cho trẻ em mẫu giáo trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19 và là một phương tiện cải thiện chức năng nhận thức ở trẻ em tự kỷ.
Tôi biết một số giáo viên sử dụng nhạc Baroque trong lớp học để giúp học sinh ổn định nhịp tim và tăng khả năng tập trung. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, bạn cũng có thể thử nghe nhạc Baroque. Telemann và Vivaldi là một vài nhạc sỹ yêu thích của tôi, và bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhạc của họ trực tuyến. Hoặc, để có trải nghiệm thực sự êm dịu, hãy thử nghe các tác phẩm đàn luýt của Bach.
Đưa các nốt nhạc vào cuộc sống
Vậy cha mẹ có thể làm gì để đưa âm nhạc cổ điển vào cuộc sống của con? Dưới đây là một vài gợi ý:
- Khởi đầu với những tác phẩm đơn giản: Việc cho con bạn làm quen với âm nhạc cổ điển có thể dễ dàng thực hiện bằng cách phát một bản nhạc đơn giản trong giờ ăn hoặc trước khi đi ngủ. Hãy thử một số tác phẩm ngắn của Mozart, chẳng hạn như bản Sonata cung C trưởng hoặc bản Eine Kleine Nachtmusik (Tiểu dạ khúc).
- Tham dự các buổi hòa nhạc: Nhiều thành phố có các dàn nhạc tổ chức các buổi hòa nhạc phù hợp cho gia đình. Tham dự một buổi biểu diễn trực tiếp có thể là một cách tuyệt vời để con bạn tiếp xúc với âm nhạc cổ điển và biến điều đó thành một trải nghiệm thú vị, tương tác.
- Cho con chơi một nhạc cụ: Khích lệ con học một nhạc cụ có thể là cách tuyệt vời để nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc cổ điển. Ngay cả những nhạc cụ đơn giản như sáo dọc hoặc đàn ukulele cũng có thể là một bước khởi đầu thú vị và dễ dàng để con làm quen với việc chơi nhạc.
- Lồng ghép âm nhạc vào các hoạt động “làm việc” hàng ngày: Phát nhạc trong khi làm việc nhà hoặc bài tập có thể khiến những công việc này trở nên vui vẻ và bớt căng thẳng hơn. Hãy cân nhắc việc bật nhạc cổ điển trong những dự án nghệ thuật hoặc hoạt động sáng tạo khác.
Ngoài tất cả những lợi ích này, việc tiếp xúc với âm nhạc cổ điển có thể giúp trẻ em phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc và nghệ thuật sâu sắc hơn, điều này có thể tạo nên ảnh hưởng lâu dài đến nhận thức văn hóa và khả năng sáng tạo của chúng.
Bản thân tôi từng là một nhạc sỹ trẻ, việc sớm tiếp xúc với âm nhạc cổ điển đã mở ra cho tôi những chân trời hoàn toàn mới về vẻ đẹp, chiều sâu, và sự thành tâm. Khi lớn lên, tôi xem bố mẹ biểu diễn trong các buổi hòa nhạc và lắng nghe nhạc cổ điển trong nhà thờ, điều đó cũng truyền cảm hứng cho tôi về mặt tinh thần.
Tại sao không biến việc nghe nhạc cổ điển thành một hoạt động của gia đình? Đó có thể là một cách thú vị và bổ ích để dành thời gian bên nhau.
Bằng cách đưa âm nhạc cổ điển vào thói quen hàng ngày của trẻ và khuyến khích tình yêu nghệ thuật, chúng ta có thể giúp con phát triển hết tiềm năng và có một cuộc đời hạnh phúc, trọn vẹn, và ý nghĩa.
Cuối cùng, công bằng mà nói thì âm nhạc cổ điển đích thực không chỉ có căn cứ khoa học mà còn là món quà do Thượng đế ban tặng. Thể loại nhạc này chứa đựng chiều sâu vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng, và mang âm nhạc cổ điển vào cuộc sống chắc chắn mang lại điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Âm nhạc ẩn chứa mật mã vũ trụ – Âm nhạc nào có tác dụng chữa bệnh tốt nhất?
- Bạn không có thời gian để thiền định? Hãy thử nghe nhạc!
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!