Có một vị tướng quân tài giỏi thời nhà Tấn khiến Thi tiên Lý Bạch hồi ức:
“Đăng chu vọng thu nguyệt,
Không ức Tạ Tướng quân.
Dư diệc năng cao vịnh,
Tư nhân bất khả văn.”
(Thơ trong “Dạ bạc Ngưu Chử hoài cổ”).
Tạm dịch nghĩa:
Bước lên thuyền ngắm trăng mùa thu,
Bỗng nhớ đến Tạ Tướng quân.
Ta dù cất cao giọng vịnh,
Ngài ấy cũng chẳng thể nghe được.
Lý Bạch đến vùng Ngưu Chử này, tức cảnh nhớ người mà gửi gắm tâm tình, nhớ đến ngày xưa, kể lại chuyện ngày trước Trấn Tây tướng quân thưởng thức những bài thơ của Bạch sĩ. Tạ tướng quân mà Lý Bạch nhớ đến chính là Tạ Thượng.
Xuất sinh chốn danh môn vọng tộc thời Đông Tấn
Tạ Thượng (308-357) xuất thân dòng dõi họ Tạ ở Trần Quận, là danh môn vọng tộc thời nhà Tấn. Và địa vị vọng tộc của họ Tạ là nhờ thành tựu của Tạ Thượng mà có được nền móng ổn định, vững chắc. Tạ Thượng là người cùng thời với Vương Hy Chi (303-361), ông lưu lại cho hậu thế nhiều giai thoại đẹp và kỳ lạ. Tạ Thượng một đời đĩnh ngộ thông minh, tuấn tú xuất chúng, lập nhiều công lao, nhưng lại không có con trai kế thừa hương hỏa. Nguyên nhân Tạ Thượng không có con trai cũng là câu chuyện truyền kỳ cảnh tỉnh người đời.
Tạ Thượng tự là Nhân Tổ, người đời gọi ông là Tạ Trấn Tây (Tướng quân), là con trai của Thái thủ Dự Chương Tạ Côn, anh họ Thái phó triều Đông Tấn Tạ An. Ông cố nội của Tạ Thượng là Tạ Toán từng giữ chức Trung lang tướng, ông nội là Tạ Hành làm quan đến chức Quốc tử Tế tửu, cha là Tạ Côn từ nhỏ đã nổi danh, rất uyên thâm đạo “Lão”, kinh “Dịch”, có tư chất nghệ thuật, giỏi ca hát, lại biết thổi tiêu, đánh đàn, chơi cầm.
Năng khiếu trời ban cùng sở thích của Tạ Thượng là sự dung hợp tài năng của tổ tiên ba đời, văn võ song toàn, phẩm nghệ xuất chúng, hơn nữa trên con đường học hành và võ công cũng là bậc đại thụ. Trong cuộc chiến đánh lên mạn Bắc, ông đã lấy về Ấn tỷ truyền quốc cho nhà Đông Tấn, được tiến xưng hiệu Trấn Tây Tướng quân, chứng tỏ được thực lực trấn giữ một phương của nhà họ Tạ ở Trần Quận. Gia tộc danh tiếng họ Thị có ảnh hưởng lớn đến thế cuộc chính trị của nhà Đông Tấn hơn 200 năm cho đến thời Nam triều.
Từ nhỏ, Tạ Thượng đã thể hiện tính tình thuần hậu, chất phác, đĩnh ngộ xuất chúng. Lúc lên bảy tuổi, anh trai qua đời, ông đau đớn, buồn bã quá đỗi, bản tính thuần hậu, chân thành bộc lộ rất tự nhiên, khiến người thân cảm động không thôi. Lên tám tuổi, được cha dẫn đi cùng để tiếp đón tân khách, có một vị khách nói: “Đứa trẻ này là Nhan Hồi trong chỗ chúng ta đây mà!” Tạ Thượng đáp: “Trong nhà không có Ni Phụ (tức Khổng Tử), sao có thể nói ai là Nhan Hồi đây!” Lời đối đáp khiến tân khách ngạc nhiên và thán phục mãi.
Lúc ông mới 10 tuổi thì cha qua đời. Sau đó, ông thừa kế tước vị Hàm Đình hầu của cha, đến phủ nha để bái kiến Tư Đồ Vương Đạo (tức Tể tướng). Lúc đó vừa hay trong phủ có yến hội. Vương Đạo tiện thể nói với Tạ Thượng rằng: “Nghe nói cậu có thể múa điệu con sáo, các vị khách ngồi ở đây đều có lòng ái mộ điệu múa này, chẳng hay có thể có được vận may này không?” Tạ Thượng đáp: “Xin vâng”.
Ông bèn dùng khăn vải vấn tóc lại, rồi múa điệu nhảy chim sáo (gọi là bát ca vũ). Vương Đạo bảo tân khách trong nhà dùng tay làm nhịp phách, còn Tạ Thượng ở giữa đám tân khách ngẫu hứng mà nhảy múa, hết sức tự tại, tay chân lúc lên lúc xuống nhịp nhàng. Tài năng và tính tình thuần chân của Tạ Thượng đã khiến Vương Đạo hết mực xem trọng.
Tạ Thượng một thân hào sảng, thông minh tuyệt luân, không theo thói tục, bởi vậy cũng không chịu được sự câu thúc. Ông thích mặc quần có thêu hoa văn, sau khi bị trưởng bối trong nhà giáo huấn thì đã thay đổi thói quen này. “Nhạc phủ quảng đề” ghi chép, Tạ Thượng đương lúc giữ chức Trấn Tây tướng quân đã rời trấn Thọ Dương, ngồi chơi đàn tỳ bà trên lầu ở cổng thành.
Thân mặc áo ngắn màu tím, ông ngồi trên một cái giường của người Hồ, tấu bản “Đại đạo khúc”, tiếng nhạc trầm bổng vang xa. Khách qua đường đều không biết người đánh đàn này là một vị tướng quân đứng vào hàng “tam công” (ba chức quan cao nhất trong triều đình) trấn giữ một phương.
Các vị đại thần trong triều từng than thở Đào Khản không để lại di ngôn giao phó hậu sự, đều cho rằng đó là một điều đáng tiếc lớn. Ý kiến của Tạ Thượng khác họ, ông nói: “Lúc đó, trong triều không có kẻ gây loạn cho đất nước như Thụ Điêu (người nước Tề thời Xuân Thu), vì vậy Đào công không cần phải để lại di ngôn.” Sau khi nghe xong, mọi người đều tán thưởng kiến giải của Tạ Thượng sâu sắc, lời lẽ rất hay.
Tạ Thượng giữ nhiều chức quan, làm đến chức Tán Kỵ Thường Thị, lúc mất được truy tặng Vệ Tướng quân Tán Kỵ Thường Thị và Khai phủ Nghi đồng Tam ti. Khai phủ Nghi đồng tam ti là biểu tượng tôn quý sánh như Tam công. Tuy ông sinh nơi vọng môn, khi mất được tôn vinh, nhưng lại chỉ sinh được hai người con gái, không có con trai, con của huynh đệ mà ông nhận nuôi đều chung số mệnh mất sớm.
Tạ Thượng không có con nối dõi, nguyên nhân vì sao?
Tạ Thượng cho rằng bản thân không có con nối dõi là chịu sự trừng phạt nào đó. Đương thời có người tên Hạ Hầu Hoằng nói bản thân có thể nhìn thấy quỷ, lại có thể cùng quỷ trò chuyện. Tạ Thượng liền hỏi Hạ Hầu Hoằng tại sao bản thân phải chịu sự trừng phạt? Vài ngày sau, Hạ Hầu Hoằng vẫn không nói rõ nguyên do, chỉ nói “Mấy ngày này toàn gặp tiểu quỷ, cho nên không thể biết được nguyên do.”
Sau đó Hạ Hầu Hoằng bỗng nhiên gặp được một con quỷ mặc áo choàng lụa màu xanh, ngồi trên một cỗ xe mới, còn có chừng mười mấy tên chia nhau theo hầu. Hạ Hầu Hoằng nghĩ tên quỷ này chắc có bản sự lớn, liền kéo mũi con bò đang kéo xe lại, khiến cả đoàn tức khắc dừng ngay.
Con quỷ trong xe nói vọng ra: “Vì sao cản trở lối đi của ta?” Hạ Hầu Hoằng đáp: “Có chuyện muốn thỉnh ngài giải đáp. Trấn Tây tướng quân Tạ Thượng không có con trai. Người này là bậc danh sĩ tiếng tăm lẫy lừng, không thể để ông ấy tuyệt tử tuyệt tôn, mất đi việc tế tự hương hỏa.”
Không ngờ, con quỷ trong xe tỏ vẻ cảm động nói: “Người mà ông nói đến chính là con trai ta. Lúc còn trẻ có tư thông với tỳ nữ trong nhà, lại phát lời thề sẽ không kết hôn với người khác, nhưng lại làm trái lời thề. Bây giờ người tỳ nữ đã chết, cô ấy tố cáo lên Thiên thượng, vì chuyện này mà Tạ Thượng không có con trai.”
Hạ Hầu Hoằng đem toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện với quỷ kể lại cho Tạ Thượng nghe. Tạ Thượng nói: “Lúc ta còn trẻ đích thực đã làm chuyện đó.” Cuối cùng, Tạ Thượng đã hiểu rõ bản thân vì cớ gì mà phải bị trừng phạt khiến cho tuyệt tự.
Về sau, Tạ Thượng có một người thiếp là A Phi, nàng có dung mạo quốc sắc thiên hương, cũng rất giỏi thổi sáo. Sau khi Tạ Thượng mất, A Phi lập lời thề không cải giá. Bắc Trung lang tướng khi ấy là Hy Đàm nhìn thấy A Phi, bèn lợi dụng quyền thế, bày kế lấy A Phi về làm thiếp. Tuy nhiên, A Phi cả đời đều không nói chuyện cùng Hy Đàm.
Từ chuyện này có thể suy đoán rằng, Tạ Thượng có sức hấp dẫn rất lớn đối với phụ nữ. Thời trẻ, ông cùng tỳ nữ phát sinh tình cảm, hẹn thề cả đời yêu thương. Cái chết của tỳ nữ tuy không liên quan đến ông, nhưng lời thề ông đã phát ra không thể tiêu như khói, tản như mây, việc trừng phạt cũng không thể được miễn trừ!
“Tùy thư” có 10 quyển ghi chép về Vệ tướng quân gọi là “Tạ Thượng tập”, nhưng đến nay đã bị thất truyền, chỉ còn lại một số bài hoặc đoạn trích ít ỏi lưu lại trong nhân gian. Lời thơ của bài nhạc “Đại đạo khúc” mà ông sáng tác có câu rằng:
“Thanh dương nhị tam nguyệt,
Liễu thanh đào hạ hồng,
Xa mã bất tương thức,
Âm lạc hoàng ai trung.”
Tạm dịch nghĩa:
Trời tháng Hai tháng Ba,
Liễu xanh đào lại đỏ,
Xe ngựa không quen biết nhau,
Thanh âm rơi xuống bụi đất vàng.
Đời người cũng tựa như vậy! Trong cõi nhân sinh, trời vào tháng Hai, tháng Ba, liễu còn xanh, đào rực hồng, chính là lúc thanh xuân rạng rỡ; đời người vội vã, ngựa xe rộn rịp, âm thanh theo suốt một đời cuối cùng tiêu tan trong đất vàng phàm tục ở cõi trần ai. Thế nhưng lời thệ ước kia được Thiên thượng thâu nhận rồi, tất đã định phải thực hiện, người không thực hiện thảy đều phải trả giá!
Nguồn tư liệu: “Tấn thư”, “Sưu thần ký”, “Nhạc phủ quảng đề”, “Nhạc phủ thi tập 75”.
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiền tài cũng có định số? Câu chuyện từng khiến vị khai quốc công thần của Đại Đường kinh ngạc
- Vợ ngoại tình và tạo nghiệp ác, chịu quả báo bị sét đánh
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!