Theo một số ghi chép lịch sử, sau thời Phục Hy thị, Nữ Oa thị lên ngôi tổng cộng mười lăm đời, nhưng họ đều kế thừa xưng hiệu Phục Hy, cho nên trong một số sử sách không có ghi chép về tộc Nữ Oa này.
Nữ Oa thị dùng nhạc vũ trị thế, đồng hóa với đức của Đất Trời
Nữ Oa thị còn được gọi là Nữ Hy thị, Nữ Hoàng thị, vốn là một nữ quan giúp việc cho Phục Hy, vì trùng tên với Nữ Oa, vị Thần tạo ra con người và luyện đá vá trời nên thường bị nhầm lẫn.
Nữ Oa thị đã từng giúp Phục Hy thị thực hiện hệ thống nghi thức mai mối hôn nhân. Cũng giống như Phục Hy thị, bà có đức hạnh của một bậc Thánh nhân, lấy đức hạnh cao khiết để trị lý thiên hạ, không đặt ra pháp luật để gò ép người dân vào khuôn phép, gió thổi cỏ rạp, người dân bình thường cũng có phẩm hạnh cao thượng.
‘Nữ Oa thị đã ra lệnh cho Nga Lăng thị… dùng âm thanh trong thiên hạ… đối ứng với mặt trời, mặt trăng và các vì sao, đặt tên là Sung nhạc. Khi thành tựu, thế giới trở lên yên tĩnh u nhã, không có gì là không theo lý. “Thái Bình ngự lãm – Bộ Nhạc phần bốn”.’
Nữ Oa thị đã tiến một bước dài trong việc sáng tạo âm nhạc và vũ đạo. Bà lệnh cho Nga Lăng thị chế tạo nhạc cụ ‘Sáo Đô Lương’ để thống nhất thanh luật trong thiên hạ; bà còn lệnh cho Thánh thị chế tạo nhạc cụ ‘Sáo Ban’ đồng thời dựa theo quy luật vận hành của vũ trụ, mặt trời,trăng, sao mà sáng tạo lên nhạc vũ (âm nhạc và vũ điệu) ‘Sung Nhạc’.
Sau khi nhạc vũ hoàn thành, thiên hạ vạn vật đều được đắm mình trong tinh hoa của âm nhạc cùng vũ điệu, cơ thể cùng tâm linh có thể hòa nhập với đức của Trời Đất, vạn sự vạn vật được thay đổi và quy chính từ nơi vi quan nhất, đồng hóa vũ trụ đại đạo, tất cả đều tường hòa trật tự.
Tộc Thần Nông tiếp nối con cháu tộc Nữ Oa duy hộ thế nhân.
Thần Nông thị cầu ngũ cốc, hưng thịnh nghề nông
Vào thời viễn cổ, Thiếu Điển thị kết hôn với An Đăng, con gái của Hữu Kiều thị. Một ngày nọ, An Đăng đang du ngoạn ở Hoa Dương, bỗng thấy một rồng Thần liệng xuống. Khi An Đăng nhìn thấy khuôn mặt sáng rực của rồng, trong lòng rung động, cảm thấy rất kỳ diệu, không lâu sau An Đăng mang thai và sinh hạ một bé trai.
Cậu bé có năng lực siêu phàm. Sáu giờ sau khi được sinh ra, cậu bé có thể nói, năm ngày đi được, bảy ngày mọc răng, ba tuổi biết chơi trò bán rượu, trông coi được công việc đồng áng.
Khi cậu bé lớn lên, cao tám thước bảy tấc, trán rộng, miệng lớn môi dày, tướng mạo đường hoàng. Đây là Thần Nông thị sau này.
‘Trên núi Kỳ Sơn, cầu xin Thiên Thượng ban cho loại hạt làm lương thực lâu dài, có lợi cho dân chúng. “Lộ sử-quyển 12”, khi Thần Nông thị cầu, mưa xuống nhiều ngô. Thần Nông thị mang về trồng. “Dật Chu Thư”.’
Khi đó, người dân chỉ có thể dùng cây cỏ hoang dã và thịt động vật làm thức ăn chính, nên Thần Nông luôn nghĩ cách cải thiện cuộc sống của người dân. Một ngày nọ, ông leo lên phía nam núi Kỳ Sơn, cầu nguyện xin Thiên Đế ban cho người dân các loại ngũ cốc có thể được lưu trữ trong một thời gian dài để tồn tại.
Quả nhiên không lâu sau, thóc ngô từ trên trời rơi xuống, Thần Nông mừng rỡ khôn xiết, lệnh cho dân chúng cẩn thận nhặt lên. Ông cũng phát minh ra các nông cụ, dạy mọi người tìm đất thích hợp để gieo trồng, canh tác theo thời tiết và khí hậu, nông nghiệp bắt đầu hưng thịnh từ đó.
Vị thầy thuốc đầu tiên – Thần Nông nếm thảo dược
‘Dân chúng có bệnh tật, chưa biết về dược liệu, Viêm Đế thử nếm vị cỏ cây… có lần nếm thử 70 loại độc dược trong một ngày, hóa giải một cách thần kỳ. “Cương Giám dị tri lục”
Lúc bấy giờ dân chúng hay đau ốm không biết chữa, nên Thần Nông rong ruổi khắp núi cao đồng hoang, nhai nếm các loại lá cây cỏ để phân biệt dược tính, xem có độc hay không. Ông đã từng nếm 70 loại cỏ độc trong một ngày, dựa vào Thần lực của mình để hóa giải các chất độc trong cơ thể.
Thần Nông đã viết những kinh nghiệm này thành một cuốn sách để cung cấp tài liệu tham khảo cho bách tính, trở thành vị thầy thuốc đầu tiên. Đồng thời, ông đã tự mình đi khảo sát tính chất ngọt, đắng của nguồn nước các nơi để người dân lựa chọn sử dụng. Từ đó dân chúng an cư lạc nghiệp, không còn lo âu về dịch bệnh.
‘Thần nông dùng roi đỏ quất vào cây cỏ, là biết rõ tính lành, độc, nóng, lạnh, chủ yếu ngửi mùi. Gieo các loại ngũ cốc”. (Sưu Thần ký)
Theo truyền thuyết sau này, Thần Nông có một cây roi đỏ, chỉ cần dùng cây roi này quét qua các loại thực vật là có thể biết được những thuộc tính của thực vật, chẳng hạn như bình, độc, lạnh, ấm, làm căn cứ để gieo trồng các loại ngũ cốc khác nhau. Vì vậy, người ta tôn vinh ông là ‘Thần Nông’.
Thần Nông còn làm Thất huyền cầm (đàn bảy dây) để an định tinh thần, xua đuổi tà niệm, khiến trên dưới hòa thuận, đồng hóa với đức của Thần, ‘quay về trong Đạo’.
Dưới sự giáo hóa đạo đức của Thần Nông, phong tục dân gian thuần phác yên ổn, không có tranh chấp, sự phát triển của nông nghiệp đã làm cho lương thực, của cải ngày càng phong phú, vì vậy, Thần Nông đã thiết lập chợ cho mọi người trao đổi các sản phẩm cần thiết, nhà nhà sống trong an lạc.
Thần Nông thoái vị tu đức
Trong thời kỳ Thần Nông, chư hầu Túc Sa Thị dấy binh làm phản. Thần Nông không xuất quân chinh phạt, mà nghĩ rằng mình không đủ đức hạnh dẫn đến khiến thiên hạ không quy thuận, vì vậy ông đã tự nguyện thoái vị, nỗ lực tu tập đức hạnh của mình. Tuy nhiên, khi người của tộc Túc Sa biết chuyện, họ lũ lượt quay giáo chống lại Túc Sa, quy thuận Thần Nông.
‘Thần Nông không tham thiên hạ, nhưng thiên hạ giàu có, không cho là mình có trí tuệ mà cao quý hơn người, nên thiên hạ kính trọng’. (Thái Bình ngự lãm – Viêm Đế Thần Nông thị)
Chính vì Thần Nông không ham danh vọng địa vị nên thiên hạ mới có thể hết lòng ủng hộ ngôi vị của ông, chính vì ông không tự cao tự đại về trí tuệ hơn người nên thiên hạ mới kính trọng ông.
Thần Nông tu Đạo
Trong các ghi chép về Thần Nông, có rất nhiều câu chuyện về sự tu luyện của ông.
Tương truyền ông đã từng cùng vị đồng học là A Hà Cam tu đạo theo sư phụ Lão Long Cát. Một ngày nọ, Thần Nông lười nhác đóng cửa lại rồi dựa vào chiếc bàn trong nhà ngủ thêm một giấc, A Hà Cam đột nhiên đẩy cửa vào, lớn tiếng nói: ‘Lão Long sư phụ chết rồi!’
Thần Nông đứng dậy cầm cây gậy bên cạnh, gõ cạch một tiếng rồi lại đặt cây gậy xuống, cười nói: ‘Sư phụ biết tôi thiên tư kém cỏi, thái độ tu luyện buông thả, nên thầy mới bỏ tôi mà đi! Đây là để nhắc nhở tôi đó!’
Rồi ông ngộ ra rằng: thậm chí nếu sư phụ có chết thì cũng không có gì đáng sợ, cuộc sống là vòng luân hồi sinh tử. Hơn nữa, sư phụ không thể thực sự chết!
Khi đó, Thần tiên Xích Tùng Tử là thầy phụ trách việc cầu mưa. Ông dạy Thần Nông uống viên đan Băng Ngọc Tán, để Thần Nông có thể vào lửa mà không bị đốt cháy. Hai vị thường lui tới thạch thất của Tây Vương Mẫu, có thể cưỡi gió mưa mà lên Trời xuống Đất.
Theo truyền thuyết, hậu duệ của tộc Thần Nông truyền đến mười bảy đời.
Nguồn gốc câu thành ngữ ‘Tinh Vệ lấp biển’
“Sơn Hải Kinh” cũng ghi lại câu chuyện về cô con gái nhỏ của Thần Nông.
Tranh thời nhà Minh “Tam tài đồ hội” 13 Chim và Thú – Tinh Vệ. (phạm vi công cộng)
Con gái út của Thần Nông được đặt tên là ‘Nữ Oa’. Cô bé thích ngao du tứ xứ, một hôm cô đến bờ biển Đông Hải chơi, không may trượt chân rơi xuống biển sâu cuộn sóng, kể từ đó cô chưa từng trở về nhà.
Không lâu sau đó, một con chim nhỏ có hoa văn trên đầu, mỏ trắng, chân đỏ xuất hiện trên ngọn núi bên bờ biển, nó không ngừng kêu ‘Tinh Vệ, Tinh Vệ’. Người ta nghĩ rằng cô ấy là hóa thân của Nữ Oa, và gọi cô ấy là con chim ‘Tinh Vệ’.
Tương truyền, Tinh Vệ lo lắng rằng mọi người sẽ vô tình rơi xuống biển vì chơi đùa như cô trước đây, nên cô thường thả cành cây và đá cuội từ giữa không trung để lấp biển Đông Hải, với hy vọng sẽ lấp đầy biển để tránh nạn cho người. Vì vậy, ‘Tinh vệ lấp biển’ đã trở thành một thành ngữ thường được sử dụng để chỉ ý chí kiên định, không sợ gian khổ.
Sơn Hải Thanh – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
- “Thái Bình ngự lãm”
- “Lộ sử”
- “Hoài Nam Tử‧Lãm Minh huấn”
- “Thế bản‧Đế hệ biên”
- “Cương giám dị tri lục”
- “Dịch kinh. Hệ từ”
- “Dật Chu thư”
- “Lã Thị Xuân Thu ‧Thận Thế”
- “Sơn Hải Kinh‧ Bắc Sơn Kinh”
- “Sưu Thần ký”
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!