Vào thời nhà Minh, ở Sơn Tây có người tên là Trần Ông, gia đạo thanh bần, sống bằng nghề dạy học, tuổi đã ngoài bốn mươi mà không có con trai. Sau nhiều năm dạy học, ông cũng tiết kiệm được 40-50 lượng bạc từ tiền học trò đóng học phí. Ông đem chúng nấu chảy thành hơn mười nén bạc, hàng đêm thường ngắm nghía trò chuyện với từng nén bạc dưới ánh đèn để tiêu khiển. Thấy vậy, vợ ông thường trêu chọc, nhưng ông cũng không để tâm.
Ông có một người anh em trong họ ở cùng thôn, cuộc sống khó khăn, không biết lấy gì để mưu sinh. Anh ta biết rằng gia đình của Trần Ông có tiền bạc tiết kiệm, cũng đã từng trèo lên cửa sổ để nhìn lén, định lấy trộm những thỏi bạc này nhưng không có cơ hội. Một đêm nọ, vợ của ông Trần mở cửa đi vệ sinh, anh kia nhân cơ hội này lẻn vào nhà. Sớm biết những thỏi bạc được giấu dưới chăn nên anh ta vội vàng đưa tay mò mẫm trong bóng tối.
Trần Ông mặc dù nằm trên giường nhưng vẫn chưa ngủ. Ông cảm thấy như có ai đó đang mò mẫm trên giường, bèn thắp nến lên để kiểm tra. Nhìn thấy đó là người trong dòng họ, ông hết sức kinh ngạc, bèn tắt lửa trên ngọn nến và thấp giọng hỏi: “Cậu đang làm gì vậy? Ngang nhiên làm chuyện xấu như vậy khiến tông tộc mất mặt!” Người kia vừa sợ hãi vừa xấu hổ, đáp lại rằng: “Đã gần một năm rồi, đói kém lẫn giá rét, đệ thực sự cùng đường mới nghĩ ra hạ sách này.” Trần Ông nói: “Được rồi. Vậy tôi sẽ bỏ qua cho cậu một lần.” Thế rồi, ông đem toàn bộ số bạc dành dụm được đưa cho anh ta và dặn dò: “Mau quay về đi, từ nay trở về sau cậu hãy tự lo cho mình. Lần này tôi sẽ không nói với mọi người việc cậu đi ăn trộm.” Người họ hàng không kịp cảm tạ, liền cầm số bạc vội vàng rời đi.
Sau đó, Trần Ông hét lớn: “Có kẻ trộm!” Vợ ông nghe thấy vội vàng quay vào và hỏi: “Có chuyện gì vậy?” Trần Ông nói: “Vừa rồi có người đột nhập vào nhà, bây giờ đã hoảng sợ bỏ chạy rồi, không biết có mất gì hay không?” Rồi ông bảo vợ mang cây nến đi kiểm tra xem sao. Khi người vợ thấy đã mất hết số bạc tiết kiệm được, nàng rất buồn. Ngược lại, Trần Ông an ủi vợ: “Tiền bạc được hay mất đều do duyên số.”
Khi ấy, Trần Ông luôn cảm thấy buồn phiền vì không có người thừa kế. Nhưng kể từ lần đó, vợ ông bất ngờ mang thai và liên tiếp sinh được mấy người con trai, gia cảnh cũng dần trở nên giàu có.
Người em họ kia sau khi có được số bạc thì cần cù chăm chỉ làm ăn, hơn nữa sống rất tiết kiệm. Việc làm ăn khá giả, anh mua được ruộng đất và cưới được một người vợ hiền thục. Anh thường kể cho vợ nghe về chuyện quá khứ, muốn báo đáp ân đức của Trần Ông nhưng khổ nỗi không có cơ hội. Một năm nọ, gần đến vụ thu hoạch, để đề phòng đạo tặc trộm thóc, người kia thức dậy vào ban đêm để tuần tra. Lúc bấy giờ trăng rất sáng, soi chiếu xuống mặt đất như ban ngày. Anh nhìn thấy có hai người vội vã đi trên lối mòn trong ruộng, cho rằng đó là kẻ đến trộm lúa, anh bèn nín thở âm thầm quan sát. Nhưng chỉ nghe thấy hai người thì thào bàn tán, một người nói: “Ở đây.” Người kia nói: “Không đúng, không đúng, tôi đo chính xác nhất, hẳn là ở chỗ này, không phải chỗ kia. Nếu ông không tin, có thể thử cắm một cành cây vào chỗ này. Mười ngày sau nếu cành cây không khô héo, liền có thể chứng minh được thật giả.” Người kia nói: “Được.” Thế là ông ta bẻ một cành cây cắm xuống đất rồi bỏ đi.
Người họ hàng biết được hai người vừa rồi là thầy phong thủy, và họ đến đây để tìm huyệt phong thủy tốt, bèn vội chạy đến chỗ họ đã cắm cành cây. Đó vốn là khoảnh đất mà anh mới mua. Sau đó, anh để tâm quan sát. Quả nhiên mười ngày sau, cành cây kia không hề khô héo. Anh vui mừng khôn xiết, về nhà bàn với vợ ý định chôn cất tổ tiên đã khuất tại đây. Vợ anh ngăn cản và nói: “Chúng ta là bách tính bình dân, đột nhiên có được huyệt mộ phong thủy tốt, sợ rằng công đức không đủ, sẽ khó nhận nổi. Chàng thường nói rằng muốn báo đáp ân đức lớn cho ông Trần, thiếp nghe nói nơi những người thân của ông ấy được chôn cất không được tốt, muốn tính chuyện cải táng. Không bằng đem huyệt này tặng cho ông ấy. Còn người nhà chúng ta phụ táng bên cạnh là được rồi.” Người em họ nói: “Nàng nói rất đúng, nhưng Trần Ông là trưởng giả trung hậu. Nếu nói rõ là tặng, chắc chắn ông ấy sẽ không nhận, phải làm sao đây?”
Hai vợ chồng suy nghĩ hồi lâu. Người em đột nhiên đứng bật dậy, vỗ lưng vợ, cười nói: “Tôi có cách rồi. Năm đó, Trần Ông mai táng người thân, huyệt mộ đào không sâu. Lúc đó tôi tận mắt nhìn thấy. Trong đêm khuya, hai chúng ta bí mật di táng, rồi lấp huyệt cũ lại và không nói cho ông ấy biết. Làm như vậy không được sao?” Người vợ nói: “Được!” Thế là, việc đó thực hiện ổn thỏa như bàn tính, và Trần Ông thực sự không biết.
Một năm sau, Trần Ông có một cháu trai, tên là Trần Kính. Về sau, người cháu này được Hoàng đế Thuận Trị ban cho chữ “Đình” và đổi tên thành Trần Đình Kính. Quả nhiên, Trần Kính tuổi còn nhỏ nhưng đã đỗ đạt. Năm hai mươi tuổi, Trần Kính thi đỗ Tiến sĩ, được chọn làm Thứ cát sĩ, nhận chức Bí Thư viện Kiểm thảo, từng dạy học cho Hoàng đế Khang Hy. Năm Khang Hy thứ 14 (năm 1675), ông được thăng làm Nội các Học sĩ, Kinh diên Giảng quan, Lễ bộ Thị lang, nhiều năm làm Tả đô Ngự sử, Thượng thư bộ Công và bộ Hộ. Năm Khang Hy thứ 42 (năm 1703), ông được cất nhắc làm Bái Văn Uyên Các Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại, đảm nhậm chức Tổng tu quản cho bộ “Khang Hy tự điển”. Tháng Tư năm Khang Hy thứ 51, ông mang bệnh qua đời, thọ 75 tuổi, thụy là Văn Trinh.
Khi Trần Ông 100 tuổi, sức khỏe và tinh thần vẫn còn rất tốt. Vào dịp lễ tế xuân thu hàng năm, ông vẫn cử hành lễ nghi ở huyệt mộ cũ. Các thầy phong thủy và pháp sư nhìn thấy huyệt mộ này đều nói, con cháu của người nằm ở đây không thể làm nên sự nghiệp. Cũng có người đề nghị với Trần Ông rằng, người họ hàng kia có mảnh đất rất tốt, nếu muốn cải táng thì mảnh đất này sẽ là nơi lý tưởng nhất. Trần Ông cũng rất muốn có được nó, nhưng lại sợ người kia xấu hổ vì chuyện trộm bạc trước đây, cho nên không dám nói ra. Ông đành chọn một vài nơi khác, nhưng cũng đều không phải là nơi có phong thủy tốt. Không còn cách nào khác, ông nhờ người đưa tin dò hỏi ý của người họ hàng kia. Người kia cười nói: “Có chuyện vậy sao? Thực ra tôi đã cải táng huyệt mộ của nhà Trần Ông ở đây từ lâu rồi.”
Sau đó, người kia đem toàn bộ câu chuyện kể cho người đưa tin, nhờ anh ta nói với Trần Ông. Trần Ông rất cảm kích, đích thân đến cảm ơn và tặng cho anh nhiều vàng bạc, nhưng anh kiên quyết không nhận. Sau đó, Trần Ông còn cho mời thầy phong thủy đến xem. Họ đều nói rằng, đây là đất lành có thể giúp con cháu phong hầu bái tướng. Vì vậy, ông bèn lấy đá phong kín huyệt mộ, ý là để tăng thêm phần tôn quý. Chỉ vài năm sau, Trần Đình Kính được thăng làm Bái Văn Uyên Các Đại học sĩ kiêm Thượng thư bộ Lại, quả đúng như lời thầy phong thủy đã nói.
Nguồn tư liệu: “Lý thừa”.
Tường Vân biên dịch
Nguồn: Epochtimes Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!