Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.9): Những bức bích họa giàu hình tượng và thiền lý

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong
Trên con đường tơ lụa, Phật giáo đã vượt qua mọi khó khăn như những chướng ngại và khoảng cách vùng miền, văn tự, phong tục tập quán, cuối cùng đã phổ truyền ở phương Đông, ban phát quang huy Phật pháp khắp mọi miền, khiến tất cả chúng sinh trên mảnh đất Trung Hoa được tắm mình trong Phật ân hạo đãng. (Ảnh: The Epoch Times)

Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ Phật Pháp vào hơn 2,000 năm trước, cũng là lúc Ấn Độ cổ hình thành một chính giáo dành cho những ai xuất tâm tu hành. Trên con đường tơ lụa, Phật giáo đã vượt qua những chướng ngại về khoảng cách vùng miền, văn tự, phong tục tập quán, cuối cùng đã phổ truyền ở phương Đông, phát quang huy Phật Pháp khắp mọi miền, khiến tất cả chúng sinh trên mảnh đất Trung hoa được tắm mình trong Phật ân hạo đãng.

Vì muốn thế nhân tín phụng hơn đối với Thần Phật, các Phật tử với nghị lực phi thường và trí huệ phi phàm, đã cống hiến tâm sức cả đời mình vì sự nghiệp hồng dương Phật Pháp. Từ việc dịch Kinh sách đến thuyết Pháp, từ xây tháp lập đền đến đào hang tạc tượng, họ không quản ngại gian lao vất vả, chỉ mong đạt được nguyện vọng khiến nhiều người hơn hiểu được rằng: Phật Pháp không phải là những thuyết giáo khô khan xa vời, mà là kho tàng tâm linh gắn bó gần gũi với thế gian và hướng sinh mệnh đến sự thăng hoa bất tận.

Đây chắc hẳn là ý tưởng ban đầu của “Kinh biến họa”. Kinh biến họa hay còn gọi là tranh kinh biến, hay tranh kinh Phật. Trong hang đá Đôn Hoàng, dưới bàn tay của những nghệ nhân bậc thầy, các bức kinh biến đều thể hiện rõ ràng những thiền lý, với hình ảnh trực quan và vô cùng kích thích thị giác. Tất cả chúng đã biến những con chữ, lời dạy trong kinh Phật thành bức họa vô cùng tráng lệ. Sự xuất hiện của Kinh biến họa có thể bắt nguồn từ thời Đông Tấn, và sau đó trở thành xu hướng hội họa Phật giáo phổ biến trong triều đại nhà Tùy.

Theo thống kê của một số học giả, trong số các hang Mạc Cao Đôn Hoàng, có 19 hang động của nhà Tuỳ vẽ tranh kinh biến. Trong đó, những đề tài liên quan đến những nội dung như “Duy ma cật kinh biến”, “Pháp hoa kinh biến”, “Di Lặc kinh biến”, “Niết bàn kinh biến”, “Dược Sư kinh biến”, “Phúc Điền kinh biến”, v.v. Về hình thức, có bức là tranh đơn quy mô nhỏ, có bức là tổ hợp đối xứng, thậm chí là tranh liên hoàn. Các bức tranh này chủ yếu được sử dụng để trang trí, xuất hiện ở hai bên cửa, mặt ngoài của khám thờ, hoặc trên đỉnh hang, v.v.

Sơ thể họa: Duy Ma Cật kinh biến

Duy Ma Cật là một vị cư sĩ, có nhiều gia tài và địa vị, cũng rất chăm làm việc thiện. Để độ hóa chúng sinh, ngài không những giảng Phật Pháp cho thần ma, còn răn dạy các vương tôn quý tộc, nhân dân bách tính đang mê mờ chốn nhân thế nghe theo tiếng gọi của Phật Pháp. Nhưng vào một hôm, vị cư sĩ nhiệt thành này đã đổ bệnh khi trên đường hoằng dương Phật Pháp. Thế là, Thích Ca Mâu Ni đã thỉnh bậc đại trí huệ là Văn Thù Bồ Tát dẫn các chư vị Bồ Tát và các vị A La Hán đến thăm nhà Duy Ma Cật.

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong 1
Bức bích họa “Duy Ma Cật kinh biến” trong hang 420 của triều đại nhà Tùy, trong hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. Bức tranh nằm ở hai bên ngoài hốc đá phía tây, vẽ tượng Văn Thù Bồ Tát (bên trái) và tượng Duy Ma Cật (bên phải). (Ảnh: Tài sản công)

Trong cuộc gặp gỡ, Văn Thù Bồ Tát và Duy Ma Cật đã có buổi luận đàm về Phật Pháp hết sức tuyệt vời. Họ liên tục vấn đáp những câu hỏi đầy trí huệ và giàu sức tưởng tượng, những lời vàng ý ngọc như hoa bay trong gió, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Câu chuyện này đã được ghi chép trong “Duy Ma Cật Kinh”. Bộ kinh thư này có nhân vật sinh động, mang đậm chất kể chuyện, được các văn nhân học giả vô cùng yêu thích kể từ thời Nam Bắc triều. Vào thời nhà Tuỳ, Duy Ma Cật Kinh đã trở thành đề tài xuất hiện nhiều nhất trong các bức họa kinh biến.

Trong Duy Ma Cật kinh biến có một khuôn mẫu cố định, đó là vẽ tranh hoặc tạc tượng đối xứng, tái hiện cảnh Duy Ma Cật trên giường bệnh đang đàm đạo với Bồ Tát Văn Thù. Các hang đá xây vào triều đại nhà Tuỳ ở Mạc Cao còn có nhiều yếu tố mới mẻ trong khuôn mẫu cố định này, điều ấy đã phản ánh quan niệm thẩm mỹ của thời đại bấy giờ cũng như những hiểu biết của người nghệ nhân đối với Kinh Phật.

Ví dụ, tại động 420, phía trên của khám thờ Phật ở bức tường phía tây, áp dụng kiến trúc cung điện để khắc họa cảnh hai vị đại giả đang đàm luận Phật Pháp, các tăng chúng xếp san sát nhau ở hai bên để nghe Pháp, trước điện còn có ao sen, chim nước, sau điện lại có rừng trúc bao quanh.

Hang 276 cũng là một bức họa kinh biến vô cùng độc đáo. Trong đó có các chi tiết ngoài khám thờ, nhưng vẫn mang phong cách độc đáo riêng. Cấu trúc hang đá kiểu này tương đối đơn giản, bức tường phía tây dựng khảm thờ, bên trái và phải của khảm lại vẽ “Duy Ma Cật kinh biến”. Trên tường phía nam và bắc sẽ vẽ Thuyết pháp đồ, còn đỉnh hang lại vẽ hai vị Phật đả tọa bên cạnh nhau và các phi thiên bay lượn. Điểm đặc biệt ở đây thể hiện thông qua kỹ pháp hội họa, là tác phẩm tiêu biểu cho “Sơ thể họa”.

Trong hội họa truyền thống Trung Quốc, thủ pháp “lấy tuyến tạo hình” được các họa sĩ sử dụng phổ biến. Về kỹ pháp, hội họa Trung Quốc có hai loại chính là sơ thể và mật thể. Mật thể tức là nét vẽ có mật độ dày đặc, liên tục, hầu như không có khoảng trống, danh họa nổi tiếng theo đuổi kỹ pháp này có Cố Khải Chi, Lục Tham Vi. Còn sơ thể tức là sử dụng một vài nét phác thảo cái hồn của nhân vật, thể hiện một kiểu thẩm mỹ hoàn toàn khác, danh họa gắn liền với kỹ pháp này có Trương Tăng Diêu và Ngô Đạo Tử. Những bức bích họa trong hang đá cũng mang phong cách nghệ thuật sơ thể đầy khoáng đạt này.

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong 2
Một phần của bức bích họa “Duy Ma Cật kinh biến” trong Hang 276 của triều đại nhà Tuỳ, thuộc Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Tiếp sau đây, chúng ta hãy cùng quan sát kỹ lưỡng bức họa kinh biến này. Văn Thù Bồ Tát và Duy Ma Cật, dung mạo và cơ thể được vẽ theo kỹ pháp Bạch miêu với đường nét tự nhiên, khoáng đạt, trang phục được tô màu đỏ đất, nâu và đen, vv. Tà áo của Văn Thù Bồ Tát tung bay trước gió, hai tay kết ấn, đôi môi khẽ mở, cơ thể hơi nghiêng về phía trước, đang say sưa thuyết giảng về Thiền lý, dáng vẻ trông vô cùng thanh tao, tường hòa.

Khác với hình tượng các vị Thần nhà Phật như Văn Thù Bồ Tát, hình ảnh Duy Ma Cật hiện lên trông như một lão ông thông thái, có tầm nhìn xa trông rộng. Các nghệ nhân đã lược bỏ chiếc giường bệnh trong câu chuyện và vẽ ông trong tư thế đứng: đầu đội khăn vấn, tay cầm phất trần, mặc trường bào ống tay rộng, đang mỉm cười nhìn người đối diện. Một vị danh sĩ với phong thái an nhiên tự tại, phóng khoáng thoáng đạt cứ thế được khắc họa lên bức bích họa.

Xung quanh các nhân vật còn điểm xuyết những cảnh sắc thiên nhiên như cây cối, hòn non bộ, v.v. Điều này không những vẽ lên không gian nơi cuộc trò chuyện diễn ra, mà còn phản ánh tâm thái thuần tịnh, đạm mạc, vô tranh của hai vị đại giả. Toàn bộ bức tranh dùng thủ pháp dùng cảnh tả ý, tức là thông qua các chi tiết của tranh để khắc họa nội tâm nhân vật, đạt đến cảnh giới cao siêu “vẽ một hai nét, đã hoàn thiện xong bức tranh”.

Phật và chúng sinh: Niết bàn kinh biến

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế đã đi khắp nơi truyền giảng Pháp. Năm ngài 80 tuổi, dự đoán được mình sắp nhập niết bàn nên đã thông báo đến chúng đệ tử. Dưới hai gốc Bồ Đề, Thích Ca Mâu Ni đã giảng Pháp cho đệ tử và tín chúng nghe, nhận những đồ cúng dường cuối cùng từ thế gian. Chúng đệ tử bi thương không lời kể xiết, đệ tử quan môn Tu Bạt Đà La không nỡ nhìn cảnh Đức Phật niết bàn, nên đã thỉnh Phật để mình vào Hỏa quang tam muội, nhập niết bàn trước.

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong 3
“Niết Bàn kinh biến” trong Hang 295 của triều đại nhà Tuỳ, thuộc hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. Bức bích họa nằm ở phía Tây phần đỉnh hang chữ nhân (人). (Ảnh: Tài sản công)

Sau khi Đức Phật nhập niết bàn đã xuất hiện nhiều thần tích: Đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp từ phương xa nhanh chóng trở về, gào khóc thảm thương, Đức Phật nằm trong quan tài lộ ra đôi bàn chân để ông nhìn lần cuối. Phật Mẫu từ thiên giới bay xuống, nước mắt đổ như mưa, Đức Phật lại khai triển thần thông mở nắp quan tài, tái sinh thuyết Pháp cho Phật Mẫu. Còn có chuyện chiếc kim quan đặt xác thân của ngài tự động bay vào thành, một ngọn lửa bùng lên từ ngực ngài, cháy trong bảy ngày bảy đêm để tự hỏa hóa xác thân.

Đây là những tình tiết được ghi chép trong “Đại Bàn Niết Bàn Kinh kinh”. Những câu chuyện này xuất hiện lần đầu tiên trong các bức tượng của nghệ thuật Kiền Đà La, với tượng Phật nằm nghiêng làm chủ thể, và các đệ tử đang khóc thương vây quanh ngài. Trong hang Mạc Cao, vào thời Bắc Chu đã xuất hiện Kinh Biến Họa, trên đỉnh tháp hình chữ Nhân ở hang 295, hang 280 của triều đại nhà Tùy, đều xuất hiện các bức Niết Bàn kinh biến họa có cấu trúc vẽ đơn. Hai bức bức họa có nội dung tương đồng, nên nhiều học giả phỏng đoán rằng chúng xuất phát từ một bản thảo.

Lấy Hang 295 làm ví dụ, trên mặt sườn phía tây của đỉnh hang hình chữ Nhân, đã khắc họa những nội dung chính trong kinh Niết Bàn. Trung tâm của bức họa cũng là Đức Phật, tay phải để gập, sườn phải nằm tựa vào linh đài, đầu ngẩng cao, chân hạ xuống, hai mắt nhắm kẽ, tư thế hơi đưa người về phía trước, biểu thị niết bàn không phải là kết thúc, mà là cảnh giới tường hòa của “thường, lạc, ngã, tịnh”, là sự thăng hoa của sinh mệnh.

Xung quanh Đức Phật là các đệ tử bưng mặt khóc lóc bi thương. Mặc dù khuôn mặt không rõ ràng nhưng từ ngôn ngữ cơ thể, cánh tay hơi gập, có thể thấy rằng các chúng đệ tử đang trong tâm trạng vô cùng đau lòng, xót thương. Hai vị đệ tử ở giữa còn nắm lấy mái tóc, đây vốn là tập tục trong tang lễ ở Trung Á. Còn Ma Ha Ca Diếp đứng cạnh chân của Đức Phật, đang quỳ gối dưới đất, lấy tay vuốt ve đôi bàn chân của Đức Thế Tôn.

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong 4
“Niết Bàn kinh biến” trong Hang 280 của triều đại nhà Tùy, thuộc Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. Bức bích họa nằm ở trung tâm phía tây của đỉnh hang hình chữ Nhân. (Ảnh: Tài sản công)

Ở góc trái bức tranh là phu nhân Ma Da, mẫu thân của Đức Thế Tôn. Ngài đang ngồi trên một tòa sen tinh tế, tay trái chống bên linh đài, tay phải buông thõng, như đang chìm trong tâm trạng bi thống với những suy nghĩ xa xăm. Tư tưởng của ngài có lẽ đang đặt vào những giáo nghĩ thâm sâu của Phật Pháp, vì ở bên phải vẽ lần lượt các nội dung Kinh Phật trong “Độc long hấp châu”, “Kim cương đọa đích”, “Tu bạt đà la nhập diệt”, v.v. Thực ra, Đức Phật niết bàn là lấy niết bàn tướng để thuyết Pháp cho chúng sinh, những nét mặt biểu cảm của chúng nhân trong bức họa đã phản ánh những lý giải khác nhau của họ về niết bàn.

Trong Hang 280, phía dưới bộ Niết Bàn kinh biến và bên ngoài khám thờ phía tây đều được vẽ đối xứng các câu chuyện trong “Ca Diếp kết tập” và “Thừa tượng nhập thai”. Trong đó, trung tâm của bức “Ca Diếp kết tập” vẽ Phật A Nan ngồi tọa ở đoá sen thất bảo, tay cầm cuốn kinh. Bên phải là ngài Ca Diếp ngồi trên đài sen, bên trái là tám vị La Hán. Đây là hình ảnh sau khi Đức Phật nhập niết bàn, Ca Diếp đã triệu tập 8 vạn 8 ngàn vị La Hán đến nghe A Nan tụng niệm kinh Phật, họ còn bàn bạc thảo luận về nội dung kinh văn.

“Thừa tượng nhập thai” là một sự tích Phật truyện. Truyền thuyết được khắc họa lại bằng hình ảnh thái tử trong trang phục Bồ Tát cưỡi voi bay từ trên trời xuống. Dưới sự dẫn dắt của Kỹ Nhạc Phi Thiên, ngài đang chuẩn bị hạ giới. Hai tổ hợp tranh này lần lượt đại diện cho kiếp sau của Đức Phật và cuộc đời của ngài, kết hợp với Niết Bàn kinh biến để khắc họa hoàn chỉnh về cuộc đời của Đức Phật khi ở nhân gian.

Tranh liên hoàn: Pháp Hoa kinh biến

Pháp Hoa Kinh là tên viết tắt của “Diệu Pháp Liên Hoa kinh”, là “Kinh trung chi vương” trong Phật điển, có nội dung vô cùng đồ sộ. Do đó khi các nghệ nhân vẽ kinh biến họa, sẽ chọn phương pháp vẽ tranh liên hoàn mà các thế hệ trước đã áp dụng. Họ lựa chọn những câu chuyện có tình tiết nổi bật hoặc những hình tượng cụ thể để phản ánh các sự kiện được ghi chép trong kinh Phật.

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong 5
Một phần của “Hỏa Trạch Dụ” thuộc “Pháp Hoa Kinh Biến” trong Hang 420 của triều đại nhà Tuỳ, thuộc Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. Bức họa nằm ở phía nam của đỉnh tháp. (Ảnh: Tài sản công)

Pháp Hoa Kinh Biến trong Hang 420 có thể nói là một công trình to lớn và tinh tế, một kiệt tác của triều đại nhà Tuỳ với nội dung phong phú nhất. Các tiêu đề chương trong kinh điển như “Tựa phẩm”, “Phương tiện phẩm”, “Kiến bảo tháp phẩm” đều được bố trí dày đặc trên bốn sườn của đỉnh tháp. Mỗi sườn tháp đều có tổ hợp tranh theo kiểu tranh cuộn ba đoạn. Về bố cục, để biểu đạt nội dung cốt truyện, nên đã phá vỡ ranh giới kiểu ba đoạn, từ đó có thể khắc họa đầy đủ nhưng vẫn có kết nối chặt chẽ, mà không mất đi sự linh hoạt, sống động.

Ví dụ, ở sườn phía nam thể hiện cảnh tượng “Hỏa trạch dụ” ( tức là Tòa nhà cháy) trong “Tỉ như phẩm”. Trong bức họa, có chủ thể là quần thể kiến trúc san sát nhau, với những lầu cao đài các, có tường bao quanh, khắc họa cảnh tượng phú quý giàu sang giữa chốn phồn hoa đô hội. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ từng lầu các, thì sẽ phát hiện hầu hết chúng đều đã bị lửa thiêu rụi, bốn bề là ác quỷ, cáo, chồn, rắn độc. Hình ảnh này thật giống như nhìn thì tưởng hào nhoáng tráng lệ, nào ngờ nguy hiểm trùng trùng. Ngôi nhà lửa tượng trưng cho tam giới, cho thấy khắp chốn nhân gian đều chứa đầy những thống khổ và hung hiểm.

Những người trong lầu các mỗi người một vẻ mặt, nhưng hầu hết đều đang trầm mê trong lạc thú và không hề hay biết về những nguy hiểm đang rình rập. Một vài người phát hiện ra ngọn lửa thì kinh hồn khiếp phía, có người thì bỏ chạy, ra đến sân thì bị bầy sói hoang rượt đuổi, có người lại quây quần bên Đức Phật chăm chú nghe kinh Pháp, tìm kiếm con đường giải thoát thực sự.

tim lai giac mong don hoang p 9 minh chan tuong 6
Một phần của “Pháp Hoa kinh biến” trong Hang 420 của triều đại nhà Tuỳ, thuộc Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Ở giữa bức họa có ba chiếc xe lần lượt là xe dương, xe lộc và xe ngưu được phân bố theo chiều dọc, cả ba xe đều được trang trí nhiều trang sức hoa lệ. Bức họa cũng có kết cấu trái phải để dễ dàng thể hiện cốt truyện quan trọng của “Tam xa khuyến li” (tức là Ba chiếc xe khuyên rời khỏi). Trong bức họa, chỉ có duy nhất toà nhà nằm ở phía dưới cùng bên phải là không bị ngọn lửa huỷ hoại, tại sân viện có điện đường của Phật và nhiều nô bộc bên trong. Trên lầu lại thấp thoáng một người với tư thế thanh tao phiêu dật, chính là tượng trưng cho “Đại phú trường giả” – Đức Phật.

Trường Giả khuyên răn gia nhân cần tránh xa những ngôi nhà cháy, nhưng ai cũng ngoan cố không chịu làm theo. Ngài bèn dùng ba chiếc xe trang trí lộng lẫy để phù hợp với ham muốn, chấp trước của họ, để thuyết phục họ lên xe tránh nạn. Thế là, ba chiếc xe đã dẫn cả gia tộc của Trường Giả đi dọc theo con đường nên núi cao đại đạo. Phần cốt truyện này phản ánh sự việc vô vàn chúng sinh nhờ được Đức Phật độ hóa, đã lên xe Phật, cuối cùng trở về thế giới Phật quốc. Bức tranh này cũng là để đánh thức thế nhân, cần mau chóng thoát khỏi biển dục vọng và dõi theo Phật Pháp trở về gia viên đích thực của sinh mệnh.

Tóm lại, nghệ thuật hang đá của triều đại nhà Tuỳ nằm ở giai đoạn quá độ kế thừa của đời trước và là cảm hứng cho đời sau. Nó đã trung hòa giữa phong cách thời Bắc triều và đặc sắc đang dần biến mất của Tây vực, và cũng mang không khí thịnh vượng, phồn vinh. Nó giống như một nghệ thuật gia không ngừng tìm kiếm, biến hóa đa dạng nhiều phong cách, mở ra những bước phát triển mới về hình dạng và chủ đề, đặt nền móng cho thời đại thịnh vượng thực sự của Đôn Hoàng trong tương lai.

Tác giả: Lan Âm

Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x