Tìm lại giấc mơ Đôn Hoàng (P.5): Nghệ thuật tạc tượng Phật trong hang đá thời kỳ Bắc Lương

tim lai giac mo don hoang minh chan tuong
Tìm lại giấc mơ Đôn Hoàng (Ảnh: Epoch Times)

Hang Mạc Cao là nơi xây dựng những ngôi chùa hang đá trong sa mạc có trình độ nghệ thuật tinh xảo bậc nhất trong số các hang đá ở Đôn Hoàng. Sau khi hoà thượng Lạc Tôn đào hang đá đầu tiên, thiền sư Pháp Lương tiếp tục xây các hang đá xung quanh. Sau đó, hoạt động tạc tượng đào hang đã phát triển rộng rãi trong giới tu hành và được người dân đồng loạt hưởng ứng, từ bách tính phổ thông đến quý tộc giàu có.

Hang động của hai nhà sư lỗi lạc từ lâu đã bị vùi lấp bởi lớp cát bụi phủ dày suốt nhiều thập kỷ, diện mạo nguyên thuỷ nhất của hang đá Đôn hoàng chỉ còn tồn tại trong tâm thức đầy tiếc nuối của người đời. Nhưng sự tiên phong của họ đã được khắc trên bia đá trong Hang số 322 thuộc Hang Mạc Cao: “Cà la chi khởi, lạm trường vu nhị tăng” (tức là nơi tăng chúng tụ tập đầu tiên, bắt nguồn từ hai vị cao tăng). Tấm bia này sẽ mãi lưu truyền và khắc ghi trong lòng thế hệ đời sau.

Đối với các tăng nhân, họ đều mong tìm được chân Pháp để siêu thoát về chốn cực lạc, phát nguyện tĩnh tâm khổ tu trên vách đá cheo leo. Còn đối với những gia tộc giàu có và bách tính phổ thông, vì muốn giữ gìn tên tuổi gia tộc, hưởng phúc báo đời đời kiếp kiếp, họ không hẹn mà gặp tự tìm đến đây, chung tay xây dựng những công trình mới gần hang đá nơi thánh tăng Lạc Tôn và Pháp Lương thiền sư tọa lạc. Mục đích là để thể hiện lòng kính ngưỡng, tín phụng của bản thân đối với Thần linh.

Trong số các hang đá ở Đôn Hoàng, hang đá cổ kính nhất còn tồn tại là ba di tích trong hang Mạc Cao, gồm hang 268, hang 272 và hang 275, được xây vào thời kỳ Bắc Lương. Khi ấy, dưới sự thống trị của Thư Cừ Mông Tốn, Phật giáo vô cùng hưng thịnh, những ngồi chùa hang đá cũng tăng lên đáng kể. Hang đá Mạc Lương cũng được xây dựng vào thời kỳ này. Vậy rốt cuộc hang đá này có diện mạo như thế nào? Và những hang đá thời Bắc Lương có gì độc đáo?

Mô hình hang đá Lương Châu

Hang đá Lương Châu giống với Hang Mạc Cao, đã bị thời gian tàn phá và không cách nào khôi phục lại diện mạo ban đầu. Hang Lương Châu tọa lạc trên núi Thiên Thê, nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất. Trải qua vô số trận địa chấn suốt hàng ngàn năm qua, mọi thứ ở đây hầu như đều bị phá huỷ, chỉ còn một tượng Phật lộ thiên và chúng đệ tử ở trong hang 13 còn nguyên vẹn.

bich hoa bac luong minh chan tuong
Bích họa Bắc Lương được phát hiện trong hang đá số 4 trên núi Thiên Thê. (Ảnh: Tài sản công)

Trong quá trình di dời và trùng tu suốt vài thập kỷ, các học giả Trung Quốc đã bất ngờ phát hiện một số bức bích họa tượng Bồ Tát của Bắc Lương, nhưng đều đã bị hư hại và bị các bức bích họa đời sau vẽ đè lên. Hình tượng Bồ Tát được phát hiện không giống với hình tượng Bồ Tát thịnh hành ở Trung Nguyên. Bồ Tát Bắc Lương có mũi cao mắt sâu, thân hình đầy đặn, biểu cảm phong phú, mang đậm phong cách của Ấn Độ và Tây Vực. Việc tìm thấy bích họa Bắc Lương đã phần nào vén mở những góc khuất bí ẩn về Lương Châu.

Ở Lương Châu còn có một số kiệt tác hang đá vào thời Thư Cừ Mông Tốn, tạo thành một phong cách nghệ thuật tương đối hoàn chỉnh của hang đá Lương Châu. Trong đó, công trình chùa Mã Đề nằm ở Túc Nam, tỉnh Cam Túc đạt trình độ nghệ thật cao nhất trong quần thể hang đá ở Kỳ Liên Sơn. Ngoài đó ra, chùa Kim Tháp được xây dựng vào thời Bắc Lương cũng được coi là báu vật của nghệ thuật hang đá Phật giáo thời kỳ đầu. Ngôi chùa này tuy chỉ có hai hang đá ở phía đông và phía tây nhưng đều là những mô hình hang đá kinh điển của Lương Châu.

Mới đầu đặt chân vào chùa Kim Tháp, mọi người thường choáng ngợp trước những hình tượng Thần Phật với thần thái trang nghiêm và được tô những sắc màu đa dạng khắp xung quanh. Sau đó, họ sẽ bắt đầu tò mò về kết cấu độc đáo trong hang. Hai hang phía đông và phía tây đều có hình dạng của một tháp trung tâm, tức là đều dựng một Phật tháp hình trụ vuông nằm sừng sững ở giữa hang đá. Đây là mô hình hang động kinh điển nhất của Phật giáo thời kỳ đầu, thuận tiện cho các hành giả tu luyện đi lại bên trong và ngắm nhìn tượng Phật. Khu vực này cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn giáo như lễ bái, cúng dường, v.v. Vì thiết kế rất đặc thù nên nó cũng được gọi là hang tháp chùa.

Tháp trung tâm có hình trụ vuông, mỗi bức tường được chia làm ba tầng với các hốc nhỏ để tạo tượng. Các tượng có hai màu chủ đạo là hồng đất và xanh cẩm thạch, mang hình tượng Phật, Bồ Tát, với tư thế và trang phục sống động như thật. Có thể nói, bốn bức tường đều được trang trí vô cùng lộng lẫy. Ở tầng dưới cùng của mỗi mặt tháp trụ, trong các hốc đá đều đặt một vị Phật ngồi xếp bằng, tay kết ấn, thần thái an nhiên, còn bên ngoài điêu khắc các hình tượng của Phật và Bồ Tát. Ở hai tầng trên đặt bàn thờ Phật, diện tích tương đối nhỏ, trong các hốc đá cũng có tượng Phật đang ngồi đả tọa.

tim lai giac mo don hoang thap tru trung tam chua kim thap minh chan tuong
Hình ảnh Tháp trụ trung tâm của chùa Kim Tháp. (Ảnh: Tài sản công)

Điểm đặc sắc nhất là những tượng tiên nữ bay lượn hai bên vòm tháp. Những bức tượng dùng nghệ thuật điêu khắc “cao nhục tố”, thân hình uốn lượn hình chữ V, vươn người ra khỏi hốc đá, như thể đang hiếu kỳ muốn ngắm nhìn thế giới. Nét cười của các nàng tiên cũng rất sinh động, hai tay vươn ra, phần lưng cong xuống, dây thắt lưng phiêu dật, nhìn như đang nhảy múa, lại cũng giống như các vị Phật tổ trong cảnh giới an nhiên tĩnh lạc đang tiếp dẫn chúng sinh về nơi Thiên quốc. Những bức tượng tiên nữ trong chùa Kim Tháp là sản phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật hang đá của Trung Quốc, được các học giả gọi là “tinh hoa của phi thiên phương Đông”.

Ở Túc Nam còn có một hang đá trên núi Văn Thù, trong đó có “Tiền Sơn Thiên Phật động” có thiết kế giống tháp trụ trung tâm, cũng nằm trong những di sản quý giá của hang đá Lương Châu. Người xưa đã sử dụng phương pháp tán màu của Tây Vực để trang trí bốn bức tường bên trong, sáng tạo ra Thánh tượng ngàn Phật, tuy màu sắc đã bị phai nhạt theo thời gian, nhưng bức tượng vẫn thể hiện nét đặc trưng “vòng đen” riêng biệt. Phương pháp tán màu của Tây Vực là một kỹ thuật vẽ từ nhạt đến đậm, tán từng lớp theo hình vòng tròn để tạo được hiệu quả nông sâu trên cơ thể nhân vật, khiến hình tượng nhân vật trở nên có hình thái như không gian ba chiều.

Những người thợ lành nghề, mang trái tim thành kính của hơn một ngàn năm trước đã dùng những đường nét đơn giản chắc chắn và cách pha màu khéo léo để khắc họa hình ảnh các vị Thần trong trái tim họ. Ngàn Phật khoác trên mình chiếc áo cà sa hở vai, Bồ Tát thanh thoát trang nghiêm, tiên nữ yểu điệu sinh động. Những người thợ thuần thành đã áp dụng phong cách hang đá Lương Châu, cho nên hình tượng Phật đều có mũi cao mắt to, khuôn mặt tròn trịa, cơ thể khỏe khoắn, cử chỉ trang nghiêm, hoàn toàn khác hẳn với hình tượng phàm tục của người thường. Họ dường như đến từ một Thiên quốc xa xôi, giáng trần để truyền ban phúc âm cho tất cả chúng sinh ở phương Đông.

Thiền sư Đôn Hoàng

Vào thời kỳ Bắc Lương, Phật Pháp được truyền bá rộng rãi, các ngôi chùa mọc lên khắp nơi, trong thành Đôn Hoàng lại xuất hiện một vị cao tăng xuất thần. Ngài có vẻ ngoài rất đặc biệt, hai chân mày dính lại với nhau, mọi người đều tôn kính gọi ngài là “thiền sư Liên Mi”, nghĩa là vị thiền sư có chân mày liền nhau. Ngài đến từ nước Kế Tân ở Tây Vực, pháp danh là Đàm Ma Mật Đa (Dharmamitra). Khi ngài còn nhỏ, mỗi lần tổ chức Phật sự, ngài đều hoan hỷ tham gia. Năm lên bảy tuổi, ngài đã xuất gia tu hành, thông đọc kinh sách, tiếp thu tinh thần của Phật giáo, và được bách tính vô cùng kính trọng và mến mộ.

tim lai giac mo don hoang minh chan tuong 1
Đàm Ma Mật Đa chọn một nơi yên tĩnh trong hoang mạc ở bên ngoài thành Đôn Hoàng, chuẩn bị xây chùa, giảng giải Phật Pháp cho bách tính. Bức bích họa “Đại Phật Quang Chi Tự” trên bức tường phía tây của hang 61 thời kỳ Ngũ Đại của hang Mạc Cao – Đôn Hoàng

Tuy còn trẻ nhưng Đàm Ma Mật Đa đã sớm phát thệ nguyện hoằng dương Phật Pháp, vân du khắp các nước Tây Vực. Khi ngài chuẩn bị đi đến Quy Từ thì quốc vương nước này được thần linh báo mộng rằng sắp có một người có công đức sâu dày sẽ đến nước của họ, nhất định phải thành tâm cúng dường vị ấy. Vì thế quốc vương đã đích thân ra tận vùng ngoại ô để chờ đợi cao nhân xuất hiện, cuối cùng gặp được Đàn Ma Mật Đa. Sau đó, vị cao tăng trẻ tuổi được cung kính nghênh đón vào cung và được cúng dường rất chu toàn. Tuy nhiên, gấm vóc lụa là, cung điện nguy nga cũng không thể giữ được chân của Đàn Ma Mật Đa, mấy năm sau ngài lại tiếp tục đi về hướng Đông. Trước khi đi, Thần linh lại báo mộng với quốc vương: Người có phước đức lớn sắp rời bỏ ngài mà đi rồi.

Đàm Ma Mật Đa cũng giống như hòa thượng Lạc Tôn, băng qua sa mạc, sau đó đến Đôn Hoàng. Vừa đặt chân đến đây, ngài liền cảm thấy rằng đây chính là mảnh đất lý tưởng để hoằng Pháp, từ đó bèn ở lại nơi này. Ngài chọn một mảnh đất yên tĩnh và rộng rãi trong hoang mạc ở ngoại thành, chuẩn bị xây chùa để giảng kinh luận Pháp cho dân chúng. Vì ngài là cao tăng của Tây Vực nên người Đôn Hoàng nô nức đến cúng dường, ngôi chùa của Đàm Ma Mật Đa rất nhanh đã được xây xong, lầu các điện thờ, ao hồ khoảng sân đều vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh.

Vì để tạo môi trường tu luyện an lành, mát mẻ cho các tín đồ, Đàm Ma Mật Đa dẫn theo các đệ tử trồng hơn một ngàn cây xanh quanh chùa, khiến ngôi chùa trông vừa thanh mát, lại còn có thể ngăn được gió cát thổi vào. Khi có thêm tài sản và tiền công đức, Đàm Ma Mật Đa lại mở rộng thêm quy mô của ngôi chùa, khi ấy nhu cầu chi tiêu lại tăng lên, ngài lại khai hoang hơn một trăm mẫu ruộng ở gần chùa để canh tác trồng trọt bù vào chi phí sinh hoạt của chùa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đàm Ma Mật Đa đã thu nạp rất nhiều đệ tử, Thiền học trở nên hưng thịnh tại Đôn Hoàng.

Lúc này, hoạt động tạc hang đá Mạc Cao cực kỳ hưng thịnh. Đàm Ma Mật Đa tập hợp các tu sĩ lại cùng tham gia vào hoạt động đục hang và tạc tượng. Người đời sau đều cho rằng, ba hang đá Bắc Lương trong hang Mạc Cao rất có thể là hang công đức của Đàm Ma Mật Đa, hang 275 có tượng cúng dường của ngài, rất nhiều phòng thiền trong hang 268 là nơi dành cho Đàm Ma Mật Đa hành thiền.

Ba hang đá thời kỳ Bắc Lương

Mặc dù ba hang đá xây dựng vào thời kỳ Bắc Lương trong hang Mạc Cao có hình dạng giống hang đá nổi tiếng cùng thời, nhưng lại mang phong cách khác, và có đặc sắc riêng.

tim lai giac mo don hoang minh chan tuong 2
Tượng vẽ trên tường phía tây trong hang 268 vào thời kỳ Bắc Lương của hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Tịnh thất thiền định: Hang 268

Hang 268 là hang động xuất hiện sớm nhất trong quần thể Hang Mạc Cao. Đây là một hang đá nhỏ hẹp, có nhiều gian, gian chính chỉ cao vừa một người đứng, hai bên hông đục bốn gian nhỏ, bên trong có giường thiền, nhưng cũng chỉ đủ cho một người ngồi. Mô hình này bắt nguồn từ Ấn Độ, chuyên dành cho tu sĩ ngồi thiền tu hành, gọi là “thiền quật” (tức hang thiền).

Năm xưa Phật Thích Ca Mâu Ni cũng ở trong những hang động đơn sơ như vậy, ngồi thế kiết già, tu hành khổ hạnh, chứng ngộ Phật Pháp. Hang đá sớm nhất thời Lạc Tôn đại sư cũng thuộc loại thiền quật, tuy đã không còn nhưng người đời vẫn có thể mường tượng ra được vì hang 268 vẫn được bảo tồn và có mô hình giống với thiền quật thời đầu.

Khi quan sát kỹ lưỡng hang 268, các học giả phát hiện gian chính có kết cấu mái hình chứ nhật, gian nhỏ có mái hình vuông. Hình ảnh nổi bật nhất là bàn thờ Phật ở bức tường phía tây, chính giữa có tượng Phật ngồi bắt chéo chân, dung mạo nghiêm trang trầm lắng. Đặc điểm của tượng Phật có phần giống Tây Vực: thân khoác cà sa màu đỏ để lộ vai bên phải, chất vải mỏng nhẹ ôm sát người.

Trên tường và trong hốc tường điêu khắc những hình tượng tiên nữ, Bồ Tát và cũng tô theo phương pháp tán màu của Tây Vực. Tiên nữ khoác khăn dài, mặc váy dài, thân hình uốn lượn mềm mại hình chữ V, hai bàn tay đưa ra, tư thế uyển chuyển sinh động. Bồ Tát đội chuỗi vòng ngọc, mặc váy dài, hai tay chắp lại, ngồi trên đài hoa sen, thần thái an nhiên tự tại. Phía dưới bức tường có vẽ người cúng dường mặc quần áo nhà Hán và người Hồ, thân hình nhỏ bé, thái độ cung kính. Tuy các nét vẽ đã bị năm tháng phôi phai nhiều, nhưng người ta vẫn cảm nhận được không khí trang nghiêm, thần thánh vốn có.

Phần đỉnh bằng phẳng được trang trí bằng phương pháp đắp nổi trong hình vuông, điểm xuyết thêm các hoa văn như cỏ cây, đốm lửa, ở bốn góc cũng có vẽ hình ảnh tiên nữ.

tim lai giac mo don hoang minh chan tuong 3
Tượng Phật trong bàn thờ Phật ở bức tường phía tây trong hang 272 thời kỳ Bắc Lương của hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Hang thứ 272 – Nơi tổ chức cúng dường lễ Phật

Trong hang 272, bên trong hốc chính giữa ở bức tường phía tây của gian thiền chính, có một bức tượng Phật ngồi, dáng dấp giống với tượng Phật chính của hang 268, nhưng thủ pháp điêu khắc tinh tế hơn.

Tấm áo khoác trên người tượng Phật có đường vân nổi lên, thể hiện sự mềm mại của chất liệu vải. Phía sau tượng lại vẽ nhiều thiên nhân, Phật đản và các đốm lửa, tượng trưng Phật Pháp vô biên, hóa sinh vạn vật. Những tiên nữ đứng ở phía sau, cũng là vị trí đầu tiên khi họ xuất hiện ở Đôn Hoàng.

Thời gian qua đi, càng ngày càng nhiều người nguyện ý lắng nghe và tắm mình trong ánh sáng của Phật Pháp. Sau đó, hang Mạc Cao dần dần xuất hiện những hang động chuyên dùng để cúng dường lễ Phật. Kết cấu của hang Mạc Cao dần dần thay đổi theo, từ nhỏ hẹp đến cao lớn, từ đơn sơ đến phong phú, mộc mạc đến tinh xảo.

Hình ảnh thu hút nhất trong hang 272 là cảnh tượng cúng dường Bồ Tát đặt trên bàn thờ Phật. Trong bức bích họa xuất hiện 40 vị Bồ Tát, 4 vách tường mỗi bên chia làm 4 hàng, mỗi hàng đều có 5 vị với tư thế khác nhau, người hoặc ngồi hoặc quỳ, người cong lưng khuỵu gối, giống như đang nhảy múa và cũng giống như đang luyện công, các tư thế này đều mang phong cách của Ấn Độ.

Nhìn tổng thể, cảnh tượng cúng dường vừa trang nghiêm, lại ngập tràn không khí hoan hỷ và khoan khoái. Vì màu sắc và hình dạng không còn nguyện vẹn, nhưng nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy mỗi vị Bồ Tát đều có ngũ quan cân đối, thần thái ôn nhu tinh tế, thể hiện nét trầm tĩnh, an nhiên tự tại.

Hai bức tường bắc nam khắc họa cảnh thuyết Pháp và bích họa ngàn Phật. Phật giáo nhìn nhận rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn là Pháp vương, giống như sư tử là vua của loài thú: lời thuyết Pháp của Phật được gọi là “sư tử hống” (tiếng rống của sư tử), biểu thị uy lực và diệu dụng của Phật Pháp thu nhiếp được tất thảy chúng sinh. Vì vậy, dưới chỗ ngồi của Đức Phật có vẽ một thần thú sư tử đầu tròn bờm dài, trông rất oai vệ. Đây cũng là hình ảnh sư tử xuất hiện đầu tiên trong bích họa Đôn Hoàng. Xung quanh Đức Phật là tượng ngàn Phật, được sơn các màu chủ đạo là màu trắng, xanh, lục, thể hiện ý cảnh “Phật nối tiếp Phật, ánh sáng nối tiếp ánh sáng”. Phía trên gian thiền cũng có hình ảnh tiên nữ và hoa cỏ.

tim lai giac mo don hoang minh chan tuong 4
Câu chuyện “Xuất Du Tứ Môn” trên bức tường phía nam của hang 275 vào thời kỳ Bắc Lương của Hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Hang thứ 275 – Sự tích Phật Đà, giao thoa với nghệ thuật Trung Hoa

Hang 275 được trang trí khá tinh tế và lỗng lẫy, tượng Phật được đặt ở bức tường phía tây trong gian chính. Đó là tượng Bồ Tát Di Lặc ngồi bắt chéo chân, mỉm cười hòa ái, bảo vệ mảnh đất này. Hai bức tường nam và bắc cũng đục hốc tạo tượng, bên trong có Di Lặc và Bồ Tát. Điều đặc biệt là, trên một số bàn thờ Phật xuất hiện mái hiên hình “khuyết” giống kiến trúc truyền thống của Trung Nguyên. Có thể nói, bắt đầu từ thời điểm này, phong cách hang Mạc Cao đã du nhập thêm các yếu tố của mảnh đất Trung Hoa.

Vì để cho mọi người dễ dàng hiểu Phật Pháp hơn, trong hang 275 lần đầu xuất hiện Phật Bổn Sanh (câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật) và bích họa Phật truyền (Phật Thích Ca Mâu Ni truyền ký).

Chính giữa bức tường phía nam ở gian chính có tranh vẽ mô tả câu chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Thái tử. Sau khi thành hôn, Thái tử không màng đến lạc thú trần tục, mà chỉ một lòng hướng tâm tu hành. Quốc vương vì chuyện này mà lo lắng không yên, lệnh cho Thái tử xuất cung dạo chơi, hy vọng cắt đứt được ý tưởng xuất gia của ngài. Khi thái tử bước ra khỏi cổng thành, đến cửa đông nhìn thấy người già ốm yếu, đến cửa nam nhìn thấy người bệnh tiều tuỵ, đến cửa tây nhìn thấy người chết bên đường, đến cửa bắc nhìn thấy tăng nhân tu hành. Thái tử thở dài trước nổi khổ sinh lão bệnh tử của thế gian, trong lòng càng thêm quyết tâm tu hành.

Toàn bộ câu chuyện được thể hiện bằng hình thức tranh liên hoàn hàng ngang, kỹ thuật vẽ nhân vật, trang phục đều thể hiện nét đặc trưng của Tây Vực. Hiện nay phần được bảo tồn tương đối tốt là tình tiết gặp người già và gặp tu sĩ. Trong đó người cưỡi ngựa là Thái tử, bên trái là ông lão râu tóc bạc phơ khom lưng bước đi, bên phải là tu sĩ thần thái ung dung, khỏe khoắn thoát tục, tạo thành hình ảnh tương phản rất mới mẻ. Trên bức bích họa còn khắc tượng các thiên nữ tấu nhạc, nhảy múa trong khoảnh khắc chứng kiến Thái tử giác ngộ Phật Pháp.

Chính giữa tường phía bắc vẽ câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật, bao gồm các tình tiết như Vua Tỳ Lăng Kiệt Lê đóng ngàn chiếc đinh lên người, vua Kiền Đồ Ni Bà Lê xẻo thịt thắp ngàn ngọn đèn, vua Thy Bì cắt thịt cho bồ câu ăn, vua Nguyệt Quang bố thí đầu, vua Khoái Mục bố thí mắt, tất cả đều là kể về sự tích xả thân hành thiện trong kiếp trước của Phật Thích Ca Mâu Ni. Những câu chuyện này đều có cùng một điểm chung, chính là ca tụng lòng từ bi khổ độ, kiên nhẫn bất phàm của Đức Phật. Đây cũng là phẩm chất cần có của người tu hành nếu muốn thành tựu viên mãn.

Bất kể ai khi bước chân vào hang đá, ngắm nhìn những tấm bích họa bên trong, đều không khỏi trầm trồ trước những hình ảnh sống động như thật vậy. Từ đó càng hiểu hơn về nguyên nhân vì sao các tác tăng nhân lại coi nhẹ sinh tử và họa phúc ở đời, nguyện ý xả bỏ mọi thứ để tu Phật và kiên định chính tín suốt con đường tu hành của mình.

Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x