Dạy con sáng Đạo: Bài 22 – Phụ nữ bất chính

Dạy con sáng Đạo
Dạy con sáng Đạo

Lời dịch

Phụ nữ bất chính, chẳng xứng làm vợ
Làm người bất trung, chẳng xứng bề tôi
Nữ giữ tiết hạnh, sỹ giữ thanh danh
Vợ hiền vật báu, tôi hiền quốc bảo

Nguyên văn chữ Hán:

不正之女,羞以為妻
不忠之人,羞以為臣
女知守節,猶士守身
賢妻家寳,賢臣國珍

Âm Hán Việt:

Bất chính chi nữ, tu dĩ vi thê
Bất trung chi nhân, tu dĩ vi thần
Nữ tri thủ tiết, do sỹ thủ thân
Hiền thê gia bảo, hiền thần quốc trân

Diễn giải:

Người phụ nữ bất chính thì không xứng làm vợ (khiến người chồng phải hổ thẹn).

Người bất trung thì không xứng làm bề tôi (khiến quân vương phải hổ thẹn).

Phụ nữ biết giữ tiết hạnh, phẩm giá, kẻ sỹ phải biết giữ gìn thanh danh.

Vợ hiền là báu vật trong nhà, bề tôi hiền là bảo vật quốc gia.

Câu chuyện tham khảo:

Thủ tiết phụng dưỡng mẹ chồng

Phụ nữ bất chính
Ảnh minh họa: NTD

Triều Tống có một người phụ nữ hiền lương là Trần Thị, năm 20 tuổi xuất giá về nhà chồng, sống một cuộc sống hết sức vui vẻ, hạnh phúc. Ngờ đâu chưa được một tháng sau, người chồng đã phải nhập ngũ, lên đường ra trận. Tình cảnh vợ chồng vừa mới cưới đã ly biệt, thật buồn rầu ủ rũ biết dường nào. 

Lúc chia tay, người chồng ân cần nắm tay vợ nói: “Sau khi ta đi rồi, nhờ nàng ở nhà chăm sóc phụng dưỡng mẹ già thay ta!”

Trần thị cố tỏ ra cứng rắn, an ủi động viên chồng, hứa sẽ hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ già.

Sau đó không bao lâu thì nàng nhận được hung tin, người chồng không may tử trận. Trần Thị đau buồn khôn xiết, nhưng vẫn phải gắng sống để còn lo chăm sóc nuôi dưỡng mẹ chồng.

Người cha của Trần Thị thấy con gái mình tuổi mới đôi mươi đã rơi vào cảnh góa bụa, liền hết lời khuyên con nên tính chuyện tái giá. Nhưng Trần thị kiên quyết nói với cha: “Thưa cha, con biết cha khuyên như vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Chồng con tuy đã bỏ mình, nhưng mẹ chồng còn đó không người chăm sóc. Nay nếu con bỏ bà mà đi lấy chồng khác, đã không vẹn tình nghĩa với chồng, lại không tròn chữ hiếu với mẹ chồng, như vậy chẳng phải là việc bất nhân bất nghĩa, lại còn để tiếng xấu cho cả gia đình mình đó sao? Xin cha cho phép con thủ tiết thờ chồng, hết lòng nuôi dưỡng chăm lo cho mẹ chồng”.

Cha nàng thấy ý con gái đã quyết nên cũng thôi không khuyên con tái giá nữa. Từ đó về sau, Trần Thị siêng năng làm việc, may thuê vá mướn, kiếm được chút tiền nào đều dành dụm lo cho mẹ chồng. Trải qua nhiều năm như thế, nàng vẫn không tỏ ra mệt mỏi, trễ nải. Đến khi mẹ chồng qua đời, nàng còn lo việc chôn cất ma chay tươm tất.

Lòng thủy chung với chồng và tấm gương hiếu thảo của người con dâu Trần Thị đã khiến rất nhiều người cảm động và kính phục. Hoàng đế đương thời biết chuyện bèn ban thưởng và phong tặng nàng danh hiệu là “người con dâu hiếu thảo”.

Xem tiếp: Bài 23 – Trai quý trung – cần

Trung Dung

Theo NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x