Bản giao hưởng “Lan Đình Thư Tự” của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun – Làm sống lại cảnh tượng thi sĩ đối ẩm ngâm thơ tại hội thơ Lan Đình, tôn vinh lý tưởng của bậc chính nhân quân tử.
Cho dù quan điểm xã hội có thay đổi ra sao, chúng ta vẫn luôn mong muốn được kết giao với những bậc chính nhân quân tử, nghiêm túc đứng đắn, chú trọng tu dưỡng đạo đức. Người vợ thì luôn mong người chồng của mình sống có trách nhiệm, trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Cha mẹ thì hy vọng con mình trí dũng song toàn, ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Để trở thành bậc chính nhân quân tử có trách nhiệm như vậy, thì cần chú ý rèn luyện những khía cạnh nào? Dàn nhạc giao hưởng của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, đã biểu diễn bản nhạc “Lan Đình Thư Tự”, tái hiện truyền kỳ về bậc thầy thư pháp Trung Quốc Vương Hi Chi và giúp chúng ta hiểu thêm về phong thái của một bậc chính nhân quân tử.
Trò chơi thả chén đặt thơ
Ở Trung Quốc cổ đại, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân có phong tục tẩy uế, trừ tà. Khi làm lễ xong xuôi, mọi người ngồi dọc hai bên bờ suối, thả những chiếc chén trôi từ đầu dòng. Mỗi khi chiếc chén trôi qua trước vị trí của người nào, thì người đó phải làm một bài thơ hoặc uống ba ly rượu phạt.
Thú vui ngâm thơ, uống rượu, thưởng ngoạn phong cảnh bên dòng suối này được gọi là trò chơi “thả chén đặt thơ”, lưu truyền rộng rãi hàng nghìn năm.
Ngày mùng 3 tháng 3 năm Quý Sửu (năm 353), Thư thánh Vương Hi Chi cùng các danh sĩ đương thời như Tôn Thống, Tôn Xước, Tạ An, Chi Độn… tất cả có 42 người, họp mặt tại Lan Đình huyện Sơn Âm, huyện Cối Kê (Lan Đình là tên một ngôi đình cổ ở Sơn Âm, nay thuộc Triệu Hưng, Chiết Giang). Sau khi làm lễ tế tự, họ bắt đầu vui vẻ uống rượu vịnh thơ với trò chơi “thả chén đặt thơ” bên dòng suối uốn quanh.
Cuối cùng, có 26 vị khách đã sáng tác tổng cộng 37 bài thơ, tập hợp lại thành tập thơ “Lan đình tập”. Mọi người lại nhờ Vương Hi Chi viết lời mở đầu, Vương Hi Chi nhân lúc rượu nồng cao hứng, tình cảm dạt dào, đã hạ bút viết liền một mạch lên giấy tơ tằm. Đây chính là bài tựa bất hủ “Lan Đình Tập Tự”, gọi tắt là “Lan Đình Tự”.
“Lan Đình Tập Tự” được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hành thư (bài văn theo thể Hành bậc nhất trong thiên hạ), mỗi chữ đều tinh diệu, thanh thoát, thông thuận như nét bút của Thần. Tác phẩm không những là một kiệt tác thư pháp mà còn khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên sông núi và những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống.
Bài tựa viết: “Thị nhật dã, thiên lãng khí thanh, huệ phong hòa sướng; ngưỡng quan vũ trụ chi đại, phủ sát phẩm loại chi thịnh; sở dĩ du mục sính hoài, túc dĩ cực thị thính chi ngu, tín khả lạc dã.”
Tạm dịch nghĩa: Hôm nay thời tiết sáng sủa, không khí trong lành, hiu hiu gió nhẹ. Ngẩng nhìn lên vũ trụ bao la, cúi xuống xem vạn vật phồn thịnh, mà phóng mắt ngắm trông thỏa lòng bay bổng, thật thỏa tình mắt ngắm tai nghe. Thật là khoái lạc!
Đối ẩm ngâm thơ là một trong những tài năng của những danh sĩ biết đủ cầm kỳ thi họa. Thuở xưa, người Trung Quốc dùng cổ cầm để tự kiểm điểm lòng mình, dùng cờ vây để giao lưu bằng hữu, dùng văn chương thư pháp để nâng cao cảnh giới tu luyện, và dùng hội họa truyền thống để nuôi dưỡng cảm xúc. Nho gia nhận định những nghệ thuật này có thể giúp con người nắm bắt được tinh tuý của đạo đức nhân luân, hoàn thiện bản thân và vươn tới cảnh giới của hiền nhân, trở thành bậc chính nhân quân tử thực sự, mang lại phúc âm cho xã hội.
Bậc chính nhân quân tử là gì?
Bản nhạc “Lan Đình Thư Tự” do Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun biểu diễn năm 2016, được sáng tác bởi nhà soạn nhạc Tịnh Huyền, với nội dung xoay quanh việc tôn vinh lý tưởng của bậc quân tử. Thời xưa, để trở thành một chính nhân quân tử anh minh, lỗi lạc, giúp ích cho xã hội, thì ngoài việc chú ý lời ăn tiếng nói, y phục, hành xử, còn cần phải thông thạo nhiều tài nghệ. Tại sao người xưa lại xem trọng những tài nghệ này như vậy? Chúng ta hãy cùng lắng nghe bản nhạc ưu nhã “Lan Đình Thư Tự” và thể nghiệm cuộc sống của văn nhân thời xưa.
Bản nhạc “Lan Đình Thư Tự” mở đầu bằng tiếng sáo vui tai khắc họa khung cảnh buổi sớm mai thanh mát, trong rừng trúc xanh tươi cùng tiếng chim hót líu lo gọi bầy.
Sau đó, tiếng đàn tì bà tấu lên, và cũng là đại diện cho âm thanh của “cổ cầm” xuất hiện lặp lại xuyên suốt nhạc phẩm. Những màn cầm tiêu hợp tấu thời xưa thường để thể hiện tâm tư tình cảm và khí chất của văn nhân. Ở đây, âm thanh trầm lắng của kèn clarinet và sáo flute cũng được sử dụng để tạo ra nhịp điệu cổ cầm trầm bổng, tĩnh lặng, xa xôi mà tinh tế.
Điều xảo diệu là, hai nghệ thuật thư pháp và âm nhạc lại có những điểm tương đồng với nhau, đều chú trọng lực đạo và nhịp điệu. Thư pháp giống như một bản nhạc vô thanh, bút lực lúc mạnh lúc nhẹ, lúc vuông lúc tròn, lúc nhanh lúc chậm. Còn khi nghe bản nhạc, chúng ta như thể vừa nghe giai điệu của đàn nhị hồ Trung Quốc, vừa tưởng tượng những chuyển động của nét bút trên mặt giấy. Trạng thái ấy chẳng phải quá xảo diệu hay sao!
Trong hai tiết đoạn tiếp theo, nhịp điệu bắt đầu thăng lên cao hơn và làm nổi bật tinh thần của bản nhạc: Thiên nhiên, cuộc sống, triết lý Đạo gia đều hàm chứa bên trong “Lan Đình Thư Tự”.
Trong phần ngày, đàn violon đóng vai trò chủ đạo, giai điệu mượt mà thể hiện cảnh giới tư tưởng của Đạo gia: vô ưu vô lự, không mệt mỏi chuyện thế sự.
Đoạn tiếp theo là màn đối đáp hô ứng giữa đàn tỳ bà và bộ kèn gỗ, tái hiện cảnh người xưa để nâng cao tu dưỡng văn học, họ đã tổ chức cuộc thi ngâm thơ đối ẩm: đầu tiên một người bắt đầu ngâm câu đầu tiên của bài thơ, sau đó người khác dùng phương pháp đối đáp để làm câu thơ tiếp theo.
Ngay sau đó, giai điệu của cổ cầm lại xuất hiện, lần này lại là tiếng nhạc đàn tỳ bà. Bản thân nhà soạn nhạc Tịnh Huyền cũng là một người chơi tỳ bà. Vậy nên, tác giả đã khéo léo dùng các âm trầm của tỳ bà để thể hiện âm sắc, hòa âm và âm rung của cổ cầm, làm nổi bật cảnh giới tư tưởng thanh tao, nhã nhặn của các bậc văn nhân cổ đại.
Cuối cùng, toàn bộ dàn nhạc đồng loạt tấu lên, cũng giống như không khí buổi ngâm thơ đối ẩm bước vào giai đoạn cao trào.
Ở Trung Quốc cổ đại, một bậc văn nhân quân tử thực sự không chỉ là một nhà thơ mà còn là một âm nhạc gia, triết học gia, chiến lược gia và nghệ thuật gia… Điều quan trọng nhất chính là, nếu người quân tử được trau dồi, bồi dưỡng tài năng theo cách này, sẽ lưu lại một tấm gương quý giá trong lịch sử nhân loại.
Như Vương Hi Chi đã viết trong “Lan Đình Tập Tự” hơn 1,600 năm trước: “Hậu chi thị kim, diệc do kim chi thị tích”, ý tứ là: Đời sau nhìn lại nay, cũng như nay nhìn lại xưa vậy!
Chú thích: Bài viết nhắc đến “Lan Đình Tập Tự” là tác phẩm của Vương Hi Chi, còn “Lan Đình Thư Tự” là bản giao hưởng do nhạc sĩ Tịnh Huyền sáng tác trong Đợt lưu diễn năm 2016 của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun.
Video: https://www.shenyuncreations.com/Orchid-Pavilion
Mời quý vị tìm hiểu thêm:
IG: https://www.instagram.com/shenyunworks/
Facebook: https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin
Twitter: https://twitter.com/sycreations_ch
Tác giả: Thái Nhã
Cao Tịnh biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!