Nhân loại từ đâu đến? Đời người trăm năm rồi sẽ đi về đâu? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều người trong chúng ta từng trăn trở. Và các bậc Đế vương Thánh hiền trong lịch sử thì thế nào?
Phật giáo giảng lục đạo luân hồi, lại giảng về tam tài “Thiên – Địa – Nhân”. Trên trời có Thần, dưới đất có người, còn có các thể sinh mệnh trong nhiều chiều không gian mà chúng ta không biết. Nếu phi thuyền vũ trụ có thể thăm dò các tinh cầu khác, các thiết bị hiện đại có thể khám phá bí ẩn dưới lòng đất và biển sâu thăm thẳm, thì vẫn không thể giúp nhân loại tìm hiểu thời không khác, cũng không thể tiến vào không gian cao tầng. Do đó, những câu chuyện như Thiên đường, Thần giới… vĩnh viễn vẫn là bí ẩn diệu kỳ.
Trong cuốn sách nổi tiếng thời nhà Thanh “Dung Am bút ký”, học giả Tiết Phúc Thành đã ghi chép lại cố sự: Hán Chung Ly cùng thư sinh thần du tiên cảnh.
Tương truyền, vào những năm Vạn Lịch triều Minh, ở Giang Nam có một chàng thư sinh phong lưu nho nhã, tài trí hơn người. Anh có phẩm hạnh cao khiết, học thức uyên bác, lại kết hôn với một cô gái nổi tiếng là đoan trang tú lệ, hiền thục nhu mì. Nơi quê anh ai cũng trầm trồ khen đôi trai tài gái sắc, và chúc phúc cho rồng phượng lương duyên. Một thời gian sau khi kết hôn, chàng thư sinh lên đường đến Sơn Tây làm phụ tá, còn người vợ hiền thì ở nhà quán xuyến việc gia đình.
Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến một ngày, chàng thư sinh nhận được thư nhà báo tin rằng thê tử của anh vừa mới qua đời. Anh vô cùng thương tiếc và nhớ nhung người vợ dịu dàng, lục tìm trong ký ức những kỷ niệm đã qua.
Trong hôn lễ tưng bừng và náo nhiệt hôm ấy, khách khứa không ngớt lời tán dương vị tân nương xinh đẹp như trăng rằm. Bỗng từ đâu một nữ tu bước đến nói với chàng thư sinh: “Thê tử của thí chủ vốn là Tiên nữ hạ phàm. Tám năm sau, nàng sẽ trở lại cung trời Đâu Suất, lúc ấy thí chủ chớ nên quá đau buồn”. Hôm nay nhận được tin vợ hiền qua đời, anh mới sực nhớ lại lời dự ngôn năm xưa. Anh cảm thấy nhân sinh như mộng, trần thế vô thường, trong lòng nảy sinh ý nghĩ muốn cầu Tiên học Đạo.
Sau đó chàng thư sinh chu du từ Tế Nguyên, Hà Nam đến Vương Ốc Sơn, vừa thưởng ngoạn thắng cảnh, vừa tìm kiếm điều kỳ diệu và hy vọng sớm ngày gặp được cao nhân. Khi anh đi đến nơi động đá thanh nhã u tĩnh, nhìn thấy ánh tịch dương đã chếch về phía tây, anh bèn bước vào ngôi thần miếu gần đó để nghỉ ngơi. Cùng lúc ấy cũng có một vị nam tử cao lớn, khí phách hiên ngang đi thẳng vào trong miếu. Vừa thấy ngài, các bức tượng trong thần miếu đồng loạt bước xuống điện thờ để nghênh tiếp và hô vang: “Đại tiên giá lâm!”. Chàng thư sinh cũng vội quỳ xuống hành lễ, chắp tay bái lạy: “Đại tiên gia, xin ngài hãy độ con!”.
Ban đầu vị Đại tiên có ý cự tuyệt, nhưng sau đó ngài cẩn thận xem xét người học trò đang quỳ trước mặt và nói: “Ta với ngươi vẫn còn một đoạn túc duyên. Được rồi, hôm nay ta sẽ đưa nhà ngươi du lãm Thiên cung, sau chuyến đi này tự nhà ngươi sẽ tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của mình”.
Sau đó vị Đại tiên ngồi xuống và nói với thư sinh: “Ta là Hán Chung Ly – một trong Bát Tiên mà nhà người vẫn nghe trong truyền thuyết. Ta biết, ngươi vì thương tiếc người vợ đã quá cố mà có ý cầu Tiên học Đạo. Thê tử của ngươi vốn là Tiên nữ trên trời, bản thân ngươi cũng từng là Thiên nhân. Hai người bị đày xuống thế gian để kết trần duyên, nay duyên phận đã hết, thê tử của ngươi đã được hồi Thiên. Vài ngày qua khi du lãm Thiên cung, ta đã thấy nàng cùng với các vị Tiên nữ đang tản bộ chơi trăng. Nhưng xem ra nhà ngươi vẫn chưa đoạn dứt được chữ Tình, vậy ta sẽ đưa ngươi lên Thiên cung một chuyến”.
Chàng thư sinh hiếu kỳ hỏi lại: “Thiên vũ mang mang, con nghe nói bầu trời bao la rộng lớn kia đều là khí Thanh Hư, nhưng vì sao chư Phật lại có Thiên quốc, trên trời cũng có Thiên cung?”. Đại tiên cười nói: “Nơi ngươi cư trú chính là đại địa, cũng như nơi ta và ngươi đang đứng đây, xung quanh chín vạn dặm, nổi trên thái không giống như giọt nước giữa biển xanh. Trên mặt đất có thanh khí bao bọc, càng lên cao thì khí ấy càng trong càng nhẹ. Con người ngẩng lên nhìn màu xanh thăm thẳm của thiên không, liền gọi đó là trời, nhưng nào đâu biết đó đều là thanh khí của đất đang nổi trôi phiêu đãng. Nếu bay xa mãi, xa mãi khỏi mặt đất thì sẽ không còn thấy gì nữa, đến khi ra ngoài thái không thì vẫn chỉ thấy toàn là không, rồi lại là không”.
Đại tiên lại giảng cho thư sinh nghe về kết cấu của thiên thể, về nhật nguyệt tinh tú trong vũ trụ bao la, mỗi thể hệ đều có quy luật vận hành riêng. Thiên thể vũ trụ này rộng lớn đến mức không vị Thần nào có thể thấy được tỏ tường. Nhưng ở phạm vi mà Đại tiên có thể tiếp xúc đến, mỗi một tầng trời đều có thái dương, chỉ nói riêng trong chín tầng trời đã có hơn 800 thái dương. Mà những tinh cầu này từ hoành quan đến vi quan lại nhiều đến mức không cách nào tưởng tượng được. Bên ngoài tầng trời thứ nhất vẫn còn có vạn vạn tầng trời. Do thời không cực kỳ rộng lớn bao la, nên cho dù là Thần Phật, Thánh giả, Tiên nhân cũng không thể thăm dò rốt ráo đến tận cùng. Đó cũng chính là khái niệm về “tam thiên đại thiên” thế giới mà Phật gia vẫn giảng. Xuyên việt thời không là dựa vào đạo lực, đạo hạnh càng cao, số tầng trời xuyên việt được càng nhiều.
Lúc ấy đã là nửa đêm, rừng sâu tĩnh mịch, trên bầu trời, mặt trăng và các vì sao lấp lánh. Vị Đại tiên cấp cho chàng thư sinh một chiếc gối để thanh tẩy bụi trần, sau đó lại dẫn nguyên thần của anh đi du lãm Thiên cung. Người thư sinh vừa nằm xuống gối liền chìm vào giấc ngủ, những gì thấy trong mơ hệt như giấc mộng hoàng lương trong truyền thuyết. Sau khi tỉnh dậy, anh bỗng cảm thấy tinh thần sảng khoái, hết thảy tục niệm đều tan biến, trí huệ thăng hoa, thâm tâm nghiễm nhiên cũng được tịnh hóa.
Đến khi mặt trời mọc, Đại tiên phẩy nhẹ tay, chàng thư sinh nhắm mắt lại và cảm thấy như đang bay vào trong ống tay áo của ngài. Chỉ thấy gió vù vù bên tai, đến khi nghe hai tiếng “Đến rồi!” cũng là lúc anh bước ra từ trong tay áo của Đại tiên.
Sau đó, hai người cùng lướt mây cưỡi gió du ngoạn khắp các tầng trời. Anh quá đỗi kinh ngạc thấy thân thể bồng bềnh phiêu đãng, còn Đại tiên thì cười lớn: “Là ta đã thu lấy nguyên thần của ngươi đó, chứ với thân xác thịt nặng nề của người phàm thì nhà ngươi sao có thể đến được đây?”.
Thiên cung ở tầng thứ nhất có một khu vườn rộng lớn, ngan ngát thứ hương thơm lạ kỳ. Cây cối bên trong đều cao lớn chắc khỏe, mười người ôm cũng không xuể. Trong vườn có ngàn cây quế tán lá xanh rì, cây hoàng anh rực rỡ, từng cánh vàng rơi lả tả, lại có cây lan Tố Tâm cao đến tám, chín thước, hương thơm nồng nàn, thấm vào gan ruột. Ngay cả cây lúa cũng cao lớn, mỗi hạt thóc hạt gạo đều to như chiếc bát. Hoa mẫu đơn vàng rực, hoa sen tím nở rộ với mỗi đóa sen đều lớn như bánh xe.
Vị Đại tiên nói: “Hoa ở nhân gian hễ nở liền tàn, nhưng hoa ở đây bốn mùa khoe sắc, đến đâu cũng thỏa sức ngắm nhìn. Mỗi cây mỗi cành đều cao lớn, ngay cả đường kính của linh chi cũng dài tới vài trượng. Nơi đây có vô số các loài chim quý, nào là bạch hạc, khổng tước, nào là kim kê, uyên ương… chúng đều làm tổ nghỉ trên cây đại thụ. Mỗi khi phượng hoàng ngũ sắc bay qua, tiếng hót trong trẻo của phượng hoàng khiến thần thanh khí sảng, tâm trí phiêu bồng”.
Rồi chỉ vào chim phượng hoàng, ngài nói tiếp: “Những con phượng hoàng này từng theo Thánh Nghiêu, Thuấn, và Văn Vương giáng sinh, nhưng đã lâu rồi chúng không còn đến nhân gian nữa”.
Chúng sinh trên thiên thượng thần khí tiêu diêu, thân thể tự tại, mỗi ngày đều vui mừng đắc ý, ngoạn du tiên cảnh. Các vị ấy khi thì dạo chơi dưới cây quế, cây đàn hương, lúc lại buông câu bên dòng suối quanh co uốn lượn, thả lòng mình vào chốn sơn thủy u nhã hữu tình. Con đường trên Thiên cung trải dài màu vàng kim và bạch ngọc, ngay cả nhà cửa cũng xây bằng ngọc lục bảo.
Đại tiên nói: “Ở đây những thứ trân kỳ dị bảo, châu báu ngọc ngà đâu đâu cũng có, ai cũng có thể thưởng thức được, hoàn toàn không giống như chốn nhân gian”.
Đại tiên nói thêm rằng, vũ trụ này đã hơn mười lần trải qua quá trình canh tân giống như khi Bàn Cổ khai thiên tịch địa. Người đã tu đến tầng trời này đều phải đạt đến cảnh giới lục căn thanh tịnh, không còn ham muốn, do đó họ vĩnh viễn không tranh không đoạt, vĩnh viễn không có kiếp số. Thiên nhân nếu động tâm phàm thì bị đọa hạ phàm gian, đợi đến khi thời hạn đã mãn, cả thân lẫn tâm đều gột rửa tẩy tịnh, họ mới có thể trở về với bản lai chân thật. Nhưng cũng có người mê trong trần thế, làm ra những việc trái với luân thường đạo lý, không giữ được thiện lương, vậy thì sẽ bị đọa lạc trong luân hồi. Nếu sớm tỉnh ngộ bước trên con đường tu luyện, sau đó lại trải qua đời đời khổ tu, thì mới mong có ngày hồi Thiên. Số người rơi rớt thì nhiều, nhưng số trở lại lại chẳng có bao nhiêu.
Hai người du ngoạn thiên cung đúng vào lúc Thượng Đế triệu kiến quan Nhạc chính Hậu Quỳ (tương truyền, Hậu Quỳ từng làm quan chưởng nhạc dưới thời vua Thuấn) đến diễn tấu nhạc Thiều (nhạc Thiều là tên một khúc nhạc của vua Thuấn nhà Ngu). Chư Tiên, Thánh, Thần, Phật các nơi đều nhận lời mời đến thưởng thức nhạc cung đình.
Đại tiên lại dẫn chàng thư sinh đến cung Khuyết, cảnh lầu đài nguy nga sừng sững hiện ra trước mắt. Anh vô cùng kinh ngạc: Thì ra, các vị Thánh hoàng và đế vương trong lịch sử đều là Thần Tiên hạ phàm. Sau khi hoàn thành sứ mệnh ở thế gian, họ liền trở lại Thiên cung. Anh có thể nhìn thấy các bậc Thánh nhân như Thuấn đế nhà Ngu, Vũ vương nhà Hạ, Thành Thang nhà Thương, Văn vương và Vũ vương nhà Chu, Hán Quang Vũ đế nhà Hán, Hiếu Văn đế thời Bắc Ngụy, và các bậc đế vương sau này như Tống Thái Tổ, Tống Nhân Tông, Kim Thế Tông, Nguyên Thế Tổ, Minh Hiếu Tông, v.v.
Không chỉ có Thánh hoàng và đế vương, mà các vị công thần hiền tài qua các triều đại cũng đều là Thiên nhân hạ phàm, hiệp trợ quân vương khai sáng nền văn hóa. Trong số đó có Thương Hiệt – Thần tạo ra chữ viết, Cao Dao – pháp quan ba đời Nghiêu – Thuấn – Vũ, Y Doãn – hữu tướng nước Thương, Vi Tử – quân vương đầu tiên của nước Tống, Cơ Tử – đại thần nhà Thương, Tỷ Can – thiếu sư nhà Thương, Tán Nghi Sinh – khai quốc công thần nhà Tây Chu, Gia Cát Lượng – bậc quân sư “liệu sự như Thần” thời Tam quốc, Lỗ Túc – vị tướng lĩnh cuối thời Đông Hán, Tưởng Uyển – đại thần nhà Thục Hán thời Tam quốc, Dương Hỗ – nhà chính trị cuối thời Tam quốc, Tạ An – đại thần thời Đông Tấn, Quách Tử Nghi – danh tướng nhà Đường, Nhan Chân Khanh – quan thái thú nhà Đường, Lý Bí – quan viên nhà Đường, Lã Mông Chính – vị danh quan thời nhà Tống, Bao Chửng – vị danh quan nhà Tống, Hàn Kỳ – tể tướng triều Bắc Tống, Gia Luật Sở Tài – đại thần Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn, Lưu Cơ – quan viên nước Đông Ngô thời Tam quốc, Vu Khiêm – vị đại quan của nhà Minh, v.v. Bấy nhiêu chỉ là một phần trong danh sách dài những bậc tài đức, võ tướng, hiền thần, văn nhân qua các triều đại từ thời Hoàng Đế cho đến Minh triều.
Tiếng nhạc Thiều du dương thánh thót, điệu múa Tiên nga uyển chuyển phiêu bồng khiến cả Thiên cung rộn ràng trong bầu không khí vui tươi. Thư sinh lắng nghe thiên âm và thưởng thức nhạc vũ, từ trong đó cảm thụ được cảnh giới đạo đức cao thượng của Thánh nhân. Anh lặng lẽ cảm thụ, tâm hồn cũng được thăng hoa, công phu nhạc vũ thật là không thể nghĩ bàn! Các bậc đế vương muốn đạt tới tiêu chuẩn của tầng trời này đều phải có đạo hạnh cao thâm, nội tâm thuần khiết như vàng ròng, kết tinh nét độc đáo của hai chữ Thành, Minh. Nếu như đức hạnh có một chút tì vết thì cũng giống như vàng kia vẫn còn vương tạp chất, tầng thứ của họ do đó cũng sẽ bị giáng xuống.
Trên Thiên cung mây lành bay phấp phới, cảnh đẹp mờ ảo tựa bồng lai. Bên này là mặt trời đỏ ôm lấy núi, là ráng mây lóng lánh dát vàng, bên kia là tầng tầng mây trùng điệp nối lên nhau, là cầu vồng rực rỡ bắc qua bầu thiên không. Đại tiên cho biết: “Ở đây, ánh tà chiếu gọi là Khanh Vân, ánh sáng mặt trăng gọi là Nguyệt Hoa”.
Nguyệt Hoa nơi Thiên cung cũng vô cùng đặc biệt. Khi vầng trăng sáng nhô lên từ phía đông, ngước lên lại thấy một mặt trăng khác treo giữa bầu thiên không. Chàng thư sinh cảm thấy kỳ lạ, tự hỏi: “Vì sao có hai vầng trăng?”. Đại tiên bèn nói: “Tầng trời này có bốn mặt trăng xoay quanh, khi cái này khuyết thì cái kia tròn, khi cái này giáng thì cái kia thăng, do đó mỗi ngày đều có minh nguyệt. Cũng có lúc bốn trăng cùng tròn, đồng thời chiếu sáng, nhưng loại cảnh tượng này mỗi tháng không quá hai ngày, ánh quang hoa của nó sáng như ban ngày”.
Nói xong, ngài lại dẫn anh đến thăm một thắng cảnh cách xa hàng trăm dặm, đó là nơi chư Thiên và nhã khách cùng ngắm hoa thưởng nguyệt. Nơi ấy bốn mặt trăng cùng chiếu sáng, mây nhẹ bay ra từ hang núi rồi thăng lên thành ráng mây hoa lệ. Trên không trung thấp thoáng bốn mặt trăng, rực sáng đầy trời như gấm hoa cẩm tú, huy hoàng xán lạn, rực rỡ chói lòa. Đây chính là Nguyệt Hoa mà Đại tiên từng kể.
Bên lầu đài đình hạ có một dòng suối ngọt, Đại tiên cúi xuống múc một bầu nước trong vắt rồi bảo thư sinh uống thử. Thứ nước này ngọt thơm mát lành, là thứ nước thần kỳ không có ở thế gian. Từ đâu một trận gió lướt đến, tiên nhạc phiêu phiêu, chư Thiên và Tiên nữ cùng với các hoàng hậu hiền đức trong lịch sử xuất hiện trước mắt họ. Gió mát hây hẩy, ngọc bội lanh canh, chúng Tiên cùng nhau tiến vào nội điện ngắm trăng tròn.
Cũng tại đây, chàng thư sinh được gặp lại người vợ mà anh ngày đêm mong nhớ. Nàng vẫn mang giọng nói dịu dàng, gương nga thanh tú, nhưng thần thái lại tiêu diêu thoát tục, mỗi cử chỉ đều duyên dáng nhẹ nhàng. Nàng nói: “Chàng vẫn chưa hết duyên trần, may nhờ pháp lực của Đại tiên nên mới có thể đến đây ngoạn du Thiên cung. Sau khi trở về, chàng vẫn cần trải qua 11 năm nữa dưới trần, đợi đến mãn kỳ hạn sẽ có thể lại đến đây lần nữa”. Nói xong, nàng nhẹ nhàng bay đi.
Vị Đại tiên cho biết, Thiên nhân ở tầng trời này đã không còn cái tình của nam nữ. Họ đã có nghìn vạn năm đạo hạnh, đối đãi với nhau như bằng hữu. Nhưng cũng có những vị gặp nhau vừa mỉm cười, trong lòng liền động phàm tâm, lập tức bị giáng hạ xuống nhân gian. Ở trần thế họ phải liễu kết duyên xưa, làm vợ chồng vài năm hoặc vài tháng, sau đó mới có thể quay về.
Đó không phải là Thượng Đế hữu ý giáng phạt, mà là khi một vị Tiên động tâm phàm trần thì cảnh giới của họ đã không còn thuần khiết, nên cũng không phù hợp với tiêu chuẩn của tầng trời này nữa. Vì cảnh giới đã trượt xuống, họ cũng không cách nào cư trú nơi Thần giới, buộc phải hạ phàm tu luyện, trừ bỏ thứ vật chất bất thuần kia rồi mới có thể thăng lên trên. Từ đó có thể thấy rằng, tâm phàm hễ động liền sản sinh một loại vật chất nặng trĩu trầm xuống, loại vật chất nặng trĩu này khiến Thần Tiên từ các tầng trời bị kéo xuống nhân gian.
Trước khi về nhân gian, Đại tiên lại thu lấy nguyên thần của thư sinh vào trong tay áo rồi đưa anh trở lại Vương Ốc Sơn. Anh nhìn thấy trên mặt đất có một thân thể đang nằm, trông giống hệt như mình, liền tiến nhập vào thể xác ấy, nhục thân của anh lập tức tỉnh dậy, thản nhiên như mộng.
Sau đó chàng thư sinh lại đến Sơn Tây làm phụ tá. Trải qua 11 năm, quả nhiên anh không bệnh mà qua đời, cuối cùng ứng với lời dự ngôn của Thiên nữ.
(Tham khảo: “Dung am bút ký” của học giả Tiết Phúc Thành, đời Thanh)
Minh Hạnh
Theo Huệ Minh – Sound of Hope
Nguồn: NTD Việt Nam
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Cao Chi Thụ phỉ báng Phật bị triều đình xử tội trảm ngang lưng (2 câu chuyện)
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 8): Ban đầu truyền Pháp, độ 5 tỳ kheo [Radio]
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!