Khí phách của một người là khí chất, là những gì biểu hiện ra ngoài của nội tâm, là sức mạnh vô hình toát ra từ tố chất của người ấy. Nó đòi hỏi phải trải qua rèn luyện, tích lũy dần trong cuộc sống hàng ngày mà có được.
Đối với một người đàn ông mà nói, khí phách vô cùng quan trọng. Nó không chỉ thể hiện trí tuệ, mức độ tu dưỡng, cách đối nhân xử thế mà còn phân biệt họ với người khác. Một người đàn ông có thể gánh vác được gia đình, gây dựng được sự nghiệp lớn thì không thể là người khuyết thiếu khí phách.
Dưới đây là 6 đức tính thể hiện một người đàn ông có khí phách:
Nhẫn nhịn, điềm tĩnh
Muốn trở thành người có khí phách thì trước tiên phải có tâm nhẫn nhịn, giữ được sự điềm tĩnh và vững vàng trong tâm.
Trong cuộc sống, người có khí phách không dễ dàng tùy tiện để lộ cảm xúc của bản thân, cũng không bộc phát làm tổn thương người khác. Họ cũng không tùy tiện than phiền về khó khăn và cảnh ngộ của mình. Trước khi hỏi ý kiến người khác về một chuyện gì đó, trước tiên họ phải biết suy nghĩ thấu đáo.
Đặc biệt, người đàn ông có khí phách thường không phàn nàn hay cằn nhằn với người khác về sự bất mãn của mình ngay cả với bạn bè và người thân. Họ hiểu rằng một người đàn ông cần phải nhẫn được cả những điều mà người khác khó nhẫn, tiếp nhận được cả những điều người khác khó chấp nhận. Khi có chuyện quan trọng, liên quan đến lợi ích của nhiều người, họ luôn cố gắng bàn bạc với tập thể rồi mới đưa ra quyết định. Đây là những cách hành xử của một người có khí phách.
Thận trọng, tỉ mỉ
Một người đàn ông có khí phách còn cần phải có tính cách thận trọng, tỉ mỉ. Cổ nhân nói: “Không quên tiểu tiết mới thành được đại sự”. Rất nhiều khi việc đại sự không thành chỉ vì một chi tiết rất nhỏ.
Để tu dưỡng đức tính cẩn thận, thận trọng cần phải biết suy nghĩ về mối quan hệ nhân quả của những sự việc xảy ra xung quanh. Với những vấn đề bản thân không làm được, cần tìm ra nguyên nhân căn bản. Với phương pháp làm việc quen thuộc cần phải có sự cải tiến, làm việc gì cũng phải hình thành thói quen làm theo trình tự trước sau, lúc nào cũng phải bù đắp, sửa chữa những thiếu sót của bản thân mình.
Can đảm, dám chịu trách nhiệm
Một người đàn ông có khí phách phải là người can đảm, không dễ dàng từ bỏ việc mình đang làm. Khi tranh luận với người khác cần phải có ý kiến riêng của mình, làm bất cứ việc gì cũng phải chú tâm làm hết khả năng của mình, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Bậc quân tử khi gặp người tài đức sẽ cố gắng học hỏi để trở thành người như họ, không có gì phải sợ hãi, luôn duy trì nhân cách và lòng tự trọng của bản thân mình.
Khiêm nhường
Khí phách là một dạng khiêm nhường. Người có khí phách hơn người dù tài hoa nhưng vẫn khiêm nhường, nguyện ý ở thấp hơn người khác. Trái lại, những người ít học, khuyết thiếu tài năng thường hay khoe khoang, thể hiện bản thân.
Cổ nhân nói, trong ba người cùng đi ắt sẽ có người là thầy của ta, cho nên không nên xem thường người khác, nên nhìn người khác để thấy hạn chế mình, không sùng bái bất kỳ ai nhưng luôn học hỏi những điểm mạnh của người khác.
Khoan dung, đại lượng
Một người đàn ông được xem là có khí phách hơn người không thể là người hẹp hòi, có tấm lòng nhỏ mọn, mà phải là người có tấm lòng khoan dung, đại lượng. Người ấy không bao giờ vì sự đố kỵ hay lợi ích của bản thân mình mà biến bạn thành đối thủ của mình. Trái lại, họ có thể biến kẻ thù thành bạn.
Cổ nhân nói: “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có lỗi lầm. Cho nên, với những sai lầm nhỏ của người khác thì không nên truy cứu đến cùng, có thể bỏ qua được thì sớm bỏ qua, tâm thái mới nhẹ nhàng được. Không được có ý ngạo mạn và coi mình là trung tâm, là quan trọng nhất.
Chân thành, giữ chữ tín
Đối với bất kỳ ai, tấm lòng chân thành là rất quan trọng. Người đàn ông có khí phách hiểu được rằng những việc không làm được thì không tùy tiện hứa hẹn, tùy tiện nói suông, mà đã nói ra rồi thì phải nỗ lực làm đến cùng.
Thành thực là nguyên tắc cơ bản của làm người, cũng là cái gốc để có được sự tín nhiệm của người khác. Những người nói thao thao bất tuyệt mà không giữ lời, dẫu có thể lừa gạt người khác thậm chí nhất thời đắc ý, nhưng tuyệt đối chẳng thể bền lâu được, càng không thể nói đó là người có khí phách được.
Không phải một người ngay khi sinh ra đã có khí phách, nó đòi hỏi phải trải qua rèn luyện, tích lũy dần trong cuộc sống hàng ngày mà thành. Nó là một dạng nhận thức của con người trong việc đối nhân xử thế, bộc lộ tự nhiên, không phải “hóa trang” mà ra được. Cho nên, để có được khí phách là rất khó, nhưng nếu để tâm tu dưỡng, chúng ta nhất định sẽ có được sự thành công.
Theo An Hòa từ TRITHUCVN.ORG
- Xem thêm:
- Bất ngờ về nguyên mẫu Tôn Ngộ Không: Là Thần khỉ, yêu quái, hay con người?
- Trí tuệ của các viên quan thời xưa khiến người đời thán phục
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!